Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 11 năm 2018 | 21:57

Nổ mìn thi công dự án, hàng trăm nhà dân bị lún nứt:Chủ đầu tư nói gì?

Gần một năm nay, hàng trăm hộ dân bị lún, nứt nhà do nổ mìn thi công dự án đang phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ và mỏi mòn chờ đợi đền bù. Đề cập đến sự việc này, đại diện chủ đầu tư nói gì?

Như Báo Kinh tế nông thôn đã phản ánh, trong quá trình nổ mìn thi công gói thầu xây dựng số 22 Kênh chính, thuộc hợp phần hệ thống kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã, đã làm hàng trăm nhà dân ở xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) bị lún, nứt. Mặc dù dự án đã hoàn thành gần một năm nay, nhưng hàng trăm hộ dân bị bị ảnh hưởng vẫn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ nhà có thể sập đổ bất cứ lúc nào thì vẫn phải mòn mỏi chờ... đền bù.
 
Dân lo nhà sập…
 
Dự án hợp phần hệ thống kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã (thuộc dự án hồ chứa nước Cửa Đạt), do Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3 (thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT) làm chủ đầu tư. Tuyến kênh dài hơn 370 km, tổng vốn đầu tư hơn 4.300 tỉ đồng, khởi công vào năm 2011, đến nay cơ bản hoàn thành các tuyến chính. Công trình có chức năng cung cấp nước tưới cho hơn 31.000 ha đất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho nhiều địa phương ở tỉnh Thanh Hóa.
 
Gói thầu xây dựng số 22 nói trên được triển khai từ tháng 3/2015. Khi thi công qua địa bàn xã Nguyệt Ấn với chiều dài khoảng 7 km, do gặp đá ngầm lớn nằm dưới lòng đất, nên nhà thầu phải dùng phương án nổ mìn để mở kênh. Theo phản ánh của người dân địa phương, việc nổ mìn để thi công gói thầu này đã làm hàng trăm nhà dân ở 7 thôn của xã Nguyệt Ấn bị rạn nứt, hư hỏng, thậm chí nhiều nhà có nguy cơ đổ sập.
 
Tiếp xúc với PV, một số người dân có nhà bị ảnh hưởng bức xúc: Kế từ khi nhà thầu nổ mìn để thi công dự án, cuộc sống của họ không chỉ rơi vào cảnh lo sợ nhà sập, mà còn phải khổ sở vì nguồn nước sinh hoạt từ các giếng khoan bỗng nhiên bị mất. Mặc dù nhà thầu đã thi công hoàn thiện gói thầu xây dựng số 22 của dự án này gần một năm nay, nhưng hàng trăm hộ dân chúng tôi vẫn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ nhà sập, thì vẫn phải mòn mỏi chờ đền bù.
img_20181107_085241.jpg
Ông Hoàng Đình Hào (ở thôn Liên Cơ 3, xã Nguyệt Ấn) cho rằng, căn nhà hai tầng của gia đình ông bị lún, nứt là do nổ mìn thi công dự án

Theo số liệu thống kê của UBND xã Nguyệt Ấn: Hiện toàn xã có hơn 400 giếng khoan của các hộ dân bị mất nguồn nước sinh hoạt. Trong đó, có khoảng 300 giếng nguồn nước bị mất hoàn toàn.

“Còn nhớ, vào dịp cuối năm 2017, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra tiến độ thực hiện dự án này đã chỉ đạo: Sau khi gói thầu xây dựng số 22 hoàn thành, sẽ tiến hành đánh giá mức độ, phạm vi thiệt hại, để bồi thường thỏa đáng, công khai đến từng hộ dân bị ảnh hưởng. Thế nhưng, tại sao cơ quan chức năng lại chỉ mới đền bù cho 3 hộ dân?", một người dân cho biết.

Tính đến tháng 10/2018, ngoài 3 hộ dân đã được nhận tiền đền bù để di dời đến nơi ở khác an toàn, thì xã Nguyệt Ấn còn 349 nhà dân bị rạn nứt, hư hỏng. Trong đó, có 27 nhà thuộc diện cảnh báo nguy hiểm, nhưng chưa nhận được tiền hỗ trợ, đền bù, mặc dù công tác kiểm kê đã hoàn thành từ tháng 3/2018.
 
Đền bù cho dân nhanh hay chậm là trách nhiệm của huyện?
 
Được biết, người dân có nhà bị lún, nứt đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền đề nghị xem xét lại mức bồi thường do quá chênh lệch. Theo đó, UBND huyện Ngọc Lặc cũng đã tiến hành kiểm tra, thẩm định lại đối với những hộ không đồng ý với mức hỗ trợ đền bù như đã thông báo. Dù rằng, cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều cuộc họp, nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được mức giá đền bù.
 
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV, ông Lê Hữu Hải, Phó giám đốc Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3, chủ đầu tư dự án, khẳng định: “Tổng số tiền đền bù thiệt hại cho các hộ dân có nhà bị lún, nứt theo báo cáo của UBND huyện là 17 tỷ đồng. Trong khi đó, chúng tôi đã chuyển cho huyện 11 tỷ đồng, còn 6 tỷ tồng nữa thì hiện giờ cũng đã có. Chúng tôi chỉ căn cứ vào tổng số tiền phải hỗ trợ, bồi thường cho dân mà huyện báo cáo, để đề xuất với Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét, phê duyệt và chuyển về cho huyện. Sở dĩ huyện chậm chi trả tiền bồi thường là do người dân chưa thống nhất về việc áp giá đền bù của Hội đồng kiểm kê. Nói tóm lại, Việc áp giá và thực hiện việc đền bù cho dân là trách nhiện của chính quyền địa phương.
 
“Việc UBND huyện Ngọc Lặc đề xuất xây dựng nhà máy nước sạch cho dân, thì chúng tôi cũng đã báo cáo với Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trong quá trình thi công, nghe dân phán ánh là  giếng khoan của gia đình bị mất nguồn nước, chúng tôi vào kiểm tra thực tế thì cũng đúng như vậy”, ông Hải cho biết thêm.
nh.jpg
Dự án tuyến kênh chính chạy qua địa bàn xã Nguyệt Ấn đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng gần một năm nay, nhưng hiện tại hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng vẫn mòn mỏi chờ đền bù

Trước đó, trao đổi với báo giới về việc người dân phản ánh chậm chi trả tiền đền bù và nguồn nước sinh hoạt bị mất, ông Phạm Công Cúc, Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, cho biết: Chúng tôi đã bàn bạc với chủ đầu tư 3 nội dung để giải quyết cho dân về việc này, cụ thể: Thứ nhất là tiền đền bù thiệt hại cho nhà bị ảnh hưởng; thứ hai là xây dựng nhà máy nước sạch; thứ ba là di chuyển những hộ dân ở gần khu vực kênh, để tránh bị ảnh hưởng.

“Tổng số tiền dự toán để giải quyết các vấn đề trên là khoảng 58 tỉ đồng. Hiện tại, chủ đầu tư đang trình các đơn vị liên quan để xem xét, quyết định, nên chúng tôi cũng đành phải chờ”, ông Cúc nói.
 
Thiết nghĩ, chủ đầu tư dự án và chính quyền địa phương cần khẩn trương có giải pháp giải quyết vấn đề nêu trên, để người dân sớm ổn định cuộc sống.
 
Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
 
 
 
 
 
 
Văn Cương - Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top