Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 3 năm 2019 | 11:14

Nhà máy xử lý chất thải của Công ty Hòa Bình gây ô nhiễm môi trường?

Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý, tái chế chất thải là giải pháp nhằm giải quyết vấn đề chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số nhà máy lại xả thải ra ngoài môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong đó, Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu tại địa chỉ xã Nham Sơn (Yên Dũng - Bắc Giang) của Công ty CP Xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình (Cty Hòa Bình) đang nhận nhiều kiến nghị, phản ánh của người dân. 

1.jpg
Một góc Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu của Cty Hòa Bình đóng tại xã Nham Sơn.

Nhà máy xử lý chất thải...  gây ô nhiễm môi trường

Tìm hiểu được biết, Cty Hòa Bình được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0102963031 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp lần đầu vào ngày 8/10/2008. Cty có Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu đóng tại xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Nhà máy bắt đầu thực hiện dự án thông qua Giấy chứng nhận đầu tư số 2012100099 cấp ngày 8/9/2008 do UBND tỉnh Bắc Giang cấp.

Quá trình đi vào hoạt động của Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu đã vấp phải nhiều ý kiến của người dân sinh sống xung quanh. Trong đó, đỉnh điểm là việc xả thải làm cháy lúa của nhân dân thôn Đông Hương, xã Nham Sơn.

Vào thời điểm đó, ngày 25/4/2017, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Dũng đã có Báo cáo số 19/BC-TNMT kết quả kiểm tra giải quyết đề nghị của nhân dân thôn Đông Hương, xã Nham Sơn về việc xả thải làm cháy lúa của Cty Hòa Bình. Nội dung báo cáo ghi rõ, tại thời điểm kiểm tra cánh đồng lúa giáp với Nhà máy xử lý, tái chế phế liệu Hòa Bình (khu phía Tây) bị cháy lá bất thường, lá lúa vàng cháy khô trong khi gốc lúa vẫn tươi, trên một khoảng lớn diện tích đã được UBND xã, Ban quản lý thôn Đông Hương và Giám đốc nhà máy xác nhận là 130.905m2 (tương đương 36 mẫu, 3 sào, 9 thước) thuộc các xứ đồng Bộ Đội, Sáu Mẫu, Đồng Sòng, Ngõ Giác, Hàng Đều, Đường Lăng.

Khi phát hiện thấy lúa bị cháy, UBND xã Nham Sơn Ban quản lý thôn và một số người dân đã liên hệ làm việc với nhà máy, lúc đó Giám đốc nhà máy - ông Nguyễn Văn Ngọc đã thừa nhận diện tích lúa bị cháy táp lá do khói của nhà máy gây ra…

Theo quan sát của phóng viên, hiện nay vị trí xây dựng Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu của Cty Hòa Bình nằm sát ruộng canh tác của người dân và cách khu dân cư khoảng gần 1km. Khi nhà máy hoạt động thì có hai cột khói trắng đục bay lên. Nguồn nước thải sau khi xử lý được đổ thẳng ra các mương xung quanh nhà máy.

Bác Nguyễn Văn Nh., có ruộng trồng hoa màu sát Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu, cho biết: Tôi thuê vài sào ruộng tại khu vực này để trồng khoai tây. Tuy nhiên, khói bụi nhà máy xả ra gây ra hiện tượng sương mù bao trùm lên khu vực trồng khoai tây, vì vậy, năng suất của khoai tây kém đi. Đối với nguồn nước để tưới tiêu thì chúng tôi không dám dùng nước ở mương xung quanh nhà máy, vì khi dùng nguồn nước đó thì hoa màu sẽ bị chết ngay.

“Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu thường hoạt động mạnh về đêm, vì vậy, họ xả ra rất nhiều khói bụi, mùi khét rất khó chịu”,  bác Nh. đặt câu hỏi nghi vấn. 

2.jpg
Nước thải của nhà máy sau khi được xử lý được xả ra môi trường thông qua kênh nước này.

Trong năm 2017, một số cơ quan ngôn luận đã thông tin về vụ việc. Ngày 27/7/2017, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Bắc Giang đã ký Quyết định số 416/QĐ-TNMT, kiểm tra đột xuất việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường tại Cty Hòa Bình, với sự tham gia của đại diện Công an tỉnh Bắc Giang và chính quyền địa phương.

Theo xác minh, từ năm 2016 đến hết ngày 29/7/2017, Cty Hòa Bình đã ký hợp đồng tiếp nhận, xử lý chất thải nguy hại và chất thải công nghiệp thông thường (trong đó có cát đúc thải) với Cty TNHH Selta (Cty Selta) và Cty Honda Việt Nam (Cty Honda) với tổng khối lượng là 3.022,450 tấn.

Trong đó, Cty Hòa Bình sử dụng hơn 1.500 tấn để sản xuất gạch block; chuyển giao cho Cty CP Tập đoàn Thành Công hơn 1.300 tấn để sản xuất xi măng tại Cty CP sản xuất VLXD Thành Công III ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Qua kiểm tra đột xuất tại Cty Hòa Bình và tổ chức xác minh thực tế tại Cty Honda, Cty Selta và Cty CP Tập đoàn Thành Công về hoạt động tiếp nhận và chuyển giao chất thải của Cty Hòa Bình, đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang phát hiện, các công ty chủ nguồn thải đã không giám sát quá trình vận chuyển, xử lý chất thải theo quy định, có những số liệu mâu thuẫn nhau.

Số liệu thống kê cho thấy, tính riêng năm 2016, Cty Hòa Bình đã “bỏ ngoài sổ sách” 37,705 tấn chất thải của Cty Selta. Đoàn kiểm tra cũng xác định, khối lượng chất thải nguy hại và chất thải công nghiệp thông thường theo báo cáo của Cty Hòa Bình, Cty Honda và Cty CP Tập đoàn Thành Công chênh lệch lần lượt năm 2016 là 439,66 tấn và năm 2017 là 845,06 tấn. Như vậy, có tới hơn 1.300 tấn chất thải đã “bay hơi”.

Công suất nhà máy đủ xử lý rác thải từ tỉnh lân cận?

Cty Hòa Bình hoạt động thông qua Giấy phép xử lý chất thải nguy hại mã số quản lý chất thải nguy hại: 1-2-3-4-5-6.014.VX ngày 06/10/2016 do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp. Các hệ thống xử lý chất thải nguy hại gồm: 01 lò đốt công suất 80kg/h, 01 hệ thống xử lý nước thải công nghệp 8m3/h, 01 hệ thống xử lý tiền bùn thải công suất 3.300 kg/h, 01 hệ thống xử lý linh kiện điện tử công suất 30 kg/h, 01 thiết bị xử lý mực in thải công suất 1000kg/h, 01 thiết bị xử lý bóng đèn huỳnh quang thải 15kg/h, 01 thiết bị xử lý thiếc hàn công suất 80kg/h, 01 thiết bị phá dỡ ắc quy, 01 thiết bị xử lý pin thải công suất 50kg/h, 01 hệ thống tẩy rửa chất thải rắn công suất 4.000 kg/h, 03 kho lưu giữ chất thải nguy hại với tổng diện tích 2.120m2. 

3.jpg
Hiện tại, nhà máy đang hoạt động sản xuất thu gom, xử lý chất thải công nghiệp, tái chế phế liệu với công suất 145.000 tấn/năm.

 

Năm 2016, Cty Hòa Bình lập hồ sở xin bổ sung, nâng công suất và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 928/QĐ-BTNMT ngày 28/4/2017 về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “đầu tư bổ sung, nâng công suất nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, tái chế phế liệu”  tại xã Nham Sơn.

Nội dung điều chỉnh dự án, chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh các nội dung gồm: Thông tin của nhà đầu tư; tên dự án đầu tư; mục tiêu, quy mô đầu tư; vốn đăng ký đầu tư; tiến độ thực hiện dự án. Trong đó, điều chỉnh quy mô đầu tư nâng công suất nhà máy từ 145.000 tấn/năm lên 450.000 tấn/năm. Bao gồm: Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp (chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp thông thường), chất thải rắn sinh hoạt, công suất 350.000 tấn/năm; sơ chế, tái chế phế liệu, chất thải (chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp thông thường, chất thải rắn sinh hoạt) công suất 100.000 tấn/năm.

Ngày 10/1/2019, UBND tỉnh Bắc Giang có Văn bản số 116/UBND-ĐT về việc xem xét lại một số nội dung liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của Cty Hòa Bình. Tuy nhiên đến nay nhà máy này vẫn chưa được phép điều chỉnh mục quy mô xử lý của nhà máy.

4.jpg

Về tần suất hoạt động của Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu, ông Lại Văn Hà, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Dũng, cho biết: “Do nguyên liệu đầu vào nên tần suất hoạt động của họ không lớn, nên mức độ hoạt động có loại dây chuyền chỉ 8 tiếng, có loại 10 tiếng một ngày, có loại hàng tháng họ nghỉ vì không có nguyên liệu đầu vào. Vì đầu vào rác thải cũng là một vấn đề bởi họ phải đi đến các doanh nghiệp, đi tiếp thị chứ không có nghĩa là họ sẽ mang về cho mình, vì vậy, họ hoạt động không được liên tục”.

Một số chuyên gia cho rằng, tần suất hoạt động nhà máy phụ thuộc vào mức tiêu thụ năng lượng trong tháng hoặc năm. Theo điều tra của nhóm phóng viên tại Điện lực TP. Bắc Giang cung cấp trong năm 2018 và hai tháng đầu năm 2019  thấy, tổng lượng điện mà Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu của Cty Hòa Bình tiêu thụ hết 599,873 kWh, thành tiền gần 2,3 tỷ đồng.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên, Cty Hòa Bình đã có sự hợp tác với nhiều đơn vị tại nhiều tỉnh, thành để xử lý chất thải. Đặc biệt, tại tỉnh Hải Dương, Cty Hòa Bình đã hợp tác với một loạt công ty lớn với khối lượng xử lý chất thải lớn. Tuy nhiên, số rác sau khi thu gom được Cty Hòa Bình xử lý như thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ và thông tin tới bạn đọc.

Dư luận thắc mắc, có hay không lượng lớn chất thải công nghiệp nguy hại đã được “tuồn” ra ngoài để thu lợi mà chưa thông qua xử lý?

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 

Nhóm PVĐT
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top