Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 11 năm 2016 | 8:40

Phú Yên: Kỷ cương ở đâu khi cán bộ cơ quan pháp luật xây nhà trên đất lấn chiếm?

Bị lực lượng chức năng đến lập biên bản tạm đình chỉ thi công công trình xây dựng nhà trái phép, lấn chiếm đất của Nhà nước nhưng trong thời gian chờ giải quyết, ông Đỗ Phương Hoa ở khu phố Trung Hòa, thị trấn Củng Sơn (Sơn Hòa - Phú Yên) vẫn tiếp tục xây dựng. Dư luận đặt câu hỏi, có hay không sự buông lỏng quản lý, thậm chí là “ngoảnh mặt làm ngơ” của chính quyền cơ sở và những người có trách nhiệm, bởi ông Hoa hiện là Phó chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Sơn Hòa.

Theo ông Võ Ngọc Minh Duyệt, gia đình ông đang sống tại căn nhà ba tầng ở đường nội bộ Hùng Vương, khu phố Trung Hòa, thị trấn Củng Sơn. Nhà liền kề là của ông Đỗ Phương Hoa, Phó chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Sơn Hòa. Sáng 11/9/2016, ông Hoa mở móng làm nhà và đào hố sát móng nhà ông Duyệt nhưng không đảm bảo an toàn nên gây nứt tường nhà ông một vệt dài.

Ông Duyệt cho biết: “Phần đất ông Hoa được Nhà nước cấp sổ đỏ bề ngang chỉ 6m nhưng ông này đã xây móng nhà lấn ra đến 6,4m (phần đất bị lấn thuộc quyền quản lý của Nhà nước), trên giấy phép xây dựng cũng có chiều ngang 6m, ảnh hưởng đến móng nhà và gây nứt tường nhà của tôi. Do đó, tôi đã kiến nghị chính quyền huyện Sơn Hòa kiểm tra, xử lý việc xây dựng sai phép của ông Hoa; đồng thời đề nghị ông Hoa dừng đào móng sát nhà của tôi để tránh làm nứt thêm tường nhà”.

Căn nhà ba tầng của gia đình ông Võ Ngọc Minh Duyệt, nhà liền kề là của ông Đỗ Phương Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Sơn Hòa

Tuy nhiên, gia đình ông Hoa vẫn tiếp tục đào móng xây dựng nhà và đào hố sát móng nhà ông Duyệt nhưng không thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn đối với công trình nhà của ông Duyệt. Lúc này, ông Duyệt yêu cầu vợ chồng ông Hoa không được đào hố sâu nhưng vợ chồng ông Hoa không hợp tác và bảo thợ cứ tiếp tục đào. Vì quá lo sợ cho an nguy của gia đình, ông Duyệt đã gọi điện báo cáo sự việc đến Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Sơn Hòa.

Ngày 13/9, đơn vị này mới cử cán bộ đến giải quyết. Theo biên bản kiểm tra thực địa ngày 13/9/2016, đại diện các phòng Kinh tế - Hạ tầng, Tài nguyên và Môi trường và UBND thị trấn Củng Sơn xác định gia đình ông Hoa xây nhà trên diện tích đất có chiều dài 20m; chiều ngang mặt tiền rộng 6,4m, phía sau rộng 6m. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy việc đào hố móng nhà ông Hoa có làm lộ ra móng trụ của gia đình ông Duyệt và một phần móng đá chẻ. Tại vị trí này của nhà ông Duyệt có vết nứt chân chim chạy dọc theo trụ và tường gạch xây ở tầng 1. Nếu bằng mắt thường thì không thể xác định vết nứt này do đâu nên cơ quan chức năng yêu cầu ông Hoa dừng ngay việc thi công để xác định nguyên nhân vết nứt rồi mới được tiếp tục xây nhà. Cơ quan chức năng cũng yêu cầu ông Hoa xây nhà phải đúng phần diện tích được cấp theo sổ đỏ và đúng giấy phép xây dựng được UBND huyện Sơn Hòa cấp là 6x20m.

Tuy nhiên, theo ông Duyệt, trên thực tế, ông Hoa vẫn tiếp tục xây nhà sai phép. Cụ thể, ngày 11/10/2016, ông Hoa cho thợ đào tiếp hố móng (hố móng này được ông Duyệt cho rằng đã làm ảnh hưởng đến nhà của mình). Ông Duyệt đã báo cáo UBND huyện Sơn Hòa và sau khi có chỉ đạo của ông Nay Y Blung, Chủ tịch UBND huyện, thì việc xây dựng mới dừng lại. Thế nhưng, vào các ngày từ 15 - 17/10/2016, ông Hoa vẫn cho đào các hố móng còn lại và tiếp tục xây dựng các hạng mục công trình khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng. “Ông Hoa là đảng viên, cán bộ thực thi pháp luật nhưng bất chấp pháp luật, xây dựng nhà sai phép, lấn sang phần đất của Nhà nước, gây nứt nhà dân. Việc làm của ông Hoa gây mất lòng tin của người dân vào một cán bộ Nhà nước, cần được xử lý nghiêm”, ông Duyệt bức xúc bày tỏ.

Ông Hoa vẫn tiếp tục xây dựng nhà trong khi cơ quan chức năng còn chưa giải quyết xong vụ việc

Ông Hoa cho biết: “Tôi đào móng nhà không sâu hơn móng nhà ông Duyệt và chỉ đào bằng phương pháp thủ công nên không thể gây nứt tường nhà. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, tôi đã dừng thi công công trình gần 1,5 tháng. Nhưng sau đó, tôi phải tiếp tục làm nhà vì theo phong tục tập quán của người Việt Nam, xây nhà phải đúng ngày giờ. Tôi đã chấp nhận tạm dừng thi công để chờ cơ quan chức năng giải quyết nhưng thời gian quá lâu, ông Duyệt cũng nhiều lần tìm cách tránh mặt, không tham gia các cuộc họp, gây khó khăn nên tôi buộc phải cho thợ làm nhà trở lại”.

Cũng theo ông Hoa, trong quá trình thi công, ông đã làm việc với cơ quan chức năng về diện tích đất chênh lệch 0,4m. Ông sẽ làm thủ tục đề nghị cơ quan chức năng bổ sung thực trạng đất này và nộp thuế đầy đủ.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Tô Phương Bắc, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: “Sự việc này là có thật, huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đến hiện trường kiểm tra xử lý và bước đầu mời các bên đến hòa giải nhưng bất thành. Đối với phần đất 0,4m ông Hoa lấn chiếm của nhà nước, huyện đang hướng dẫn ông này làm hồ sơ để bổ sung vào sổ đỏ và giấy phép xây dựng”.

Ông H.T.T., trú ở khu phố Trung Hòa, thị trấn Củng Sơn, cho rằng, chính quyền địa phương đã phản ứng chậm với trường hợp ông Hoa xây dựng nhà không đúng với diện tích được cấp phép. Phải chăng vì vụ việc “đụng” đến Phó chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện nên mới “khó xử lý”? Và nếu ai cũng được hướng dẫn bổ sung đất lấn chiếm vào sổ đỏ thì còn đâu kỷ cương phép nước?

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

P.V

 

Mọi thông tin bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected].

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top