Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 12 năm 2015 | 10:12

Nỗi trăn trở của người sở hữu nhiều voi nhất Tây Nguyên

Ở buôn Lê nằm bên bờ hồ Lắc thơ mộng thuộc thị trấn Liên Sơn, huyện Lắc, tỉnh Đác Lắc, có một người được mệnh danh là sở hữu nhiều voi nhất Tây Nguyên cũng như Việt Nam mà ít người biết đến.

Ông là Đàn Năng Long hiện sở hữu bảy con voi trong số gần 40 con voi nhà trên địa bàn tỉnh Đác Lắc. Dù đã công tác nhiều ngành nghề và có nhà ở ngay trung tâm TP Buôn Ma Thuột, nhưng ông lại từ bỏ tìm về buôn Lê để nối nghiệp cha chăm sóc, bảo tồn đàn voi. Gắn bó với voi ngay từ khi còn nhỏ nên hiện nay ông Long luôn trăn trở một điều, nếu các cấp, các ngành không có biện pháp bảo tồn một cách thiết thực, hiệu quả thì không bao lâu nữa đàn voi nhà ở Tây Nguyên sẽ bị tuyệt chủng.

Nối nghiệp cha bảo tồn voi…

Ngồi bên hồ Lắc lộng gió vào một ngày cuối năm, ông Long kể cho chúng tôi nghe về duyên nợ cuộc đời ông với đàn voi. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống nuôi voi, bố ông là dũng sĩ săn voi Đàn Năng Nhẫn, thường gọi là Ama Ku. Vì vậy, ngay từ nhỏ, ông đã theo cha đi săn bắt, thuần dưỡng voi rừng thành voi nhà.

Ông Long bộc bạch: “Thuở xưa, không riêng gì gia đình tôi mà nhiều gia đình ở các buôn làng nơi đây đều nuôi voi. Lúc đó, bao bọc chung quanh hồ Lắc toàn là rừng già, là nơi chăn thả voi lý tưởng nên con nào cũng to, khỏe. Thời điểm đó, người dân nuôi voi chủ yếu là để phụ giúp trong gia đình như chuyên chở nông sản, kéo gỗ từ rừng về nhà…”.

Lớn lên, Đàn Năng Long được cha đưa về TP Buôn Ma Thuột học hành và làm việc tại một số doanh nghiệp du lịch, nhưng được một thời gian ông từ bỏ trở về buôn Lê bên hồ Lắc thơ mộng để nối nghiệp cha chăm sóc, bảo tồn đàn voi và làm du lịch theo cách của riêng mình. Hơn 30 năm nối nghiệp cha, có thời điểm gia đình ông Long nuôi đến 12 con voi, nhưng do rừng tự nhiên ngày càng bị tàn phá, nguồn nước ô nhiễm, nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho voi suy giảm nghiêm trọng và voi nhà ít sinh sản nên đàn voi của gia đình ông Long cũng như đàn voi nhà trên địa bàn tỉnh Đác Lắc suy giảm mạnh. Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc, trước năm 1980 trên địa bàn tỉnh Đác Lắc có đến 70-80 con voi nhà nhưng đến nay đã giảm xuống còn khoảng 40 con.

Cưỡi voi tham quan, ngắm cảnh, một dịch vụ du lịch hấp dẫn ở Đác Lắc hiện nay.

Hiện tại, gia đình ông Long còn bảy con voi, đây là nguồn tài sản lớn mà ông luôn tự hào. Là người gắn bó với voi từ khi còn nhỏ nên ông Long không chỉ bầu bạn, trò chuyện được với đàn voi mà ông còn có thể chữa bệnh cho chúng. Ông Long chia sẻ: Với kinh nghiệm của mình, khi voi bị trầy xước thì nên dùng vỏ cây lộc vừng và lá cây trâm nấu với muối hạt lấy nước để rửa vết thương rồi dùng đất đào từ tổ mối hoặc men bả nấu rượu đắp lên vết trầy xước sẽ mau lành. Trường hợp voi bị bệnh u bướu hoặc vết thương lớn sưng mủ thì phải tiểu phẫu rồi đắp thuốc cho chúng theo kinh nghiệm dân gian. Trong nửa cuộc đời gắn bó với đàn voi, ông Long đã từng gặp trường hợp khó tưởng chừng không thể nhưng cuối cùng cũng đã cứu sống được con voi mình yêu quý đó là voi Y Khun bị kiệt sức và bỏ ăn nhiều ngày, ông phải truyền 32 bình dịch mới có thể cứu sống được con voi này.

Dẫn chúng tôi đi dạo bên bờ hồ Lắc thanh bình, lộng gió, nhìn đàn voi chở khách du lịch đi tham quan hồ Lắc, ông Long bộc bạch: “Với đồng bào Tây Nguyên, con voi là một thứ tài sản lớn, là niềm tự hào và là con vật gần gũi, gắn bó thân thiết với đời sống của mỗi gia đình, cộng đồng. Vì vậy, người nuôi voi phải có phẩm chất đạo đức chuẩn mực, rộng lượng, vị tha và gia đình hòa thuận thì voi mới ở được lâu dài với mình. Không những thế, cứ ba tháng chủ nuôi voi phải cúng một lần, gia đình có sự kiện gì cũng phải cúng để báo cho chúng biết xem như các thành viên trong gia đình mình vậy. Đặc biệt, khi mua voi, voi đẻ hay voi nhập làng đều phải làm lễ cúng báo tổ tiên của làng… Đây là những việc mà mỗi người nuôi voi phải biết.

Trở về buôn Lê, ngoài việc nối nghiệp cha chăm sóc, bảo tồn đàn voi, Đàn Năng Long còn làm du lịch theo cách của riêng mình. Theo lời ông kể, khoảng 15 năm trở lại đây, khi tuyến quốc lộ 27 nối từ thành phố Buôn Ma Thuột với huyện Lắc và tỉnh Lâm Đồng thuận lợi hơn trước, lúc này lượng khách du lịch đến với Tây Nguyên ngày càng đông hơn nên ông đã đứng ra mở dịch vụ cưỡi voi ngắm cảnh phục vụ du khách. Đây là một dịch vụ mới và độc đáo nên được đông đảo du khách trong và ngoài nước yêu thích, lựa chọn khi đến du lịch ở huyện Lắc. Vì vậy, ngoài đàn voi của mình, ông Long còn vận động nhiều gia đình nuôi voi trong buôn, trong xã cùng góp voi làm du lịch để nâng cao thu nhập.

Tuy nhiên, thời gian đầu việc đưa voi vào làm du lịch còn bất cập như việc ăn chia tùy theo thỏa thuận giữa hai bên (chủ voi và đơn vị du lịch cần sử dụng dịch vụ), chủ voi nào tham gia nhiều lượt thì có thu nhập cao và ngược lại… Chính vì lợi ích trước mắt này đã khiến các chủ voi đua nhau tận dụng thời gian, sức lực của voi để kiếm tiền, bất chấp sức khỏe của voi ra sao. Vì thế, sức khỏe đàn voi nhà ở đây nhanh chóng bị suy kiệt, dẫn đến bệnh tật và chết dần. Không những thế, tình làng nghĩa xóm cũng rạn nứt do tranh giành khách với nhau.

Vì vậy, ông Long đã đứng ra tổ chức, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch và lên kế hoạch, lịch sử dụng voi trong ngày một cách hợp lý để các gia đình có thu nhập đồng đều và đàn voi nhà cũng đỡ kiệt sức hơn. Từ dịch vụ cưỡi voi thăm quan hồ Lắc ban đầu, đến nay các dịch vụ du lịch ở đây rất đa dạng, từ cưỡi trên lưng voi để khám phá thắng cảnh nổi tiếng của hồ Lắc, các ngọn thác nguyên sơ của núi rừng Chư Yang Sin, cưỡi voi thăm buôn làng cổ M’nông bên hồ Lắc, Biệt điện Bảo Đại, chèo thuyền độc mộc tham quan hồ Lắc, ngủ nghỉ ở homestay, nhà dài, thưởng thức rượu cần, diễn tấu cồng chiêng…

Nhờ hoạt động hiệu quả nên phần lớn các gia đình có voi đều có đời sống tương đối ổn định nên họ có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo tồn đàn voi ngày càng tốt hơn. Nhờ đó, đến nay bà con ở các buôn làng quanh hồ Lắc còn nuôi dưỡng 16 con voi nhà, một tài sản có giá trị lớn, đồng thời còn là niềm tự hào của đồng bào M’nông, Mạ, Ê đê nơi đây.

Trăn trở của người sở hữu nhiều voi nhất

Là người cả đời gắn bó với đàn voi nên hơn ai hết, ông Đàn Năng Long hiểu rõ những tác động, đe dọa đến sự sinh tồn của đàn voi. “Nếu các cấp, các ngành không nỗ lực bảo tồn thì trong vòng 20 năm tới đàn voi nhà Tây Nguyên có thể bị tuyệt chủng”, ông Long trăn trở.

Điều mà ông Đàn Năng Long lo lắng nhất là những năm gần đây, diện tích rừng tự nhiên bao bọc quanh hồ Lắc bị tàn phá nặng nề, không còn nơi để chăn thả đàn voi. Vì vậy, nhiều năm nay đàn voi nhà trên địa bàn huyện Lắc không còn môi trường tự nhiên để chăn thả, giao phối nên không đẻ được voi con nào. “Mặc dù trong thời gian qua, bản thân tôi cũng như những hộ nuôi voi trong buôn, trong xã đã nhiều lần kiến nghị với UBND huyện Lắc và tỉnh bố trí cho Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc một số diện tích rừng tự nhiên để làm nơi chăn thả đàn voi nhưng chưa được giải quyết. Nếu tình trạng này kéo dài thì đàn voi nhà ở huyện Lắc sẽ già và chết dần, chết mòn”, ông Long bộc bạch.

Ông Đàn Năng Long bên đàn voi của gia đình mình.

Cũng theo ông Long, do rừng tự nhiên bị tàn phá, nơi chăn thả voi không còn, thức ăn tự nhiên bổ dưỡng cho voi không còn, buộc voi phải ăn mía và những loại thức ăn khác nên răng voi mòn nhanh hơn và voi cũng chết sớm hơn so với trước đây. Đặc biệt là voi không được trả về môi trường tự nhiên nên từ năm 1996 đến nay trên địa bàn huyện Lắc nói riêng, tỉnh Đác Lắc nói chung đàn voi nhà không sinh sản được. Vì vậy, đàn voi hiện có ngày một già đi và chết dần không thể bảo tồn được.

Ông Long đề nghị: Vấn đề cấp thiết hiện nay là tỉnh cần quy hoạch một diện tích rừng nhất định có cây cối, sinh cảnh rậm rạp để sau thời gian lao động phục vụ du lịch phải thả voi về với rừng. Điều này vừa tạo thức ăn giàu dinh dưỡng đề kháng được bệnh tật vừa tạo môi trường hoang dã cho voi có điều kiện gặp gỡ, giao phối sinh sản. Chứ như hiện nay, ngoài thời gian lao động, đàn voi nhà được đưa lên nương rẫy kiếm ăn trong phạm vi chật hẹp với tình trạng xích chân thì khó có khả năng giao phối, sinh sản mà bảo tồn lâu dài, bền vững được.

Trăn trở của ông Đàn Năng Long, người sở hữu nhiều voi nhất Tây Nguyên cũng là nỗi lòng của những ai quan tâm đến đàn voi nhà ở Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top