Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 8 năm 2017 | 2:14

Nhãn lồng Hưng Yên trước cơ hội lớn

Nhãn lồng là một đặc sản của tỉnh Hưng Yên, từng là một vật phẩm tiến vua thời phong kiến. Trải qua bao thăng trầm, đến nay, nhãn lồng phố Hiến vẫn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Và mới đây, việc Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý tập thể cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên đã giúp loại trái cây này đứng trước nhiều cơ hội lớn.

Nhãn Hương Chi là loại cây cho giá trị kinh tế cao, đang rất phát triển ở xã Hồng Nam (TP. Hưng Yên). Ảnh: Đức Hùng

Tiềm năng lớn

Tỉnh Hưng Yên hiện có trên 3.300ha nhãn, trong đó diện tích cho thu hoạch là 2.800ha, tập trung nhiều tại các huyện Tiên Lữ, Kim Động, TP.Hưng Yên với giống nhãn chín sớm và chính vụ; diện tích nhãn chín muộn chủ yếu tập trung ở huyện Khoái Châu. Sản lượng nhãn hàng năm đạt khoảng 40.000 tấn và cho giá trị thực tế khoảng gần 1.000 tỷ đồng.

Đến nay, Hưng Yên có 155ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó, có 2 vùng sản xuất nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ là xã Hồng Nam (TP.Hưng Yên) và xã Hàm Tử  (huyện Khoái Châu). Nhãn lồng Hưng Yên cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý với 4 khu vực: Thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu, huyện Tiên Lữ, huyện Kim Động. Đây là điều kiện thuận lợi để nhãn lồng Hưng Yên khẳng định và bảo vệ thương hiệu trên thị trường.

Là huyện lớn của tỉnh Hưng Yên, Khoái Châu có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, diện tích cây ăn quả các loại là 3.300ha, chủ yếu là nhãn (1.600ha) phần lớn là giống nhãn muộn Miền Thiết, trong đó, riêng xã Hàm Tử gần 100% diện tích đất nông nghiệp dành để trồng nhãn. Ông Nguyễn Văn Thế, Tổ trưởng tổ sản xuất nhãn muộn Khoái Châu (xã Hàm Tử) chia sẻ, từ chỗ chỉ có 65 thành viên và 23ha năm 2014, đến nay, tổ hợp tác đã có 197 thành viên với diện tích gần 200 ha. Cùng với việc trang bị kỹ thuật, giúp các hộ nâng cao năng suất, chất lượng, thực hiện đúng các quy chuẩn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn hàng hóa an toàn, hiện tổ hợp tác đã liên kết với các công ty để bao tiêu sản phẩm cho bà con với sản lượng tiêu thụ hàng năm đạt trên 100 tấn nhãn quả…

Theo ông Bùi Xuân Tám, Hợp tác xã (HTX) nhãn Nễ Châu, xã Hồng Nam, để có thể đưa nhãn vào các siêu thị phục vụ người tiêu dùng, tiến tới xuất khẩu ra nước ngoài, HTX đã tiến hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10ha. HTX đã chỉ đạo bà con nông dân liên kết với nhau, đưa khoa học kỹ thuật vào thâm canh, cùng với kinh nghiệm đã có, ước tính 10ha nhãn sạch năm nay cho 150 -200 tấn để phục vụ thị trường.

Liên kết để phát triển

Một tin vui đến với những người trồng nhãn ở Hưng Yên là, trong Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên lần thứ nhất, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Phan Ngân Sơn đã trao bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý tập thể cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên được sản xuất tại 4 địa phương: TP Hưng Yên, các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên. Theo nhận biết của chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn lồng Hưng Yên có đặc điểm hình thái quả nhãn tròn, vỏ quả màu nâu sẫm, đường kính quả từ 25,61-29,36 mm, chiều cao quả từ 23,98-27,61 mm, trọng lượng quả từ 9,35 đến 13,28 g/quả. Hàm lượng vitamin C từ 45,12 đến 59,32 mg/100g, axit hữu cơ tổng số từ 0,04-0,17 %, đường tổng số 13,89 đến 17,37%, hàm lượng chất rắn hòa tan từ 17,63 đến 20,88 độ Brix, hàm lượng nước từ 18,38-22,09. Hương vị nhãn lồng Hưng Yên rất đặc trưng, mùi thơm tinh khiết và dịu mát, cùi quả dày, ráo nước, màu trắng trong, giòn, vị ngọt đậm.

Theo ông Nguyễn Minh Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, nhãn lồng Hưng Yên có được danh tiếng và đặc thù là nhờ khu vực địa lý rất thích hợp với quá trình sinh trưởng của cây nhãn lồng và kinh nghiệm tích lũy được của người dân. Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý sẽ là công cụ để khẳng định vị trí chất lượng của nhãn Hưng Yên mà không địa phương nào có được. Đây cũng là căn cứ pháp lý quan trọng và lâu dài, góp phần làm tăng giá trị sản phẩm của cây nhãn, xây dựng vùng sản xuất nhãn có thương hiệu, khẳng định tính nhất quán của sản phẩm nổi tiếng đã qua nhiều thế hệ.

Chia sẻ tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Hưng Yên năm 2017 diễn ra ngày 8/8, ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên - cho biết, nhiều sản phẩm thế mạnh, đặc sản của Hưng Yên và các địa phương, vùng miền đã được quảng bá rộng rãi, từng bước thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại. Hầu hết các sản phẩm đã có mặt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… và được người tiêu dùng ưa chuộng, cơ bản khắc phục được tình trạng “được mùa, rớt giá”.

Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết: Thời gian qua, Hà Nội và Hưng Yên đã có những chương trình hợp tác, hỗ trợ, đặc biệt là chương trình kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm của tỉnh Hưng Yên tại thị trường Hà Nội đã đạt được kết quả khả quan. Ở chiều ngược lại, nhiều sản phẩm công nghiệp, tiêu dùng của Hà Nội được người tiêu dùng Hưng Yên ưu tiên lựa chọn.

Để đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hưng Yên với các tỉnh, thành phố nói chung và với Hà Nội nói riêng, bà Lan đề nghị các sở, ngành tỉnh Hưng Yên và các tỉnh, thành phố hướng dẫn các đơn vị sản xuất của các địa phương tích cực mở rộng diện tích sản xuất áp dụng VietGAP; nhân rộng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; Đẩy mạnh xây dựng phát triển thương hiệu.. cung cấp tới đơn vị phân phối, để người tiêu dùng thuận tiện trong nhận biết sản phẩm và an tâm sử dụng.

Trao đổi bên lề hội nghị, bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart), cho hay, công ty sẵn sàng kết nối thu mua nông sản vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và chuỗi nhà hàng của công ty, tuy nhiên, để hàng hóa vào được kênh phân phối này, nhà cung ứng phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, để người tiêu dùng biết đến.

Trước kiến nghị của các sở, ban ngành và doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thơ cho hay, song song với đẩy mạnh xúc tiến thương mại Sở Công Thương sẽ phối hợp với các ngành có liên quan và các địa phương trồng nhãn thúc đẩy việc nâng cao chất lượng quả nhãn, vì chất lượng sẽ quyết định thị trường. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết “4 nhà”, nối liền sản xuất với chế biến, kinh doanh, xuất - nhập khẩu. Hợp tác kết nối giao thương với các doanh nghiệp và siêu thị, đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, tiến tới đưa sản phẩm nhãn, chuối và các nông sản khác ra tiêu thụ ở các nước trong khu vực và một số thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Cũng theo ông Nguyễn Minh Quang, tỉnh đã chỉ đạo, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ bà con nông dân mở rộng diện tích trồng nhãn theo hướng VietGAP, Sở Công Thương tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá tiềm năng nông sản, đưa nhãn lồng Hưng Yên đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Tỉnh sẽ phối hợp Bộ Công Thương tiến hành hỗ trợ địa phương trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp làm cầu nối đưa sản phẩm nhãn chính hiệu đến với thị trường.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, cho biết, dự kiến doanh nghiệp sẽ xuất khẩu khoảng 5 tấn nhãn lồng Hưng Yên sang Mỹ, sau đó sẽ xuất khẩu với số lượng lớn hơn. Vì phải tốn chi phí thu hoạch, vận chuyển vào nhà máy chiếu xạ tại TP.HCM nên giá xuất khẩu nhãn lồng Hưng Yên sẽ cao hơn giá nhãn Edor đang xuất bán khoảng 15%.

 

Nguyên Phương

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top