Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 3 tháng 5 năm 2018 | 22:41

Sông Hinh: Cần giải quyết khiếu nại theo quan điểm pháp luật đất đai

Việc cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ ông Nguyễn Thanh Sơn, ở KP5, thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh - Phú Yên) được ấn định vào ngày 26/12/2017 bất thành, vì không có cơ sở pháp lý.

Sau Tết Mậu Tuất 2018, huyện Sông Hinh càng cố tìm chứng cứ, càng vi phạm pháp luật. Tỉnh Phú Yên cho rằng, vụ việc quá phức tạp... Tất cả đều chưa đứng trên quan điểm quan hệ pháp luật về đất đai để giải quyết. 

sh.jpg
Ông Sơn hằng ngày đều có mặt trên khu đất của mình 30 năm qua không ai tranh chấp.

 

Thông báo vi phạm pháp luật

Dự án 5 tuyến đường nội thị - thị trấn Hai Riêng được UBND tỉnh Phú Yên cho chủ trương thực hiện từ năm 2005. Đến nay, huyện Sông Hinh vẫn chưa minh bạch về đất đai của gia đình ông Sơn bị giải phóng mặt bằng (GPMB), bởi 5 tuyến đường này.

Ngày 31/3/2018, trong đơn khiếu nại Quyết định (QĐ) 395/QĐ-UBND ngày 23/2/2018 của Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, ông Sơn nêu: Nội dung có nhiều chi tiết lòng vòng, không liên quan đến đất gia đình tôi khai hoang từ 8/1986 đến nay (3/2018); không ai tranh chấp và các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện không có bất cứ văn bản nào xử lý hay ngăn chặn đối với diện tích đất của gia đình tôi đã và đang sử dụng gần 41.000m2.

Sau khi có QĐ 395, Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) huyện Sông Hinh tổ chức cuộc họp với đủ các thành phần tham gia, riêng hộ ông Sơn không được mời. Nội dung của cuộc họp để trung tâm ra Thông báo số 14 ngày 6/3/2018: Thống nhất điều chỉnh một số nội dung của biên bản kiểm kê ngày 7/7/2016.

Nội dung Thông báo số 14 chẳng những vô căn cứ, trái pháp luật mà còn có dấu hiệu vi phạm hình sự, với tội danh “Tội giả mạo trong công tác” - Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2018). Tại điểm a, khoản 1, Điều này ghi rõ: “Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu” bị phạt tù từ 1 - 5 năm; Và, tại điểm a, khoản 2, Điều này nhấn mạnh: “có tổ chức”, bị phạt tù từ 3-10 năm.

QĐ 395 càng trái pháp luật

Phần đầu QĐ 395 ngày 23/2/2018 của Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh liệt kê hàng loạt các QĐ này, NĐ kia về đất đai, nhưng đều không ăn nhập gì với đơn khiếu nại ngày 26/12/2017 của gia đình ông Sơn.

Ở phần kết quả xác minh khiếu nại QĐ 395, UBND huyện Sông Hinh vẫn lặp lại ý tứ của các QĐ trước đây đã được hủy, sửa đi, chỉnh lại nhiều lần. Đó là việc UBND huyện Sông Hinh vẫn cố chấp cho rằng: Diện tích đất ông Sơn đang sản xuất và đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ có nguồn gốc là đất của đồng bào (dân tộc thiểu số), đến năm 1987 giao lại cho Nhà nước. Vậy, UBND huyện Sông Hinh tiếp nhận diện tích này vào năm nào và tứ cận giáp những nơi nào? Và, sau khi tiếp nhận, UBND huyện Sông Hinh giao lại cho ai sử dụng và sử dụng vào mục đích gì?

Theo Hiến pháp 1992 và Luật Đất đai 1993: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Do đó, cách tiếp nhận đất như trên của UBND huyện Sông Hinh là ngoài vòng pháp luật.

Nhận thấy QĐ 395 vô căn cứ và trái pháp luật, UBND huyện Sông Hinh lại chỉ đạo cho Trung tâm PTQĐ huyện tạo dựng Thông báo số 14 nói trên. Sự trợ giúp của Thông báo số 14 để tái khẳng định, QĐ 395 chẳng những càng trái pháp luật về đất đai, còn vu khống ông Sơn lợi dụng chức vụ Bí thư Huyện ủy chiếm đất đồng bào (?!)

Với hành vi trên ở QĐ 395 và Thông báo số 14, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh có dấu hiệu vi phạm hình sự, với tội danh: “Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật” - Điều 372 Bộ luật Hình sự 2015; và với điểm a, khoản 3, điều này ghi rõ: “Gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên”, bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

Xung quanh  vụ việc này, ngày 22/3/2018, UBND tỉnh Phú Yên có Công văn số 1389/UBND-NC gửi Văn phòng Chính phủ cho rằng: “Do vụ việc của ông Nguyễn Thanh Sơn đã lâu, có một số vướng mắc, phức tạp nên hiện nay UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành chức năng và địa phương tiếp tục xem xét, giải quyết”.

Dư luận đang quan tâm tới cách giải quyết vụ việc của UBND tỉnh Phú Yên sao cho thấu tình, đạt lý, dựa trên các quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân.

 

Ông Lê Văn Hữu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho rằng: Ông Nguyễn Thanh Sơn là người dân tộc Ba Na đầu tiên ở Phú Yên được Đảng và Nhà nước đưa ra miền Bắc đào tạo bài bản và tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội năm 1960. Sau đó, trở về Phú Yên phục vụ cho nhu cầu của cách mạng miền Nam. Và, ông Sơn đã trải qua những cương vị: nguyên Tỉnh ủy viên Phú Khánh, nguyên Tỉnh ủy viên Phú Yên; nguyên Bí thư Huyện ủy Sông Hinh hai nhiệm kỳ đầu thành lập huyện, là người do Thường vụ Tỉnh ủy trực tiếp quản lý và tất nhiên phải được luật pháp tôn trọng. Cho nên, vụ việc liên quan đến vấn đề nhạy cảm về đất đai hôm nay đối với ông Sơn, huyện Sông Hinh cần báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh ủy, không nên tiếp tục làm liều bằng các QĐ và công văn trái pháp luật như vừa qua.

 

 

Phi Công
Ý kiến bạn đọc
Top