Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2019 | 10:4

Quảng Trị: Xuất khẩu 18,2 tấn hồ tiêu hữu cơ

Năm 2018, huyện Gio Linh có 18,2 tấn hồ tiêu hữu cơ xuất ngoại, đây là điểm tựa để bà con vững tin bước vào vụ hồ tiêu 2019

Theo đó, 18,2 tấn hồ tiêu hữu cơ đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu và Hoa Kỳ, được người dân xã Gio An, huyện Gio Linh bán cho Công ty Organics More Co.,Ltd để xuất ngoại năm 2018, là điểm tựa để người dân Gio An vững tin bước vào vụ hồ tiêu mới

 

tieeu-6633.jpg

 Người dân Gio An đang chăm sóc hồ tiêu

 

Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu, cho biết: “Năm 2016, ông Vũ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Organics More Co.,Ltd trực tiếp ra xã Gio An, đích thân khảo sát năng suất, sản lượng và chất lượng hồ tiêu với diện tích 100 ha, song, đó chỉ là bước khảo sát ban đầu….

Năm 2017, Công ty tiếp tục cùng xã Gio An khảo sát, đánh giá tình hình canh tác  hồ tiêu, và nhận xét, bà con đang canh tác theo phương pháp truyền thống, nhỏ lẻ, phân tán…

Có gần 40% số hộ áp dụng quy trình quản lí, xử lí dịch bệnh bằng hóa học, và không thể áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ đại trà… Vì vậy, Công ty Organics More Co.,Ltd và xã Gio An đã thí điểm sản xuất, và quản lí sản xuất hồ tiêu theo phương pháp hữu cơ tại 134/900 hộ trồng hồ tiêu của xã với tổng diện tích 64 ha.

Sau khi tập huấn, có 62,6 ha được đưa vào quản lí sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ…

Vụ hồ tiêu đầu tiên, năm 2018, xã Gio An đã bán hồ tiêu hữu cơ cho Công ty Organics More Co.,Ltd, với số lượng 18,2 tấn, giá bán 78.000 đồng/kg, cao hơn 18 - 20.000 đồng/kg, so giá thị trường tại thời điểm Công ty thu mua…

Ngoài xã Gio An, Công ty Organics More Co.,Ltd đang khảo sát 40 ha/100 hộ trồng hồ tiêu,  xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Linh) để sản xuất hồ tiêu hữu cơ.

Dự kiến sau 3 năm, nếu tuân thủ quy trình kĩ thuật, các hộ dân trồng hồ tiêu xã Vĩnh Hòa sẽ có sản phẩm hồ tiêu hữu cơ để xuất bán.

Phó Chủ tịch Lê Phước Hiếu cho biết thêm: “Nói thì nghe dễ, chứ các hộ sản xuất hồ tiêu hữu cơ phải tuân thủ nhiều quy trình kĩ thuật nghiêm ngặt, khắt khe lắm”.

Theo đó, các hộ được chia thành 3 nhóm; nhóm 1:  hộ có diện tích lớn, tập trung và cây hồ tiêu phát triển tốt, năng suất cao (chiếm 50%). Nhóm 2 là những hộ có diện tích, năng suất trung bình (chiếm 30%); nhóm 3: các hộ có diện tích ít, nhưng có khả năng phát triển diện tích, năng suất hồ tiêu trung bình (chiếm 20%).

Các hộ được tập huấn, hướng dẫn việc tuân thủ quy trình kĩ thuật như không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học, chất biến đổi gien; không sử dụng dụng cụ, bình phun từ canh tác truyền thống cho canh tác hữu cơ.

Tất cả dụng cụ phải được rửa sạch trước khi sử dụng cho canh tác hữu cơ; nông dân phải giữ nguyên liệu đầu vào của vườn nhà. Nếu các chất cấm trên được sử dụng cho vườn lân cận, thì phải có vùng đệm ngăn cách với vườn canh tác hữu cơ (vùng đệm phải rộng trên 1m).

Bảo vệ môi trường, chống xói mòn đất, giảm ô nhiễm, tối ưu hóa năng suất hữu cơ và phát triển lành mạnh; vườn canh tác hữu cơ phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ (không chứa vỏ bao, chai thuốc, bao phân bón, rác thải hữu cơ trong vườn và xung quanh nhà).

Duy trì độ màu mỡ cho đất bằng cách tối ưu hóa các hoạt động sinh học cho đất; duy trì đa dạng hóa sinh học trong hệ thống; tái chế nguyên liệu tối đa trong phạm vi vườn; chú trọng việc thu hái, bảo quản, vận chuyển một cách tốt nhất, để đảm bảo tính hữu cơ và chất lượng sản phẩm…

 Trước khi thu mua, Công ty trực tiếp hướng dẫn, tập huấn cho các hộ cách phân loại, đóng gói. Hồ tiêu hữu cơ khi đóng gói, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, từ các nguy cơ bên ngoài như: nhiễm hóa chất từ bao bì đựng hồ tiêu; nhiễm qua tay người thu hái; nhiễm từ các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của người trực tiếp thu hái, đóng gói…

Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu cho biết thêm: “Có thể nói, xã Gio An đã tìm được hướng đi phù hợp cho người trồng hồ tiêu trên địa bàn xã.  Xã cũng đã đặt mục tiêu đến năm 2021, sẽ đưa toàn bộ diện tích trồng hồ tiêu trên địa bàn xã vào sản xuất hồ tiêu hữu cơ.

Ngoài sản xuất hồ tiêu hữu cơ, xã có nhiều giống cây trồng có tiềm năng sản xuất theo hướng hữu cơ như: cây bơ, rau liệt, nghệ, khoai lang Nhật Bản…

Xác định nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu, bền vững, để đưa nông sản Gio An đến với người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và thế giới…”.

Đạ Huoai: Sầu riêng đầu mùa đạt ngưỡng 60 ngàn đồng/kg

Hiện, người dân vùng thủ phủ sầu riêng Đạ Huoai đã bắt đầu bước vào thu hoạch sầu riêng chín bói đầu mùa. Theo người dân địa phương, sản lượng sầu riêng chín bói đạt khoảng 10% trên tổng sản lượng sầu riêng năm 2019.

 

sr-9999.jpg

 Sầu riêng đầu mùa Đạ Huoai giá 60.000 đồng/kg

 

Theo đó, sầu riêng đầu mùa năm nay, tăng so cùng kỳ năm 2018. Hiện,  sầu riêng ghép các giống Thái Lan được thương lái thu mua tại vườn, giao động từ 57 - 60 ngàn đồng/kg); sầu riêng Ri6 ( 38 - 42 ngàn đồng/kg), sầu riêng hạt các loại 20 - 25 ngàn đồng/kg. Nhìn chung, so năm 2018, sầu riêng đầu mùa năm nay tăng 4 - 7 ngàn đồng/kg.

Dự kiến, vụ thu hoạch chính sầu riêng Đạ Huoai năm nay sẽ bắt đầu từ giữa tháng 5 tới. So năm 2018, năng suất tăng  đáng kể.

Hiện, Đạ Huoai đang có hơn 2.700 ha sầu riêng các loại. Trong đó, sầu riêng ghép các giống Thái Lan chiếm khoảng 90%. Năm 2019, Đạ Huoai có khoảng 2.000 ha sầu riêng cho thu hoạch, tổng sản lượng ước trên 30.000 tấn.

Hành tăm Đô Lương được mùa, được giá

Năm nay, năng suất hành tăm Đô Lương (Nghệ An), bình quân đạt 5,2 tạ/sào, với giá bán 35.000 đồng/kg, bà con rất phấn khởi.

hanh-66.jpg

 Nông dân  Đô Lương thu hoạch hành tăm. Ảnh: Ngọc Phương

 

Theo đó, vụ xuân năm nay, Đô Lương trồng gần 100 ha hành tăm, tập trung nhiều ở các xã: Trù Sơn (50 ha), Đại Sơn (10 ha), Nhân Sơn (9 ha)...

Tại xã Trù Sơn, hành tăm được trồng ở xóm 1, 2, 3, 4; trong đó, xóm 1, 2 có 29 ha. Nếu như từ 2010 trở về trước, người dân chủ yếu trồng hành tăm dùng trong gia đình, thì nay 100% hộ dân đều trồng hành tăm, hộ ít 1 sào, hộ nhiều 5 - 7 sào. Riêng xóm 2 có khoảng 20 ha, mỗi năm thu nhập cả tỷ đồng.

Đặc biệt,  bà con đã thay đổi cách trồng truyền thống, mất thời gian, năng suất thấp, sang trồng phương pháp mới: sau khi làm đất, cày luống, gieo thành từng hàng thẳng. Cách làm này, đảm bảo ánh sáng để cây phát triển, vừa dễ chăm bón và thu hoạch

Năm nay, hành tăm được mùa, được giá; thu nhập 4,5 - 6 tạ/sào, giá 35.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg so năm 2018). Tính ra mỗi sào thu nhập hơn 15 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thụy Chính - Chủ tịch UBND xã Trù Sơn cho biết: Hành tăm được tư thương đưa đi tiêu thụ ở T.p Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Nội và miền Nam... Hiện, bà con đã thu hoạch gần hết diện tích.

Năm nay, ngoài việc trồng ở những cánh đồng lớn, nông dân còn trồng tận dụng những thửa đất nhỏ, không có nước để trồng lúa...

Tuy cũng có khi rớt giá, song, nhiều năm qua, cây hành ở Đô Lương đã đem thu nhập tiền tỷ cho bà con nông dân. Đặc biệt, còn tận dụng được cả những vùng đất cao cưỡng, không chủ động nước trồng lúa.

Diễn Châu: Dưa lê nhiễm bệnh chết, nông dân chẳng buồn thu hoạch

Dưa lê bị nhiễm bệnh, héo chết, người dân không bán được, đành bỏ hoang giữa đồng, không buồn thu hoạch. Đó là thực trạng tại thủ phủ dưa lê huyện Diễn Châu (Nghệ An).

 

dua-69.jpg

 Đang  mùa thu hoạch dưa lê, nhưng người dân đành để phơi trắng đồng vì sâu bệnh. Ảnh: Q.A

 

Hiện, tại xã Diễn Kỷ thời điểm này, không còn hình ảnh bà con tập trung thu hoạch đông đúc, thương lái kéo về bốc hàng nhộn nhịp như các vụ trước.

Thay vào đó là những cánh đồng dưa “dầm mình” giữa trời nắng, thỉnh thoảng có thương lái ra xem, rồi lắc đầu bỏ đi.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, xóm 2, xã Diễn Kỷ thở dài: Tháng 4 là lúc bà con tập trung thu hoạch dưa lê vụ xuân. Nào ngờ năm nay bị nhiễm bệnh hàng loạt, tưởng có thu nhập cả chục triệu đồng, nhưng giờ mất trắng. 

Ông Nguyễn Văn Xuân cũng chịu cảnh như vậy. Thay vì hái dưa bán, giờ ông phải thu hoạch dưa, đổ hai bên đường,chuẩn bị đất làm vụ mới.

"Nhà có 3 sào dưa, năm ngoái bán được 29 triệu đồng, nhưng năm nay mới thu được 1 đợt, thì dưa bị bệnh tàn phá. Dù đã cố gắng cứu chữa nhưng không được"- Ông Xuân chia sẻ

Theo đó, dưa có đặc điểm là quả nhỏ bị héo, quả to bị sâu ăn, cây chết khô, cháy lá... Cả cánh đồng bỏ hoang, vì thu hoạch không có người mua.

Hiện, chưa rõ nguyên nhân gì, song, theo ý kiến một số hộ trồng dưa, có thể do sương mai nhiều, dẫn đến sâu bệnh. Hoặc, do chất lượng giống, một số hộ lấy giống không rõ nguồn gốc, dẫn đến thiệt hại.

Diễn Kỷ là xã có truyền thống trồng dưa lê của  huyện. Vụ xuân này toàn xã có 10 ha dưa, chiếm hơn 1 nửa diện tích toàn huyện. Song, diện tích dưa hỏng chiếm 70%.

Hàng năm, năng suất bình quân 8 -10 tạ/sào, nếu chăm sóc tốt có thể đạt 12 tạ/sào; giá bán 12 - 15.000 đồng/kg tại ruộng, mỗi sào cho thu nhập hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên năm nay, hầu hết các hộ chỉ thu được 3 - 5 triệu đồng, chủ yếu là dưa mót, không ít hộ mất trắng.

Hiện nay, bên cạnh việc mót dưa, bà con đang thu gom quả hư hỏng, đào hố chôn và xử lý vôi bột; đối với cây thì phơi khô và đốt để làm phân.

Đây mới là vụ dưa lê đầu trong năm, do đó, một số hộ dân đã làm đất để chuẩn bị vụ tiếp theo, với hy vọng một vụ mùa thắng lợi để bù đắp thiệt hại.

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top