Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 4 năm 2018 | 8:47

Phú Hòa: Cần xử lý nghiêm cơ sở gây ô nhiễm môi trường

Môi trường tại thôn Long Phụng, xã Hòa Trị (Phú Hòa - Phú Yên) bị ô nhiễm do hai nhà máy xay xát gạo và một nhà máy nhựa tái chế gây ra, khiến hàng trăm hộ dân bức xúc.

py1.JPG
Cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm.

 

Lộng hành vì được bao che?

Trước đây, hai nhà máy xay xát gạo của ông Lê Văn Ân và ông Nguyễn Ngọc Tý gây ô nhiễm môi trường, xã đã vào cuộc, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện về xác minh, “vỗ về” bà con và hướng dẫn ông Ân, ông Tý khắc phục hậu quả, đánh giá tác động môi trường. Hai nhà máy này, chẳng những nằm giữa lòng khu dân cư liền kề, còn sát đường giao thông, cách trường tiểu học và trường mầm non mỗi phía chưa đầy 100m.

Nay, có thêm nhà máy nhựa tái chế, vấn đề ô nhiễm môi trường càng nặng hơn, độc hơn.

Bà con tiếp tục có đơn gửi các cơ quan chức năng phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường. Ngày 12/02/2018, xã có Báo cáo số 17/BC-UBND “V/v kiểm tra xử lý hộ ông Ân và ông Tý gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh”.

Tại thông báo, UBND xã đã thực hiện được hai việc, nhân dân đồng tình và ủng hộ: Nhà máy xay xát của hộ ông Ân tạm ngưng hoạt động; đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện hỗ trợ đánh giá tác động môi trường đối với hộ ông Tý.

Trên cơ sở đó, UBND huyện Phú Hòa có Công văn số 274/UBND ngày 12/03/2018 “V/v giải quyết đơn của nhân dân”. Công văn này không được UBND xã Hòa Trị tống đạt hay thông báo cho bà con biết. Tại Điều 2, Công văn 274, giao trách nhiệm Phòng Tài nguyên và Môi trường theo dõi, tổ chức lấy mẫu đánh giá tác động môi trường... và báo cáo kết quả cho UBND huyện trước ngày 30/4/2018.

Theo Công văn 274, đối với hộ ông Ân, vì chưa đảm bảo các điều kiện hoạt động, chưa đánh giá tác động môi trường, xã lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động.

Còn đối với hộ ông Tý: “Xây dựng cơ sở xay xát và hoạt động đã lập hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường cấp giấy xác nhận tại Văn bản số 330/UBND”.

Văn bản 330 nói chính xác là: “Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường”. Theo bản cam kết này, cơ sở ông Tý phải thực hiện đầy đủ việc đánh giá tác động môi trường theo định kỳ hàng năm. Thực tế 10 năm qua, cơ sở ông Tý duy nhất có một lần lấy mẫu phân tích các thông số bụi, tiếng ồn vào ngày 6/8/2015. Đây là hình thức chống đỡ của các cấp chính quyền  nhằm tạo điều kiện cho cơ sở ông Tý hoạt động. Lẽ ra, với chức năng và thẩm quyền của mình, UBND xã Hòa Trị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà máy xay xát gạo của hộ ông Tý như đối với hộ ông Ân. Bởi việc cam kết đánh giá tác động môi trường của hộ ông Tý không còn giá trị (sử dụng hàng năm). Từ sự bao che trên, hộ ông Tý càng lộng hành, thách thức nhân dân, tiếp tục nâng công suất, đầu tư lắp đặt trạm biến áp, biến cơ sở xay xát thành nhà máy lớn, hoạt động suốt ngày đêm, cung cấp gạo cho thị trường cả nước.

py2.jpg
Vi phạm lòng lề đường ảnh hưởng người tham gia giao thông.

 

Cần xử lý nghiêm

Về không gian lắp đặt thiết bị xay xát, nhà máy của ông Ân có diện tích 100m2, công suất 2-3 tấn thóc/lần, mỗi tuần 2 lần; nhà máy của ông Tý, diện tích chỉ bằng 1/2 của cơ sở ông Ân (50m2), công suất lại gấp đôi (5 tấn/ngày), chủ yếu phục vụ cho gia đình (theo ghi nhận của Công văn 274).

Hai yếu tố trên cho thấy, hộ kinh doanh của ông Tý đã gian lận trong việc kê khai trốn thuế. Cho nên, Phòng Xây dựng huyện cần làm rõ, với diện tích đó (50m2) đã đủ điều kiện hoạt động chưa (?!). Có hay không việc lấn chiếm lòng lề đường?

Chị N. cho biết: Tôi là một trong hai người được ông Tý thuê và bố trí đứng máy ở đầu vào của thóc, mỗi ngày 8-10 giờ, xay xát trên dưới 380 bao thóc (50kg), tức từ 15 tấn/ngày trở lên.

Vì lẽ đó, chị N. đề nghị phải lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ  ông Tý; ra quyết định đình chỉ hoạt động và rút giấy phép kinh doanh.

Đối với Công văn 274, có sự “mở đường” của UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức lấy mẫu đánh giá tác động môi trường tại nhà máy ông Tý. Vấn đề này, cần có sự tham gia giám sát của người dân. Khi nhà máy hoạt động với công suất tối đa (tức trên 2 tấn/giờ), hai ống khói trên nóc nhà phải được nhả khói, lấy mẫu bụi từ nóc nhà, đặt máy TES 1350 từ các vị trí 10m, 20m, 50m, 70m... để đo đạc và phân tích.

Kết quả phân tích ở các thông số nói trên sẽ là sự khẳng định hai nhà máy xay xát có đủ điều kiện hoạt động hay không? Các yếu tố đo đạc và phân tích cần được công bố, kết luận rõ ràng bằng văn bản!

Còn nhà máy nhựa tái chế càng không đủ điều kiện hoạt động như theo đơn khiếu nại ngày 13/3/2018 của nhân dân được Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận và kiểm tra vào ngày 3/4/2018. Đoàn kiểm tra xác nhận có mùi hôi của nhựa lan tỏa khắp nơi rất khó chịu. Khí nóng khi cán nhựa, nhất là nhựa bẩn tái chế là vô cùng độc hại, phát tán trong một môi trường hẹp, đông dân, nhất là trẻ em dễ bị xâm nhập và gây bệnh cho con người.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 

 

Phi Công
Ý kiến bạn đọc
Top