Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 23 tháng 6 năm 2018 | 16:13

Nông nghiệp ĐB sông Hồng: Vui buồn khi được mùa dưa lê

Những ngày cao điểm nắng nóng, người dân ở Gia Bình khẩn trương thu hoạch các loại dưa xuân trên đất bãi. Một mùa vụ bội thu chưa thể khiến người dân có niềm vui trọn vẹn khi câu chuyện được mùa mất giá vẫn tiếp diễn.

Bắc Ninh: Vui buồn khi được mùa dưa lê

Loay hoay bê từng túi dưa lê lên cân, bà Nguyễn Thị Nhính, người dân thuê đất trồng dưa thôn Thọ Ninh, xã Vạn Ninh (Gia Bình - Bắc Ninh) cho hay: “Nhà tôi có 2 mẫu trồng dưa lê, 2 mẫu trồng dưa hấu. Năm nay, thời tiết thuận lợi, dưa được mùa hơn hẳn, năng suất tăng gần 20%, dưa hấu đạt 1,5 tấn/sào, dưa lê đạt từ 1-1,2 tạ/sào. Trong khi dưa lê có thể bán được 7.000-8.000 đồng/kg tại ruộng, mỗi sào cho lãi khoảng 2 triệu đồng thì dưa hấu thời điểm đầu mùa chỉ được trả giá 2.000 đồng/kg. Với giá bán như vậy, người trồng dưa hấu bị lỗ nặng”.

Cùng chung nỗi niềm với bà Nhính, anh Vũ Bá Trụ, thôn Trại Than, xã Cao Đức cho biết: Nhà trồng 5 mẫu dưa hấu, hiện nay thu hoạch được hơn 2 mẫu. Chưa bao giờ, giá dưa hấu lại rớt thê thảm như vậy. Chi phí đầu tư 1 sào dưa tới 3,5 triệu đồng (tiền mua cây giống, túi nilon che phủ, tiền thuê công cắt nhánh, bơm tưới nước…) vậy mà, loại đẹp từ 3,7-4kg/quả mới bán được 3.000 đồng/kg trong khi năm ngoái giá dưa hấu cùng thời điểm bình quân từ 8.000-10.000 đồng/kg, cao điểm lên đến 11-12.000 đồng/kg, vẫn phải bán tháo để gỡ gạc lại chút vốn bỏ ra.

Trên cánh đồng Cao Đức, Vạn Ninh, Thái Bảo… trong khi các ruộng dưa lê khá tấp nập người mua bán thì nhiều diện tích dưa hấu đến kỳ thu hoạch vẫn phải chờ thương lái. Ông Nguyễn Trọng Diêm, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh (Gia Bình - Bắc Ninh) cho biết: “Hiện nay Vạn Ninh là một trong những địa phương có diện tích trồng dưa cao nhất huyện, bình quân khoảng 90 ha/vụ. Từ 5-7 năm trước, các giống dưa được người dân ở Hải Dương, Hưng Yên lên thuê đất trồng cà rốt đưa vào sản xuất xen canh trong vụ hè thu với thời gian 3 tháng/vụ, cho giá trị kinh tế tương đối cao. Để tạo thuận lợi cho người dân sản xuất, đầu năm nay, cùng với nguồn hỗ trợ 7 tỷ đồng của cấp trên, UBND xã xây dựng đường bê tông ra tận các ruộng cho xe tải trọng lớn đi vào thu gom dưa. Tuy nhiên, do nông dân trồng tự phát, đầu ra phụ thuộc vào thương lái nên khi thu hoạch đại trà không tránh khỏi tình trạng bị ép giá”.

8.jpg
Tại các vùng đất bãi Gia Bình, trong khi dưa lê được mùa, được giá, thì giá dưa hấu tại ruộng lại rớt thê thảm, mòn mỏi chờ người mua.

 
Với chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, những năm gần đây, diện tích đất trồng các loại dưa ở Gia Bình tiếp tục tăng, nhất là khu vực đất bãi. Toàn huyện có hơn 500ha đất bãi trồng rau màu vụ hè thu, trong đó có gần 200ha trồng các loại dưa hấu, dưa lê, dưa bở…

Theo ông Phạm Công Quyện, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Bình, mặc dù sản xuất dưa đang hình thành được vùng tập trung quy mô lớn nhưng hầu hết thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Ngành Nông nghiệp huyện chưa đưa vào quy hoạch và không khuyến khích mở rộng ồ ạt. Trong vụ này, do thời tiết mưa nhiều, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo các diện tích dưa được trồng lên luống và che phủ nilon để chống cỏ dại và hạn chế xói mòn đất. Áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong việc cắt ngọn, tỉa cành và thụ phấn cho hoa, chú trọng đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng năng suất chất lượng cho cây. Ngoài ra, người nông dân trước khi tổ chức sản xuất bất cứ một mặt hàng nào thì cần tìm hiểu nhu cầu thị trường trong nước, thậm chí là nước ngoài, từ đó có biện pháp liên kết sản xuất gắn với bảo quản, tiêu thụ dài hơi hơn.

Ninh Bình: Giá dứa thấp kỷ lục, nông dân khó khăn trong tiêu thụ

Hiện nay, đang bắt đầu vào chính vụ dứa, tuy nhiên giá dứa trên thị trường đang sụt giảm nghiêm trọng, chỉ chưa đầy 2.000 đồng/1kg. Giá thấp, thương lái còn không thu mua đã khiến người trồng dứa rơi vào cảnh lao đao, thậm chí, nhiều nhà đành phải chấp nhận để dứa chín thối ngoài đồng.

Xã Quang Sơn, một trong những vùng trồng dứa trọng điểm của thành phố Tam Điệp. Cây dứa trước nay vẫn được coi là cây trồng cho giá trị cao và ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ dân. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, giá dứa lên xuống không ổn định, đặc biệt thời điểm hiện tại quả dứa chỉ bán được ở mức 2 nghìn đồng/1kg, thấp hơn giá thành làm ra khoảng 1 nghìn đồng/kg, thậm chí thương lái còn không thu mua khiến người nông dân lao đao.

9.jpg
Thu hoạch dứa tại xã Quang Sơn (thành phố Tam Điệp).

 

Giá dứa xuống thấp, tưởng chừng chỉ có nông dân vất vả nhưng ngay cả những thương lái buôn dứa cũng rất chật vật. “Buôn dứa 20 năm nay rồi nhưng chưa bao giờ khổ như năm nay. Người trồng dứa kéo xe thồ chở dứa đi bán khắp các đầu đường, ngõ chợ với giá 10 nghìn đồng cho 5-7 quả dứa thì hỏi dân buôn bọn em bán làm sao lại. Bữa trước 1 ngày bán cả mấy tấn dứa, nay chỉ vài tạ mà phải đi sang tận các tỉnh Thái Bình, Nam Định mới bán được”, một thương lái cho biết. 

Theo lãnh đạo xã Quang Sơn (thành phố Tam Điệp) thì trên địa bàn xã thì chia làm 2 khu vực sản xuất, một khu vực thuộc vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao, xã chỉ quản lý về con người còn việc sản xuất thì do Công ty quản lý; khu vực còn lại có 5 thôn với diện tích canh tác khoảng 200 ha, chủ yếu trồng dứa và chè xanh, do đầu ra ổn định nên nông dân không ký hợp đồng liên kết sản xuất với nhà máy mà tự tiêu thụ bên ngoài. 

Hải Dương: Vải thiều tăng giá cuối vụ

Hiện, nông dân Thanh Hà bán vải thiều với giá trung bình từ 12.000-13.000 đồng/kg, riêng vải thiều VietGAP từ 15.000-16.000 đồng/kg, cao hơn từ 3.000-4.000 đồng/kg so với thời điểm thu hoạch rộ. Theo các thương lái, từ nay đến hết vụ, giá vải sẽ tiếp tục tăng.

Đến nay, huyện Thanh Hà đã thu hoạch được 16.000 tấn vải thiều, đạt 80% sản lượng. Dự kiến đến hết ngày 25.6, huyện cơ bản thu hoạch xong vải thiều.

Theo UBND huyện Thanh Hà, vải thiều đang được tiêu thụ tốt tại hệ thống siêu thị Hapromart, cửa hàng tiện ích Haprofood và chuỗi siêu thị Intimex. Mỗi ngày, huyện cung cấp hơn 10 tấn vải VietGAP cho Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và Công ty CP Intimex để phân phối cho 33 điểm bán tại Hà Nội, Hưng Yên, Quảng Ninh, nhiều gấp đôi so với kế hoạch thu mua ban đầu. Giá bán vải thiều Thanh Hà tại siêu thị, cửa hàng tiện ích của Hapro, Intimex hiện là 25.000 đồng/kg.

10.jpg
Vải thiều Thanh Hà thu hút người mua. (Ảnh: Internet) 



Sau khi Tuần lễ vải thiều Thanh Hà tại Hà Nội kết thúc (ngày 22.6), Hapro sẽ tiếp tục thu mua vải cho nông dân Thanh Hà đến hết vụ.

Hải Phòng: Giá thịt lợn biến động - Người chăn nuôi thận trọng khi tái đàn

Theo khảo sát của Phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hải Phòng, tính từ đầu năm đến cuối tháng 5/2018, sản lượng thịt hơi cung ứng cho thị trường thành phố khoảng hơn 35 nghìn tấn. Trong đó, nguồn cung trên địa bàn thành phố giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn lợn hiện có 400 nghìn con, song chỉ có 30% số lợn đến giai đoạn được xuất chuồng.

Hiện tượng khan hiếm lợn hơi xuất hiện trong mấy tuần qua là do các hộ chăn nuôi đang trong giai đoạn tái đàn, lợn chưa đến kỳ xuất bán. Một số hộ có lợn to nhưng nghe ngóng biến động giá cả thị trường nên chưa bán để chờ thời cơ giá tăng cao mới bán để bù lỗ chi phí chăn nuôi…

11.jpg
Vào thời điểm này, giá lợn hơi tăng cao song lợn trong một số gia trại ở xã Tân Dân (huyện An Lão) còn nhỏ chưa được xuất bán.

 

Trưởng Phòng Chăn nuôi Chi cục Chăn nuôi - Thú y Nguyễn Văn Hoãn cho biết, từ tháng 5/2018 đến nay, giá lợn lên xuống thất thường, có lúc tăng cao đến 50 nghìn đồng/kg, song gần đây lại giảm xuống thấp hơn. Vì vậy, việc tăng giá trên thị trường có thể chỉ là nhất thời. Vì vậy, người chăn nuôi phải nắm bắt rõ quy luật biến động của thị trường để thường xuyên cập nhật thông tin, xác định quy mô phát triển chăn nuôi từ nay đến cuối năm cho phù hợp, không rơi vào tình trạng cung lại vượt quá cầu khi tái đàn ồ ạt. Tập trung cải tạo đàn lợn nái để cung ứng nguồn giống chất lượng cho phát triển chăn nuôi bền vững.

Thanh Hóa: Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản

Trong thời gian qua, UBND các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Thanh Hóa đã hướng dẫn các địa phương  thực hiện xây dựng và hình thành một số mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, như: Mô hình chuỗi liên kết sản xuất chuối tiêu hồng theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 40 ha giữa Công ty TNHH Tâm Thuận Thành (Hưng Yên) với một số xã thuộc huyện Cẩm Thủy và Thường Xuân cho thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng/năm. Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giống lúa giữa Công ty Khoa học và Công nghệ Vĩnh Hòa với các xã Định Tân, Định Tiến, Yên Phong (Yên Định), diện tích 130 ha, sản lượng đạt 600 tấn/ha. Chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm bưởi Diễn tại xã Yên Ninh (Yên Định) sản lượng khoảng 240 tấn sản phẩm được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty Vifosa...

12.jpg
Mô hình trồng thanh long theo chuỗi liên kết tại xã Hà Phong (Hà Trung). 

 

Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng triển khai xây dựng được 53 chuỗi sản xuất lúa gạo, 106 chuỗi sản xuất rau, quả an toàn. Nhằm từng bước phát triển chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh, hàng năm, UBND tỉnh tổ chức các hoạt động kết nối cung, cầu giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh với cơ sở tiêu thụ nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động kết nối cung, cầu các đơn vị sản xuất tìm được đầu ra ổn định để tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô. Sản phẩm cung ứng, tiêu thụ thông qua các hợp đồng hàng năm đạt khoảng 30.000 tấn gạo; 770 tấn rau, củ, quả.../.

 

 

 

Thanh Tâm (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top