Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 11 năm 2018 | 14:18

Sản xuất rau công nghệ cao: Hướng đi mới của Tuyên Quang

Gần đây, trên địa bàn tỉnh  Tuyên Quang xuất hiện nhiều mô hình trồng rau sạch được đầu tư bài bản, quy mô, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

rau_sach.jpg
Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng NLS&TS kiểm tra mô hình rau thủy canh.

Thống nhất giá bán 25.000 đồng/kg rau

Nắm bắt nhu cầu thị trường,  ông Nguyễn Việt Lâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn Dương Greenfarm, quyết định đầu tư khu nhà lưới quy mô 1.000m2, thiết kế tự động hóa từ quạt mát, phun sương, tưới đến hệ thống đường ống dẫn nước để trồng rau an toàn. Cả khu sản xuất rau trừ lúc thu hoạch cần lao động, còn lại không tốn đến 1 công lao động bởi tất cả đã được lập trình sẵn, tự cảm biến để điều hòa độ ẩm, mực nước.

Ông Lâm cho biết: Quy trình canh tác rau tại đây đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định từ chọn giống, gieo trồng, ươm hạt tới chăm sóc. Các nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và bảo quản sau thu hoạch được chú trọng. Tháng 8 vừa qua, những sản phẩm rau trồng theo phương pháp thủy canh đầu tiên của công ty đã ra thị trường. Trung bình 35 ngày, trang trại của Công ty TNHH MTV Sơn Dương Greenfarm xuất ra thị trường 1 lứa rau trồng theo phương pháp thủy canh.

Ông Lâm chia sẻ, để việc tiếp cận thị trường và người tiêu dùng nhanh và hiệu quả, công ty thống nhất một giá bán chung cho tất cả các loại rau trồng tại trang trại là 25.000 đồng/kg. Điều lo ngại nhất khi bắt tay vào sản xuất rau công nghệ cao chính là đầu ra, thì nay đã được hóa giải. Sản phẩm làm ra đến đâu, thị trường tiêu thụ hết đến đấy. Người tiêu dùng sau khi sử dụng đều đánh giá là rau trồng tại trang trại non, giòn và ngọt hơn so với các loại rau khác.

Vấn đề an toàn thực phẩm được công ty và các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ, sản phẩm rau của công ty đã được dán tem truy xuất nguồn gốc. Trong đợt tham gia Hội chợ triển lãm mỗi xã, phường một sản phẩm và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khu vực trung du, miền núi phía Bắc diễn ra tại Thái Nguyên vừa qua, sản phẩm của Công ty TNHH MTV Sơn Dương Greenfarm không đủ để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Hiện nay, ngoài sản phẩm rau thủy canh, công ty đang trồng thử nghiệm một số loại quả như dưa lưới, dưa chuột… Nguồn cung từ công ty sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp, trường học và các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh.

Trồng rau trong nhà màng

Cũng tại xã Sầm Dương (Sơn Dương), Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp xanh xã Trung Môn cũng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với mô hình trồng rau trong nhà màng. Bà Nguyễn Thanh Nga, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết: Hợp tác xã đã đầu tư hơn 700 triệu đồng sản xuất rau trên diện tích 3.800m2 theo tiêu chuẩn hữu cơ. Để các thành viên trong hợp tác xã có thể thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, bà đã chủ động kết nối với cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và PTNT tập huấn, hướng dẫn và giám sát toàn bộ quy trình.

Với hợp tác xã, đối tượng khách hàng là các bếp ăn tập thể (trường học, bệnh viện…). Để cạnh tranh với thị trường, hợp tác xã thống nhất giá bán chung cho các sản phẩm là 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vì đặc điểm rau trồng trong nhà màng lá xanh mướt hơn, không có sâu bệnh nên nhiều người nghi ngờ hợp tác xã nhập rau từ… Trung Quốc về bán.

Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, hiện nay, hợp tác xã đã đăng ký và được cấp chứng nhận sản phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc…; đồng thời, kết nối với một số siêu thị tại Hà Nội và siêu thị Vinmart Tuyên Quang để tìm đầu ra ổn định, lâu dài.

Có thể nói, trồng rau an toàn chất lượng cao là mô hình cần được nhân rộng nhằm xây dựng nền nông nghiệp sạch, đưa nông sản chất lượng cao đến tay người tiêu dùng, đồng thời các đơn vị mong rằng trong thời gian tới, các cấp, ngành tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng các chuỗi liên kết để ổn định đầu ra cho sản phẩm.

 

 

Trần Thị Thường
Ý kiến bạn đọc
Top