Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 19 tháng 12 năm 2017 | 3:25

Sông Hinh: Cần thực hiện nghiêm Quyết định 861 của UBND tỉnh Phú Yên

Ngày 22/3/2005, UBND tỉnh Phú Yên có Quyết định số 449/QĐ-UBND phê duyệt thiết kế kỹ thuật đầu tư thực hiện 5 tuyến giao thông nội thị - thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh. Điều đáng nói là, 5 tuyến đường này đều liên quan đến phần đất của ông Nguyễn Thanh Sơn. Và cũng từ đây, ông Sơn liên tục có đơn thư gửi Báo Kinh tế nông thôn, lãnh đạo tỉnh Phú Yên và các cơ quan chức năng xung quanh việc UBND huyện Sông Hinh thu hồi đất mà chưa đền bù thỏa đáng.

Đơn ông Sơn gửi lãnh đạo tỉnh Phú Yên và Báo Kinh tế nông thôn.

Hơn 10 năm vẫn cố tình dây dưa…

Sông Hinh là huyện miền núi của Phú Yên, được chia tách vào năm 1985. Năm 1986, ông Nguyễn Thanh Sơn là Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, được điều động về làm Bí thư Huyện ủy Sông Hinh. Lúc ấy, cả xã hội đang rất khó khăn, thiếu thốn, Đảng và Nhà nước chủ trương khuyến khích người dân khai hoang mở rộng đất tăng gia sản xuất. Vốn là người dân tộc thiểu số, ông Sơn cùng cả gia đình đầu tư công sức và tiền của khai hoang phục hóa, chủ động được nguồn lương thực tại chỗ.

Tháng 6/1988, gia đình ông Sơn được UBND huyện Sông Hinh cấp giấy phép sử dụng đất 3.000m2 xây dựng nhà ở trên khu đất khai hoang gần 32.000m2 có đủ tứ cận.

Ngày 14/3/2005, UBND huyện Sông Hinh thành lập tổ chuyên viên đến hiện trường lập biên bản kiểm kê diện tích đất của hộ ông Sơn bị ảnh hưởng phải thu hồi để thi công 5 tuyến đường. Biên bản xác định: Ao hồ 1.148m2, sâu 2m; Đất nhà ở 1.476m2/3.000m2 đất cấp; Đất khai hoang 30.302m2 (đã cày để sạ lúa 25.000m2). Như vậy, đất khai hoang đưa vào sản xuất của gia đình ông Sơn là 30.302m2 + 1.148m2 (ao dừa) - 1.476m2 (ông sử dụng nhà ở) = 29.974m2.

Ông Sơn canh tác trên khu đất của mình 30 năm qua không ai tranh chấp.

Ngày 6/6/2014, UBND tỉnh Phú Yên ra Quyết định số 861/QĐ-UBND “V/v đình chỉ giải quyết đơn khiếu nại của ông Nguyễn Thanh Sơn, vì UBND huyện Sông Hinh có nhiều sai sót, vi phạm trong quá trình lập, trình thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại các khoản 2 và 3, Điều 29, Nghị định 69/NĐ-CP, ngày 13/8/2009; và các điều 30 và 31 của Nghị định này”.

Tuy nhiên, không những không rút kinh nghiệm để làm lại các thủ tục đo đạc thực tế và phương án đền bù cho hộ ông Nguyễn Thanh Sơn, UBND huyện Sông Hinh vẫn cố tình lách luật, thực hiện không đúng với tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên tại Quyết định số 861/QĐ-UBND ngày 6/6/2014 (kèm thêm Công văn số 4345/UBND-NC, ngày 21/9/2015) của UBND tỉnh Phú Yên.

Sự khập khiễng của chính quyền và ngành chức năng

Qua nhiều lần trả lời khiếu nại, mới đây nhất, tại Công văn số 46/UBND ngày 19/01/2017, UBND huyện Sông Hinh trả lời cho ông Nguyễn Thanh Sơn có đoạn: Ngày 13/10/2016, UBND huyện Sông Hinh có Công văn số 734/UBND gởi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)  “V/v xin ý kiến thực hiện bồi thường về đất đối với ông Nguyễn Thanh Sơn”. Ngày 7/11/2016, Sở TN&MT Phú Yên có Công văn số 2528/STNMT-QLĐĐ phúc đáp: Căn cứ khoản 1, Điều 82, Luật Đất đai năm 2013, hộ ông Nguyễn Thanh Sơn không được bồi thường về đất.

Ông Sơn chỉ về khu đất của gia đình.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Điều 82 Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước thu hồi đất không bồi thường về đất trong các trường hợp sau đây: Các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 76 của Luật Đất đai 2013. Đó là:

“1. Các trường hợp không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:

a) Đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, trừ trường hợp đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật này;

b) Đất được Nhà nước giao cho tổ chức thuộc trường hợp có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất;

c) Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm; đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng;

d) Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn;

đ) Đất nhận khoán để sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối”.

Đất của gia đình ông Sơn không nằm trong các điểm a, b, c... của khoản 1, Điều 76 luật này, vì: Đất của ông Sơn là đất khai hoang. Đã là đất khai hoang, không phải đất nhà nước tạm giao, tạm cấp hoặc cho thuê phải được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo các điều 100, 101 Luật Đất đai 2013.

Diện tích đất khai hoang của gia đình ông Sơn được chính quyền địa phương xác nhận, nay toàn bộ diện tích này bị GPMB của 5 tuyến đường và đất liền kề đều bị ảnh hưởng. Khoản 6, Điều 6 về điều kiện để được đền bù thiệt hại về đất của Nghị định 22/1998/NĐ-CP, ngày 24/4/1998 ghi rõ: Trường hợp không có các giấy tờ quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 của Điều này, người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại phải có các giấy tờ chứng minh được đất bị thu hồi là đất đã sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Tại Điểm a, khoản 6, Điều 6, ghi rõ: “Đất đã sử dụng ổn định trước ngày 8/1/1998 được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận”. Do vậy, đất của gia đình ông Sơn đang khiếu nại có đủ điều kiện để được đền bù thiệt hại về đất.

Tại Công văn số 46, UBND huyện Sông Hinh còn viện dẫn: Khoản 1, Điều 129 về hạn mức giao đất nông nghiệp. Việc này cũng rất khập khiễng vì đất của gia đình ông Sơn là đất khai hoang không liên quan gì các điều nói trên mà Sở TN&MT và UBND huyện Sông Hinh cố tình áp đặt.

Bản đồ khu đất của ông Sơn do Sở Tài Nguyên và Môi trường Phú Yên cung cấp

Chưa đủ căn cứ pháp lý để ra quyết định cưỡng chế!

Ngày 2/11/2017, UBND huyện Sông Hinh có buổi làm việc với gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn; cùng dự còn có đại diện Sở TN&MT, Thường trực Huyện ủy, UBND thị trấn Hai Riêng, các phòng chức năng của huyện.

Tại biên bản, ông Mai Kim Lộc, Phó giám đốc Sở TN&MT có ý kiến: Đề nghị đo đạc lại diện tích và bồi thường về đất của ông Sơn, nếu đủ điều kiện đáp ứng theo Điều 100, Luật Đất đai thì bồi thường. Đây là ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Quyết định 861, giao Sở TN&MT theo dõi, hướng dẫn UBND huyện Sông Hinh thực hiện đúng quy trình, thủ tục, đúng pháp luật đối với hộ ông Sơn.

Ngày 4/12/2017, UBND huyện Sông Hinh ra Quyết định số 2105/QĐ-UBND “V/v cưỡng chế thu hồi đất” đối với gia đình ông Sơn. Việc cưỡng chế này chưa đủ cơ sở pháp lý, bởi trước khi thực hiện cưỡng chế, UBND huyện Sông Hinh chưa hề có quyết định nào về xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ ông Sơn!?

Hơn nữa, UBND tỉnh Phú Yên đã có quyết định giao cho UBND huyện Sông Hinh giải phóng mặt bằng 2,3ha để thực hiện 5 tuyến đường. Tuy nhiên, UBND huyện Sông Hinh chưa làm chủ hay nói cách khác là chưa sở hữu QSDĐ thì lấy cơ sở và quyền lực nào để ra quyết định cưỡng chế (nguyên tắc khi thực hiện dự án phải được UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất, sau đó ra quyết định giao đất). Phương án phê duyệt đền bù cũng như phương án thiết kế kỹ thuật không công khai thì làm sao gia đình ông Sơn biết được: Ngoài 2,3ha bị giải phóng mặt bằng, còn có diện tích nào bị ảnh hưởng, bởi khi thi công phải đào xúc, nâng cốt, hạ cốt của từng tuyến đường và còn phải thực hiện vỉa hè hai bên tuyến đường.

Diện tích đền bù theo giấy phép sử dụng đất của gia đình ông Sơn được cấp là 3.000m2 - 1.476m2 (đất nhà ở) = 1.524m2, không phải là 360m2 như phương án đền bù đã ghi. Còn lại là đất khai hoang gần 30.000m2 phải được đền bù theo khoản 6, Điều 6, Nghị định 22/1999/NĐ-CP ngày 24/4/1998.

Đề nghị UBND huyện Sông Hinh xem xét lại quyết định cưỡng chế, có phương án đền bù giải phóng mặt bằng phù hợp, theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân.

Phi Công

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top