Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 22 tháng 3 năm 2010 | 1:18

Nuôi vịt an toàn sinh học, hướng đi mới

Bài II: Tập trung phòng dịchNuôi vịt chạy đồng kiểu mới

Đã từng có thời gian dài gắn bó với vịt chạy đồng, bước chân đã lội qua nhiều cánh đồng nhưng cuối cùng anh Mai Văn Minh ở xã Long Điền (Chợ Mới - An Giang) cũng phải thừa nhận, nuôi vịt chạy đồng không còn là nghề “làm chơi ăn thiệt” như ngày xưa bởi chi phí tăng, rủi ro cao. Chính vì vậy, anh chuyển sang nuôi vịt nhốt. Giống vịt anh chọn là loại siêu trứng. Vịt sau khi nhập về được anh tiêm phòng vắc-xin đầy đủ theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Với cách làm này, đàn vịt của anh luôn sinh sôi phát triển, có lúc lên đến 1.700 con. Anh Minh nhốt vịt trong 2 cái ao và ở khoảng sân rộng giữa đồng, cho ăn thức ăn công nghiệp; nguồn nước trong ao được thay thường xuyên. Nhờ đó, tỷ lệ vịt đẻ trứng khá cao, bình quân 300 trứng/con/năm. Hết chu kỳ đẻ, vịt thay lông nghỉ 21 ngày lại đẻ tiếp.

Cũng nuôi vịt trong ruộng lúa nhưng cách làm của nông dân xã Mỹ Thành Nam (Cai Lậy - Tiền Giang) được thực hiện tương đối khoa học. Theo đó, nguồn vịt giống bà con mua ở các cơ sở giống uy tín, được tiêm phòng vắc-xin cúm A/H5N1 theo đúng quy trình. Vịt được thả vào ruộng lúa, xung quanh thửa ruộng có bao lưới để vịt không đi lan qua các ruộng khác; vịt tham gia diệt sâu rầy và tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên.

Ba Tri (Bến Tre) cũng là địa phương phát triển mạnh mô hình nuôi gia cầm có kiểm soát này với tổng đàn vịt hơn 10.000 con... Có lẽ nhờ vậy mà trong các năm dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh (2007- 2008), nông dân Ba Tri vẫn duy trì hiệu quả đàn thủy cầm của mình. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp huyện đang khuyến khích bà con nhân rộng mô hình. Với những hộ có điều kiện, nên nuôi nhốt tập trung; đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ, có thể nuôi trong ruộng lúa nhưng có kiểm soát chặt chẽ. áp dụng cách làm này, nông dân vẫn có thu nhập ổn định, hạn chế dịch bệnh mà còn nâng cao hiệu quả canh tác lúa nhờ đàn vịt có thể tiêu diệt sâu hại, rầy nâu. Đây có thể coi là một “biến thể” của nuôi vịt chạy đồng và mô hình kết hợp lúa - vịt vốn rất quen thuộc với nông dân Đồng bằng sông Cửu Long vẫn có “đất dụng võ”.

Mô hình đa lợi ích

Từ thực tế triển khai mô hình, anh Đỗ Thanh Sang ở xã Minh Hòa (Châu Thành - Kiên Giang) khẳng định, mô hình nuôi vịt an toàn sinh học không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, cung cấp sản phẩm có chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng; đưa giống vịt tốt, dễ nuôi, ít bệnh đến cho người nuôi. Hơn nữa, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm thì việc phát triển những mô hình nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm đảm bảo sức khỏe cho người nuôi, người tiêu dùng, môi trường, giảm tình trạng nuôi vịt thả lan, hạn chế sự lây lan dịch bệnh.

Anh Sang cho biết, với 300 con vịt siêu thịt, sau 3 tháng nuôi vịt đạt trọng lượng bình quân 2,7kg/con, với giá bán 20.000 đồng/kg, thu lãi hàng chục triệu đồng.

TS. Nguyễn Văn Bắc, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia cho rằng, mô hình nuôi vịt tập trung, có kiểm soát không những đảm bảo an toàn dịch bệnh, hạn chế rủi ro, mà còn rút ngắn thời gian nuôi, không lệ thuộc mùa vụ, tỷ lệ sống cao (95%), trong khi tỷ lệ hao hụt ở nuôi vịt chạy đồng tương đối lớn (20 - 30%). Đặc biệt, mô hình này còn mang lại hiệu quả cao nếu kết hợp với nuôi cá.

Tuy nhiên, ông Bắc khuyến cáo, nuôi vịt an toàn sinh học cũng dễ xảy ra rủi ro và bất trắc, nếu như môi trường vệ sinh không bảo đảm, tiêm chủng không đầy đủ. Vì vậy để nhân rộng mô hình chăn nuôi tập trung, có kiểm soát theo hướng an toàn một cách bền vững, trong thời gian tới, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn, khuyến khích việc chuyển đổi từ chăn nuôi vịt quy mô nhỏ, chạy đồng khó kiểm soát sang chăn nuôi tập trung, nuôi nhốt, có kiểm soát; bổ sung thêm vào quy trình nuôi vịt thịt kỹ thuật vỗ béo trước khi bán, quy trình nuôi kết hợp vịt - cá, vịt - cá - lúa; cung cấp địa chỉ tin cậy về con giống, thức ăn cũng như những doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi.

Dịch cúm gia cầm đang có những diễn biến phức tạp, đã có thêm những trường hợp bệnh nhân tử vong do cúm A/H5N1 (mới đây nhất là một bệnh nhi ở TP.Hồ Chí Minh). Vì vậy, người chăn nuôi cần triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, để tránh lây lan ra diện rộng.

Khánh Phương

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top