Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 12 năm 2018 | 13:2

Phòng chống khảm lá trên cây sắn: Không sử dụng giống nhiễm bệnh

Theo TS. Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khảm lá sắn là bệnh hại mới, nguy hiểm, không có biện pháp trừ bệnh mà chủ yếu là phòng bằng việc không dùng giống nhiễm bệnh, trừ bọ phấn là trung gian truyền bệnh.

Bệnh đang bùng phát ở nhiều tỉnh, nếu không có giải pháp căn cơ, quyết liệt, sẽ lan rộng ra các vùng khác, ảnh hưởng tới ngành sản xuất sắn của cả nước.

dlak2_1.jpg

Trao đổi về phòng bệnh khảm lá sắn ở xã Krông Na (Buôn Đôn - Đắk Lắk).

 

Lây lan nhanh

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, tính đến tháng 11/2018, bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện, gây hại tại các vùng trồng sắn của 12 tỉnh, thành phố, với mức độ gây hại khác nhau, nặng nhất tại  Tây Ninh (trên 90% diện tích sắn bị nhiễm bệnh). Tổng diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá trên 41.000ha, trong đó, 17.066ha nhiễm bệnh hiện còn trên đồng ruộng, gần 7.400ha  nhiễm bệnh nặng; 316,2ha bị bệnh quá nặng, không có khả năng cho năng suất đã tiêu hủy.

Sắn được xem là cây dễ trồng, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau và điều kiện kinh tế nông hộ, góp phần quan trọng vào công cuộc xoá đói giảm nghèo cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Sắn và các sản phẩm từ sắn là 1 trong 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực (đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD/năm), được Chính phủ và các địa phương quan tâm phát triển. Cả nước hiện có khoảng 550.000ha sắn, năng suất bình quân đạt gần 19 tấn/ha, vùng trồng thâm canh đạt 35 - 40 tấn/ha.

Tuy nhiên, phát triển sắn đang đứng trước nhiều khó khăn, năng suất thấp, giá cả bấp bênh, đặc biệt là dịch bệnh gây hại ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết: Trước tình hình bệnh khảm lá sắn có nguy cơ lây lan rộng, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và phòng, chống bệnh, thực hiện cấp bách tiêu hủy diện tích sắn bị bệnh.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các địa phương đã chủ động, tích cực chỉ đạo nông dân áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh. Tuy nhiên, tại một số nơi, công tác chỉ đạo phòng, chống bệnh còn chưa quyết liệt, nhất là việc kiểm soát nguồn bệnh trên đồng ruộng và giống nhiễm bệnh lưu thông trên thị trường. Thời gian tới, nếu các địa phương không chỉ đạo quyết liệt thì dịch bệnh khảm lá sắn sẽ lây lan  khắp cả nước.

Theo các chuyên gia, bệnh khảm lá sắn do vi rút gây ra, lan truyền qua hom giống và qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng. Điều nguy hiểm nhất là phổ ký chủ của các loài bọ phấn trắng cực kỳ rộng, có khả năng nhiễm tới 600 loài cây thuộc 74 họ thực vật. Trong khi đó, hiện chưa có thuốc bảo vệ thực vật được đăng ký phòng trừ bọ phấn trắng trên cây sắn. Bên cạnh đó, tình trạng nông dân tự để giống sắn và mua bán, vận chuyển giống sắn nhiễm bệnh từ vùng này sang vùng khác rất khó kiểm soát.

Loại trừ nguồn gốc hom sắn giống bị bệnh

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phòng chống bệnh khảm lá trên cây sắn” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk tổ chức, một số giải pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn đã được nêu ra. Theo đó, ngành nông nghiệp các địa phương cần rà soát, thống kê, đánh giá mức độ bệnh để phân vùng và chỉ đạo áp dụng xử lý theo quy trình phòng, chống của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành; tăng cường tuyên truyền, quản lý tốt việc loại trừ nguồn gốc hom sắn giống bị bệnh đưa vào sản xuất; linh hoạt đề xuất chính sách hỗ trợ nông dân khi tiêu hủy hay chuyển đổi 1 vụ sắn sang cây trồng khác để cắt nguồn bệnh.

Hệ thống khuyến nông địa phương và ngành bảo vệ thực vật tăng cường tuyên truyền, tư vấn cho nông dân xử lý tình huống cụ thể trên đồng ruộng, đảm bảo hài hòa thu nhập của nông dân và mục tiêu phòng chống bệnh.

Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về cây sắn và chọn giống sắn) cần sớm đưa ra khuyến cáo  tiến bộ kỹ thuật về giống chịu bệnh tốt, các biện pháp kỹ thuật phòng chống bệnh cho các địa phương...

Nông dân cần thay đổi nhận thức về mức độ nguy hiểm của bệnh, tránh chủ quan; nắm rõ nguyên nhân và sự lan truyền bệnh để phòng tránh. Diện tích bị bệnh nặng, có thu hoạch thì phải dọn sạch tàn dư cây bệnh, chuyển 1 vụ sang cây trồng khác. Khi trồng lại, phải lấy nguồn giống sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt không lấy giống từ Tây Ninh.

 

 

Đỗ Tuấn - Ánh Nguyệt
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top