Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 1 năm 2019 | 15:24

Phát triển công nghiệp chế biến: DN, nông dân cần liên kết

Là nước xuất khẩu (XK) nông sản hàng đầu thế giới nhưng khâu chế biến và bảo quản nhiều loại nông sản chỉ đạt mức trung bình, chưa tương xứng với tiềm năng... Đó là nguyên nhân quan trọng làm cho giá trị gia tăng của nông sản Việt rất thấp.

 

 

Giải pháp lâu dài được đưa ra là tạo mối liên kết doanh nghiệp và nông dân; đẩy mạnh chế biến, tăng cường xuất khẩu quả tươi, hỗ trợ tiêu thụ nông sản...

che-bien.jpg

Bảo quản vải theo công nghệ CAS (Cells Alive System) để xuất khẩu.

 

Thiếu khả năng chế biến sâu

Nằm trên vùng đất đỏ bazan, Đắk Lắk có lợi thế ở nhiều loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu, cao su với sản lượng nằm trong tốp đầu cả nước. Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên của tỉnh cũng rất thuận lợi cho phát triển các loại cây ngắn ngày như lúa, ngô, sắn… Chưa kể, những năm gần đây, cây ăn quả liên tục tăng về diện tích, năng suất và chất lượng cũng không thua kém sản phẩm nơi khác.

Đắk Lắk có khoảng 300 doanh nghiệp (DN), cơ sở chế biến nông sản của các DN có vốn đầu tư nước ngoài, trong nước và DN địa phương đang hoạt động. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương Đắk Lắk, đa phần các DN, cơ sở này đều có quy mô vừa và nhỏ, công suất thấp, dây chuyền thiết bị thiếu đồng bộ, nên chất lượng sản phẩm chưa cao, lượng sản phẩm tinh chế còn thấp.

Chẳng hạn, Đắk Lắk có 23 DN chế biến cà phê nhân theo công nghệ khô, tổng công suất 475.030 tấn/năm; 16 dây chuyền chế biến ướt, công suất trên 64.000 tấn/năm; 47 DN chế biến cà phê bột, công suất trên 32.000 tấn/năm và 1 DN chế biến cà phê hòa tan, công suất 1.000 tấn/năm. Trong số này chỉ một số ít DN đủ năng lực chế biến cà phê chất lượng cao, còn lại phần lớn là các cơ sở quy mô nhỏ, dây chuyền thiết bị chưa đồng bộ, chế biến sâu mới chiếm khoảng 2,3% tổng sản lượng cà phê XK. 

Theo các chuyên gia kinh tế, có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn được XK dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp, chất lượng và giá trị thấp. Chất lượng của hàng nông sản  thấp, công nghệ chế biến lạc hậu, mẫu mã chưa hấp dẫn, giá thành sản xuất cao dẫn đến cạnh tranh kém, bị ép giá trên thị trường.

Còn theo số liệu điều tra của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, hiện tỷ trọng nông sản XK chế biến sâu tại Việt Nam mới đạt khoảng 25-30% tổng sản lượng nông sản (bằng một nửa các nước trong Top 4 khối ASEAN). Trong đó, nhiều sản phẩm đạt tỷ lệ rất thấp, như rau quả thực phẩm 10%, cà phê 4-6%, dừa, chè, cao su, đậu... hầu như chỉ qua sơ chế hoặc XK thô, không đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường thế giới.

Công nghệ thấp

Hơn 30 năm qua, ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản đã có bước phát triển khá. Nước ta đã hình thành và phát triển  hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản có công suất thiết kế lên đến 100 triệu tấn nguyên liệu/năm. Có trên 7.500 DN quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, trong đó có hơn 2.600 cơ sở chế biến nông sản, hơn 760 cơ sở chế biến thủy sản... Ngoài ra, còn hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình sơ chế và chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa.

Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trình độ công nghệ chế biến nông sản của nước ta chưa cao, tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn thấp, chủng loại chưa phong phú. Hệ số đổi mới thiết bị những năm qua chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2-1/3 mức tối thiểu của nhiều nước). Về trình độ công nghệ chế biến một số mặt hàng nông sản, 80% ở mức trung bình trở xuống. Các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 80% sản lượng).

Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, nhìn chung công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam chỉ đạt mức trung bình của thế giới, dù vẫn có một số ngành hàng có công nghệ hiện đại. Cụ thể, với ngành rau quả, sản lượng sản xuất cả nước đạt trên 25 triệu tấn/năm, nhưng hiện chỉ có 150 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp tập trung, với tổng công suất thiết kế chỉ 1 triệu tấn/năm; về thủy sản, năm 2017, cả nước sản xuất 7 triệu tấn nhưng sản lượng được đưa vào chế biến chỉ 4,5 triệu tấn; lúa gạo, cả nước hiện có 580 cơ sở xay xát quy mô công nghiệp với công suất 10 triệu tấn/năm và có tổng công suất kho chứa bảo quản lúa gạo đạt 7 triệu tấn.

Cơ sở chế biến nông sản phần lớn quy mô nhỏ và vừa (chiếm 90%), trình độ công nghệ thấp, xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, giá trị gia tăng chưa cao. Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), năng lực sấy lúa và bảo quản lúa sau thu hoạch nhiều nơi còn hạn chế do thiếu nhà máy sấy và kho dự trữ lúa. Phần lớn kho của DN hiện nay là kho chứa gạo, trong khi dự trữ lúa mới để được lâu, còn lúa xay ra gạo sau 3 tháng thường bị xuống màu, giảm chất lượng.

DN, nông dân cần liên kết

Ông  Toản phân tích: Sự chuyển mình trong những năm qua là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của các DN, hiệp hội ngành hàng và từng người nông dân trong việc quan tâm khâu chế biến. Đây là mắt xích quan trọng trong 3 mắt xích của ngành nông nghiệp hiện nay (gồm sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm).

Chúng ta đã hội nhập rất sâu vào thế giới với 14 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Rõ ràng, năng lực tiếp cận thị trường cũng như đạt chuẩn sản phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới, và ngay cả chinh phục thị trường trong nước phải được nâng cao. Con đường tạo ra giá trị gia tăng sản phẩm chỉ có thể là đầu tư vào chế biến, bởi vì các nhóm xuất khẩu của Việt Nam hiện nay mới chỉ có tỷ lệ 10% qua chế biến, và giá trị đang ở mức thấp.

Những năm qua, lĩnh vực chế biến,  chứng kiến khoảng 10 nhà máy được khánh thành với mức độ chế biến sâu, khoảng 3.600 tỷ đồng đầu tư. Gần đây là nhà máy tổ hợp chế biến thịt lợn ở Hà Nam của Masan Group, đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, đã đi vào hoạt động nhằm cung cấp thịt lợn an toàn cho thị trường trong nước và thế giới. Đầu năm 2019, Công ty CP Lavifood khánh thành Nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood tại Tây Ninh, công suất 60.000 tấn thành phẩm/năm. Tanifood chế biến tất cả các loại trái cây, rau, củ với nhiều hình thức, sản phẩm khác nhau. Trong đó, nông sản loại 1 sẽ làm hàng xuất khẩu tươi; loại 2, 3, 4 làm đông lạnh, sấy, cô đặc và nước ép đóng chai.

“Thời gian tới, cùng với sự chủ động của các ngành, các cấp, thì người nông dân cũng nâng cao năng lực  để thích ứng với biến chuyển của thị trường, đặc biệt là biến chuyển của hội nhập. Có lẽ, không còn xa lạ với chúng ta về những thay đổi của thị trường thế giới đang tác động đến đời sống hàng ngày và tác động mạnh vào đời sống của người nông dân - một trong những chủ thể của sản xuất. Thị trường thế giới yêu cầu phải nâng cao được tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc, đó là chất lượng chăn nuôi, chất lượng canh tác… và hướng tới sản phẩm nông nghiệp an toàn. Nông dân cần liên kết với doanh nghiệp, tham gia trực tiếp vào phân phối sản phẩm do chính mình sản xuất”, ông Toản nhấn mạnh.

Được biết, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang tập trung chỉ đạo các viện nghiên cứu, các DN phối hợp với nông dân  từng bước cải thiện chất lượng sản phẩm, tập trung các hộ nông sản sản xuất nhỏ thành một tập thể có diện tích sản xuất lớn. Hoàn thành bước chuẩn bị nguyên liệu, cùng các đơn vị thực hiện tiếp giải pháp căn cơ lâu dài là đẩy mạnh chế biến, tăng cường xuất khẩu quả tươi, hỗ trợ tiêu thụ nông sản...

 

 

 

Vân Nhi (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top