Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 23 tháng 2 năm 2019 | 11:59

Nhiều giải pháp gỡ khó cho người trồng lúa

Vụ đông xuân 2018-2019, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xuống giống khoảng 1,5 triệu hecta lúa, sản lượng ước đạt 11 triệu tấn. Đang vào vụ thu hoạch nhưng giá bán giảm hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân do doanh nghiệp gặp khó khi xuất khẩu gạo, trong khi lượng lúa tồn còn khá lớn.

tr3.jpg

Nông dân huyện Thới Lai (Cần Thơ) thu hoạch lúa trên cánh đồng lớn. Ảnh: HÀ VĂN.

 

Giá lúa sụt giảm

Đến nay, hầu hết diện tích lúa tại các tỉnh ĐBSCL đã đến kỳ thu hoạch nhưng giá bán liên tục giảm và khó tiêu thụ khiến nông dân lo lắng.

Ở các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ), nhiều cánh đồng lúa đang chín vàng, tuy nhiên, tiến độ thu hoạch diễn ra khá ì ạch. Anh Nguyễn Văn Khoa, ở xã Đông Bình (Thới Lai) cho biết, giá lúa tươi loại thường chỉ có 4.300 đồng/kg, lúa thơm thì khoảng 5.200 đồng/kg.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Cần Thơ, cho biết, vụ lúa đông xuân 2018-2019, Cần Thơ xuống giống 81.264ha, năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, sản lượng dự kiến 570.000 tấn. Hiện mới có khoảng 21.000ha có hợp đồng tiêu thụ, còn lại phụ thuộc vào thương lái. Sau Tết, giá thu mua bình quân thấp hơn khoảng 1.000 đồng/kg so cùng kỳ và khó tiêu thụ.

Còn theo ông Lâm Văn Thắm, ở xã Thạnh Lộc (Giồng Riềng - Kiên Giang), bằng giờ mọi năm, nhiều thương lái đến tận ruộng mua lúa tươi, giá cả đảm bảo lợi nhuận cho nông dân khoảng 15 - 20 triệu đồng/ha. Năm nay, lúa đã chín vàng đồng nhưng chưa thấy thương lái đến mua. Lúa giảm giá, tiêu thụ chậm khiến người dân gặp khó.

Tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), người dân tại đây đang vào vụ thu hoạch nhưng giá lúa tươi giảm trung bình 500-600 đồng/kg. Nông dân lo lắng vì rất ít thương lái tìm đến đặt cọc hỏi mua, điều chưa từng xảy ra ở nhiều vụ lúa đông xuân gần đây.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ cuối 2018, giá lúa tươi (IR50404) tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm. Đầu tháng 2/2019, giảm còn 4.200-4.400 đồng/kg; loại thóc hạt dài (OM 504) giảm còn 4.500 đồng/kg. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2019  sụt giảm cả về giá cả, khối lượng và giá trị.

Nguyên nhân?

Các doanh nghiệp thu mua lúa cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng đủ lớn để thu mua lúa trong dân là rất khó khăn, khiến cho việc thu mua xuất khẩu gặp khó. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đang bị thiếu thông tin thị trường, đặc biệt là thị trường lớn như Trung Quốc….

Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), nguyên nhân giá lúa giảm là do nhu cầu khách hàng vào đầu năm 2019 không được tích cực cộng với việc doanh nghiệp thiếu vốn mua lúa. Riêng đầu năm 2019, chưa có hợp đồng xuất khẩu ngay vào đầu vụ nên doanh nghiệp không thu mua lúa trong dân.

Cũng theo ông Bình, nếu doanh nghiệp không mua vào, nông dân không có khả năng tạm trữ sẽ bán tháo với giá rẻ, nước ngoài dựa vào thông tin này áp giá thấp đối với doanh nghiệp ký hợp đồng theo đơn hàng, gây thiệt hại cho ngành lúa gạo.

Việt Nam xuất khẩu gạo sang khoảng 150 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất. Trung Quốc đang siết chặt về chất lượng và hạn chế số lượng các công ty Việt Nam có quyền xuất khẩu gạo sang nước họ, khiến cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước lo ngại nguy cơ giảm sản lượng xuất khẩu gạo.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, nguyên nhân được đánh giá là một số thị trường vẫn còn lượng gạo dư của 2018 nên chưa có nhu cầu nhập khẩu trong đầu năm. Sau Tết Kỷ Hợi 2019, các doanh nghiệp đã giao hàng vào tháng 12/2018, chưa chủ động giao hàng theo các hợp đồng, hệ thống thương lái chưa vào cuộc mạnh mẽ. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang mở rộng diện tích lúa gạo để hạn chế nhập khẩu. Thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã xuất hiện thách thức mới.

Gỡ khó cho người trồng lúa

Trước khó khăn trong việc tiêu thụ lúa trong dân, các địa phương đã kiến nghị cơ quan chức năng chỉ đạo thu mua lúa tạm trữ cho nông dân. Mặt khác, đề xuất, vận động các ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ gói tín dụng giúp doanh nghiệp thu mua lúa tạm trữ.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho biết, đối với doanh nghiệp lớn, đề nghị ngân hàng xem xét nâng hạn mức cho vay, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Sở Công Thương chủ trì cuộc họp với các tổ chức tín dụng để hỗ trợ vốn cho những doanh nghiệp này thu mua lúa trong dân.

Theo ông Nam, các sở, ngành có liên quan cần tiếp cận nắm thông tin thị trường lúa gạo từ các bộ, ngành trung ương về báo lại cho doanh nghiệp càng sớm càng tốt. Đặc biệt là các cuộc đàm phán quan trọng, chính sách mới của những thị trường có ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, yêu cầu, các ngành liên quan nhanh chóng khai thác tối đa hệ thống kho sấy lúa nhằm hỗ trợ nông dân có nhu cầu tạm trữ; các doanh nghiệp cần nỗ lực thu mua lúa cho dân, nhất là những khu vực đã ký hợp đồng tiêu thụ; các ngân hàng tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thu mua lúa…

Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ký văn bản chỉ đạo các hội viên đẩy mạnh việc tiêu thụ lúa gạo đông xuân 2018-2019 tại các tỉnh ĐBSCL.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng vừa ban hành văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và các ngân hàng thương mại thực hiện một số nội dung về việc cho vay thu mua thóc, gạo vụ đông xuân 2018- 2019.

NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại khẩn trương chỉ đạo các chi nhánh cân đối nguồn vốn, tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp thu mua thóc, gạo; làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua thóc, gạo có nhu cầu vay vốn để xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp thu mua thóc, gạo cho người dân.

Mua 200.000 tấn gạo dự trữ

Chiều 19/2, làm việc với một số bộ, ngành về tình hình giá gạo giảm, Thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và PTNT mua dự trữ quốc gia năm 2019 với số lượng 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo, sẵn sàng mua 100.000 tấn tiếp theo theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Và đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT làm việc với Bộ Tài chính thống nhất chủ trương, biện pháp thu mua gạo để hỗ trợ cho các hộ dân trồng lúa ngay trong vụ đông xuân này.

Thủ tướng yêu cầu, các tổng công ty lương thực thực hiện đúng Nghị định 157, mua dự trữ 5% theo quy định. Cần tiếp tục thực hiện sớm kế hoạch xuất khẩu cho Philippines 200.000 tấn gạo và các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã xác định mua của Việt Nam trong giai đoạn này là 100.000 tấn gạo. Do đó, sản lượng gạo mua của người dân là ở mức cao.

NHNN có trách nhiệm xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp và coi đây là chủ trương của Chính phủ nhằm đảm bảo vốn cho việc thu mua. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước và 2 tổng công ty lương thực có chủ trương cụ thể bằng các nguồn lực khác nhau chỉ đạo mua kịp thời, sớm nhất lúa gạo cho người dân.

Bộ Công Thương tiếp tục cùng Bộ Nông nghiệp và PTNT tìm thị trường mới để tiêu thụ lúa dài hơi hơn cho người dân, không chỉ Trung Quốc, thị trường lớn, các thị trường ở khu vực ASEAN, cũng như các nước khác đang có nhu cầu, nhất là khi chúng ta tham gia một số hiệp định thương mại mới gần đây, trên cơ sở chất lượng gạo của Việt Nam được đánh giá không kém gạo của các nước khác.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, ngay đầu tuần tới họp với UBND các tỉnh, các doanh nghiệp có liên quan, cũng như NHNN… để thúc đẩy xử lý vấn đề mua lúa, gạo của nông dân. Các bộ, địa phương giám sát việc thu mua để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Lúa gạo chỉ có con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu”.

Để làm được việc này, Bộ Nông nghiệp và PTNT, các địa phương phải triển khai mạnh mẽ hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo để có gạo ngon, gạo tốt, gạo dẻo, chất lượng cao, gạo dược liệu, gạo chữa bệnh, gạo mang thương hiệu của Việt Nam ngày càng phổ cập.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần Chính phủ phục vụ người dân, “được mùa nhưng không rớt giá”, “đồng tâm hiệp lực để đời sống người nông dân tốt hơn”.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top