Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 12 năm 2017 | 9:51

Phường Hoàng Văn Thụ: Nghi vấn lạm quyền, tự ý chặt hạ cây xanh do người dân trồng!?

KTNT - Chiều 26/12, lợi dụng lúc chủ nhà đi vắng, tại số nhà 2 ngõ 319 phố Tam Trinh (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội), nhóm đối tượng  3 - 5 người đã đốn hạ một số cây xanh do người dân trồng. Ngoài  thiệt hại về vật chất, gia đình nạn nhân đang cảm thấy hoang mang vì sự coi thường pháp luật của những người tham gia vào vụ việc này.

Theo camera giám sát của gia đình nạn nhân ghi lại, sự việc bắt đầu xảy ra vào 14 giờ 45 phút ngày 26/12/2017. Một nhóm đối tượng khoảng từ 3 - 5 người đã lấy điện từ khu vực lân cận, tiếp cận cổng ngách của ngôi nhà, ngang nhiên chặt hạ 2 cây xanh giữa ban ngày.


Thông báo số 1187/TB-UBND do Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ Trần Văn Riễm ký ban hành bị nghi ngờ chủ yếu nhắm vào gia đình bà Nguyễn Thị Thục Phương – số nhà 2 ngõ 319 đường Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội.

Liên quan đến sự việc trên, gia đình nạn nhân nghi vấn có sự tiếp tay của UBND phường Hoàng Văn Thụ. Bởi mới đây, ông Trần Văn Riễm, Phó chủ tịch UBND phường này đã ra văn bản thông đề nghị các cơ quan, đơn vị và hộ dân thuộc số tổ 50, khu dân cư số 12 không để chậu cây cảnh, đồ vật, phương tiện cá nhân trên vỉa hè các tuyến đường trong khu dân cư.

Bà Nguyễn Thị Thục Phương, chủ ngôi nhà 2 ngõ 319 phố Tam Trinh, cho rằng, nhiều tuyến đường trong khu dân cư tồn tại các trường hợp tương tự, nhưng dường như chính quyền chỉ chú tâm chặt hạ số cây xanh nói trên do gia đình bà vun trồng, trong khi không đả động gì đến những hộ dân khác trên cùng địa bàn.

Thông qua cuộc họp có mặt đại diện tổ dân phố, khu dân cư, cảnh sát khu vực, bà Phương được biết đã có ý kiến muốn chặt hạ cây mít và cây tường vy nằm bên cổng ngách (gia đình bà Phương thường xuyên đi lại bằng lối đi này). Tuy nhiên, sau đó, cuộc họp cũng nhất trí, đây là các cây đã tồn tại từ lâu, tạo bóng mát cho gia đình, thường xuyên có người chăm sóc, cắt tỉa, không ảnh hưởng đến giao thông, cũng như các sinh hoạt của các hộ liền kề.

Cây xanh do gia đình bà Phương trồng bị một nhóm người chặt phá không thương tiếc.

Bỗng dưng, lợi dụng lúc gia đình bà Phương đi vắng, xuất hiện một nhóm người đến phá cây xanh của nhà Phương mà không có thông báo hay bàn bạc gì với gia đình bà. 

Ghi nhận tại hiện trường thấy, số cây nói trên là giống cây mít và cây tường vy. Cây mít đã hơn 20 năm tuổi, cao trên 5m, đường kính thân khoảng 20 cm, bị cưa thành từng khúc còn trơ lại gốc; cây tường vy có tán rộng hơn cũng bị chặt hạ không thương tiếc vứt bỏ ngay trước cửa nhà. Đây đều là những cây quý, lâu năm của gia đình, thậm chí, hộ bà Phương đã bỏ ra số tiền khá lớn để nhập cây tường vy từ nước ngoài về. Đáng nói hơn, theo phản ánh của một số hộ dân, từ việc chặt hạ số cây nêu trên được thực hiện tự phát, cẩu thả, không có biển báo nguy hiểm, cố tình giựt đổ, tác động mạnh đến đường dây tải điện, hệ thống cáp viễn thông, truyền hình dẫn đến trụ điện và cột đèn chiếu sáng bị gãy, chực đổ sập, đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của nhân dân.

“Buổi chiều đi làm về, tôi bàng hoàng phát hiện ra sự việc. Quá bức xúc, ngay lập tức tôi hỏi các hộ xung quanh, gọi điện cho ông Riễm – Phó Chủ tịch phường, anh Quang – cảnh sát khu vực thì những người này đều không liên lạc được. Đến 17 giờ, xuất hiện một số người tự xưng là ông Long – cán bộ Văn phòng UBND phường, bà Nga – căn bộ tư pháp và một người nữa tên Đức đứng trước cửa nhà tôi trình bày lý do chặt phá là vì đảm bảo môi trường, văn minh đô thị. Đến khi tôi nói, sao không có thông báo trước cho gia đình tôi thời gian cụ thể lại tự ý đem lực lượng đến phá hoại và sao cả tuyến phố lại chỉ nhắm vào số cây nói trên? Tôi đề nghị nhóm người này giải thích thì họ lảng tránh, xin lỗi gia đình rồi lẳng lặng bỏ đi. Sau đó, họ còn gọi với cho ông Đặng Văn Đức – Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư là ngày mai, ông Riễm sẽ vào đây để giải quyết vụ việc”, bà Phương thuật lại diễn biến khi phát hiện ra sự việc.

Bà Phương cho biết: “Rõ ràng, việc chặt hạ cây xanh chỉ nhắm vào gia đình tôi là bất thường, phản cảm, có dấu hiệu lạm quyền, động cơ cá nhân, đi ngược lại chủ trương trồng cây xanh của TP. Hà Nội, vì thành phố này đang phấn đấu trồng thêm 1 triệu cây xanh trong giai đoạn từ năm 2016 -2020”.


Hậu quả của việc chặt phá tùy tiện dẫn đến nguy cơ cột điện nằm trong ngách 4 ngõ 319 Tam Trinh chực đổ sập, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân.


Một nhóm người tự xưng cán bộ của UBND phường Hoàng Văn Thụ đến xin lỗi người dân nhưng không được chấp nhận.

Nếu như việc chặt hạ cây xanh tùy tiện, không minh bạch, công khai hóa, thì người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ động cơ của cán bộ, công chức. Dù vụ việc tưởng chừng là nhỏ, nhưng đối với địa phương từng xảy ra nạn chặt phá cây xanh, gia đình bà Nguyễn Thị Thục Phương đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai, UBND phường Hoàng Văn Thụ làm rõ việc chặt hạ cây xanh nêu trên có đúng quy định của pháp luật hay do tư thù cá nhân, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Phương. Đồng thời, bà Phương cũng đề nghị UBND quận và Công an quận Hoàng Mai làm rõ danh tính những người chỉ đạo, tham gia chặt hạ cây xanh do người dân trồng là những ai và có động cơ, mục đích là gì?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên.

Trước tình trạng UBND các xã tự ý tổ chức chặt hạ cây xanh khi giải toả hành lang an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn 2 huyện Thạch Thất và Hoài Đức, cuối tháng 3/2017, Sở Xây dựng Hà Nội ký văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã giám sát chặt chẽ, nghiêm cấm việc tự dịch chuyển cây xanh khi xử lý vi phạm.

Văn bản của Sở Xây dựng Hà Nội nêu rõ: Để đảm bảo thực hiến đúng chủ trương của UBND thành phố về xử lý vi phạm hành lang ATGT, đồng thời quản lý và duy trì hệ thống cây xanh, cảnh quan trên địa bàn, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, giám sát các đơn vị chức năng khi thực hiện giải toả hành lang ATGT. Nếu buộc phải di chuyển, chặt hạ cây xanh nằm trong phạm vi bảo vệ hành lang ATGT phải thực hiện nghiêm túc quy định của UBND thành phố, quy định của pháp luật.

Cụ thể, phải tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, đề xuất phương án di chuyển, chặt hạ đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Giao Thanh tra Sở Xây dựng chỉ đạo Đội Thanh tra xây dựng  quận, huyện, thị xã xử lý vi phạm (nếu có) liên quan đến việc chặt hạ, dịch chuyển  cây xanh trên địa bàn.

Ánh Sáng

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top