Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 5 năm 2019 | 13:44

Sáng mãi tư tưởng Hồ Chí Minh trong phong trào HTX

Có thể nói, hợp tác xã (HTX) là ý tưởng kinh tế hợp tác xuất sắc của các bậc tiền bối, là tổ chức kinh tế mang đậm tính xã hội và nhân văn sâu sắc.

Ngay từ khi còn bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định bản chất của HTX là “hợp sức, hợp vốn”, là liên minh tạo nên sức mạnh để phát triển, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên và nhân dân.

Gần 1 thế kỷ trôi qua, tư tưởng của Người về phong trào HTX vẫn còn nguyên giá trị.

 

1.JPG

Anh Liêm cùng cán bộ LMHTX Bắc Ninh thăm khu trồng dưa lê công nghệ cao của HTX.

 

“Nhóm lại thì giàu”

Bằng lời lẽ giản dị, mộc mạc, trong sáng, ngay sau khi nước nhà giành độc lập, Bác đã nêu mục đích, ý nghĩa của việc hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Đưa ra hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện và cổ vũ, động viên để phong trào HTX phát triển.

Trong cuốn “Đường Kách mệnh”  năm 1927,  về lợi ích HTX, Bác viết: “Tục ngữ An Nam có câu: “Nhóm lại thì giàu, chia nhau thì khó”, hay “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. Nếu đứng riêng ra, thì sức nhỏ, làm không nên việc. Ví như, mỗi người mang một cái cột, một tấm tranh, đứng riêng mỗi người một nơi, thì lều chẳng ra lều, nhà chẳng ra nhà. Song, nhóm những cột ấy, tranh ấy, sức ấy, làm một cái nhà rộng rãi bề thế, cùng ở chung với nhau. Ấy là hợp tác xã.

Ngay sau khi nước ta mới giành được độc lập (năm 1945), trong bộn bề công việc của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế hợp tác. Ngày 11/4/1946, Bác viết thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam kêu gọi tham gia HTX nông nghiệp. Người viết: “Hỡi đồng bào, điền chủ nông gia, anh em ta ai chẳng mong được đầy đủ, giàu có, ai chẳng mong ước cho nước thịnh dân cường. Vậy chúng ta hãy mau mau chung vốn góp sức, lập nên hợp tác xã nông nghiệp ở khắp nơi từ làng mạc cho đến tỉnh thành đâu đâu cũng phải có HTX”.

Sau lời kêu gọi của Người, hàng loạt cơ sở kinh tế hợp tác, lúc đó chủ yếu là tổ đổi công, tổ vần công được hình thành và phát triển, mở ra một thời kỳ mới phát triển kinh tế tập thể, HTX, góp phần giải phóng nông dân thoát khỏi sự ràng buộc của các phương thức sản xuất phong kiến, đưa nông dân lên vị trí người làm chủ.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về HTX còn là vấn đề cách mạng trong lĩnh vực tổ chức sản xuất của các tầng lớp nhân dân lao động trong xã hội, là phương cách xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Theo Người, “Mỗi dân tộc có một cách riêng đi lên chủ nghĩa xã hội”. Đối với Việt Nam, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội “bắt đầu từ nông dân”, lấy nông nghiệp làm khâu đột phá. Người chỉ rõ: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần có HTX” .

Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn nhiều đến vấn đề HTX. Thực chất đây là tư tưởng cách mạng trong lĩnh vực tổ chức sản xuất từ điều kiện Việt Nam. Nó không chỉ phát triển trong khi công cuộc giải phóng dân tộc chưa hoàn thành, sau khi đã giành thắng lợi, mà cả trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.

“HTX là nhà, xã viên là chủ”

Đó là câu nói của Bác cách đây hơn nửa thế kỷ. Về bản chất của HTX, với cách trình bày dễ hiểu, mộc mạc, ai cũng  hiểu được, ví như : Hạt nhân, trung tâm của HTX là xã viên; xã viên hợp tác với nhau để có lợi ích, và vẫn duy trì tính độc lập của mình. Xã viên là chủ đích thực của HTX, là mục tiêu HTX phải phục vụ; HTX là phương tiện để phục vụ xã viên, phải đảm bảo đem lại lợi ích cho xã viên, “HTX là nhà, xã viên là chủ”. Ai không phải là xã viên, thì không được hưởng lợi từ HTX; mọi xã viên đều bình đẳng trong mọi quyết định của HTX. 

Để trả lời câu hỏi: “Tại sao phải tham gia HTX?”, Bác đã đưa ra ví dụ: người sản xuất, nhất là nông dân, được chia sẻ lợi ích phát sinh, cả trong quá trình trao đổi, tiêu thụ sản phẩm. HTX tạo tiết kiệm cho xã hội, thông qua giảm chi phí trung gian, tạo lợi ích cho người tiêu dùng, cuối cùng thông qua giá rẻ”.

Bác nói: “Không phải làng nào cũng phải lập mỗi làng 1 HTX. Cũng không phải mỗi làng phải lập cả mấy HTX. Cũng không phải có HTX này, thì không lập được HTX kia.

Chẳng qua, theo hoàn cảnh nơi nào lập được HTX nào, và có khi hai HTX  mua và bán  lập chung cũng được. Nếu nhiều nơi đã lập thành hợp tác như nhau, thì các HTX ấy nên liên lạc với nhau, thế lực càng mạnh hơn. Hoặc, khi hai HTX tính chất khác nhau, thì cũng nên liên kết, như một HTX mua, và một hợp tác xã bán”.

Chính nhờ những tư tưởng này mà phong trào HTX ở Việt Nam đã được thành lập, phát triển, ngay từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với kinh tế quốc doanh, kinh tế HTX đã đóng vai trò quyết định, đối với sự phát triển chung của đất nước, và phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Khi trả lời câu hỏi: “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là gì ?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh lý giải: “Nói một cách giản đơn và dễ hiểu là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”. Do đó, người dân tham gia xây dựng HTX cũng chính là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng HTX ở trình độ cao chính là xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

Đến nay, khi chúng ta đã chuyển đổi hoạt động của HTX theo Luật HTX mới, nhưng những bài học của Bác để lại vẫn không hề xưa cũ. Những lý luận về hợp tác và liên kết giữa các thành viên, giữa các HTX với nhau, vẫn là  những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế hợp tác.

Nhằm ghi nhận thành tựu, sự đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX, tháng 7/ 2011, Thủ tướng Chính phủ  quyết định lấy ngày 11/4 hàng năm là Ngày HTX Việt Nam.

Tại lớp đào tạo cán bộ HTX nông nghiệp ngày 13/3/1958, Bác nói: Cán bộ phải chú ý lãnh đạo nông nghiệp, vì muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, phải phát triển công nghiệp. Song, đồng thời phải phát triển nông nghiệp, vì hai ngành đó khăng khít với nhau. Nông nghiệp cung cấp nguyên liệu, đồng thời, công nghiệp sẽ giúp nông nghiệp phát triển. Nếu công nghiệp phát triển mà nông nghiệp không phát triển, chẳng khác gì như người đi một chân.

Luật HTX năm 2012 quy định: “HTX là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập, và hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã”, càng thấy tính đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về phong trào HTX.

“8x” Bắc Ninh phát triển HTX theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Đến thăm Bắc Ninh giữa những ngày tháng 5 rực lửa, nhân dịp sinh nhật Bác, chúng tôi thấy thế hệ trẻ “8x” hôm nay đã tiếp thu tinh thần HTX kiểu mới của Bác một cách xuất sắc.

Anh Nguyễn Thanh Liêm, sinh năm 1989, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Công nghệ cao Liêm Anh, thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du (Bắc Ninh), cho biết, anh thành lập HTX kiểu mới năm 2017, với 7 thành viên/3 hộ gia đình, tổng diện tích đất sản xuất 5ha. Riêng trang trại 1,3ha của anh có từ những năm 1994. Khi bố anh bị bệnh nặng, mẹ già yếu đã giao lại cho anh, vì vậy, anh Liêm có nhiều kinh nghiệm trong quản lý trang trại 

Bản thân anh Liêm tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp, ra trường, anh ở lại Hà Nội, làm việc cho một công ty sản xuất rau sạch; khi đã có chút kinh nghiệm, anh quyết định về quê. Năm 2015, anh Liêm bắt đầu cải tạo đất để canh tác hữu cơ; ngoài diện tích đã có, anh còn thuê thêm 9.000m2 đất. Hiện, nông trại của anh có 4.000m2 dưa lê; 4.000m2 cà chua; cây ăn quả gồm bưởi Diễn, bưởi da xanh và cây cảnh 400m2. Khu chăn nuôi có 5 con bò, 300 con gà ta, chủ yếu để lấy phân bón cho cây, và cung cấp thực phẩm cho gia đình.  

Ngoài ra, hàng tháng, anh Liêm còn mua cá rô phi 2 tháng tuổi để sản xuất phân hữu cơ, mỗi lần ủ 5 tạ cá.

Để phòng trừ sâu bệnh, anh  đã dùng các phụ phẩm trong nông nghiệp để làm bẫy, bả xua đuổi côn trùng. Đầu ra của sản phẩm chủ yếu bán tại nhà, hoặc đưa vào siêu thị ở TP. Bắc Ninh, Hà Nội.  

“Năm 2017, khi bắt tay quy hoạch vườn, xây dựng khu nhà lưới, mình được Liên minh HTX Bắc Ninh cho vay 300 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi 5,5%/năm. Năm 2018, trả được cả gốc và lãi; đầu năm 2019, tiếp tục vay 300 triệu đồng, để mở rộng diện tích khu nhà màng. Hiện, thu nhập của các thành viên đạt 8 triệu đồng/người/tháng, giám đốc 9 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, năm 2018, mình đã được Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích tuổi trẻ xung kích trong phong trào HTX”, anh Liêm chia sẻ.  

Chủ động tiếp cận thông tin, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào canh tác; xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm của HTX, để đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao đời sống thành viên và người lao động trong HTX, đã được lớp trẻ thanh niên nông thôn thực hiện xuất sắc trong thời gian qua.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, song, những giá trị tinh thần của Bác về kinh tế hợp tác, HTX luôn được Đảng, Nhà nước kế thừa và phát huy; phù hợp với đường lối đổi mới kinh tế của đất nước. Làm cho nhiều vùng quê ngày càng giàu đẹp hơn, và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế tập thể hiện nay.

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
Top