Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 2 năm 2018 | 10:40

Olympic PyeongChang: Sân khấu của Mỹ và Hàn Quốc

Tất cả các “diễn viên chính” trên “sân khấu” đều đang tiếp tục những gì mà thế hệ lãnh đạo trước đây của cả Mỹ và Hàn Quốc đã làm.

Liệu “chính sách Thế vận hội” của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có đơn thuần chỉ là nỗ lực nhằm chia rẽ Hàn Quốc khỏi đồng minh Mỹ như các nhà bình luận vẫn nói? Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có thực sự bị lu mờ vì sự xuất hiện của một Kim Yo Jong xinh đẹp và đầy bí ẩn ở PyeongChang? Trên tất cả, những nỗ lực trong quan hệ liên Triều sẽ đem lại điều gì?

 

olympic pyeongchang san khau cua my va han quoc hinh 1

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cùng xem thi đấu trượt ván tốc độ tại Thế vận hội mùa Đông PyeongChang ngày 10/2. Ảnh: Reuters

 

 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên trước đây, Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) - ông nội của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hiện nay, đã có nỗ lực đầu tiên trong hòa giải quan hệ liên Triều năm 1972 và tiếp sau đó là xích lại gần hơn với Mỹ.

Những năm 1990 đã chứng kiến nỗi sợ chiến tranh, sự thương lượng giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và hướng Bình Nhưỡng tới cam kết với Washington. Điều này vẫn tiếp diễn trong thập kỷ đầu tiên của thể kỷ 21, đỉnh điểm là các cuộc đàm phán 6 bên trong đó có cả sự tham gia của Nhật Bản, Trung Quốc và Nga.

Ngày nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không quá cố gắng tìm cách chia rẽ Hàn Quốc với Mỹ bởi ông đang tìm cách gây ảnh hưởng lên Mỹ thông qua Hàn Quốc.

Vai diễn “cảnh sát tốt – cảnh sát xấu”

Về phía mình, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ ngày nay dường như đang diễn vai cảnh sát tốt – cảnh sát xấu (good cop - bad cop). Ví dụ điển hình nhất là sự đón tiếp nồng hậu của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đối với phái đoàn Triều Tiên và lập trường “cứng rắn nhưng bị động” của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khi ở trên khán đài Thế vận hội PyeongChang ông ngồi kế bên nhưng không liếc nhìn em gái ông Kim Jong Un và không chúc mừng khi đội hockey nữ liên Triều bước vào sân thi đấu.

 

olympic pyeongchang san khau cua my va han quoc hinh 2

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngồi rất gần bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên trên khán đài trong lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông PyeongChang. Ảnh: Time Magazine

 

 

Trên chuyến bay trở về Washington, ông Pence thừa nhận rằng, dù chính quyền Mỹ sẵn sàng đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên, nhưng sẽ không sẵn lòng đề nghị trước điều đó. Vai trò đó, như tiền lệ, sẽ lại là của Hàn Quốc. Trong trường hợp cụ thể này là Tổng thống Moon Jae-in.

Trên thực tế, ngoại giao Triều Tiên chưa bao giờ có thể đào sâu rạn nứt giữa Washington và Seoul. Theo thời gian, sự bất đồng giữa Mỹ và Hàn Quốc rồi sẽ mờ nhạt đi. Cơ bản, cả 2 đồng minh đều muốn cùng một thứ và Hàn Quốc thậm chí còn muốn nhiều hơn cả Mỹ. Đơn giản nhưng quan trọng hơn tất cả, Hàn Quốc muốn sống trong hòa bình với người láng giềng phía Bắc, tránh khỏi các cuộc tấn công hay sự dọa dẫm.

Sau chiến tranh Triều Tiên, các nhà lãnh đạo của Mỹ và Hàn Quốc khi đó đã chia rẽ về vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên. Mỹ sẵn sàng chấp nhận sự chia cắt trên bán đảo này như cái giá của hòa bình.

Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Syngman Rhee lại muốn tiếp tục chiến tranh. Ông Rhee đã “phá hoại” hội nghị hòa bình năm 1955 bằng việc đưa ra một điều kiện “không thể đàm phán” mà ngay cả Mỹ cũng không thể bênh vực.

Để đổi lấy hòa bình, Tổng thống Syngman Rhee yêu cầu Triều Tiên phải chấp nhận thống nhất với hiến pháp đang tồn tại khi đó của Hàn Quốc. Triều Tiên cũng muốn tìm cách thống nhất, nhưng đề xuất của họ để đạt được mục tiêu này khi đó lại không “quá đáng” như phía Hàn Quốc.

Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu thống nhất, nhưng cả hai lại không vội đạt được mục tiêu này.

Năm 1954, Bình Nhưỡng và Seoul có dân số tương đương nhau, nhưng Triều Tiên đã công nghiệp hóa. Còn ngày nay, Hàn Quốc có dân số gấp đôi Triều Tiên và thịnh vượng gấp gần 20 lần so với Bình Nhưỡng. Thống nhất thực sự sẽ là cái giá “vô cùng đắt đỏ” đối với Hàn Quốc. Nó cũng sẽ thay đổi Triều Tiên theo cách mà nhà lãnh đạo nước này có thể không bao giờ chấp nhận.

Tuy vậy, thống nhất sẽ vẫn là vấn đề quan trọng trong đàm phán liên Triều. Hàn Quốc chắc chắn muốn xoa dịu căng thẳng và tăng cường thương mại, du lịch và thông tin liên lạc với Triều Tiên. Triều Tiên sử dụng chính những mong muốn này như các điểm “cửa ngõ” cho đối thoại về các vấn đề khác mà họ muốn từ Hàn Quốc và cả từ Mỹ.

Các nỗ lực ưu tiên trong việc nối lại quan hệ liên Triều không hoàn toàn là không có kết quả. Trong những năm 1990, Triều Tiên đã đồng ý và đã bắt đầu dỡ bỏ tất cả các lò phản ứng hạt nhân. Đổi lại, Mỹ hứa hẹn sẽ cung cấp cho Triều Tiên các lò phản ứng nước nhẹ mới.

Thế nhưng các lò phản ứng mà Mỹ hứa hẹn đã không bao giờ xuất hiện. Điều đó khiến Triều Tiên tự thiết lập một chương trình hạt nhân “bí mật”, điều mà họ đã “giao kèo” với Hàn Quốc là sẽ không làm.

Dù thế nào Mỹ - Hàn cũng vẫn có lợi

Sự “nồng ấm” hiện nay trong quan hệ ngoại giao liên Triều có thể tồn tại không lâu, và mối quan hệ này có thể sớm trở lại căng thẳng cùng những lo ngại nguy cơ chiến tranh

Điều này có thể còn dựa vào những gì mà ông Pence đã nói, rằng Mỹ sẵn sàng đối thoại, và ông Moon Jae-in sẽ thành công trong việc bảo trợ các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Nếu xảy ra, các cuộc đối thoại này nhiều khả năng sẽ tập trung vào đề xuất “ngừng đổi ngừng” của Trung Quốc, theo đó Triều Tiên dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa còn Mỹ và Hàn Quốc dừng các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn.

Một thỏa thuận như vậy sẽ không giải quyết được những bất đồng cơ bản, nhưng nó có thể ngăn chặn Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới lục địa Mỹ.

Ngược lại, dù dừng các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn, nhưng Mỹ và Hàn Quốc vẫn có thể đổi sang các cuộc tập trận chung quy mô nhỏ hơn, ở khu vực bán đảo Triều Tiên, hoặc có thể ở các căn cứ tại Mỹ.

Bên cạnh đó, dù thỏa thuận “ngừng đổi ngừng”, Hàn Quốc vẫn có thể tự tổ chức các cuộc tập trận ở bất cứ quy mô nào, qua đó, tăng cường khả năng phòng vệ và cũng gửi đi một tín hiệu chính trị mạnh mẽ là Seoul đã đi tới điểm có thể tự bảo vệ chính mình./.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

  • Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Top