Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 12 năm 2018 | 14:56

Nhiều mô hình VAC ở Nghệ An cho thu tiền tỷ

Từ vườn tạp, ao hoang, chuồng trống không mang lại giá trị kinh tế, Hội Làm vườn (HLV) Nghệ An đã khởi xướng nhiều phong trào phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC).

Chỉ trong thời gian ngắn, những mô hình này đã mang lại thu nhập nhiều tỷ đồng cho người nông dân.

 

1.jpg

Phong trào phát triển kinh tế VAC đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, kết hợp trồng các giống cây mới cho hiệu quả kinh tế cao.

 

Nhiều mô hình VAC thu nhập cao

Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai và nguồn lao động, những năm qua, HLV tỉnh đã chỉ đạo HLV các địa phương vận động hội viên, nông dân cải tạo 75% diện tích vườn tạp, trồng mới hàng ngàn hecta cây ăn quả. Chỉ sau thời gian ngắn phát động, gần như 100% số hộ đã xây dựng được vườn dinh dưỡng, mang lại hiệu quả nhiều mặt.

Khu vườn của gia đình anh Lê Sỹ Phượng (xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương) trước đây chỉ là vườn tạp. Sau khi được HLV địa phương vận động, anh quyết định xóa bỏ vườn tạp, thay vào đó là những cây bưởi Diễn. Thời gian đầu, anh trồng thử vài chục gốc. Thấy giống cây này phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, phát triển tốt, anh quyết định nhân giống với hàng trăm gốc. Đến nay, gia đình anh  có gần 650 gốc bưởi Diễn, mỗi năm cho thu nhập hơn 400 triệu đồng.

Quyết định táo bạo hơn là  anh Nguyễn Trọng Dũng (xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương). Sau khi phá bỏ vườn tạp, gia đình anh Dũng vay mượn xây dựng mô hình chăn nuôi gà thả vườn kết hợp trồng cây rễ hương; mỗi năm thu khoảng 200 - 300 triệu đồng. Có kinh nghiệm, anh tiếp tục mở rộng sang chăn nuôi lợn siêu nạc, cá nước ngọt, gà, ngan, ba ba thương phẩm, thu nhập hơn 1,3 tỷ đồng.

Anh Dũng chia sẻ: “Trước đây, nhìn khu vườn tạp, tôi không nghĩ nó có thể mang lại nguồn thu nhập lớn như thế cho gia đình. Sau khi được HLV hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật, tôi quyết định cải tạo vườn, mạnh dạn vay mượn người thân, bạn bè đầu tư mô hình VAC. Đến nay, tổng thu của gia đình khoảng 1,5 tỷ đồng/năm”.

Ngoài anh Dũng, anh Phượng, những năm qua, HLV tỉnh Nghệ An còn xây dựng được nhiều mô hình mang lại  thu nhập cao như  trồng quýt PQ, bưởi Diễn của gia đình anh Nguyễn Văn Cường (Nghĩa Đàn), thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm; trồng cam xã Đoài, cam Valen và cam Vân Du của gia đình anh Võ Văn Kỷ (Thanh Chương), thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm; trồng bưởi Quang Hương kết hợp chăn nuôi của gia đình anh Quang Hương (Nghĩa Đàn), thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm…

Đến nay, Hội đã xây dựng được hơn 8.000 mô hình VAC, trong đó, gần 1.500  mô hình nuôi trâu, bò, lợn, gà…; hơn 1.000 mô hình trồng cây ăn quả và rau màu; 558 mô hình chăn nuôi thủy, hải sản. Các cấp Hội đã xây dựng được 37 mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng an toàn.

Chú trọng phát triển theo hướng VietGAP ứng dụng công nghệ cao

Không chỉ dừng lại ở những mô hình VAC đơn thuần, những năm qua, việc phát triển kinh tế VAC theo hướng GAP đã được các địa phương trong tỉnh Nghệ An triển khai, như vùng rau ở Quỳnh Lưu, TP. Vinh; trồng nấm ở Yên Thành; trồng ổi ở Nghĩa Đàn; trồng bưởi Hồng Quang Tiến ở thị xã Thái Hòa…

Đặc biệt, nhiều hộ hội viên đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các  giống cây mới vào sản xuất, như: thanh long ruột đỏ ở Thanh Chương,  Tân Kỳ; bưởi Diễn ở  Thanh Chương, Nghĩa Đàn; bưởi da xanh ở thị xã Thái Hòa…

Chủ tịch HLV Nghệ An Nguyễn Thế Thắng cho biết: “Thời gian tới, Hội sẽ chủ động tiếp cận, phối hợp và đề xuất xây dựng các chương trình, dự án tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, vườn chuẩn nông thôn mới, ứng dụng các đề tài khoa học công nghệ  theo công nghệ 4.0… Vận động và phát triển kinh tế VAC theo hướng an toàn, hữu cơ, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thành lập tổ hợp, hợp tác xã VAC, vừa sản xuất, chế biến, vừa tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, Hội sẽ xây dựng và phát triển các mô hình rau, hoa quả, thủy đặc sản, động vật quý hiếm trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao ở những vùng có lợi thế để sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế cao”. 

Phấn đấu 100% huyện, thành, thị có tổ chức Hội

Năm năm qua, HLV tỉnh Nghệ An không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 2013, Hội có 60.455 hội viên, nay tăng lên  61.371 người. Chất lượng hội viên không ngừng được nâng cao ở một số Hội cấp huyện, xã. Hàng năm, hội viên được tập huấn về công tác Hội, kỹ thuật sản xuất và tham quan mô hình. Nhiều huyện đã tổ chức phát thẻ cho hội viên, tạo thuận lợi trong việc quản lý, sinh hoạt Hội.

Toàn tỉnh hiện có 20/21 huyện, thành thị, 296 xã phường, thị trấn, có tổ chức Hội; 2.496 chi hội thôn, bản; 4 thành viên là doanh nghiệp trực thuộc HLV tỉnh.

Bên cạnh thành quả, trong công tác Hội còn tồn tại một số hạn chế: Tổ chức Hội phát triển chưa đồng đều, một số Hội hoạt động cầm chừng. Nhiều Hội cơ sở còn lúng túng và thiếu năng động, chưa chủ động đề xuất mô hình, dự án thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn trông chờ vào sự giao việc của chính quyền.

Trong nhiệm kỳ tới, HLV Nghệ An  phấn đấu 100% số huyện, thành, thị có tổ chức Hội. Mỗi huyện, thành, thị phát triển thêm 2 - 3 chi hội, kết nạp được 50 - 100 hội viên. 100% hội viên đều có thẻ hội viên. Phấn đấu 100% HLV các huyện, thành, thị đạt khá - giỏi, không có đơn vị yếu kém...

Ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị HLV tỉnh cần chú trọng củng cố, xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh; tăng cường tuyên truyền phổ biến cho hội viên, nông dân về chính sách, pháp luật, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

 

Ngày 29/6/2018, Nghệ An có Quyết định 482/QĐ-SNN-VPĐP ban hành Bộ tiêu chí vườn chuẩn NTM, gồm 5 tiêu chí: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, có hệ thống tưới, tiêu khoa học và ít nhất có áp dụng một trong các ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến khác vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến; Sản phẩm hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Môi trường cảnh quan; Thu nhập: Thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đối với cây trồng trong vườn so với thu nhập so với từ trồng lúa trong xã >= 5 lần trở lên.

Hiện nay, khi xây dựng vườn chuẩn thì mỗi vườn chuẩn được tỉnh hỗ trợ 15 triệu đồng.

Đây là cơ hội để HLV các cấp của Nghệ An thể hiện vai trò của mình trong xây dựng vườn chuẩn NTM.

 

 

 

 

T.Đan - N. Thái - S.Thăng
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh long vàng - hướng đi mới

    Thanh long vàng - hướng đi mới

    Hiện nay, một số farm tại Bình Thuận đang tìm hướng đi mới cho cây thanh long. Thanh long vàng có cơ chế tự vệ, lớp vỏ bóng dày, do đó, không bắt thuốc bảo vệ thực vật. Và kháng côn trùng tự nhiên nên thanh long vàng thích hợp sản xuất hữu cơ.

  • Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Điền có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất trên địa bàn TP Cần Thơ. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn trái của huyện liên lục tăng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tăng thu nhập cho nông dân.

  • Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    HG12 và HN6 là hai giống lúa thuần đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận lưu hành, trình diễn qua 05 vụ sản xuất tại nhiều đồng ruộng khác nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, mang lại kết quả đáng ghi nhận.

  • Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Nguyễn Duy Vĩnh - hội viên Hội Cựu chiến binh xã Bãi Trành (Như Xuân, Thanh Hóa) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng mô hình trang trại VAC, mang lại thu nhập 1,6 tỷ đồng mỗi năm.

  • Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Sau 4 năm thực hiện nuôi gà bằng thảo mộc, chàng trai Hà Minh Nguyện (SN 1993), phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện, trứng gà thảo mộc của Nguyện đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

  • Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Những chàng trai, cô gái đã đem sức trẻ chinh phục núi rừng để xây dựng quê hương thứ 2 ở Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) A Lưới, khu vực biên giới tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từng bước xây dựng Làng trở thành mô hình điểm về phát triển kinh tế hiệu quả do chính thanh niên làm chủ.

Top