Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 31 tháng 12 năm 2017 | 10:8

Nhà vườn liên kết chuỗi, dán tem sản phẩm phục vụ Tết

Hiện, nhiều nhà vườn trên cả nước đang nô nức chuẩn bị các loại trái cây an toàn, dán tem mác để liên kết chuỗi, phục vụ Tết Nguyên đán 2018.

Sơn La: Cung cấp trái cây an toàn cho siêu thị Hà Nội  

Tính đến nay, Sơn La đã xây dựng được 25 chuỗi quả an toàn, quy mô gần 627ha, sản lượng ước đạt 6.500 tấn/năm, với các sản phẩm chủ yếu, như: Mận hậu, xoài, nhãn, thanh long ruột đỏ, na, chanh leo, dâu tây, bơ...

 

Mô hình trồng cam theo chuẩn VietGAP hộ ông Đào Đức Năm, xã Chiềng Ban (Mai Sơn).

Nhờ uy tín về chất lượng, nhiều loại quả của Sơn La đã chinh phục được khách hàng khó tính và luôn có mặt tại các siêu thị Hà Nội như: Fivimart, Metro, VinMart... Đây là nỗ lực của tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân trong liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ quả an toàn.

Hiện, Sơn La có gần 40.000ha cây ăn quả các loại, sản lượng ước đạt gần 200.000 tấn, doanh thu ước đạt 97,7 tỷ đồng, chiếm trên 10% tổng giá trị ngành trồng trọt. Các cây ăn quả trồng tập trung, có sản lượng lớn gồm: Nhãn, xoài, sơn tra, bơ, cam. Mỗi loại quả gắn với đặc trưng từng địa phương như: Sông Mã vùng trồng nhãn tập trung lớn nhất cả tỉnh; chuối, xoài tròn Yên Châu; mận hậu, bơ, dâu tây, hồng giòn (Mộc Châu); xoài ghép Đài Loan (Mai Sơn)... Thực tế, nhiều mô hình trồng cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách trồng thông thường, người dân không phải lo đầu ra cho sản phẩm, nhiều nông dân đã trở thành triệu phú, tỷ phú trên chính mảnh đất của mình.

Ông Nguyễn Văn Ngân, Giám đốc HTX cam Văn Yên, xã Mường Thải (Phù Yên), cho biết: HTX có 14 thành viên, quy mô 16 ha cam, sản lượng ước đạt 140 tấn/năm. Sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, được hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc. Theo đó, cam của HTX đang cung cấp cho các siêu thị TP. Hồ Chí Minh và các cửa hàng ở Hà Nội. Thu nhập bình quân của thành viên đạt từ 300 - 400 triệu đồng/năm.

Giám đốc HTX Hưng Thịnh Nguyễn Đình Hướng, Giám đốc HTX Hưng Thịnh,  xã Mường Bú (Mường La), chia sẻ: Táo, thanh long, bưởi da xanh của HTX được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Từ khi liên kết chuỗi, được tham gia các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, khách hang ngày càng nhiều và liên hệ với HTX mua sản phẩm lâu dài. Dự kiến, HTX sẽ mở rộng diện tích thâm canh theo hướng hàng hóa, áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giữ chữ tín với khách hàng.

Mặt khác, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, HTX, và người dân về lợi ích mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Hiện, toàn tỉnh có 122 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh lực nông lâm, thủy sản, trong đó có 11 doanh nghiệp sản xuất rau, quả; 295 HTX nông nghiệp, trong đó: HTX trồng xoài 13; nhãn 24; cam, bưởi 9; sơn tra 2, chanh leo 3... Đây là thành công bước đầu, tạo động lực thúc đẩy nền nông nghiệp của tỉnh nói chung và lĩnh vực  cây ăn quả nói riêng.

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản còn tiếp tục đào tạo, tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, Liên hiệp HTX thực hành đầy đủ quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo chuẩn VietGAP, Global GAP và các tiêu chuẩn tương ứng... phấn đấu cuối năm 2018, toàn tỉnh duy trì và phát triển 60 chuỗi nông sản, thủy sản an toàn được xác nhận; 100% nông sản, thủy sản an toàn sản xuất trên địa bàn tỉnh được tiêu thụ ổn định; quả xoài xanh, nhãn được xuất khẩu, góp phần tăng tỷ trọng ngành nông nghiệp.

Bắc Quang: Chuẩn bị cam phục vụ Tết

Những ngày áp Tết Nguyên đán 2018, dọc theo Quốc lộ 2 từ Thị trấn Vĩnh Tuy đến huyện Vị Xuyên (Hà Giang) đã thấy những sạp cam chín vàng, có biển quảng cáo chỉ rõ địa chỉ xuất xứ để giới thiệu với khách về cam Sành Bắc Quang. Kẻ bán, người mua tấp nập, xe bốc cam về xuôi tíu tít như hội. Nhất là ngày Hội cam đầu tháng 1/2018, đang đến rất gần, các nhà vườn là những người vui nhất.

Ông Lê Văn Đạt, xã Vĩnh Phúc, cho biết: Tôi bán vườn cam giấy được gần 700 triệu đồng, cao hơn năm ngoái khoảng 250 triệu đồng. Chỉ mấy ngày nữa là khách hàng sẽ tự thuê người cắt quả, trả gốc cho người trồng chăm bón, đợi vụ cam tiếp theo. Nhà có 2 vợ chồng già, mỗi năm thu vài trăm triệu tiền bán cam là đủ sống. Ngoài ra, trong vườn nhà tôi vẫn còn gần 170 cây quýt Đường canh chưa bán vì giá đang tăng.

Anh Sùng Páo Sì, người cùng thôn cho biết: Gia đình anh có 3ha cam đang cho thu hoạch. Dự tính năng suất khoảng 70 tấn. Năm ngoái, cũng vườn cam này, anh đã mua được chiếc xe Fortuner cùng biển số tứ quý đẹp nhất...Hà Giang. Hiện, giá đang lên nên anh chưa bán.

Niềm vui được mùa cam Bắc Quang

Hiện, tổng diện tích cam Bắc Quang đạt 5.479,6ha, diện tích đang cho thu hoạch 4.351 a. Cam trồng theo tiêu chuẩn VietGap gần 1.000 a. Tổng sản lượng cam thương phẩm ước đạt 30.700 tấn. Sản phẩm cam, quýt của Bắc Quang khá đa dạng: Cam giấy (cam Vinh), cam Sành, quýt giấy, quýt vỏ giòn, quýt vỏ dai, quýt chum, quýt ngọt... Phần lớn được phân bổ tại các xã: Vĩnh Hảo, Việt Hồng, Tiên Kiều, Vĩnh Phúc, Đông Thành... Từ lâu, cam, quýt là cây trồng bản địa mang đậm bản sắc văn hoá cổ truyền của người Bắc Quang. Và nó cũng được đánh giá là cây đặc sản của Hà Giang đã được Hiệp hội khoa học và Công nghệ lương thực, thực phẩm Việt Nam Chứng nhận danh hiệu Vàng, “Món ngon – Tinh hoa ẩm thực Việt năm 2014”. Năm 2016, thương hiệu cam Sành Bắc Quang được công nhận Chỉ dẫn địa lý toàn cầu, hiện đang được người tiêu dùng cả trong, ngoài nước ưa chuộng, kiếm tìm.

Theo lãnh đạo Phòng Công thương huyện Bắc Quang: Đầu tháng 1/2018, UBND huyện Bắc Quang sẽ tổ chức Tuần lễ Hội chợ thương mại tại sân vận động trung tâm huyện để quảng bá và xúc tiến tiêu thụ cam trong dịp Tết Nguyên đán. Hội chợ sẽ diễn ra trong khoảng 10 ngày với nhiều lễ hội như: Thi chọn những người trồng cam giỏi, tôn vinh những cá nhân, HTX làm ăn giỏi và thi người đẹp vùng cam... Tuần lễ cam và Hội cam sẽ là nơi gặp gỡ, giao lưu của người làm vườn và người mua bán từ khắp mọi nơi. Bắc Quang coi đó là dịp để quảng bá các nét văn hoá đặc sắc của đồng bào mình đến với bạn bè trong, ngoài nước.

Gần đây nhất, Sở Công thương Hà Giang đã mang cam Sành Bắc Quang vào giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ xúc tiến thương mại TP. Hồ Chí Minh đã phát sóng trên VTV1 được người tiêu dùng cả nước đánh giá cao. Hy vọng, vụ  cam này sẽ có nhiều hợp đồng tiêu thụ đến từ các doanh nghiệp trong cả nước.

Mùa cam chín đang làm cho vùng cam Bắc Quang trở nên sôi động hơn. Tại nhiều vườn đồi trồng cam, người ta đã thấy những chiếc xe chở cam, nhiều nhà thu hái đang mang về cho vùng cam trọng điểm nhiều tỷ đồng. Một cuộc sống đầy đủ, no ấm của nghề nông trên vùng cam Bắc Quang đang hiện hữu rất rõ.

Hy vọng, mùa cam chín năm nay sẽ là mùa cam thú vị về hương thơm, vị ngọt và đầy thi vị về con người, vùng đất Hà Giang - Bắc Quang. Cam ngon, vị ngọt, hương thơm nồng nàn sẽ mang về cho muôn nhà sự đầm ấm, yên vui khi Tết đến xuân về…

Phú Thọ: Bưởi Đoan Hùng đã được dán tem

Nói đến Phú Thọ người ta thường nhớ đến nhiều loại cây ăn quả nổi tiếng như: Bưởi Đoan Hùng, Hồng Hạc Trì, Hồng Gia Thanh... Để khai thác tiềm năng vùng Đất Tổ, những năm gần đây tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư phát triển các vùng trồng cây ăn quả để giới thiệu với bạn bè xa gần.

Niềm vui càng nhân lên khi bưởi Đoan Hùng được dán tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc. Bên cây bưởi sai trĩu quả, anh Nguyễn Đức Hoạch, xã Chí Đám cho biết: "Từ nhiều năm nay, thu nhập chính của gia đình tôi là cây bưởi. Việc dán tem khiến chúng tôi yên tâm hơn với sản phẩm mình làm ra, vì  không bị trà trộn, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng”.

Bưởi đặc sản Đoan Hùng từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước bởi mùi thơm đặc biệt, vị ngọt mát, vỏ mỏng, tôm mọng nước, là món quà mà bất kỳ du khách nào khi đến Phú Thọ đều muốn được thưởng thức và mua về làm quà cho người thân.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp tích cực để duy trì, bảo vệ và phát triển thương hiệu bưởi Đoan Hùng. Đặc biệt, năm 2017, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã triển khai chương trình quản lý chất lượng bưởi đặc sản Đoan Hùng. Thông qua việc triển khai xây dựng 3 điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại thành phố Việt Trì và huyện Đoan Hùng.

Thành lập tổ giám sát chất lượng bưởi Đoan Hùng trước khi đưa ra thị trường, thí điểm dán 200.000 tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc cho bưởi đặc sản đạt chất lượng của 2 vùng bưởi nổi tiếng: Chí Đám, Bằng Luân. Thông qua tem điện tử thông minh, người tiêu dùng có thể tra cứu đầy đủ các thông tin về sản phẩm như: Giống bưởi, tên hộ trồng, ngày thu hoạch, hướng dẫn bảo quản, hàm lượng các chất trong bưởi, ảnh sản phẩm, video giới thiệu về sản phẩm

Bưởi Sửu  cho thu nhập trên  100 triệu đồng/hộ  anh Nguyễn Đức Hậu, xã Chí Đám.

Cùng với việc xây dựng và bảo vệ bưởi Đoan Hùng, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng, mẫu mã tiếp tục được đẩy mạnh. Từ năm 2011 đến nay, do có sự chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, đã xây dựng được gần 800ha mô hình ứng dụng kỹ thuật mới trên bưởi Đoan Hùng. Nhờ đó, diện tích, chất lượng bưởi tăng lên rất nhanh, hiện, đã đạt khoảng 1.200ha, nhiều diện tích cho thu nhập 200 - 400 triệu đồng/ha. Cây bưởi không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. 

Không chỉ có bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn cũng phát triển mạnh ở nhiều địa phương như: Đoan Hùng, Thanh Sơn, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy... Tính đến nay diện tích bưởi Diễn toàn tỉnh đạt trên 2.000ha, đưa tổng diện tích bưởi Phú Thọ đạt 3.300ha. Cùng với cây bưởi, cây hồng không hạt cũng được huyện Phù Ninh  đầu tư giai đoạn 2012 - 2015 với diện tích 30ha, đến nay đã đạt hàng trăm hecta

Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: “Theo kế hoạch, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020, đưa diện tích bưởi Đoan Hùng và bưởi Diễn đạt 5.000ha. Các địa phương tiến hành quy hoạch diện tích trồng mới bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn; tổ chức tuyển chọn, bình tuyển cây đầu dòng (bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn), vườn cây đầu dòng để sản xuất giống. Đầu tư cơ sở vật chất cho các vườn ươm giống, đảm bảo cung ứng đủ giống bưởi đạt yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng. Đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện mẫu mã quả; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản phục vụ lễ hội Đền Hùng”.

An Như (tổng hợp)


 


 


 


 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top