Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 9 năm 2018 | 14:15

Nuôi lợn bằng cám thảo dược có gì đặc biệt?

Thành lập chưa lâu, quy mô chưa lớn nhưng mô hình chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ lợn sạch mà HTX Kinh doanh Thao Thanh, ở phường Thọ Xương (TP. Bắc Giang), đang thực hiện đã hình thành chuỗi kép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, cần được nhân rộng.

1.jpg

HTX Kinh doanh Thao Thanh dùng cám thảo dược nuôi lợn tạo ra nguồn sản phẩm sạch phục người tiêu dùng.

Nuôi lợn bằng thảo dược

HTX Kinh doanh Thao Thanh thành lập tháng 2/2017, với 7 thành viên, hoạt động theo Luật HTX mới, chuyên chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ lợn sạch. Đàn lợn tại đây được chăm sóc theo phương pháp an toàn sinh học và sử dụng cám thảo dược; sản phẩm được đóng gói bằng máy hút chân không, hàm lượng dinh dưỡng cao...

Ông Nguyễn Văn Thao, Giám đốc HTX, cho biết, HTX hiện có gần 500 con lợn (50 lợn nái, hơn 400 lợn thịt). Sản lượng như vậy chưa đủ nguồn cung phục vụ nhu cầu thị trường. Trước thực trạng này, HTX đã liên kết cung cấp cám sạch, sau đó thu mua lại lợn của 3 trang trại. Đến nay, hơn 1.000 tấn lợn hơi của các trang trại đã được HTX thu mua, chế biến.

“Với 25 năm làm kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, cùng với mục tiêu sản xuất lợn sạch phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, tôi đặt vấn đề với công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi sản xuất ra loại cám thảo dược, không có chất cấm với giá thành cao hơn 20.000 đồng/bao 25kg để nuôi thí điểm. 40 con lợn được nuôi thí điểm, mỗi con ăn hết khoảng 4  - 5 bao cám, sau 2 tháng đã cho thu hoạch.

Thử thịt một con để chế biến, thấy thịt lợn nuôi bằng cám thảo dược ăn ngon hơn so với nuôi bằng cám thông thường. Chế biến thịt không có bọt nổi, thịt săn và có mùi thơm hấp dẫn. Từ kết quả này, tôi  nhân rộng ra toàn bộ trang trại”, ông Thao nói.

Hỗ trợ mở rộng

Sau khi nuôi được lợn sạch, HTX làm đơn xin cấp có thẩm quyền thẩm định cấp phép về trang trại, quy mô lò mổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký với Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp quyền sử dụng mã vạch, đến tháng 5/2017, thì Tổng cục đã cấp mã vạch cho HTX.

Tại trang trại chăn nuôi ở xã Xuân Hương (Lạng Giang - Bắc Giang), HTX  tách xây dựng khu giết mổ, sơ chế ban đầu. Sau đó, lợn được chuyển về cơ sở giao dịch tại phường Thọ Xương (TP. Bắc Giang) chế biến thành từng sản phẩm đóng túi hút chân không, dán tem nhãn đưa đi tiêu thụ. Hiện, các sản phẩm thịt lợn của HTX được tiêu thụ tại 5 cửa hàng trong tỉnh, trung bình mỗi ngày tiêu thụ hơn 500kg thịt hơi. Trung bình doanh thu của HTX đạt 250 triệu đồng/tháng, trừ chi phí, lãi 120 triệu đồng.

Ông Thao cho biết, trong quá trình thực hiện, HTX vinh dự được UBND tỉnh chọn tham gia “Mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Qua đây, HTX được tham dự các chương trình hội chợ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đi học hỏi kinh nghiệm tại Quảng Ninh, được hỗ trợ 2 máy hút chân không, 2 cân điện tử, 1 tủ cấp đông, tổng trị giá 50 triệu đồng.

“Qua đây, tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm mà Quảng Ninh đã thực hiện các tiêu chí, quy mô lò mổ tập trung, có văn bản tuyên truyền từ tỉnh đến huyện, xã về thực phẩm an toàn, hiệu quả. Tôi mong được tham gia các mô hình và cách làm như ở Quảng Ninh”, ông Thao cho biết.

Trao đổi về những khó khăn, ông Thao tâm sự, mặc dù HTX có 5 cửa hàng tiêu thụ nhưng đầu ra vẫn chưa thực sự ổn định. HTX đang tìm cách đưa sản phẩm vào các trường học, các công ty trên địa bàn nhằm tạo ra thị trường ổn định nhưng rất khó. Cùng với đó là khó khăn về vốn, đặc biệt là tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Có thể nói, với mô hình khép kín nuôi lợn bằng cám thảo dược và sự hỗ trợ kịp thời của UBND tỉnh Bắc Giang, Sở Công Thương Bắc Giang, bước đầu HTX Kinh doanh Thao Thanh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong thời kỳ thực phẩm sạch “lên ngôi”, thực hiện chuỗi liên kết 4 nhà thì mô hình của HTX Kinh doanh Thao Thanh cần được hỗ trợ và khuyến khích nhân rộng.

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top