Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 2 tháng 11 năm 2018 | 14:34

Sẵn sàng đón du khách dự Lễ hội đền ông Hoàng Mười

Lễ hội đền Hoàng Mười diễn ra từ ngày 14 - 16/11/2018 (tức ngày 8-10/10 ÂL) tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, nội dung các hoạt động phần Lễ và phần Hội đã được UBND huyện Hưng Nguyên chủ trì, UBND xã Hưng Thịnh và Ban quản lý đền Hoàng Mười phối hợp chủ động, tích cực triển khai.

 

tr8t.JPG
Toàn cảnh đền đức thánh Hoàng Mười.

 

Điểm nhấn du lịch văn hóa tâm linh

Lễ hội truyền thống đền Hoàng Mười được tổ chức hàng năm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tưởng nhớ công đức của các vị phúc thần: Hoàng Mười, Song Đồng Ngọc Nữ, Nguyễn Duy Lạc…, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh và tạo điều kiện giao lưu văn hóa giữa nhân dân địa phương với nhân dân trong vùng và du khách thập phương. Qua đó, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn cho mọi tầng lớp nhân dân. Lễ hội cũng là dịp giới thiệu với du khách thập phương về nét đẹp văn hóa địa phương, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, thu hút đầu tư vào du lịch văn hóa tâm linh ở Hưng Thịnh, Hưng Nguyên nói riêng và Nghệ An nói chung.

Cụ thể, Lễ hội năm nay sẽ được tổ chức quy mô cấp huyện với chuỗi các hoạt động hấp dẫn như rước Sắc phong bằng thuyền từ nhà thờ họ Nguyễn ra đền, tế thần, dâng hương tưởng niệm, cùng các hoạt động văn hoá - thể thao khác… Sáng  14/11 sẽ diễn ra các hoạt động chính thức của Lễ hội. Đêm 15/11 tổ chức thả đèn hoa đăng tri ân các bậc thánh nhân và vong linh các anh hùng liệt sỹ. Đặc biệt, năm nay có chương trình giao lưu văn nghệ chào mừng lễ hội với sự tham gia của các nghệ sỹ, nghệ nhân đến từ các Câu lạc bộ dân ca Ví dặm trên địa bàn.

Với mục đích tổ chức Lễ hội phải đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn, tiết kiệm, chấp hành nghiêm Quy định tổ chức lễ hội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Quy chế tổ chức lễ hội gắn với di tích lịch sử trên địa bàn huyện Hưng Nguyên, đảm bảo sự toàn diện cho công tác chuẩn bị lễ hội, UBND huyện Hưng Nguyên thành lập Ban tổ chức lễ hội và các tiểu ban, bộ phận liên quan. Các đơn vị sẽ thực hiện và chịu trách nhiệm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, công tác an toàn nhằm đảm bảo điều kiện tối đa và nhu cầu tâm linh của người dân cũng như du khách thập phương.

Phát huy kinh nghiệm từ nhiều năm tổ chức, Ban tổ chức nỗ lực đảm bảo phần Lễ thể hiện sự trang nghiêm và thành kính; còn phần Hội vui tươi, lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hóa dân gian địa phương. Không chỉ là hoạt động văn hóa của địa phương, Lễ hội đền Hoàng Mười là cơ hội gắn kết cộng đồng, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh và tạo điều kiện giao lưu văn hóa giữa nhân dân địa phương với nhân dân trong vùng và du khách thập phương.

Đảm an toàn cho du khách

Để quảng bá rộng rãi, công tác tuyên truyền được tiến hành trên nhiều hình thức: Tuyên truyền trên các báo, đài địa phương và Trung ương, Cổng Thông tin điện tử huyện; tuyên truyền trực quan đậm nét bằng pano hình ảnh, áp phích, băng rôn, treo cờ, lắp đặt các bảng thông báo chương trình tổng thể… trên địa bàn và trung tâm huyện. Ngoài tuyên truyền, với tiêu chí Lễ hội phải diễn ra trang nghiêm, an toàn, UBND huyện Hưng Nguyên đã chỉ đạo Ban quản lý di tích đền Hoàng Mười kiểm tra, rà soát, sửa chữa, bổ sung hiện vật và hạng mục tại di tích và các hạng mục liên quan phục vụ lễ hội, phối hợp giải tỏa các hàng quán lấn chiếm hành lang, sân bãi thuộc di tích. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất phương án sửa chữa, nâng cấp, xây dựng một số công trình thiết yếu phục vụ lễ hội.

Để bảo đảm an toàn cho du khách tham gia lễ hội, huyện Hưng Nguyên sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông, bố trí lực lượng làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ trước, trong và sau Lễ hội; ngăn chặn, giải quyết các hiện tượng tiêu cực xảy ra trong quá trình Lễ hội… Như vậy, nhân dân địa phương và du khách thập phương đến đền Hoàng Mười trong dịp lễ hội sẽ được hòa mình trong không gian văn hóa tâm linh tín ngưỡng đậm đà bản sắc dân tộc và có những trải nghiệm văn hóa thực sự ý nghĩa và đáng nhớ.

Được biết, đền Hoàng Mười ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh là ngôi đền thờ đạo Mẫu Tứ phủ, vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười. 

Theo truyền thuyết, ông Hoàng Mười là con thứ mười của Đức Vua cha Bát Hải Động Đình. Theo lệnh, ông giáng trần để giúp dân. Ông Hoàng Mười không chỉ vì ông là con trai thứ mười mà còn vì ông là người tài đức vẹn toàn, văn võ song toàn (“mười” mang ý nghĩa tròn đầy, viên mãn). Không những là vị tướng xông pha chinh chiến nơi trận mạc, ông còn là người rất hào hoa phong nhã, giỏi thơ phú văn chương. Với truyền thuyết về vị tướng “Tài đức vẹn toàn”, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, ngôi đền được xây dựng năm 1634 từ thời hậu Lê.

Trải qua lịch sử gần 500 năm, ngôi đền còn nổi tiếng linh thiêng vì ở đây ngoài thờ Quan Hoàng Mười theo tín ngưỡng Đạo Mẫu, còn phối thờ các vị Song Đồng Ngọc Nữ, Vị Quốc Công Thái Bảo, Phúc Quận Công, Phụ Quốc Thượng Tướng quân Nguyễn Duy Lạc, nên hàng năm nơi này luôn thu hút nhiều du khách thập phương đến làm lễ dâng hương, cầu lộc, cầu tài hay thăm quan, vãn cảnh, đặc biệt là vào dịp đầu năm.

Ngày Ông giáng sinh 10/10 âm lịch được coi là ngày lễ giỗ chính. Với việc bảo tồn, tôn tạo nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, Lễ hội đền Hoàng Mười đã và đang giữ được vị trí quan trọng trong nhiều lễ tâm linh của người dân không chỉ ở địa phương mà của cả nước.

 


 

 

Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
Top