Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 16 tháng 2 năm 2019 | 16:6

Nông dân Trung Quốc thoát nghèo nhờ ứng dụng video ngắn

Các ứng dụng video ngắn được chứng minh là một cách hiệu quả để nhà nông dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng ở thành thị.

 

Năm 2017, Gao Yulou và vợ Wang Jiao bỏ công việc có thu nhập ổn định tại thành phố Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để về quê làm nông dân trồng xoài.

Theo ChinaDaily, cảm hứng của việc này bắt nguồn khi Gao thấy một người bán trái cây qua video trực tuyến. Anh nhận thấy các video này có tỷ lệ xem cao và khiến mọi người khao khát được thử những gì họ đã xem. Quê anh ở Lệ Giang, tỉnh Vân Nam, vùng sản xuất xoài lớn thứ ba của Trung Quốc, nổi tiếng với những trái xoài chín muộn và có chất lượng cao.

Ở quê nhà, Gao cùng vợ trồng hơn 2.000 cây xoài. Năm 2018, cả hai bắt đầu ghi lại và chia sẻ các video về đặc sản địa phương qua Kuaishou, một ứng dụng chia sẻ hình ảnh và video phổ biến trong cộng đồng nông thôn và người lao động nhập cư.

Nhờ sự xuất hiện vô tình của cô con gái đáng yêu, các video của hai vợ chồng nhanh chóng nổi tiếng. Tài khoản của họ hiện có 1,82 triệu người theo dõi. Kênh bán hàng của họ lấy trái cây từ 63 nông dân trong vùng và đã bán được hơn 85 tấn xoài. Mỗi tháng, họ thu về hơn 30.000 yuan (khoảng 103 triệu đồng) tiền bán nông sản, một nửa trong số đó đến trực tiếp từ Kuaishou.

"Chúng tôi luôn ghi lại cuộc sống của mình. Đây không chỉ như một phần mềm mà đã trở thành một phần trong cuộc sống. Chúng tôi hy vọng khám phá ra một cách mới, thông qua nội dung video và thương mại điện tử để góp phần hồi sinh cho các vùng nông thôn", Gao nói.

 

Một nông dân đang livestream việc câu tôm sông lên mạng xã hội ở tỉnh Hồ Nam. Ảnh ChinaDaily

Một nông dân đang livestream việc câu tôm ở tỉnh Hồ Nam. Ảnh ChinaDaily

Thống kê cho thấy Kuaishou có hơn 3,75 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tại 832 quận nghèo của Trung Quốc. Giải thích về sự phổ biến, Chen Sinuo, phó chủ tịch của Kuaishou, cho biết các đoạn video ngắn cho phép người dùng ở khu vực nông thôn thu hút sự chú ý từ công chúng. Bên cạnh đó là cơ hội thể hiện cuộc sống và ý thức, cũng như giúp họ nhận ra và có cảm giác tự hào về bản sắc riêng.

Những người trong ngành nói các nền tảng như Kuaishou có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sinh thái nông thôn và du lịch. Đặc biệt là nếu các doanh nhân ở khu vực nông thôn biết tìm cách khai thác sức mạnh của phương tiện truyền thông xã hội.

Theo số liệu từ Kuaishou, hơn 16 triệu người ở khu vực nông thôn đã nhận được thu nhập thông qua nền tảng này trong 2018, trong đó có khoảng 3,4 triệu người đến từ các khu vực bị xếp hạng nghèo đói cấp quốc gia. Công ty cũng hợp tác với các dịch vụ thương mại điện tử như Taobao hay Youzan, được hỗ trợ bởi các công ty lớn như Alibaba hay Tencent, để hỗ trợ người dân buôn bán và vận chuyển hàng hóa.

Đối thủ lớn nhất của Kuaishou là Douyin cũng đang nhanh chóng bắt kịp xu hướng phát triển, bằng cách đưa ra tính năng giỏ hàng nhằm hỗ trợ việc mua bán trực tuyến.

Theo số liệu từ QuestMobile tính đến 9/2018, Kuaishou có 257 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trong khi Douyin là 230 triệu. Doanh thu của ngành công nghiệp video ngắn đạt 14,01 tỷ nhân dân tệ (khoảng 45,6 nghìn tỷ đồng) trong năm 2018, tăng 520,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này dự kiến sẽ vượt 55 tỷ nhân dân tệ (188,4 nghìn tỷ đồng) vào 2020, theo công ty nghiên cứu thị trường iResearch.

"Phương pháp công khai sản phẩm thông qua các nền tảng video ngắn có thể giải quyết vấn đề doanh số bán hàng nông sản bị sụt giảm do thiếu nguồn lực và kênh phân phối", Zhang Xintian, nhà phân tích của iResearch cho biết. "Người dùng có thể tìm hiểu về các sản phẩm nông nghiệp tự nhiên và chất lượng cao thông qua các video ngắn, trải nghiệm cuộc sống nông thôn và nâng cao hơn nữa nhận thức của họ". Ông cũng nói việc hợp tác giữa các nền tảng video ngắn và các trang web thương mại điện tử là một mô hình thương mại thú vị, bởi nó giúp định hướng lưu lượng truy cập một cách chủ động.

Ma Shicong, nhà phân tích của công ty tư vấn Internet Anatysys, cho biết người dùng di động trẻ tuổi đang có nhu cầu ngày càng tăng đối với video ngắn. Bắt nguồn từ việc thời gian rảnh của họ có xu hướng bị phân mảnh. Theo cô, hiện Kuaishou được ưa chuộng bởi những người sống ở các thành phố hạng ba và bốn, trong khi Douyin phổ biến trong giới trẻ ở các thành phố hạng nhất và hạng hai.

"Tuy nhiên, hầu hết các ứng dụng video ngắn sẽ không tạo ra lợi nhuận trong thời gian ngắn, vì đầu tư ban đầu rất lớn. Chúng tạo ra thu nhập thông qua doanh thu quảng cáo, phí thành viên và các dịch vụ giá trị gia tăng khác", Ma nói thêm.

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top