Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 17 tháng 2 năm 2019 | 9:18

Người dân Tu Mơ Rông đổi đời từ những vườn sâm quý

Nổi tiếng là địa phương có nhiều loại sâm quý, người dân Tu Mơ Rông đang mở rộng diện tích trồng sâm, không những thoát nghèo mà còn làm giàu.

Tu Mơ Rông (Kon Tum) là “thủ phủ” của dược liệu, nổi tiếng với nhiều loại dược liệu quý như sâm dây, sâm Ngọc Linh… Sống trên “đất thuốc”, người dân Tu Mơ Rông đang tận dụng lợi thế đó để thoát nghèo.

Khoảng 10 năm trước, người dân Tu Mơ Rông chưa biết nhiều về sâm Ngọc Linh nên chưa mặn mà trong việc phát triển. Vài năm trở lại đây, sâm Ngọc Linh “có giá”, người Tu Mơ Rông thi đua trồng sâm.

sam-333.jpg

Người dân Tu Mơ Rông rủ nhau trồng sâm. Ảnh: H.N                                                                                  

Tuy nhiên, giá sâm Ngọc Linh giống khá cao, giải pháp được chính quyền huyện đặt ra là đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của sâm Ngọc Linh và các loại thảo dược khác để thay đổi nhận thức của người dân.

Điều đáng mừng là, nhận thức người dân thay đổi, biết được lợi ích của trồng sâm, không ít hộ đã bán trâu, bò để mua giống hoặc mua hạt tự ươm…

Ông A Hơn, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, huyện có 6 xã có thể trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Hiện, có 3 xã đang trồng nhiều là Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây, với hơn 500 hộ trồng. 

Nhất là Ngọc Lây, xã có 10 thôn thì 5 thôn người dân đã tự trồng sâm Ngọc Linh, nhất là làng Lộc Bông.

Gần như 100% số hộ của làng đã tự trồng sâm Ngọc Linh. Họ rủ nhau “săn” sâm rừng sâu để trồng ở những nơi kín đáo, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Khi sâm rừng khan hiếm, không “bó tay”, họ sẵn sàng bán cả trâu, bò - là cơ nghiệp của gia đình, để mua giống.

Anh A Nô ở Măng Rương II, là một trong những người đầu tiên trồng sâm Ngọc Linh. Hiện, anh đã có cả ngàn cây sâm Ngọc Linh, vài năm nữa, anh có thể có tiền tỷ.

Tương tự, người dân xã Măng Ri,  “thủ phủ” sâm Ngọc Linh cũng có khá nhiều hộ trồng. Ông A Bar cho biết: Năm 2017, ông mua 100 gốc sâm trồng dưới tán rừng. Dự kiến khoảng 6 năm có thể thu hoạch trên 2kg. Giá mỗi ký tính rẻ cũng 100 triệu đồng.

Hoặc, chị Y Hlạng, làng Pu Tá, cũng làm giàu từ sâm dây. Song song với làm rẫy, trồng mì, lúa, Y Hlạng chủ yếu tập trung cây sâm dây. Cứ như vậy, đến nay chị đã có hơn 1 héc ta. 

Hiện, chị không chỉ bán củ, lá mà bán cả giống sâm dây, và còn là đầu mối thu mua sâm dây, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Kinh tế khá giả, chị không những xây được nhà, mà còn cho 3 con ăn học đàng hoàng.

Chị Y Bắp, xã Tê Xăng từ hai bàn tay trắng cũng đi lên từ sâm dây, sâm Ngọc Linh. Điều không ngờ là chị khởi nghiệp từ số tiền vay ít ỏi của Hội Nông dân: 3 triệu đồng

Khi sâm dây có giá, chị tận dụng mọi diện tích đất trống để trồng xen trong vườn  cà phê, bời lời, đến nay, Y Bắp đã có vài sào sâm dây trong ba khu rẫy. Ngoài sâm dây, chị Y Bắp còn trồng cả nghìn cây sâm Ngọc Linh trong các khu vườn.

Với tài sản trên, Y Bắp là một trong những hộ khá giả nhất làng Đăk Viên. Từ sâm và cây công nghiệp, mỗi năm chị bỏ túi vài trăm triệu đồng. Không chỉ có nhà khang trang hàng trăm mét vuông, mà chị còn là một trong những người đầu tiên ở địa phương sắm ô tô tiền tỷ.

Chuyện làm giàu từ sâm của đồng bào Xơ Đăng, không còn là chuyện lạ. Hiện, có đến 80% hộ dân Tu Mơ Rông trồng sâm dây, và hàng trăm hộ trồng sâm Ngọc Linh. Với giá sâm như hiện nay, vài năm tới, họ không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu.

 

Krông Bông: Triển vọng từ những vườn sả lấy tinh dầu

Hiện, một số hộ dân xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông (Đắc Lắk) mạnh dạn trồng sả lấy tinh dầu, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho địa phương.

sa-3333.jpgAnh Đạt (trái) đang giới thiệu mô hình trồng sả                                                                         

Trước đây, vườn nhà ông Trần Nên (thôn 6) chủ yếu trồng bắp (ngô). Hơn 1 năm nay, ông chuyển sang trồng giống sả chanh, và chưng cất lấy tinh dầu. Với khả năng thích nghi khô hạn, dễ trồng, ít công chăm sóc, cây sả có ưu điểm chỉ trồng một lần, nhưng cho thu hoạch liên tục 5 - 6 năm liền, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so trồng màu.

Ngoài ra, lá cây sả chanh, sau khi được tách tinh dầu còn tận dụng làm phân hữu cơ, bón cho cây trồng khác, củ cũng được thương lái thu mua.

Theo ông Nên, 1 sào sả chanh thu  8-10 triệu đồng/năm. Với diện tích 3 ha, mỗi năm ông thu về hơn 200 triệu đồng, trừ chi phí, cao gấp 2,5 lần trồng bắp.

Ông Nên chia sẻ: “Trước đây, cây sả được trồng nhỏ lẻ, một vài khóm để lấy củ làm gia vị, nhưng nay đã trồng tập trung trên diện rộng với khối lượng lớn".

Thấy đây là mô hình hiệu quả, nhiều hộ dân trong xã đang chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng sả. Anh Lê Quang Đạt, cho biết, năm 2016, sau khi tham khảo sách báo, các mô hình trồng sả trong và ngoài tỉnh, anh  đã vay vốn chuyển đổi 10 ha trồng màu kém hiệu quả, sang trồng sả chanh.

Để tạo đầu ra ổn định, anh Đạt tìm mọi cách tiếp thị sản phẩm, gửi bán tại các điểm du lịch, đưa lên mạng xã hội;  thường xuyên thay đổi mẫu mã để phù hợp nhu cầu của thị trường.

Tinh dầu sả chanh được đựng trong lọ thủy tinh, nắp gỗ, tự khuếch tán hương thơm qua chuyển động hoặc rung lắc lọ.

 Có thể treo trên xe ô tô, trong nhà, tủ quần áo, để đuổi côn trùng, tạo hương thơm... được phân phối tại nhiều cửa hàng trong và ngoài tỉnh.

Anh Đạt còn vận động nhân dân trồng sả, ký hợp đồng tiêu thụ sả nguyên liệu. Hiện, anh đã tạo vùng nguyên liệu trên 14 ha. Trung bình, sản xuất khoảng 150 lít dầu/tháng, trừ chi phí thu về gần 45 triệu đồng.

 Riêng nguồn thu nhập từ củ sả đạt khoảng 160 triệu đồng/năm. Để mở rộng quy mô, anh Đạt đang thành lập Tổ hợp tác sản xuất tinh dầu sả chanh, đồng thời kết hợp sản xuất phân hữu cơ từ lá sả.

Ngoài ra, anh Đạt còn dự kiến sản xuất tinh dầu bạch đàn, hương nhu và một số hương liệu khác. 

Hiện, chính quyền xã Hòa Lễ đang phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, xã vận động hội viên, chuyển đổi một phần cơ cấu cây trồng, sang trồng sả, để nâng cao thu nhập.

 

Gia Lai: Trồng đậu phộng trên đất lúa bị hạn

Huyện Đức Cơ (Gia Lai) đã tích cực triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa bị hạn. Trong đó, mô hình trồng đậu phộng (lạc) tại xã Ia Kriêng có nhiều triển vọng.

Cuối năm 2018, xã Ia Kriêng được lựa chọn thí điểm. Mô hình được thực hiện tại cánh đồng Pnuk, quy mô 1 ha, với 5 hộ tham gia (mỗi hộ 2 sào), tổng kinh phí thực hiện 52 triệu đồng.

au-f-666.jpg

 Anh Rơ Mah bri chăm sóc đậu phộng Ảnh:P.N

Ông Mai Ngọc Lan, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Đức Cơ, cho biết: “Hàng tuần, Trung tâm cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cho bà con. Đến nay, cây phát triển tốt, không bị sâu bệnh, hơn 1 tháng nữa, sẽ cho thu hoạch”.

 Anh Rơ Mah Bri, một trong 5 hộ tham gia, cho biết, trước kia, anh trồng lúa, nhưng bị thiếu nước, năng suất không cao. Trồng đậu phộng: tốn ít nước, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Anh cũng áp dụng tưới phun để tiết kiệm nước.

 Ông Rơ Mah Tý, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Kriêng, cho biết: Ia Kriêng hiện có 5 ha đất nông nghiệp không có khả năng cấy lúa nước.

 Việc chuyển đổi cây trồng, giúp đa dạng hóa sản phẩm, tạo nguồn nông sản dồi dào, cải thiện nguồn dinh dưỡng trong đất, tiết kiệm nước.

 

 Lâm Đồng: Tập trung chống hạn cho cà phê      

Sau hơn 2 tháng nắng hạn, hàng chục ngàn hecta cà phê tại các huyện Bảo Lâm, Di Linh và TP Bảo Lộc thiếu nước trầm trọng, dẫn đến rũ lá, khô bông. Đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, hàng ngàn hộ dân đang căng mình tận dụng mọi nguồn nước chống hạn cho cà phê. 

cfee-9999.jpg

  Kéo ống nước chống hạn cho cà phê

 Theo đó, tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, dọc theo suối Đại Nga, hàng chục điểm “tập kết” máy bơm  công suất lớn (8 - 10 máy bơm/điểm) hoạt động không ngừng nghỉ.

Ông Trần Trí Dũng,  xã Lộc Ngãi, cho hay: “Tôi có gần 2 ha cà phê đang dần héo lá, khô bông cần được tiếp nước. Do vườn ở xa suối, nên phải nối hơn 40 cuộn ống, tương đương hơn 1.000 m ống, mới đưa nước về tới vườn.

Vợ chồng tôi thay nhau tưới liên tục hơn 20 tiếng đồng hồ, nhưng vẫn chưa xong. Hiện, nước trên suối Đại Nga vẫn đảm bảo đủ để bà con chống hạn cho cà phê. Nhưng nếu cứ nắng thế này, tôi sợ 1 tháng nữa sẽ cạn kiệt, bà con không biết lấy nước đâu mà chống hạn”.

 Theo đó, để chống hạn, 1ha bà con phải chi phí 5 - 10 triệu đồng. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, thị trấn Lộc Thắng, nhẩm tính: “Trung bình, 1ha cà phê phải tưới 30 - 40 giờ mới xong.

 Những hộ gần suối chủ động nguồn nước, phương tiện chỉ mất 2 - 3 triệu đồng/ha. Hộ xa, thuê máy bơm phải đến 9 - 10 triệu đồng. Nếu không tưới kịp sẽ thất thu”.

Hiện, 2 huyện Di Linh và Bảo Lâm có diện tích cà phê lớn nhất, nhì tỉnh. Di Linh hơn 44.000 ha, Bảo Lâm hơn 35.000 ha. Hiện, nguồn nước vẫn đảm bảo tưới khoảng 80 - 85% diện tích. Tuy nhiên, nếu hạn kéo dài thì khoảng 1 tháng tới, cà phê sẽ thiếu  nước trầm trọng. 

 Ông Trần Nhật Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho biết: “Ngoài nguồn nước tự nhiên, địa phương còn gần 5.000 ao hồ nhỏ. Để đảm bảo nguồn tưới lâu dài, địa phương đang điều tiết nước và phân phối nước sông suối, hồ thủy lợi. Đồng thời, vận động người dân nạo vét ao hồ, tưới tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn nước”.

 

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top