Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 4 tháng 9 năm 2018 | 22:42

Nghịch lý tại Trung tâm Y tế TP. Phủ Lý: “Cam làm, quýt hưởng?”

Trước ngày 1/1/2017, Trung tâm Y tế TP. Phủ Lý (Hà Nam) chưa có chức năng khám - chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

Tuy nhiên, khi có tiền của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam chuyển trả cho 09 trạm y tế xã, phường về công khám - chữa bệnh BHYT, Trung tâm lại giữ lại phần lớn. Việc làm này của Trung tâm Y tế TP. Phủ Lý khiến các trạm y tế bức xúc, có trạm mang tiền trả lại.

 Trụ sở Trung tâm Y tế TP Phủ Lý.

 

“Cam làm, quýt hưởng?”
 
Sau khi Báo Kinh tế nông thôn có loạt bài phản ánh về những khuất tất trong điều hành khám - chữa bệnh BHYT ở TP. Phủ Lý, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam đã chuyển trả tiền công khám - chữa bệnh BHYT cho 09 trạm y tế xã, phường qua Trung tâm Y tế TP. Phủ Lý (từ năm 2016).
 
Thật khó hiểu, ở thời điểm đó, không có chức năng khám - chữa bệnh BHYT nhưng khi nhận được khoản tiền mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh chi trả, Trung tâm lại giữ phần lớn mà chỉ chi trả cho các trạm trạm y tế phần rất nhỏ. Việc này khiến cho các trạm y tế bức xúc, bởi theo quy định của Bộ Y tế, trong trường hợp này, đơn vị chủ quản (đơn vị ký kết với các trạm y tế) chỉ được phép giữ lại 35% gọi là tiền giám sát chỉ đạo và mua các vật tư y tế cần thiết… (nhưng trong trường hợp này, nếu có được hưởng 35% thì phải là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam chứ không phải là Trung tâm Y tế TP. Phủ Lý. Vì khi đó, Trung tâm chưa có chức năng khám - chữa bệnh BHYT).
 
Xin thôi khám - chữa bệnh BHYT
 
Từ ngày 1/1/2017, Trung tâm Y tế TP. Phủ Lý có thêm chức năng khám - chữa bệnh BHYT, giúp "giảm tải" cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam và thuận lợi cho người dân khi đi khám - chữa bệnh. Việc đó góp phần không nhỏ cho việc tuyên truyền đến người dân tham gia BHYT theo lộ trình của Đảng và Nhà nước đề ra.

 Tờ trình xin thôi khám - chữa bệnh BHYT gửi cơ quan chức năng và kế hoạch chi trả tiền BHYT cho các trạm Y tế xã, phường...

 

Chủ trương là vậy, nhưng khi nhận nhiệm vụ làm Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế TP. Phủ Lý trong thời gian ngắn (từ 01/4/2018 đến 24/4/2018), tân lãnh đạo Trung tâm đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng xin thôi khám - chữa bệnh BHYT, khiến dư luận hoài nghi về năng lực chuyên môn và quản lý của vị lãnh đạo phụ trách này.
 
Nghỉ hưu 5 tháng vẫn chưa thể bàn giao
 
Điều kiến dư luận đặc biệt quan tâm là, từ ngày 1/4/2018, thời điểm ông Phạm Đức Ngọc, Giám đốc Trung tâm Y tế nghỉ hưu, đến nay, đơn vị này chưa thể bàn giao về tài chính, cơ sở vật chất trang thiết bị… cho tân lãnh đạo mới. Vì sao một cơ quan, tổ chức nhà nước mà sau khi nghỉ hưu 5 tháng chưa thể bàn giao được? Có gì khuất tất ở cơ quan này, trách nhiệm thuộc về ai (!?)
 
Để hiểu rõ hơn về sự việc trên, phóng viên đã liên hệ làm việc với ông Cao Đình Thắng, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế TP. Phủ Lý. Mặc dù đã đặt lịch, nhưng khi phóng viên đến làm việc, ông Thắng không tiếp mà chỉ nói: Việc này anh muốn biết thì lên gặp Thanh tra Sở Y tế mà hỏi. Tôi không biết!
 
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Kim, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nam, cho biết: Anh Thắng trả lời như vậy là không đúng với chức năng, nhiệm vụ được cấp trên giao, như thế là thoái thác trách nhiệm. Việc nào khó, không làm được, làm chưa xong lại đổ thừa cho cấp trên trả lời là không được...
 
Ông Kim còn cho biết thêm, việc này tôi sẽ trao đổi với anh Thắng và báo cáo lãnh đạo Sở xin ý kiến.
 
Những sự việc trên, liệu có gì khuất tất? Vì sao lại có chuyện “người làm, người hưởng”? Cách giải quyết của các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam thế nào?
 
Trong quá trình tìm hiểu, phóng viên được bạn đọc phản ánh: Cơ số thuốc phòng chống lụt bão cấp cho các trạm y tế xã, phường trên địa bàn TP. Phủ Lý vừa thiếu, vừa hết hạn sử dụng. 
 
Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.
 
 
 
 
 
 
 
Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
Top