Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 31 tháng 10 năm 2018 | 15:23

Nhiều giải pháp cho phát triển ngành nông nghiệp

Hôm nay (31/10), trong phiên trả lời chất vấn các đại biểu về nhiều vấn đề nóng của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Cường đã giải đáp và đưa ra những giải pháp...

dsc_9820.jpg

Đầu tư cho XDNTM chưa đồng đều

Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) chất vấn, cử tri và nhân dân đánh giá cao kết quả bước đầu về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ XDNTM ở cấp huyện thì vấn đề vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, khó có khả năng đạt được mục tiêu đề ra trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề này?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đến nay, có khoảng 40,3% số xã đang đi đúng hướng và nguồn lực Trung ương kỳ này dành cho XDNTM giai đoạn 2016 - 2020 cũng tăng gấp 4 lần so với trước. Tuy nhiên, Thái Bình có kiến nghị đợt tới, giai đoạn sau năm 2020 đến năm 2025, cần tính toán cân đối lại để bố trí vốn cho khu vực cấp huyện.

Thái Bình hiện có 263 xã, cuối năm 2018 sẽ có 234 xã hoàn thành XDNTM. Về thiết chế hạ tầng cấp huyện, rất khó có nguồn đầu tư. Cấp xã dễ huy động, xã hội hóa. Chương trình XDNTM chỉ có khởi đầu mà không có điểm cuối, vì thế, trong giai đoạn tới, chúng ta phải tìm ra những vấn đề còn chưa hợp lý, bất cập, rút kinh nghiệm để phân bổ nguồn lực cho trúng hơn và đảm bảo phát triển cân đối.

“XDNTM thời gian qua đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, đối với các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ ngày càng khó khăn hơn do nguồn lực đầu tư còn hạn chế và khó huy động xã hội hóa bởi các xã còn lại chủ yếu là xã nghèo, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện. Vì vậy, để phấn đấu đạt tiêu chí quan trọng là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đạt 36 triệu đồng, xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp cụ thể?”, đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên) chất vấn.

Trả lời đại biểu Mùa A Vảng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ý kiến của đại biểu rất trúng, mặc dù chúng ta đã quyết định tăng đầu tư về phần hỗ trợ kinh phí trung ương cho các xã, huyện, tỉnh miền núi nhưng khoản hỗ trợ này chưa đủ so với yêu cầu phát triển các địa phương miền núi.  Trong các tiêu chí thì rõ ràng tiêu chí nâng cao thu nhập của người dân là tiêu chí cơ bản, vì thế, phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải pháp đối với Điện Biên nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung là phải thúc đẩy sản xuất trên cơ sở tái cơ cấu nông nghiệp bằng cách phát huy tiềm năng, lợi thế, như trồng cây mắc-ca, coi lúa gạo là đặc sản.

Ngoài ra, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa quyết định tổ chức hội nghị gắn du lịch trải nghiệm với Chương trình XDNTM để qua đó phát triển kinh tế nông thôn mang tính chất đặc hữu ở vùng này. Đây là biện pháp để biến những vùng không có lợi thế từng bước trở thành lợi thế, cho ra nhiều sản phẩm đặc hữu.

Cách nào để tránh giải cứu nông sản?

Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) chất vấn, việc giải cứu nông sản đã trở thành thường xuyên của nông nghiệp nước ta. Hiện, phát triển cây ăn quả có múi đến giai đoạn hiện nay có khoảng 90.000ha và cung đã vượt cầu rất xa. Chúng ta đã nhìn thấy được một cuộc giải cứu trong tương lai. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã và sẽ làm gì để có thể tránh cuộc giải cứu này?

bt-nguyễn-xuân-cường-ngày-31.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại nghị trường.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, diện tích rau hiện có khoảng 1 triệu hecta, diện tích cây ăn quả khoảng 800.000ha. Việt Nam sản xuất ra khoảng 30 triệu tấn rau và 15 triệu tấn  quả/năm, giá trị xuất khẩu khoảng 4,2 tỷ USD. Như vậy, ngành Nông nghiệp  đã có một bước cố gắng. Tuy nhiên, vấn đề chính hiện nay là quá nhiều hộ sản xuất nhỏ, do trong chừng mực nhất định vào thời vụ vẫn bị dư thừa.

Hà Tĩnh có 9.200ha cây ăn quả, trong đó có 7.000ha cam và 220ha bưởi. Giải pháp trước mắt là lấy bài học kinh nghiệm Bắc Giang vừa qua. Tỉnh này có 3 vạn hecta vải, đã chủ động tập trung xúc tiến đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, vừa xuất khẩu, vừa tiêu thụ nội địa, nên đã giải quyết được đầu ra cho cây vải. Còn về lâu dài, ngành đang bàn với các địa phương tập trung chế biến và đẩy mạnh xuất khẩu quả tươi. Nhiều doanh nghiệp cũng muốn đầu tư vào chế biến nhưng khó do diện tích trồng cây ăn quả còn phân tán.

Ngoài ra, muốn chế biến thì phải đồng nhất, ví dụ cam, quýt muốn chế biến phải mỏng vỏ, xơ dày, dai; nếu vỏ dày, tan xơ thì rất khó. Điều này từng bước một, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang tập trung chỉ đạo các viện và các doanh nghiệp cùng phối hợp với người dân để làm từng bước. Trước mắt, bằng những giải pháp tích cực như vừa qua, Bắc Giang, Sơn La đã có giải pháp tiêu thụ sản phẩm tốt cho dân. Còn giải pháp căn cơ lâu dài thì cần đẩy mạnh chế biến, tăng cường xuất khẩu quả tươi.

Ba nhóm giải pháp phát triển nông nghiệp

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP. Hồ Chí Minh) chất vấn, Bộ trưởng cho rằng, với những giải pháp trong chương trình 10 năm, 20 năm về nông nghiệp và phát triển nông thôn có đủ sức lan tỏa, theo tôi là vẫn chưa? Bởi hiện nay, lợi tức từ nông nghiệp thấp hơn các ngành khác. Do đó, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chưa muốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Dù thuê đất hay để tập hợp những cánh đồng lúa lớn thì khó mà giải quyết được những vấn đề xã hội...

Trả lời chất vấn của đại biểu Châu, Bộ trưởng Cường cho biết: Vừa qua, không chỉ Chính phủ mà cả hệ thống chính trị đều tập trung nhiều nhóm giải pháp cho phát triển nông nghiệp nói chung và 3 trục sản phẩm.

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế. Chưa bao giờ chúng ta hoàn thiện thể chế nhanh như giai đoạn vừa rồi. Riêng về khu vực nông nghiệp, trong 3 năm, 5 bộ luật hoàn thành.

Thứ hai, tập trung một loạt cơ chế chính sách: Nghị định 57 thay Nghị định 210, Nghị định 55 về tín dụng thay Nghị định 116, Nghị định 58 về bảo hiểm, Nghị định 98 về liên kết, Nghị định 52 về ngành nghề và gần đây là Nghị định 109 về nông nghiệp hữu cơ vừa được Thủ tướng ký ban hành.

Thứ ba, tập trung cả hệ thống chính trị vào công tác chỉ đạo. Từ đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đồng chí Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng chí lãnh đạo địa phương đều vào cuộc, tạo ra một niềm tin và sức mạnh lan tỏa. Trong 3 năm, đã huy động được gấp 3 lần số doanh nghiệp vào đầu tư khu vực nông nghiệp, tăng gấp 3 lần số hợp tác xã. Chính vì thế đã vốn hóa xã hội đầu tư vào nông nghiệp. Riêng năm 2018, các thành phần kinh tế - xã hội đầu tư vào nông nghiệp hơn 10.000 tỷ đồng. Cụ thể,  nhà máy rau quả ở tỉnh Tây Ninh đầu tư tới 1.800 tỷ đồng hoặc nhà máy chế biến về thực phẩm thịt lợn đầu tư vào Hà Nam tới 1.200 tỷ đồng...

Nhờ thực hiện hiệu quả các giải pháp trên, nông nghiệp có sự tăng trưởng vượt bậc, từ tăng trưởng âm năm 2016 lên  3,65% trong năm nay. Dự báo giá trị xuất khẩu ngành Nông nghiệp và PTNT năm nay đạt 40 tỷ USD.

 

 

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
Top