Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 25 tháng 11 năm 2017 | 9:41

Sẽ xử phạt nặng tàu cá vi phạm vùng đánh bắt, phát triển thủy lợi theo hướng đa mục tiêu

Sẽ xử phạt nặng tàu cá vi phạm vùng đánh bắt, phát triển thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, nhiều cơ hội thúc đẩy tiềm năng vùng Tây Bắc là những tin tức nông nghiệp nổi bật thời gian qua.

Nhiều cơ hội phát triển nông nghiệp vùng Tây Bắc

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội thảo.

Ngày 23/11, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp vùng Tây Bắc với chủ đề "Núi cơ hội cho phát triển". 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, đất đai phì nhiêu và khí hậu đa dạng, có điều kiện để phát triển nông lâm nghiệp; du lịch và hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung như: cây ăn quả, chè, cà phê, rừng nguyên liệu giấy, cây dược liệu... nhưng vùng Tây Bắc chưa có nhiều bứt phá trong phát triển nông nghiệp do gặp khó khăn về hạ tầng, địa hình hiểm trở... nên chưa phát huy được lợi thế. 

"Muốn phát triển bền vững toàn bộ nền kinh tế của vùng Tây Bắc bao gồm cả các vấn đề an ninh lương thực, nguồn nước, nguồn đất, phòng tránh thảm hoạ và ứng phó với biến đổi khí hậu thì cần phải được tiếp tục nghiên cứu với những cách tiếp cận mới để có cơ chế, chính sách liên vùng phù hợp, đem lại hiệu quả nhất", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh. 

Thời gian qua, Chính phủ Australia thông qua Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Australia (Aciar) đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tăng cường nghiên cứu mang lại các tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần giảm nghèo và cải thiện thu nhập của nông dân, đặc biệt là vùng Tây Bắc. Các dự án này đã hướng tới giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm; sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng ít tài nguyên và bền vững; liên kết thị trường, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. 

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Tây Bắc phát triển trên quy mô sâu rộng và hiệu quả hơn, cần ưu tiêu đầu tư, nghiên cứu các định hướng sau: nghiên cứu tăng giá trị sản phẩm hàng hoá thông qua phát triển các chuỗi giá trị nông lâm sản có thế mạnh của địa phương, gắn sản xuất với thị trường trong và ngoài nước; tổ chức nền nông nghiệp đặc hữu, đa dạng phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và đa dạng sinh học. 

Phát triển thủy lợi theo hướng hiệu quả, đa mục tiêu

Các công trình thủy lợi đảm bảo đa mục tiêu.

Định hướng phát triển thủy lợi Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050 xác định: Phát triển thủy lợi đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của “nền nông nghiệp có tưới” theo hướng giá trị gia tăng. Hoạt động thủy lợi trên nguyên tắc quản lý tổng hợp nguồn nước, phục vụ đa mục tiêu. Chuyển một số nội dung của hoạt động thủy lợi sang vận hành theo cơ chế thị trường có sự tham gia chủ động của các thành phần xã hội. Tiếp tục phát triển thủy lợi cho miền núi, vùng sâu vùng xa…

Theo ông Phạm Hùng Cường, chuyên gia cao cấp về tài nguyên nước, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, hoạt động thủy lợi cần dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp nguồn nước, nhất là theo lưu vực sông và hệ thống thủy lợi. Cần phát triển thủy lợi bền vững về tài chính trên cơ sở vận hành theo cơ chế thị trường, có sự tham gia của người dân và các thành phần kinh tế để đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp có tưới, tạo nguồn nước cho dân sinh, công nghiệp, dịch vụ. Cùng với đó là thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và quản lý hiệu quả nguồn nước...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, thời gian vừa qua, thủy lợi Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu, minh chứng bằng việc là đã phục vụ rất tốt cho nền kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp. Tuy vậy, ngành thủy lợi cũng còn hạn chế từ nội tại như: thể chế trong quản trị nước chưa được tối ưu, quản lý tổng hợp nguồn nước, quản lý thống nhất theo lưu vực sông, chuyển nước thành hàng hóa, vận hành theo thị trường…Cùng với đó là những thách thức phải đáp ứng được những yêu cầu mới, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần làm giảm nhẹ những tác động do sử dụng tài nguyên thiên nhiên, hay sự phát triển của thượng nguồn…

“Chiến lược thủy lợi phải khắc phục được những tồn tại, hạn chế, đáp ứng được những yêu cầu mới đa mục tiêu, thích ứng biến đổi khí hậu, và góp phần giảm nhẹ tác động trong khai thác sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Mặt khác chúng ta phải đưa hoạt động thủy lợi theo cơ chế thị trường, tuy nhiên phải gắn chặt với đảm bảo an sinh xã hội, những đối tượng chính sách, các loại cây trồng và đảm bảo an ninh lương thực”, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng khẳng định.

Đưa vào Luật thủy sản nội dung EU khuyến cáo

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp  và PTNT Vũ Văn Tám, việc Quốc hội biểu quyết thông qua Luật thủy sản và khẳng định Luật đã kế thừa các thành tựu của Luật năm 2003 sẽ tạo ra bước đột phá trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản – một phương thức quản lý mới được nhiều quốc gia tiếp cận để quản lý hoạt động thủy sản, đặc biệt là bảo vệ, quản lý nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới. Với Luật thủy sản đã khắc phục được những hạn chế của luật hiện hành và sẽ có tác động lớn, tích cực đến đời sống ngư dân và người dân sống gần biển.

Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, điểm rõ nhất của Luật thủy sản là xây dựng theo hướng tiếp cận mới phù hợp với hội nhập quốc tế, phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lĩnh vực thủy sản, cải cách hành chính và biến đổi khí hậu.

“Đây là luật chuyên ngành chi tiết, những quy định trong luật được cơ bản thông qua. Có một số nội dung sẽ giao Chính phủ, Bộ NN – PTNT hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành. Đến trước 1/1/2019 sẽ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn này. Đây là bước ngoặt của ngành thủy sản, tổ chức lại, phát triển có bền vững”, Thứ trưởng nói.

Trước câu hỏi, Việt Nam có thoát được thẻ vàng của EU trước 2019 không? Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, năm nay EC có 3 đoàn sang kiểm tra, có 2 Cao Ủy sang làm việc với lãnh đạo Bộ. Thủ tướng đã có công điện 732 quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh nếu để tàu địa phương vi phạm vùng đánh bắt sẽ xử nghiêm. “Đến nay tình trạng tàu cá vi phạm của Việt Nam đã giảm hẳn. Quảng Ngãi từ tháng 7 đến nay không ghi nhận 1 tàu cá nào vi phạm nữa mặc dù đây là tỉnh đội sổ về số tàu cá vi phạm vùng đánh bắt lâu nay. EU quan tâm đến các hành động thực tiễn”, Thứ trưởng cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng, EC có thư gửi Chính phủ là nói Việt Nam chưa tiếp thu, chưa chuyển biến nên hôm 23/10 EU rút thẻ vàng chúng ta. Chúng ta sẽ tìm mọi cách để thoát thẻ vàng.  

Xử phạt nặng đối với tàu cá vi phạm vùng đánh bắt

Các tàu cá vi phạm vùng đánh bắt có thể bị phạt 1 tỷ đồng.

Luật thủy sản đã Luật hóa các nội dung liên quan đến chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) trong đó có khuyến nghị của Ủy ban Châu âu (EC). Theo đó, Luật Thuỷ sản đã được sửa đổi dựa trên các nguyên tắc của Công ước Luật biển 1982, Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO, Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp quốc, Bộ luật nghề cá có trách nhiệm của FAO, Kế hoạch hành động quốc tế của FAO về khai thác IUU, Hướng dẫn của FAO về thực hiện trách nhiệm quốc gia treo cờ, tập trung vào 9 khuyến nghị của EC, các khuyến nghị đó được thể hiện trong các nội dung sau:

Một là, quy định số lượng và phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác của tàu theo nghề trên các vùng biển và phân cấp cho địa phương để cấp phép cho từng tàu cá; Quy định nội dung quản lý đầu ra theo hạn ngạch các loài di cư và các loài có tính kết đàn.

Hai là, quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng; quy định thu hồi giấy phép khai thác đối với các nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam; quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân có tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU, không có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên trong đó tàu 24 mét trở lên phải có giám sát hành trình cập nhật tự động

Ba là, quy định trách nhiệm của thuyền trưởng của tàu khai thác từ vùng lộng trở ra phải cập cảng chỉ định do Bộ NN - PTNT công bố; quy định về kiểm tra, kiểm soát, giám sát tổng hợp tại các chương về khai thác, quản lý tàu cá và tăng cường năng lực thực thi cho lực lượng kiểm ngư và các lực lượng thực thi pháp luật có liên quan.

Bốn là, quy định việc xử lý đối với hành vi sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực…

Điểm mới của Luật lần này là giao cho địa phương bảo vệ cả nguồn lợi thủy sản. Trên cơ sở điều tra nguồn lợi, các địa phương thông báo nguồn lợi, sản lượng, điều chỉnh khai thác. Vùng khơi trở ra sẽ do Trung ương quản lý, phân bổ khi đánh bắt xa bờ.

Về mức phạt 1 tỷ đồng, Thứ trưởng Tám cho rằng là căn cứ vào Luật xử phạt vi phạm hành chính, đây cũng là câu trả lời của chúng ta đối với EU. Họ bảo, Việt Nam phải đưa chi tiết các mức xử phạt vào Luật này. Tuy nhiên, chúng ta trân trọng tiếp thu được cái gì là đưa vào, còn sau này thiếu đâu sẽ bổ sung bằng Nghị định để cụ thể các lý do xử phạt. Hiện chỉ đưa ra mức phạt cao nhất vào luật như vậy.

Khánh Nguyên (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

  • Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Top