Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 19 tháng 1 năm 2019 | 9:44

Nghệ An: “Bắt” vườn ổi cho quả quanh năm

Hiện, bình quân mỗi ha ổi cho thu nhập 50 – 70 triệu đồng, song, cũng diện tích ấy, thu gần 200 triệu đồng như ở Nghệ An, thì chưa hẳn ai cũng làm được.

Vườn ổi gia đình anh Lê Hoàng Điệp, xóm Tân Thành, xã Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn) có 700 gốc, được trồng cách đây  4 năm. Để ổi cho thu nhập cao, bí quyết của anh Điệp là “bắt” vườn ổi ra quả quanh năm, và trồng xen các cây ngắn ngày có giá trị khác.

oi-8989-n-an.jpg

 Vườn ổi của anh Lê Hoàng Điệp cho quả quanh năm. Ảnh: Đinh Thùy

 

Theo chia sẻ của anh Điệp, ổi là cây trồng cần nhiều thời gian chăm sóc, ngoài công bọc quả, tỉa nhánh, còn phải làm cỏ, tưới nước. Ổi có hai mùa là tháng 6, 7 và cuối năm. Ổi tháng 6, 7 là vụ chính, nhưng do nắng và mưa nhiều nên không ngon, đây cũng là thời điểm giá ổi rẻ nhất.  

Vì vậy, để hãm ổi ra quả vào dịp này, và vườn ổi có quả quanh năm, thì không phải người trồng ổi nào cũng làm được. Anh Điệp cho biết: "Muốn ổi ra hoa, quả quanh năm, mình phải làm cho cây ổi bị "đau", nghĩa là phải tỉa cành.

Nhờ thường xuyên tỉa cành và chăm sóc tốt nên cây ổi mùa nào cũng có quả bán. Do vườn ổi cho quả quanh năm, nên mỗi năm thu nhập từ ổi đem lại cho gia đình 90 - 100 triệu đồng".

Vườn ổi của anh Lê Hoàng Điệp đã 4 tuổi, nhưng cây rất thấp, vừa tầm với của người hái, anh Điệp giải thích: Để phòng sâu bệnh, khi ra quả khoảng 1 tháng phải bọc bằng bao xốp và vải. Để thuận tiện trong việc bọc quả, cũng phải thường xuyên bấm ngọn, để ổi không vươn cao, khó khăn trong việc bọc ổi.

Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các cây ổi thưa, nên nếu không trồng xen thì  lại phải mất công làm cỏ. Vì vậy, đầu năm anh Điệp trồng xen đậu, 3 tháng thu hoạch xong là trồng sả. Thu nhập từ đậu được 40 triệu đồng, chuẩn bị thu hoạch sả, khoảng 50 triệu đồng nữa.

Nhờ trồng xen đậu, sả nên hạn chế được cỏ, nếu như ngày trước, vài tháng phải cuốc cỏ một lần thì nay hầu như không phải làm cỏ cho ổi nữa. Bên cạnh đó, sả giúp giữ độ ẩm, nên vào mùa hè cũng đỡ công tưới cho ổi, mặt khác, nhờ trồng sả cây ổi cũng đỡ sâu bệnh hơn.

Anh Điệp cũng cho biết thêm: "Nếu trồng xen nghệ thì thu hoạch muộn,  giá nghệ lại bấp bênh. Tôi chọn cây sả, vì đầu ra thuận lợi hơn nhiều, mỗi kg sả giao động từ 4 - 8.000 đồng/kg.

 Ông Phan Trung Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hiếu cho biết thêm: Hiện, ở Nghĩa Hiếu, xu hướng trồng ổi nhiều hơn, vì cây cam đã già, nhiều sâu bệnh, giá cả bấp bênh. Để nâng cao giá trị kinh tế, nông dân thường trồng xen các cây ngắn ngày.

Vườn ổi của gia đình anh Điệp thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, do đã khai thác tối đa khả năng cho quả, cũng như xen các cây trồng có giá trị khác. 

 Quảng Trị: Xây dựng nhãn hiệu cho chuối mật mốc

Với lợi thế về đất đỏ ba dan và tiểu vùng khí hậu thích hợp, chuối mật mốc đã trở thành cây  chủ lực của huyện Hướng Hóa. Đem lại nguồn thu nhập chính cho hàng ngàn hộ dân ở các xã vùng Lìa.

chuoi-399-qtri.jpg

Tiêu thụ chuối ở chợ Tân Long, Hướng Hóa​

 

Theo đó, vùng Lìa Hướng Hóa có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên chuối mật mốc phát triển tốt, trái căng tròn, vỏ mịn, sum suê. Những năm giá chuối tăng mạnh, người dân còn sang Lào thuê đất sản xuất và chở về Việt Nam tiêu thụ, nên nguồn chuối ở Hướng Hóa cung cấp  ra thị trường khá dồi dào.

Hiện, điều đáng quan tâm là cây chuối Hướng Hóa đã được canh tác hữu cơ nên tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng tốt. Nhằm tạo chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, năm 2017, Hội Nông dân huyện đã đăng ký nhãn hiệu tập thể cho quả chuối Hướng Hóa.

Tính đến cuối 2018, đã trồng được 3.800 ha chuối, sản lượng chuối quả tươi 56.000 tấn. Hiện, giá chuối tươi ở Hướng Hóa đang ở mức 6.000 đồng/kg, người trồng chuối đã có lãi.

Với hơn 2 ha đất đỏ ba dan, anh Hồ Văn On, bản 1, xã Thuận, gắn bó hơn 10 năm nay với nghề trồng chuối mật mốc. Bình quân mỗi năm trừ chi phí, anh thu khoảng 150 triệu đồng, không riêng anh, hàng ngàn hộ dân ở các xã vùng Lìa giàu lên nhờ chuối.

 Vậy nên, khi biết chuối mật mốc Hướng Hóa đã được cấp nhãn hiệu tập thể thì người dân ở đây rất vui, vì  giá trị cũng như chất lượng chuối đang được nâng lên. Người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng hơn vì chuối Hướng Hoá đã có nguồn gốc xuất xứ.

 Chủ tịch UBND xã Tân Long Trương Đình Tùng cho biết: “Người dân ở đây rất vui khi chuối Hướng Hóa đã được cấp nhãn hiệu tập thể và được bảo hộ trên toàn quốc. Đây là cơ hội để chuối Hướng Hóa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

 Sản phẩm dễ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, vì đã chứng minh đầy đủ nguồn gốc xuất xứ. Sắp tới, xã sẽ thành lập HTX sản xuất chuối để liên kết chuỗi và dán nhãn mác để tiêu thụ thuận lợi hơn. Các ngành chuyên môn cũng hỗ trợ để xây dựng mô hình chuối khoảng 10 ha ở vùng Xi Núc.”

 Theo đó, các thành viên được sử dụng nhãn hiệu tập thể là Hội Nông dân các xã, thị trấn: Lao Bảo, Tân Thành, Tân Long, Tân Lập, Thuận, Thanh và Hướng Lộc. Người dân có thể tự in nhãn mác hoặc thông qua Hội Nông dân xã, HTX trên địa bàn để cùng in nhằm tiết kiệm chi phí.

Chủ tịch Hội Nông dân Hướng Hóa, ông Hồ Văn Toàn, cho biết: “Việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho chuối Hướng Hóa sẽ mở ra nhiều thuận lợi cho sản phẩm tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Nông dân trồng chuối được lợi nhiều từ thương hiệu này.

Hiện, Hội Nông dân huyện đang xúc tiến các bước tiếp theo để sớm đưa nhãn hiệu vào khai thác nhằm gia tăng giá trị sản xuất, và đảm bảo phát triển bền vững cho cây chuối”.

Hậu Giang: Trồng đu đủ Thái cho thu nhập cao

Hiện, ở Thị xã Long Mỹ, giá đu đủ Thái được thương lái mua tại vườn với giá 5.000 đồng/kg. Anh Trần Văn Mến, khu vực Bình Thạnh B, phường Bình Thạnh, trồng 6 công đu đủ Thái (trái tròn), thu hoạch lần đầu 6,5 tấn, cho thu nhập hơn 30 triệu đồng.

 

u-đu-666661.jpg

 Trồng đu đủ Thái giúp anh Mến cho thu nhập ổn định.

 

Anh Mến cho biết, vườn đu đủ của gia đình anh đã trồng được hơn 7 tháng, và bắt đầu cho thu hoạch, chi phí đầu tư 12 triệu đồng.

Chỉ trong lần bán trái đầu tiên, anh đã thu được vốn và lời hơn 20 triệu đồng. Đây là loại cây dễ tính, ít sâu bệnh, nên không tốn nhiều công chăm sóc, thời gian cho trái kéo dài hơn 1 năm.

Theo dự đoán của anh Mến, gần Tết Nguyên Đán 2019 giá đu đủ sẽ tăng, do nhu cầu thị trường. Lúc đó, vườn đu đủ của anh dự kiến sẽ cho thu hoạch khoảng 2 tấn trái.

Cam Sành Vị Xuyên vào chính vụ

Những ngày áp Tết 2019, có mặt trong những vườn cam chín mọng tại các xã Trung Thành, Việt Lâm, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), thưởng thức những quả cam ngon, ngọt đậm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mới cảm nhận hết niềm vui được mùa của người trồng cam nơi đây.

 

cam-sanh-89991.JPG

 Giới thiệu vườn cam sành VietGAP ở huyện Vị Xuyên 

Hiện, Vị Xuyên có gần 600 ha cam Sành; năng suất bình quân đạt từ 8 – 10 tấn/ha; trồng tập trung ở các xã: Trung Thành, Việt Lâm, Quảng Ngần và đang được mở rộng ra các xã: Bạch Ngọc, Ngọc Linh, Linh Hồ và thị trấn Vị Xuyên.

 Trong đó, trên 80 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với năng suất trên 15 tấn/ha. Niên vụ 2018 – 2019, sản lượng cam Sành toàn huyện ước đạt trên 1.000 tấn.

Cam sành Vị Xuyên được người tiêu dùng đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng, song, thị trường tiêu thụ chưa ổn định; chưa có liên kết chuỗi bền vững. Mặt khác, diện tích dù đã được quy hoạch nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ; việc tiếp cận các nguồn chính sách ưu đãi đầu tư sản xuất cam còn ít

 Bí thư Huyện ủy Vi Hữu Cầu cho biết: “Để đẩy mạnh phát triển bền vững cam Sành, huyện chỉ đạo các địa phương sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; lấy chất lượng làm tiêu chí để bảo vệ và phát triển thương hiệu cam Sành Vị Xuyên.

Mặt khác, tiếp tục quy hoạch vùng trồng cam tập trung để sản xuất hàng hóa; áp dụng KHKT, đẩy mạnh thâm canh để nâng cao năng suất; hỗ trợ liên kết thị trường và quảng bá, xúc tiến thương mại.

 Triển khai dán tem chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc; tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phát triển và bảo vệ thương hiệu cam sành Hà Giang”.

Bắt vườn ổi cho thu nhập quanh năm; xây dựng thương hiệu cho chuối mật mốc, cam sành; trồng đu đủ Thái Lan cho thu nhập cao, là tin nổi bật tuần qua tại nhiều địa phương.

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top