Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 2 tháng 2 năm 2019 | 7:56

Ngày xuân, trải nghiệm nương thảo quả ở Sin Suối Hồ

Mùa xuân, lên nương trải nghiệm cách thu hoạch thảo quả, cũng như hiểu hơn về cuộc sống của người dân vùng cao, là trải nghiệm thú vị của nhiều khách du lịch.

Chúng tôi được anh Vàng A Chỉnh - Trưởng bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu) dẫn lên nương thảo quả của gia đình, không những được trải nghiệm cách thu hoạch thảo quả, mà còn hiểu hơn về cuộc sống của người dân nơi đây.

 

thao-qua-331.jpg

 Vợ chồng anh Chinh đang thu hoạch thảo quả.

 

Đường lên nương thảo quả vắt ngược sườn núi, gồ ghề, khúc khuỷu, nhiều ngã rẽ. Là người sinh ra từ rừng, nên mọi lối mòn ở đây anh Chỉnh đều thuộc như lòng bàn tay. Mỗi khi đến địa điểm đẹp anh lại thông báo để khách chiêm ngưỡng, chụp ảnh lưu niệm.

 Suốt dọc đường đi, điều chúng tôi thắc mắc chủ yếu xoay quanh cây thảo quả. Anh Chỉnh giải thích: “Mùa thu hoạch thảo quả thường bắt đầu từ tháng 7 (âm lịch). Đầu vụ, thương lái Trung Quốc thu mua với giá cao, nên bà con hay cắt non bán.

 Tuy nhiên, ở Sin Suối Hồ từ 25/8 (âm lịch) trở đi người dân mới cắt. Công việc này kéo dài đến hết tháng 10, khi ấy thảo quả đã già, sấy không bị hao, lại không trùng với thu hoạch lúa mùa, bà con có thể yên tâm thu hái”.

 Qua lời kể của anh Chỉnh chúng tôi biết thêm về sự sống đến từ dưới tán rừng, trong đó có những hạt thảo quả bé xíu, gieo qua một năm đã cao bằng cây mạ. Dưới bóng rừng già, thảo quả lan rộng, vươn ngọn, xòe lá thành cụm, khóm. Đến năm thứ sáu, thảo quả ra hoa kết trái.

Hoa thảo quả nảy dưới gốc cây, kín đáo, lại được che khuất bởi lớp mùn dày, do đó, ai không gắn bó với cây thảo quả sẽ khó nhận ra chùm thảo quả mọc từ gốc nào.

Trên đường đi, chúng tôi gặp nhiều gia đình đang sấy thảo quả, và những người dân gùi thảo quả đã sấy khô về nhà. Được biết, mỗi tải thảo quả khô từ 30 - 35kg.

 Năm nay, nương thảo quả được mùa sau nhiều năm thất thu nên bà con vui lắm! Nhiều gia đình thu hàng trăm bao thảo quả tươi, nhất là hộ anh Chỉnh, phải nhờ bà con dân bản hỗ trợ. Đến kỳ thu thảo quả bà con rất bận rộn, ăn ngủ trên lán cả tuần mới về.

 Lần đầu tiên được chứng kiến những chùm thảo quả dưới gốc cây, đỏ chót như lửa, chúng tôi không khỏi trầm trồ ngạc nhiên. Những trái thảo quả bện vào nhau chặt chẽ, chắc nịch.

 Anh Chỉnh giải thích, thảo quả là cây thảo mộc có hương thơm, vị cay, nóng, dùng trong ẩm thực và làm thuốc trong y học cổ truyền. Được trực tiếp thu hái những chùm thảo quả chín mọng, đỏ ửng chúng tôi không giấu nổi niềm thích thú, lạ lẫm.

Thu hoạch đến đâu, anh Chỉnh phát cây sơ sơ đến đó, để dễ nhận biết, không bị nhầm lẫn mất công đi lại. Từng chùm thảo quả được anh cho vào gùi đầy ắp.

Bữa trưa trên rừng được nấu nhanh chóng. Đó là cơm tẻ râu, với món rau cải nương, gieo vãi quen thuộc của đồng bào Mông, do chị Sùng Thị Ké (vợ anh Chỉnh) chuẩn bị.

Chị còn bày sẵn nước chấm pha chế từ muối trắng, ớt và trái thảo quả tươi giã nát, để chúng tôi thưởng thức. Tuy không phải lần đầu được ăn rau cải nương, nhưng quả đúng là có thêm vị cay, ấm nóng của thảo quả tươi đã mang đến hương vị đặc trưng, khác biệt, khó có thể quên.

Lò sấy của anh Chỉnh được xây dựng trong lán. Mỗi lần sấy được 30 bao thảo quả tươi, thu về 6 bao khô. Anh Chỉnh nhấn mạnh: “Khi sấy, không để lửa mạnh quá, vì quả nổ dễ cháy. Công đoạn sấy cũng khá vất vả, phải có người canh 24/24 giờ, để luôn đảm bảo nhiệt độ vừa phải”.

Mỗi mẻ thảo quả sấy 2 đêm mới xong. Qua bàn tay thoăn thoắt của anh Chỉnh, tôi thấy thảo quả chuyển từ màu đỏ sang đen. Mùi thơm bốc theo làn khói xám lan tỏa, khiến nương rẫy tràn ngập hương thơm.

Từ kinh nghiệm của anh Chỉnh, thảo quả khô có thể để 4 - 5 năm, nếu bảo quản tốt, không lo hỏng. Đặc biệt, thảo quả sấy sau một thời gian lại tăng cân, chứ không hao như một số sản phẩm khác. Nếu vì giá thấp, bà con chưa bán thì cũng không thiệt thòi.

Bắc Kạn: Triển vọng lớn từ những vườn nghệ

Từ chỗ chỉ sản xuất phục vụ nhu cầu hàng ngày, những năm gần đây, cây nghệ trở thành nguyên liệu hàng hóa, xuất khẩu. Với thị trường rộng mở, quy mô khắp thế giới, đây sẽ là cơ hội lớn cho cả doanh nghiệp và người dân Bắc Kạn.

nghe-66.jpg

 Người dân mở rộng diện tích nghệ organic

 

Anh Hà Văn Cường Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn, cho biết, 5 năm trước, anh và một vài người bạn đã trồng nghệ ở xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông.

Năm 2016, Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn được thành lập và tung ra các sản phẩm từ nghệ như: Tinh bột nghệ, nghệ sấy khô, curcumin nghệ... có sức tiêu thụ rộng rãi trên toàn quốc.

Hiếm có cây trồng nào dễ thích nghi với các vùng miền, địa hình như cây nghệ. Chỉ cần một nhánh nghệ vô tình hay hữu ý xuất hiện nơi vườn nhà, năm sau, đã có 1 - 2kg củ nghệ.

Hiện, nhu cầu về củ nghệ, các sản phẩm từ nghệ, đang được thị trường săn đón, bởi công dụng tuyệt vời của nó. Người ta còn mách nhau dùng nghệ để làm đẹp, và là một loại thuốc quý ngừa và chữa bệnh.

Đại diện Công ty TNHH nhà máy Curcumin Bắc Hà (TP. Bắc Kạn), bà Nguyễn Thị Lê- Phó Giám đốc, chia sẻ: “Nhận thấy giá trị cao từ cây nghệ nếp vàng của Bắc Kạn, chúng tôi đã nghiên cứu, sản xuất ra dòng sản phẩm Vi-Cumax nano curcumin có độ tinh khiết lên tới 95%.

 Đây là thành công lớn, tạo ra chuỗi giá trị cao, Vi-cumax Nano curcumin là sản phẩm duy nhất nhà máy tập trung quảng bá, và là sản phẩm chiến lược của Công ty trong 3 năm tới”.

 Đây cũng là sản phẩm nổi bật nhất của Bắc Kạn. Hoạt chất Curcumin được chiết xuất từ nghệ (chiếm 0,3%), có khả năng chống lại nhiều loại bệnh.

Các sản phẩm như: Vi-Cumax Nano curcumin của Công ty Bắc Hà; Trịnh năng Curcumin, Công ty TNHH Nhiệt Công nghiệp HTL; Tinh bột nghệ Bắc Kạn, Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn… đều là những sản phẩm có thương hiệu, đã được xếp hạng OCOP cấp tỉnh, điểm cao nhất là 4 sao.

 Được biết, năm 2015, giá nghệ tươi Bắc Kạn chỉ 3.000 đồng/kg, năm 2016, 2017 đã tăng 10.000 đồng/kg, là cơ hội lớn cho người trồng nghệ Bắc Kạn.

 Không như nhiều địa phươg khác, phát triển ồ ạt cơ sở sản xuất tinh bột nghệ thủ công. Sản phẩm tinh bột nghệ, curcumin nghệ của Bắc Kạn được sản xuất từ các nhà máy có uy tín. Đầu tư theo chiều sâu, và liên kết giữa người trồng và người sản xuất.

 Sản phẩm bắt đầu vươn tới những thị trường xa hơn như Ấn Độ, các nước Trung Đông... mở ra cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp mà cả người dân.

 Tổ HTX Đôn Phong, có 15 thành viên, đang trồng 13ha nghệ hữu cơ Organic, sản phẩm đã được Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn ký hợp đồng bao tiêu. Những năm tới, các hộ thành viên sẽ tiếp tục mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập.

 Pác Nặm là vùng có thể tận dụng đồi núi để trồng nghệ. Đối với người dân các xã Cổ Linh, Cao Tân, cây nghệ được ví như “mỏ vàng”  chờ khai phá.

 Năm 2018, Bắc Kạn có 118ha nghệ, bình quân 250 tạ/ha, sản lượng đạt 2.950 tấn. Diện tích hữu cơ Organic là 33ha, tập trung tại các xã Đôn Phong, Cổ Linh, Cao Tân. Đây là vùng nguyên liệu nghệ khép kín duy nhất được EU cấp chứng nhận sinh thái tại Việt Nam.

 Thành công từ những vườn  dâu tằm ở Vàng Cài

Thực hiện Đề án Trồng dâu nuôi tằm giai đoạn 2018 - 2020 của huyện Văn Chấn (Yên Bái), Thị trấn Nông trường Liên Sơn triển khai mô hình trồng dâu, nuôi tằm trên đất soi bãi Vàng Cài, đem lại nguồn lợi nhuận gấp chục lần so trồng ngô.

dau-8989.jpg

 Người dân  cải tạo đất, chuẩn bị  lứa tằm mới 

 Vàng Cài là đất soi bãi rộng 25 ha, được bà con trồng ngô chuyên canh 2 vụ/năm, thời gian còn lại bỏ không. Nhận thấy cần chuyển đổi cây trồng để tăng thu nhập cho người dân, mặc dù Thị trấn không nằm trong vùng trồng dâu tập trung của huyện, song, đã năng động đăng ký thực hiện 2 ha. 

 Ông Phùng Mạnh Tiến - Chủ tịch UBND Thị trấn Nông trường Liên Sơn cho biết: những ngày đầu đi vận động rất khó, bởi họ nghĩ đây là nghề vất vả, đất sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Song, trên hết là sợ thay đổi, không dám trải nghiệm cái mới. 

 Bởi vậy, không ai tham gia, mặc dù sự hỗ trợ khá nhiều. Lại có người cho rằng, cần có người làm trước, nếu thành công sẽ làm theo, không cần hỗ trợ. Sau cùng, UBND Thị trấn đã vận động người thân, anh em  cùng làm, và có 2 hộ tham gia. 

 Những hộ đăng ký, được tập huấn, tham quan mô hình ở huyện Trấn Yên, huyện Văn Chấn, xã Chấn Thịnh, được hỗ trợ 100% dâu giống, một phần xây dựng nhà tằm (20 triệu đồng/nhà), tằm giống lứa đầu tiên và  2 năm tiền thuế thuê đất, khoảng 7 triệu đồng/năm/ha. 

 Sau khi được vận động, anh Phùng Văn Toàn đã bỏ công việc riêng, để chuyên tâm trồng dâu, với diện tích 1,5 ha. Sau hơn 3 tháng, cây dâu đã cao 1 - 1,2 m, Vì vậy, dù đã vào mùa rét, cuối tháng 10, anh vẫn mạo hiểm nuôi thử 6 nong tằm tuổi 4. 

 Anh chia sẻ: "Sau hơn 10 ngày nuôi, mặc dù còn bỡ ngỡ, lóng ngóng, song, 6 nong tằm thu 65 kg kén, tương đương 600.000 đồng bỏ ra, và thu về 8 triệu đồng. Tôi không nghĩ , trồng dâu nuôi tằm lại hiệu quả đến vậy, gấp chục lần trồng ngô

 Bà Trần Thị Chiên cũng tham gia mô hình với diện tích 0,5 ha, nhưng vẫn  lo ngại, mặc dù đã xây dựng nhà tằm nhưng vẫn chưa nuôi thử. 

 Bà nói: "Thấy mô hình chú Toàn thành công, tôi tiếc vì đã không kiên quyết. Hiện, tôi đang đốn dâu cũ, bón phân, xới cỏ cho dâu phát triển nhanh, để nuôi thử lứa tằm đầu tiên”.

 Trải nghiệm nương thảo quả và đời sống của bà con Sin Suối Hồ; triển vọng lớn từ những vườn nghệ organic; thành công từ trồng dâu nuôi tằm, là tin tuần qua tại nhiều địa phương.

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

Top