Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 3 tháng 5 năm 2018 | 9:23

Những lãnh đạo nào liên quan đến sai phạm tại Vườn Quốc gia Cát Bà?

Sai phạm nghiêm trọng tại Vườn Quốc gia Cát Bà xảy ra từ năm 2009 đến nay, có thể điểm ra nhiều lãnh đạo liên quan.

Năm 2009, Vườn Quốc gia Cát Bà đã thông qua Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường ký kết các hợp đồng liên doanh, liên kết hoạt động kinh doanh du lịch với 3 doanh nghiệp: Công ty Du lịch thủy sản Thương mại Thùy Trang, Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa, Công ty cổ phần Thương mại Tùng Long, với tổng diện tích đất rừng khoảng 14.000m2 và 150ha mặt nước biển.

Theo đó, các hợp đồng đều được thực hiện dưới dạng cam kết giao khoán kinh doanh, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, tổ chức thí điểm mô hình hoạt động, đầu tư phát triển dịch vụ du lịch sinh thái khi chưa có “Đề án phát triển du lịch sinh thái” được UBND TP. Hải Phòng thông qua và phê duyệt.

Sai phạm tại Vườn Quốc Gia Cát Bà, ai là người liên quan?
Một trong những công trình sai phạm tại Vườn Quốc gia Cát Bà.

Theo cơ quan chức năng, đại diện của Công ty cổ phần Thương mại Tùng Long, có dự án đầu tư kinh doanh du lịch tại khu vực Hòn Ba Cát Bằng, Bãi Tháp Nghiêng thuộc Vịnh Lan Hạ cho biết, đã được UBND TP.Hải Phòng đồng ý về mặt chủ trương tại Công văn số 2056/UBND-NN ngày 27/3/2015.

Tuy nhiên, khi chủ trương này chưa được cụ thể hóa bằng các quyết định hành chính thì các hạng mục xây dựng vẫn được mở rộng nâng cấp nên sai phạm vẫn diễn ra, liên quan đến trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm.

Qua xác minh ban đầu của cơ quan chức năng, các lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT TP.Hải Phòng, lãnh đạo Vườn Quốc gia Cát Bà đều thừa nhận việc đồng ý, cho phép ký kết, thực hiện liên doanh, liên kết với các công ty du lịch để kinh doanh hoạt động du lịch sinh thái khi chưa có “Đề án phát triển du lịch sinh thái” được UBND TP.Hải Phòng phê duyệt là vi phạm các quy định về quản lý rừng.

Các lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà được xác định có liên quan đến thời điểm cơ quan chức năng phát hiện sai phạm, gồm: ông Nguyễn Đức Tùng (nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT từ năm 2000 đến tháng 7/2013), ông Hoàng Văn Thập (Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà, từ tháng 8/2017 đến nay), ông Phạm Văn Thương (Phó giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà, nguyên Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch và giáo dục môi trường, từ năm 2000 đến năm 2016). 

Ngoài các lãnh đạo nói trên, cũng cần kể đến các ông: ông Bùi Trọng Tuấn (Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT từ năm 2009 đến năm 2016), ông Phạm Văn Hà (Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT từ tháng 4/2016 đến tháng 7/2017), ông Phạm Văn Lập (Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT từ tháng 8/2017 đến nay), với vai trò là lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Hải Phòng trực tiếp quản lý Vườn Quốc gia Cát Bà.

Căn cứ vào những thông tin trên, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an đã chuyển giao cho Công an TP.Hải Phòng thụ lý điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, làm rõ vụ việc. Đồng thời yêu cầu các cơ quan tố tụng TP. Hải Phòng sau khi chứng cứ được thu thập sẽ họp đánh giá, vì đây là vụ án phức tạp, diễn ra trong thời gian dài và liên quan tới nhiều cán bộ, lãnh đạo cốt cán của thành phố.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục được thông tin tới bạn đọc về vụ việc trên.

 

 

 

Ngọc Phượng
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top