Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 9 năm 2018 | 10:29

Sao người vô tội lại cứ phải chết, trách nhiệm thuộc về ai?!

Vào lúc 18h30 ngày 27/9, tại Dự án Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, một thanh sắt lớn dài khoảng 4m đã bất ngờ rơi xuống đường làm 1 người chết và 1 người bị thương. Trách nhiệm của ai?

Mặc dù đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra, nhưng dường như các đơn vị thi công vẫn chưa hề biết sợ. Trách nhiệm thuộc về ai hay thuộc về người dân vô tội.
 
Điểm mặt những vụ tai nạn hy hữu nhưng chết người
 
Vào khoảng 10h sáng 6/11/2014, một vụ tai nạn lao động đã xảy ra tại công trình thi công tuyến đường sắt trên cao đoạn Hà Nội – Hà Đông, khiến một ngươi thiệt mạng, một người bị thương.
nh-minh-minh.jpg
Vụ tai nạn xảy ra tại công trình tuyến đường sắt tren cao Cát Linh - Hà Đông năm 2014 làm 1 người thiệt mạng (ảnh Minh Minh)
 
Theo các nhân chứng, khi công nhân vận chuyển thép xây dựng lên phía trên để thi công thì nhiều thanh sắt đã rơi xuống dòng người đang di chuyển, làm một người chết tại chỗ. Một người khác bị thương nặng được đưa đi cấp cứu.

Thông tin ban đầu cho biết, tai nạn xảy ra do đơn vị đang cẩu sắt phục vụ thi công (thuộc dự án đường sắt trên cao Cát Linh, Hà Đông) thì bị đứt cáp, sắt rơi xuống đường khiến một người chết, hai người bị thương. Được biết, đơn vị thi công tuyến đường này là Xí nghiệp Cầu 17. 
 
Hồi 16h30, ngày 12/5/2015 trên đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Vào thời điểm trên, một chiếc cần cẩu sắt đang thi công Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội bất ngờ đổ sập lên nóc (khu vực tum) nhà dân số 359 và 361 đường Cầu Giấy.
 
cầu-giấy.jpg
Cần cẩu đổ rơi vào nhà dân làm một phụ nữ đi đường bị thương nhẹ tại công trường Dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội trên phố Cầu Giấy
Dây cáp cần cẩu rơi vào xe khiến một thai phụ khoảng 5-6 tháng ngã ra đường và bị xây sát nhẹ ở tay. Ghi nhận tại hiện trường, chiếc cần cẩu đổ vắt ngang qua đường, làm bẹp mái tôn hai căn nhà, hai xe máy nằm dưới lòng đường, dây cáp vắt ngan qua 2 chiếc xe này.
 
Sáng 20/8/2018, một vụ tai nạn xảy ra tại dự án tổ hợp văn phòng, thương mại, dịch vụ, nhà trẻ, căn hộ thuộc lô đất HH1, KĐT Mễ Trì Hạ, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. 
tư-liem.jpg
Vụ tai nạn xảy ra tại dự án tổ hợp văn phòng, thương mại, dịch vụ, nhà trẻ, căn hộ thuộc lô đất HH1, KĐT Mễ Trì Hạ, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm. 

 

Thông tin ban đầu, vào khoảng thời gian trên, dây cáp của cẩu trục đang thi công xây dựng tại đây bị đứt, đã làm cho nhiều vật liệu xây dựng từ trên cao rơi xuống khu nhà điều hành. Sự việc khiến ít nhất 1 người bị thương nặng.
 
Không chỉ có trên địa bàn của Thành phố Hà Nội mà cả các địa phương khác trên phạm vi cả nước cũng đều có những vụ tai nạn hy hữu nhưng lại mang cái chết đến cho những người vô tội khi tham gia giao thông hay sinh sống ở gần những khu vực này hoặc trực tiếp làm việc.
 
Vụ tai nạn xảy ra tại công trình thi công khu trung tâm thương mại và căn hộ Saigon Homes trên đường Hương lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TPHCM. Nạn nhân là ông Hà Văn Khoa (58 tuổi, quê Vĩnh Phúc) và bà Nguyễn Thị Quắng (59 tuổi, quê Trà Vinh).
sai-gon.jpgVụ tai nạn xảy ra tại công trình thi công khu trung tâm thương mại và căn hộ Saigon Homes trên đường Hương lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TPHCM.
 
Theo đó, khoảng 14h10 ngày 11/9, khi ông Khoa và bà Quắng đang vận chuyển vật liệu tại tầng 10 công trình nói trên thì bất ngờ gặp sự cố, giàn giáo đổ sập khiến 2 người rơi xuống đất.
 
Một công nhân có mặt thời điểm xảy ra vụ việc cho biết, ông Khoa rơi xuống đất nằm bất động, còn bà Quắng mắc lại trên giàn lưới chắn B40 tại tầng 1 công trình.
 
Phát hiện vụ việc, nhiều người đã nhanh chóng đưa 2 nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng họ đã tử vong sau đó.
 
Trách nhiệm thuộc về ai?!
 
Qua các vụ tai nạn xảy ra trong thời gian vừa qua trên địa bàn TP. Hà Nội nói riêng và trước đây trên địa bàn khắp cả nước nói chung, tất cả đều xảy ra trong lúc đang thi công.
 
Mặc dù các công trình xây dựng đều có những bảng nội quy về quy định an toàn lao động đối với cán bộ, công nhân thi công trên công trường. Công nhân tham gia làm việc trên các công trình xây dựng này đều được đào tạo, phổ biến và yêu cầu về công tác an toàn trong lao động trước khi tham gia trực tiếp vào công việc. Tuy nhiên, các lực lượng này hầu “như nghe rồi bỏ đấy” nên trong quá trình lao động bỏ qua công tác an toàn, hay có làm nhưng làm chiếu lệ. Lỗi thứ nhất thuộc về chính bản thân các công nhân này.
 
Một công trình xây dựng đều có các đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị tổ chức thi công, nhà thầu và đơn vị chủ đầu tư, các đơn vị này đều có những bộ phận giám sát hay có những văn bản thỏa thuận, yêu cầu các đơn vị trong quá trình thực hiện thi công công trình phải giám sát chặt chẽ công tác đảm bảo an toàn lao động cho người lao động và các công trình xung quanh, bảo đảm an toàn tính mạng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, các đơn này cũng chỉ làm chiếu lệ, kiểm tra rồi “có cũng như không”. Đây là lỗi thứ hai.
 
Trách nhiệm còn là của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng cho các công trình xây dựng đó, phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát về bảo đảm an toàn lao động trong quá trình thi công. Trách nhiệm này còn phải là của chính quyền các cấp sở tại. Đây là lỗi thứ ba.
 
Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Văn Thắng (Trưởng Văn phòng Luật sư Hải Chi – Đoàn Luật sư TP Hà Nội), sự cố trên là do lỗi của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình đã không thực hiện đúng quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công dẫn tới hậu quả làm 01 người đi xe máy dưới đường tử vong do thanh sắt xây dựng rơi trúng.
 
Hành vi của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình đã vi phạm Điều 6, Thông tư 04/2017/TT-BXD ngày 30/3/2017 của Bộ Xây dựng, có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 295 Bộ Luật hình sự 2015.
 
Lỗi của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình trong vụ việc này là lỗi vô ý được quy định tại khoản 2 điều 11 BLHS 2015 “Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó”.
 
Pháp luật đã quy định rõ ràng về trách nhiệm của từng đối tượng trong việc vi phạm các quy định về an toàn lao động, tuy nhiên, các quy định này dường như chưa đủ sức mạnh để răn đe đối với các đơn vị tham gia tổ chức thi công công trình xây dựng, nên tai nạn vẫn thường xảy ra.
 
Để cho những người dân vô tội không phải chịu những cái chết “tức tưởi”, thiết nghĩ các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng cần phải kiểm tra, kiểm soát thường xuyên hơn nữa, xử lý thật nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm để răn đe đối với các đơn vị thi công khác. Có như vậy chúng ta mới không còn đón nhận những hung tin về vấn đề này.
 
 
 
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top