Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 4 năm 2016 | 8:0

Nghi án dùng tiền ngân hàng cho vay nặng lãi

Cho vay với lãi suất “cắt cổ”, thuê công ty thu nợ nhằm đe dọa, hành hung người vay, dùng tiền vay từ ngân hàng với mục đích mua bán nông sản để cho vay nặng lãi…, đó là những điều người dân huyện Tánh Linh (Bình Thuận) phản ánh về bà Trần Thị Tuyên.

Bà Tuyên (người đội mũ trắng) trùm khăn kín mặt tại nhà ông Lê Quảng.

Trùm cho vay nặng lãi

Theo đơn phản ánh của nhiều người dân tại huyện Tánh Linh, vợ chồng ông Phạm Mười và bà Trần Thị Tuyên hiện cho nhiều người dân trong khu vực vay tiền với lãi suất cao. Cụ thể, năm 2013, vợ chồng bà Tuyên cho vợ chồng ông Lê Quảng vay 1,7 tỷ đồng với lãi suất 3%/tháng (tương đương 36%/năm, gấp 5,1 lần mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng ở thời điểm hiện tại) để kinh doanh. Việc kinh doanh không thuận lợi, vợ chồng ông Quảng mới trả được 1,1 tỷ đồng cho bà Tuyên, nhưng số tiền này bà Tuyên chỉ tính lãi chứ chưa tính gốc. Do đó, số tiền hiện tại gia đình ông Quảng còn nợ bà Tuyên vẫn là 1,7 tỷ đồng.

Hay trường hợp của ông Phan Khắc Út, do cần tiền làm ăn, ông Út có vay của bà Tuyên 500 triệu đồng (lãi suất 3%/tháng). Việc làm ăn không thuận lợi cộng với lãi suất cao, ông Út chỉ có thể trả lãi, không có khả năng trả nợ gốc. Liên tục bị bà Tuyên đòi tiền và bị một nhóm người liên tục hù dọa, hành hung vợ con, quá sợ hãi, ông Út đã uống thuốc sâu tự tử tại khu vực rẫy gần nhà vào đầu năm 2016.

Căn biệt thự vợ chồng bà Tuyên ông Mười mới xây dựng.

Quá bức xúc trước thủ đoạn cho vay nặng lãi của vợ chồng bà Tuyên, ông Quảng đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng, trong đó có Viện KSND tỉnh Bình Thuận. Sau khi nhận được đơn ngày 24/3/2016, Viện KSND tỉnh Bình Thuận đã chuyển hồ sơ vụ việc tới Viện KSND huyện Tánh Linh giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trong đơn, ông Quảng cho biết, để dồn các con nợ vào chân tường, bà Tuyên thuê một nhóm người mang danh nghĩa Công ty thu hồi nợ Hoàng Vương, địa chỉ số 368/6, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, tại địa chỉ trên hiện chỉ có quán cafe Ny Ny đang hoạt động, thực chất Công ty thu hồi nợ Hoàng Vương chỉ treo bảng hiệu tại địa chỉ trên. Việc thành lập công ty chỉ nhằm hợp thức hóa về mặt pháp luật cho nhóm người này hoạt động.

Ông Quảng cho hay, mấy tháng nay, gia đình ông phải sống trong tình trạng “ngó trước dòm sau”, vì thường xuyên bị một nhóm xã hội đen đe dọa.

Theo chị N.T.H., 46 tuổi, trú tại xã Huy Khiêm (huyện Tánh Linh), vợ chồng bà Tuyên được biết đến là người giàu có ở địa phương và đã cho nhiều người vay tiền với lãi suất cao hơn ngân hàng nhiều lần. Để dễ dàng đòi nợ, bà Tuyên thuê một nhóm người rất hung hăng, dữ tợn. Nhóm người này thường xuyên đe dọa các con nợ, mỗi lần họ xuất hiện, người dân nơm nớp lo sợ.

Phòng giao dịch Agribank Bắc Ruộng, nơi ông Phạm Mười làm quản lý .

Dùng tiền vay ngân hàng để cho vay nặng lãi?

Trao đổi với phóng viên, ông Thái Văn Tiến, Trưởng công an xã Huy Khiêm (huyện Tánh Linh), cho biết: “Đây là lần đầu tiên địa phương gặp phải trường hợp có một công ty được ủy quyền để thu hồi nợ của người dân trên địa bàn. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhiều lần vận động nhóm người trên có thu hồi nợ cũng phải dựa trên cơ sở của pháp luật, nếu có tranh chấp thì đưa ra tòa án xử lý. Nhận thấy sự việc ngoài tầm kiểm soát, chúng tôi đã tham mưu cho Công an huyện Tánh Linh phối hợp nắm tình hình và có hướng xử lý thích hợp”.

Lực lượng công an xã xuống hiện trường lập biên bản.

Theo phản ánh của nhiều người dân, nguồn gốc số tiền mà vợ chồng bà Tuyên cho vay nặng lãi rất có thể là tiền vay từ Agribank Chi nhánh huyện Tánh Linh - nơi chồng bà Tuyên là ông Phạm Mười đang công tác. Ông Mười hiện là Phó giám đốc Agribank Chi nhánh Tánh Linh và đang vay 2 tỷ đồng tại ngân hàng này với lãi suất 7%/năm (khoảng 0,58%/tháng) với mục đích kinh doanh hàng nông sản. Nhưng thực chất, vợ chồng ông Mười - bà Tuyên lại dùng số tiền này cho vay nặng lãi với lãi suất 3%/tháng để hưởng chênh lệch?

Căn nhà  vợ chồng bà Tuyên ông Mười cho Nha khoa Hoàn Mỹ thuê.

Liên quan đến vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Điều 19 Quyết định số 1627/2001/QĐ - NHNN ngày 31/12/2001 của Ngân hàng Nhà nước về việc Ban hành Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng quy định cụ thể như sau:

1. Tổ chức tín dụng không được cho vay đối với khách hàng trong các trường hợp sau đây:

a) Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của tổ chức tín dụng;

b) Cán bộ, nhân viên của chính tổ chức tín dụng đó thực hiện nhiệm vụ thẩm định, quyết định cho vay;

c) Bố, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó tổng giám đốc (Phó giám đốc).

2. Các quy định tại Khoản 1 Điều này không áp dụng đối với các tổ chức tín dụng hợp tác.

3. Việc áp dụng quy định tại điểm c, khoản 1, điều này đối với người vay là bố, mẹ, vợ, chồng, con của Giám đốc, Phó giám đốc chi nhánh của tổ chức tín dụng do tổ chức tín dụng xem xét quyết định.

Như vậy, theo quy định trên, việc ông Mười ký hợp đồng tín dụng vay hơn 2 tỷ đồng với mục đích kinh doanh hàng nông sản (theo tìm hiểu của phóng viên, gia đình ông Mười không hề kinh doanh các mặt hàng nông sản) là hoàn toàn trái với Quyết định số 1627/2001/QĐ - NHNN của Ngân hàng nhà nước.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Nhóm phóng viên

 
Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top