Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 4 năm 2010 | 1:29

Phú Yên: Trang trại bao giờ hết khó?

Tỉnh Phú Yên hiện có 2.735 trang trại, trong đó nhiều trang trại là hình mẫu về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế ở nông thôn, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, để kinh tế trang trại (KTTT) tạo được sự bứt phá mạnh mẽ, chính quyền địa phương cần sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề vốn.Vốn đã "gõ cửa" trang trại

Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Phú Yên xác định, nông nghiệp - nông thôn là thị trường trọng điểm; hộ sản xuất, hợp tác xã, KTTT là khách hàng chính. Với định hướng đó, Agribank Phú Yên đã dành trên 1.000 tỉ đồng cho hơn 400.000 lượt hộ vay, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi và hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Ông Mai Trọng Hùng, Giám đốc Agribank huyện Phú Hòa cho biết: “KTTT đang khẳng định vị thế bằng nhiều mô hình. Riêng ở huyện Phú Hòa, nhiều trang trại đã hình thành và làm ăn có hiệu quả như trang trại Sơn Ngọc (xã Hòa Quang Nam), Nhất Tự Sơn (xã Hòa Hội)... Để đáp ứng nhu cầu vốn của các trang trại, chi nhánh đã chủ động tiếp cận và nâng hạn mức cho vay lên vài trăm triệu đồng/trang trại. Hiện 2/3 số trang trại ở huyện Phú Hòa có vốn đầu tư của Agribank”.

Trang trại bao giờ hết khó?
Chủ trang trại Sơn Ngọc cho biết: “Việc ngân hàng đầu tư vốn khuyến khích mở rộng trang trại là hướng đi đúng và cần thiết. Trước kia muốn vay 100 triệu đồng, chúng tôi phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy chứng nhận trang trại để thế chấp, nay ngân hàng chỉ cần căn cứ vào hiệu quả của dự án để giải ngân vốn”.

Cũng giống như các trang trại ở huyện Phú Hòa, nhiều trang trại ở các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa đều được hai ngân hàng Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động bơm vốn. Ông Phan Lộc, chủ trang trại có hơn 67ha cây lâm nghiệp và 30 con bò ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) cho biết: “Để thành lập một trang trại đúng nghĩa cần số vốn tương đối lớn. Như trang trại của tôi, nếu không có nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Chính sách xã hội thì không thể mở rộng như hiện nay”. Ông Đào Tấn Nguyên, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên cho biết: “Bằng nguồn vốn cho vay vùng khó khăn và giải quyết việc làm, Chi nhánh đã giải ngân trên 200 tỉ đồng để người dân khu vực nông thôn, miền núi phát triển các mô hình kinh tế, trong đó có KTTT”.

Vẫn còn vướng

Khó khăn lớn nhất của các chủ trang trại ở Phú Yên hiện nay là việc cấp giấy chứng nhận trang trại, điều này kéo theo hàng loạt khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện các chính sách đối với KTTT như đất đai, thuế, đầu tư tín dụng, lao động, khoa học công nghệ...

Ông Lê Thận ở xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) nhận 15ha đất để trồng cây lâm nghiệp, các sản phẩm của trang trại là cây bạch đàn, keo lá tràm, cá và bò. Đến nay, đã hơn 10 năm nhưng ông Thận vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất hay chứng nhận trang trại. Trung bình 1ha đầu tư khoảng 20 triệu đồng, trong vòng 4 - 6 năm mới cho thu lãi trên 50 triệu đồng. Trang trại của ông Thận giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động và trên 20 lao động thời vụ. Tuy nhiên, ông Thận cho biết, do là đất thuê nên ông không được vay vốn ngân hàng, nếu được vay thì thời hạn vay tối đa chỉ 3 năm nên rất khó khăn trong việc trả nợ.

Bên cạnh đó, tình trạng thi nhau nhận đất lâm nghiệp rồi mạnh ai nấy làm, không có kế hoạch sản xuất rõ ràng đã ảnh hưởng xấu đến quá trình đầu tư phát triển KTTT, thậm chí còn gây rủi ro như dịch bệnh, cháy rừng... “Việc vay vốn ngân hàng có thể linh hoạt giải quyết, còn việc không được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất khiến chúng tôi khó có thể định hình rõ mình sẽ trồng trọt, chăn nuôi những loại cây, con gì. Cấp giấy chứng nhận trang trại hoặc quyền sử dụng đất là hướng mở để nông dân tìm hướng làm ăn mới, đạt hiệu quaó”, ông Đặng Chí ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) nói.

Cùng ý kiến với ông Thận, ông Chí, bà Từ Thị Bảy, một chủ trang trại ở xã Sơn Nguyên cho rằng: “Mặc dù Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội đã mạnh dạn đầu tư vốn vào KTTT, nhưng vẫn còn ngại vì quy mô trang trại nhỏ, manh mún. Chúng tôi rất cần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chứng nhận trang trại làm cơ sở cho ngân hàng nâng hạn mức tín dụng để có điều kiện mở rộng quy mô trang trại”.

Nghị quyết 03/NQ - CP của Chính phủ về KTTT đã quy định: “Nếu hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nhưng chưa được giao, chưa được thuê hoặc đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận thì được xem xét hoặc cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Do vậy, các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Phú Yên cần sớm giao đất lâu dài để nông dân tại các vùng nông thôn yên tâm phát triển kinh tế, giải tỏa “cơn khát” vốn.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 1.454 trang trại trồng cây hằng năm, 216 trang trại trồng cây lâu năm, 214 trang trại chăn nuôi, 851 trang trại nuôi trồng thủy sản.

Bình quân một trang trại sử dụng 3,7ha đất canh tác, với số vốn đầu tư gần 130 triệu đồng, doanh thu bình quân 109 triệu đồng/năm. Qua đánh giá hoạt động, có 77,1% số trang trại thuộc loại khá, 19,5% trung bình.


Quang Thuần

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top