Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 12 tháng 4 năm 2016 | 8:48

Rúng động nghi án lừa đảo hàng chục tỷ đồng tại Hải Dương

Nỗi đau sau “cơn bão” đa cấp tàn phá làng quê nghèo tỉnh Hải Dương chưa kịp nguôi ngoai, thì nay, nhiều hộ dân tại xã Thanh Quang, huyện Nam Sách lâm vào cảnh lao đao, khốn cùng khi gom góp số tiền ước tính hàng chục tỷ đồng cho Công ty TNHH Yến Thanh vay. Đến giờ, ông Nguyễn Đức Thanh - Giám đốc công ty bị nghi ngờ ngấm ngầm chuyển nhượng doanh nghiệp, bỏ trốn khỏi địa phương, mất khả năng chi trả.

Dựng lên màn kịch hoàn hảo để vay tiền

Nhiều người dân ở huyện Nam Sách (Hải Dương) đã cho Chi nhánh Công ty TNHH Yến Thanh tại Hải Dương do ông Nguyễn Đức Thanh làm Giám đốc, có địa chỉ: Thôn Hà Liễu, Thanh Quang, Nam Sách, Hải Dương vay số tiền hàng chục tỉ đồng. Mặc dù, vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, thế nhưng, Công an huyện Nam Sách cho rằng “chỉ là hợp đồng kinh tế, dân sự giữa các bên theo thỏa thuận và đề nghị bên bị hại khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Nam Sách để được giải quyết”, nên không khởi tố vụ án để điều tra.


Nhà máy Gạch ngói Yến Thanh tại thôn Hà Liễu, Thanh Quang, Nam Sách, Hải Dương.

Tuy nhiên, theo nội dung tố cáo của ông Nguyễn Văn Thơ (SN 1959), trú tại thôn Tông Phố, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương cho biết: Ông Nguyễn Đức Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Yến Thanh đã có dấu hiệu của hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo ông Thơ, qua lời giới thiệu của bạn bè, ông Thơ quen ông Thanh từ năm 2013. Trong quá trình hoạt động, nhu cầu về vốn tăng cao vượt ngoài khả năng của Công ty Yến Thanh, do vậy, ông Nguyễn Đức Thanh đã nhờ ông Thơ huy động thêm vốn để đầu tư thêm vào các dây chuyền sản xuất của nhà máy. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, từ ngày 01/8/2013 đến ngày 03/3/2014, ông Thơ đã cho Công ty Yến Thanh vay 4 tỷ đồng tiền mặt. Để tạo sự tin tưởng, Công ty Yến Thanh đều chi trả lãi suất hàng tháng đầy đủ cho ông Thơ.

Vào năm 2014, do năng lực quản lý yếu kém, dẫn đến việc Công ty không có tiền trả lương cho công nhân, thiếu vốn để nhập nguyên nhiên vật liệu, gần như mọi hoạt động của Công ty Yến Thanh bị đình trệ. Bằng chiêu bài cao tay và lợi dụng các mối quan hệ thân quen có sẵn, ông Nguyễn Đức Thanh lại tìm đến ông Thơ đề nghị huy động thêm vốn để khắc phục các khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Do cả tin cùng với lo lắng nếu Công ty Yến Thanh phải ngừng sản xuất, thì số tiền cho vay sẽ mất trắng, ông Thơ đã dùng uy tín của mình nhờ cậy anh em, bạn bè để cho ông Thanh dưới danh nghĩa của Công ty Yến Thanh vay tiếp số tiền 8.950.000.000 đồng, với thời hạn 30 ngày kể từ ngay giao tiền.

Thế nhưng, sau khi hết hạn vau 30 ngày, ông Thanh vẫn không trả được nợ, đồng thời đề nghị ông Thơ chuyển toàn bộ số tiền Công ty Gạch Yến Thanh đã vay thành cổ phần của công ty coi như một hình thức góp vốn kinh doanh.


Bộ chứng từ thể hiện Công ty TNHH Yến Thanh vay ông Ngyễn Văn Thơ số tiền 12.950.000.000 đồng.

“Trong khi tôi chưa có câu trả lời chính thức về việc góp vốn, vào ngày 15/6/2015, ông Nguyễn Đức Thanh đã ngấm ngầm bàn giao lại quyền điều hành công ty cho một người khác là bà Bùi Thị Hải Yến. Ngay lúc biết được thông tin, tôi đã liên lạc với Phòng Kinh doanh Công ty và bà Yến (Giám đốc mới của Công ty Yến Thanh) về nghĩa vụ các khoản nợ phải thanh toán, tuy nhiên bà Yến khẳng định là không hề hay biết và phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm của Công ty Yến Thanh với số nợ này của gia đình tôi. Từ ngày 20/6/2015, tôi đã nhiều lần tìm gặp ông Thanh hay liên lạc qua số điện thoại 091351490x trao đổi nhưng không được. Đến bây giờ, ông Thanh vẫn chưa trả số tiền 12.950.000.000 đồng đã vay của tôi” - ông Nguyễn Văn Thơ trình bày.

Tương tự như ông Thơ, bà Nguyễn Thị Gái (trú Đội 7, thôn An Xá, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) cho biết, ban đầu ông Thanh có nhờ người quen qua vay của bà số tiền 2 tỷ 200 triệu đồng dùng vào việc trả lương công nhân và mua đất, mua than để nhà máy hoạt động. Sau đó, ông Thanh nói cần thêm tiền để chuyển đất và than vào công ty và hứa trả lãi hàng tháng và gốc trả dần theo thỏa thuận. Tổng cộng, bà Gái đã cho ông Thanh vay số tiền 3.569.140.000 đồng.


Người dân cung cấp tài liệu liên quan đến vụ việc cho phóng viên.

Đến khi sự việc vỡ lở, những người cho ông Thanh vay tiền mới ngã ngửa ra Công ty Yến Thanh đã được chuyển nhượng cho chủ doanh nghiệp mới mà không có sự bàn giao công nợ của những người dân cho vay. Theo những chủ nợ này, số tiền họ cho ông Thanh vay không phải là tiền của chính mình mà có tiền đi vay mượn lại của anh em, bạn bè. Nay chính họ lại bị nhiều người khác ráo riết đòi nợ rồi dẫn đến mất nhà, mất cửa, gia đình tan vỡ.

Gần 150 chủ nợ kêu cứu

Trong quá trình Chi nhánh Công ty Yến Thanh hoạt động tại Hải Dương, ông Nguyễn Đức Thanh đã vay tiền mặt và mua vật tư, nguyên nhiên vật liệu với tổng số người vay khoảng 142 người, tổng giá trị ước tính trên 70 tỷ đồng.


Đại diện chủ nợ cùng ký vào lá đơn đề nghị Chi nhánh các ngân hàng xem xét, chỉ đạo kiểm tra các khoản nợ, các tài sản thế chấp của Công ty Yến Thanh.

Trong khi các cơ quan chức năng còn đang loay hoay giải quyết vụ việc, đại diện khoảng 142 chủ nợ của Công ty TNHH Yến Thanh sinh sống trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang đã cùng nhau ký vào lá đơn đề nghị Giám đốc Ngân hàng Agribank tại các Chi nhánh Thăng Long (Hà Nội), Chi nhánh Hưng Yên, Chi nhánh Thanh Trì (Hà Nội); Giám đốc Ngân hàng TMCP Bản Việt - Chi nhánh Hà Nội, xem xét, chỉ đạo kiểm tra các khoản nợ, các tài sản thế chấp của Công ty Yến Thanh.

Các chủ nợ yêu cầu cá nhân ông Thanh và Chi nhánh Công ty Yến Thanh tại Hải Dương cần có những động thái tích cực, lộ trình rõ ràng, cụ thể về hướng giải quyết công nợ còn tồn đọng…

Theo Điều 139 Bộ luật Hình sự quy định rõ: “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác...” là phạm vào tội này.Với những tình tiết cụ thể của vụ việc, phải chăng ông Thanh đã có những hành vi gian dối ngay từ đầu, nhằm làm cho các nạn nhân bị nhầm lẫn, nên đã tin tưởng không đúng về mục đích “vay” tiền, sử dụng tiền, về khả năng tài chính, trả nợ của mình?

Từ đây dẫn đến việc rất nhiều người đã bị chiếm đoạt tài sản, không có khả năng thu hồi.

Nghi án lừa đảo hàng chục tỷ đồng, vì sao không khởi tố?


Văn bản số 287/TLĐ-CANS trả lời công dân của Công an huyện Nam Sách (Hải Dương).

Ngày 24/3/2016, Thượng tá Lê Minh Khang - Phó Trưởng Công an huyện Nam Sách (Hải Dương) đã ký ban hành văn bản số 287/TLĐ-CANS trả lời công dân về nội dung đơn tố cáo ông Nguyễn Đức Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Yến Thanh có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Theo đó, ngày 03/02/2016, Công an huyện Nam Sách tiếp nhận phiếu chuyển đơn số 59/PC-PC44 do Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương chuyển đến kèm theo đơn tố cáo của các ông Trần Đức Khương, Nguyễn Văn Thơ, Vũ Trí Lộ.

Nội dung tố cáo ông Nguyễn Đức Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Yến Thanh có trụ sở tại Thanh Quang, Nam Sách, Hải Dương có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt số tiền của ông Khương 685.000.000 đồng, của ông Thơ 12.950.000.000 đồng, của ông Lộ 798.142.580 đồng.

Công an đã làm việc với các bên đương sự để thu thập tài liệu, kết quả như sau: Ông Trần Đức Khương có biên bản xác nhận vay tiền đề ngày 15/6/2015 với số tiền 575.000.000 đồng (ông Thanh nhận nợ 685.000.000 đồng); ông Nguyễn Văn Thơ đã cùng ông Nguyễn Đức Thanh xác lập 07 hội đồng vay tiền trong các năm 2013, 2014, 2015. Tổng số tiền là 12.950.000.000 đồng; ông Vũ Trí Lộ đã cùng ông Nguyễn Đức Thanh xác lập hợp đồng, biên bản đối chiếu còn nợ 798.000.000 đồng.

Ông Thanh ký nhận nợ các khoản tiền của các ông như nêu ở trên. Do vậy, chưa có căn cứ xác định dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chỉ là hợp đồng kinh tế, dân sự giữa các bên theo thỏa thuận. Để được giải quyết đề nghị các ông khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Nam Sách để giải quyết theo thẩm quyền.

Tại Điều 139, Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999 quy định rất rõ về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cụ thể:

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Tái phạm nguy hiểm;

e) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.

Tổ PVĐT/Xây dựng

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top