Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 22 tháng 4 năm 2018 | 10:44

Người trồng mận trắng tay vì mưa đá

Bên cạnh những thiệt hại lớn về nhà cửa, nửa giờ đồng hồ mưa đá và lốc xoáy đã làm hơn 200ha mận chín sớm ở các huyện Ba Bể, Pác Nặm (Bắc Kạn) đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch rụng đầy gốc.

Biết bao công sức của nông dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, bỗng chốc tan theo mưa.

mua-da.jpg
Toàn bộ diện tích mận sớm ở xã Nghiên Loan bị thiệt hại nặng, quả rụng đầy gốc.

Năm 2016, ông Lường Văn Lộc ở thôn Khuổi Phay trồng 73 gốc mận chín sớm. Năm sau, cây bói quả, giá bán ổn định nên thu hơn năm triệu đồng, một số tiền lớn đối với hộ khó khăn như gia đình ông. Vụ mận 2018, quả sai lúc lỉu, ông Lộc chắc mẩm sẽ thu khoảng gần mười triệu đồng. Nhưng chỉ qua một đêm, vườn mận xơ xác, quả rụng đầy gốc vì mưa đá.

Ông Lộc xót xa: Nhà cửa thì tan hoang phần mái, nhìn lên vườn mận, nguồn thu chính của gia đình thì chỉ thấy quả đầy gốc, lượm lặt được chút ít quả sót lại bán chẳng được mấy đồng. Lốc xoáy làm nhiều cây mận đổ, cành gãy, hôm sau úa lá không tránh khỏi ảnh hưởng tới khả năng tái sinh trưởng của cây.

Dẫn chúng tôi đến nhiều đồi mận chín sớm, Trưởng thôn Khuổi Phay, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, Hoàng Vần Phuộng cho biết: “Mưa đá dày, có viên đá to bằng quả cam làm cho cây mận không thể chống chịu được, quả rụng đầy gốc, cây xơ xác. Nếu được thu hoạch, giá mận bán tại gốc từ 13 đến 17 nghìn đồng/kg, nhưng giờ sót lại trên cây đa phần là quả nhỏ, xanh”.

“Tính ra, bà con thôn Khuổi Phay thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Sau khi mận rụng, tôi cũng kêu gọi, tìm một số tư thương về thu mua số quả lành nhặt nhạnh được dưới gốc và số ít quả còn sót trên cây vớt vát phần nào, nhưng lượng người mua rất ít”, ông Phuộng chia sẻ.

Khuổi Phay là thôn rất khó khăn của xã Nghiên Loan với 100% đồng bào dân tộc Nùng, Dao sinh sống, có tới 45 hộ nghèo do thiếu đất cấy lúa nước, đồi trọc nhiều. Vài năm gần đây, cây mận chín sớm bén rễ vùng đất này cho hiệu quả kinh tế khá. Toàn thôn trồng được hơn mười ha mận, trong đó có hơn sáu ha đang cho thu hoạch. Mận chín sớm trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho phần lớn hộ dân trong thôn. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm, cả mười ha mận xác xơ vì mưa đá, mất trắng diện tích cho thu hoạch.

Ngược lên xã Xuân La, nơi có diện tích mận nhiều nhất huyện Pác Nặm, bên cạnh nhiều ngôi nhà bị lốc xoáy và mưa đá làm hỏng hoàn toàn cũng thấy nhiều vườn mậm xơ xác. Chị Cà Thị Lan, thôn Thôm Mèo, xã Xuân La, chuyển đổi gần hai ha đất đồi trồng ngô sang trồng 600 cây mận chín sớm. Năm trước gia đình chị Lan thu về được 45 - 50 triệu đồng tiền bán mận, nhưng lốc và mưa đá đã làm quả rụng, dập nát gần hết.

Cây mận ở Xuân La được trồng nhiều ở các thôn Thôm Mèo, Cọn Luông, bình quân mỗi hộ có từ 400 - 600 cây cả mận tam hoa và mận chín sớm. Vào mùa, mận chín sớm được các thương nhân mua chuyển về các tỉnh miền xuôi nên chín đến đâu người dân hái bán đến đấy, đầu ra rất ổn định. Nhưng vụ 2018 này, người dân chỉ thẫn thờ đứng nhìn quả rụng đầy gốc.

Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm Nguyễn Đình Điệp cho biết: Toàn huyện có khoảng 260ha mận chín sớm, là cây xóa đói giảm nghèo ở nhiều xã khó khăn như Nghiên Loan, Xuân La, Giáo Hiệu, Cổ Linh… Trong đó có khoảng 70ha đã cho thu hoạch, vụ mận năm nay coi như mất trắng vì mưa đá, chưa kể những vườn mận đang trong kỳ chăm sóc cũng bị ảnh hưởng vì cây đổ, cành gãy, dập lá.

Vệt mưa đá kéo dài tới tận xã Địa Linh, huyện Ba Bể, cách xã Nghiên Loan gần 30km cũng gây thiệt hại nặng cho người trồng mận ở đây. Chủ tịch UBND xã Địa Linh Liêu Nông Kinh trăn trở: Vài năm gần đây, cây mận chín sớm thử nghiệm rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, cho thu nhập khá. Bà con trồng khoảng 30ha mận, tập trung ở các thôn Tiền Phong, Bản Váng 1, Nà Cáy trong đó có hơn năm ha đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích này đã mất trắng vì trận mưa đá vừa qua.

Sản lượng mận chín sớm ở Pác Nặm năm trước khoảng 300 tấn, với giá bán đầu vụ được từ 25 nghìn đến 30 nghìn đồng/kg. Riêng đợt mưa đá vừa qua đã khiến người dân ở huyện nghèo này mất trắng vài tỷ đồng. Ngành chức năng cần có hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, khôi phục lại vườn mận để người dân có hy vọng từ vụ sau.

Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top