Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 12 năm 2018 | 19:9

Quảng Bình: Gương sáng trong phát triển kinh tế VAC – Rừng

Với bản tính cần cù, chịu khó học hỏi, anh Hồ A Lai, bản Cồn Cùng, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), đã từng bước làm giàu chính đáng. Hiện, anh đang phát triển mô hình kinh tế VAC - Rừng với tổng diện tích 50ha.

qb-vuon-tren-cao-66666.jpg

 Mô hình trang trại của anh  Hồ A Lai, nhìn trên cao xuống.

 

Hồ A Lai sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh em ở tỉnh Quảng Trị. Ngày đó, do quê nghèo, lại thiếu đất sản xuất, nên một số anh em trong gia đình bàn nhau về xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) định cư.

Cuối thập niên 90, bản Cồn Cùng, xã biên giới Kim Thủy còn rất hoang vu, rừng rậm bao phủ khắp nơi, giao thông đi lại khó khăn, song, thuận lợi là có nguồn nước và đất sản xuất rộng lớn.

Để có cái ăn trước mắt, anh đã mạnh dạn khai hoang vùng đất gần 2ha để trồng lúa nước. Anh kể: “Ngày đó, thấy tôi trồng lúa nước, đồng bào ở đây ai cũng cười, thậm chí họ không biết tôi trồng cây gì. Vụ lúa nước đầu tiên đã cho cuộc sống gia đình tôi khấm khá hẳn lên, không còn lo cái đói hàng ngày nữa. Thấy vậy, nhiều bà con trong bản đã học cách trồng lúa”.

 Mặt khác, anh còn chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà nên thu nhập ngày càng ổn định. Năm 1992, anh vào miền Nam học cách ươm cây giống để trồng rừng. Qua nhiều lần ươm thất bại, cuối cùng, anh đã thành công khi hàng chục nghìn hạt giống cây bạch đàn đã nảy mầm, để phủ xanh đất trống đồi trọc.

Năm 1993, anh nhận tiếp 10 ha đất gần nhà để khai hoang trồng rừng. Thời gian này, đàn trâu, bò của anh phát triển lên hàng chục con, cùng với đàn lợn nái và hàng trăm con gà thả vườn. Chưa hài lòng, năm 1996, anh quyết định bán gỗ rừng bạch đàn và gần hết số vật nuôi để trồng rừng keo lai. Sau đó, mạnh dạn nhận thêm 40ha đất đồi để khai hoang tiếp tục trồng rừng.

Anh kể: “Tôi nghĩ, mình yêu rừng và đầu tư trồng rừng chắc chắn rừng sẽ không phụ mình. Ngày nào, vợ chồng tôi cũng làm việc quần quật từ sáng đến tối, xoay quanh công việc VAC – Rừng”. Qua nửa năm, cánh rừng hàng chục ha đã hình thành, dưới tán rừng, anh tận dụng chăn thả trâu, bò, gà để “lấy ngắn nuôi dài”.

Tính đến nay, Hồ A Lai đã bán hàng chục lứa rừng và mang về nguồn thu trên 3 tỷ đồng, trong đó lần nhiều nhất là 600 triệu đồng. Từ số tiền này, anh đã làm 1 ngôi nhà khang trang, mua xe tải, máy cày và tiếp tục đầu tư trồng rừng, cao su, hồ tiêu, và làm VAC.

 Hiện, trang trại anh đang có trên 45ha rừng keo tràm, 2 ha cây cao su, 3 ha mặt nước ao cá, 50 con lợn thịt, 7 con lợn nái sinh sản và gần 30 con trâu, bò…, cho thu nhập bình quân mỗi năm trên 600 triệu đồng.
Ông Hồ Viết Tình, Bí thư Đảng ủy xã Kim Thủy nhận xét: “Ngoài làm kinh tế giỏi, Hồ A Lai còn là cán bộ hết sức gương mẫu, thường xuyên giúp đỡ nhân dân. Từ uy tín, mẫu mực của mình, anh đã được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. Ngoài ra, anh còn nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp chính quyền, đoàn thể về thành tích về làm VAC – Rừng giỏi”…

Nghệ An: Đưa rau rẫy về vườn nhà, duy trì “vườn treo”

 Về định cư tại xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An) gần 20 năm, do đất đai khá bằng phẳng, nên tập quán sản xuất của đồng bào Mông bản Lưu Thông đã đổi thay. Nhất là sự đan xen giữa cái mới và cái cũ đã tạo nên sự độc đáo ở bản Mông này.

na-vuon-treo-9999.jpg

 Nhiều bà con Bản Lưu Thông vẫn giữ vườn treo phục vụ bữa ăn hàng ngày -Ảnh Công Kiên

Đến Lưu Thông, chúng tôi thấy điểm đặc biệt là địa hình của bản khá bằng phẳng, cư dân sinh sống ven suối Cành Xà, một con suối khá lớn ở đây, nên bà con người Mông đã đưa cây rau, đậu từ rẫy về trồng ở vườn nhà.

Diện tích tuy không rộng, nhưng hầu hết các hộ đều dành 1 mảnh vườn để trồng rau cải, cải bắp, đậu và các loại rau, củ, quả khác. Vừa để đáp ứng nhu cầu thực phẩm hàng ngày, vừa đem ra chợ bán có thêm thu nhập.

Trước đây, do sinh sống trên đỉnh núi cao, làng bản cheo leo, nhà sát nhà nên gần như không có đất trồng rau. Muốn có rau, bà con phải mang hạt và cây giống ra rẫy, hàng ngày phải cuốc bộ mấy giờ đồng hồ mới đem được rau về nhà, mất rất nhiều thời gian, công sức.

 Hiện, nhiều bản Mông ở Kỳ Sơn, Quế Phong và Tương Dương vẫn duy trì cách làm vất vả trên. Do vậy, những vườn rau ở Lưu Thông là một “kỳ tích”, vì họ đã đưa được cây rau từ rẫy về vườn nhà.

 Ngoài ra, người Mông ở Lưu Thông còn có sáng kiến tạo ra những “vườn treo” để trồng rau. Họ tận dụng xô, chậu hỏng, hộp xốp, cho đất màu vào rồi gác lên giá gỗ, mái nhà, hoặc bất cứ vật gì có mặt phẳng và độ cao để trồng rau.

Các loại rau được trồng ở “vườn treo” chủ yếu là gia vị (hành, rau húng và lộc thơm), phục vụ bữa ăn hàng ngày rất thuận tiện, không phải đi xa, và có thời gian nghỉ ngơi.

 Ông Vừ Giống Nênh – Trưởng bản Lưu Thông cho biết: “Vừa đưa rau về vườn nhà, vừa duy trì “vườn treo”, chứng tỏ bà con người Mông ở đây rất năng động trong tiếp nhận cái mới, vừa để ghi dấu ấn vất vả, thiếu thốn của ngày qua”.

Quỳnh Lưu: Loại rau chỉ dắt xuống đất, phục vụ đắc lực cho chăn nuôi

 Nông dân xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đưa giống rau lấp về trồng trên vùng đất trũng làm thức ăn cho gia cầm, cho thu nhập hàng triệu đồng/sào.

na-rau-lap-99991.jpg

 Những vườn rau phục vụ chăn nuôi  thu nhập 2,5 – 3 triệu đồng/sào(Ảnh Quỳnh Yên)

Hàng năm, sau thu hoạch vụ hè thu, chị Nguyễn Thị Lưu, xóm 7, xã Quỳnh Yên đã nhanh chóng trồng hơn 1 sào rau lấp vụ đông. Chị cho biết, rau lấp được cắt từng đoạn ngắn, rải đều khắp mặt ruộng và dùng ván gỗ mỏng dập nhẹ để thân bám vào đất cho nhanh ra rễ, nảy mầm.

Đây là loại rau ưa ẩm, phù hợp thời tiết lạnh nên sau 45 - 50 ngày kể từ khi xuống giống là thu hoạch lứa đầu, sau đó bón đạm, lân để rau tiếp tục phát triển. Mỗi vụ hái được 2 đợt, thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng/ sào.

Với chị Hồ Thị Liên xóm 6, rau lấp là cây chủ lực của gia đình trong vụ đông. Đều đặn mỗi năm chị trồng hơn 3 sào. Rau lấp có tỷ lệ nảy mầm cao ở thân cây và sống lưng với mật độ khá dày.

 Nhờ tích lũy kinh nghiệm, nên diện tích trồng rau của chị phát triển tốt. Hiện, đang vào kỳ thu hoạch, mỗi ngày chị cắt gần 100 bó, bán với giá 2 -2.500 đồng/ bó, thu nhập 200.000 đồng/ngày.

Vụ đông năm nay, xã Quỳnh Yên trồng 20 ha rau lấp, loại rau thân mền, xốp, được nhiều người lựa chọn làm thức ăn xanh hàng ngày cho gia súc, gia cầm. Vì vậy, bà con thu hoạch đến đâu đều bán hết đến đó, với những ruộng tốt, năng suất cao có thể thu khoảng 4 triệu đồng/ sào.

Quỳnh Yên có tổng đàn gia cầm trên 2 triệu con. Gà, vịt ưa thích rau lấp thái nhỏ trộn với cám ngô, gạo nên bà con tiếp tục mở rộng diện tích vụ đông, để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. 

Quảng Nam: Thu nhập ổn định từ chăn nuôi thỏ và trùn quế

Với quy trình chăn nuôi thỏ và trùn quế khép kín, tận dụng phế phẩm để tiết kiệm chi phí, anh Nguyễn Văn Thành, thôn 7B, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) có thu nhập cả trăm triệu đồng/năm.

 

qn-chan-nuoi-333333.jpg

 Mô hình chăn nuôi khép kín, giúp anh Thành thu nhập cả trăm triệu đồng/năm(Ảnh: Đ.S  

Năm 2016, Nguyễn Văn Thành mạnh dạn vay vốn đầu tư chuồng trại, nuôi thỏ thịt, đến nay, đã có 700 con/lứa. Trong quá trình nuôi anh nhận thấy, phân thỏ thải ra khá nhiều, ảnh hưởng môi trường, nên nảy ra ý định tận dụng để nuôi trùn làm thức ăn cho gia cầm.

 Nghĩ là làm, tháng 2/2018 anh đặt mua 1,5 tạ sinh khối trùn Ấn Độ lai, ở tỉnh Thái Bình về nuôi trên diện tích 200m2. “Giống trùn lai rất dễ nuôi, cơ bản phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp, thường xuyên phun sương giữ ẩm, chuồng trại che chắn cẩn thận để tránh côn trùng phá hoại. Thức ăn của trùn tận dụng từ phân gia súc, gia cầm, thu hoạch trùn thương phẩm, trùn sinh khối không tốn kém nhiều chi phí” - anh Thành cho biết.

 Sau đó, anh nuôi tiếp 2.000 chim cút và 100 con gà ta thả vườn. Nhờ có  trùn làm thức ăn cho chim cút và gà, tiết kiệm khoảng 40% chi phí. Đồng thời, còn giúp chim và gà lớn nhanh, sức đề kháng tốt, ít dịch bệnh, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng.

 Hiện, hàng tháng anh cung ứng ra thị trường 30 - 50kg trùn tinh, với giá 100 - 120 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, còn cung cấp phân bón hữu cơ cho các hộ trồng rau, cây cảnh khu vực lân cận; cứ như vậy, mỗi tháng anh có lãi 10 - 12 triệu đồng. Noi gương anh, trong thôn có 10 hộ đang nuôi trùn theo mô hình khép kín và được anh Thành nhận bao tiêu sản phẩm.

 Anh Hồ Minh Hiền - Bí thư Đoàn xã Tiên Cảnh cho biết: “Mô hình chăn nuôi khép kín của anh Thành rất mới lạ và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, điều đáng quý là anh sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho những ai muốn khởi nghiệp từ chăn nuôi”.

 Cần cù, năng nổ và sáng tạo để phát triển kinh tế VAC – Rừng, từ những diện tích đất cằn cỗi, khó khăn nhất, và bảo ban nhau cùng làm giàu chính đáng, là những tin nổi bật trong tuần tại nhiều địa phương.

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Theo đó, tại Kế hoạch số 145 ngày 17/4/2024 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

Top