Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 25 tháng 2 năm 2018 | 22:8

Sự kiện 24/7: Địa phương về chúc Tết trung ương giảm mạnh

Ngay sau Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã bắt đầu tuần làm việc đầu tiên với tinh thần quyết tâm cao.

Đặc biệt là những thông tin về việc thực hiện đón Tết lành mạnh từ Ban Bí thư và Chương trình tổng thể của Chính phủ trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Đây chính là những tín hiệu vui, dự báo những thay đổi tích cực ở mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội trong năm mới 2018.

Ban Bí thư: Địa phương về chúc Tết trung ương giảm mạnh

Sáng 23/2, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Bí thư trong năm Mậu Tuất 2018, nghe báo cáo tình hình và kết quả thực hiện chỉ thị 16 của Ban Bí thư về tổ chức Tết Nguyên đán.

Theo đó, Ban Bí thư nhất trí đánh giá chỉ thị 16 đã được triển khai nghiêm túc, việc tổ chức Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đạt nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực. Cụ thể như: Khối lượng dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân khá lớn; hàng hóa dồi dào, phong phú, giá cả ổn định; đời sống vật chất, tinh thần của người dân, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, chăm lo khá đầy đủ...

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh sự cần thiết bắt tay vào công việc ngay sau Tết. Ảnh: TTX

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh sự cần thiết bắt tay vào công việc ngay sau Tết. Ảnh: TTXVN

Trong dịp Tết, tình hình an ninh trật tự trên toàn quốc, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa bàn trọng điểm, các hoạt động lễ hội, vui chơi giải trí được bảo đảm an toàn, người dân vui Tết đón Xuân trong không khí vui tươi, bình yên, an toàn. Tình hình an ninh chính trị ổn định; chủ quyền biên giới quốc gia, biển, đảo được giữ vững... 

Ban Bí thư cũng đánh giá việc tổ chức đi chúc Tết, tặng quà lãnh đạo các cấp đã có nhiều chuyển biến và hiệu quả rõ nét. Lãnh đạo các địa phương trực tiếp về Trung ương chúc Tết các ban, bộ, ngành và cấp dưới chúc Tết cấp trên giảm mạnh so với Tết Đinh Dậu 2017. 

Tuy nhiên, cũng theo Ban Bí thư, việc tổ chức Tết Nguyên đán vừa qua vẫn còn để xảy ra những vấn đề rất đáng lưu tâm cần có biện pháp để kịp thời chấn chỉnh. Tai nạn giao thông tuy giảm về số vụ, số người bị thương, số người chết, nhưng vẫn còn cao, vẫn là vấn đề nghiêm trọng, nhức nhối. Tình trạng ngộ độc rượu, thực phẩm, đốt pháo nổ tại một số nơi, tình trạng cờ bạc đỏ đen, mê tín dị đoan, lãng phí còn tái diễn, nguy cơ mất an toàn cháy nổ còn cao… Một số nơi còn xảy ra các vụ án nghiêm trọng, người nhà bệnh nhân hành hung bác sỹ ngay trong bệnh viện.

Người đứng đầu Đảng hoan nghênh Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị phải bắt tay ngay vào công việc, triển khai nhiệm vụ thuộc phạm vi được phân công. 

Tổng Bí thư lưu ý, sau Tết các hoạt động lễ hội, du xuân vẫn tiếp diễn. Vì vậy, các cấp ủy Đảng tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ công tác tổ chức lễ hội, thực hiện tốt các nội dung có liên quan đã nêu trong Chỉ thị 16 của Ban Bí thư, tổ chức lễ hội văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống.

Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018. Theo đó, Mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (gọi tắt là THTK, CLP) năm 2018 là tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm để tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với những kết quả cụ thể; tập trung xây dựng các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội…

Tiết kiệm, chống lãng phí sẽ là mục tiêu lớn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2018.
Tiết kiệm, chống lãng phí sẽ là mục tiêu lớn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2018.

 Trong đó, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương, các khoản đóng góp cho người lao động theo quy định) để tạo nguồn cải cách tiền lương, đẩy mạnh khoán chi hành chính. Giảm tần suất và thắt chặt các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác phí; phấn đấu tiết kiệm 12% so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các khoản kinh phí chi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; phấn đấu tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không bố trí đoàn ra trong chi thường xuyên các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tiếp tục thực hiện cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia, công trình dự án nhóm A, công trình có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương.

Tiết kiệm triệt để trong quản lý, sử dụng kinh phí của đề tài nghiên cứu khoa học, không đề xuất, phê duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung trùng lặp, thiếu tính khả thi, chưa xác định được nguồn kinh phí thực hiện. Từng bước chuyển việc bố trí kinh phí hoạt động thường xuyên sang thực hiện phương thức Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu; thực hiện khoán kinh phí theo kết quả đầu ra...

Phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực cụ thể; khẩn trương hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực.

Dừng việc giao bổ sung biên chế, thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó; điều chỉnh dứt điểm các vấn đề còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan trong hệ thống tổ chức nhà nước; gắn với tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức viên chức. Tiến hành sáp nhập, giải thể đơn vị, bộ máy hoạt động không hiệu quả.

Đổi mới căn bản cách thức quản lý và thái độ làm việc của công chức nhà nước, phục vụ đi đôi với quản lý; minh bạch hóa quản lý nhà nước, tăng cường kỷ luật công vụ, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước. Xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ.

Đà Nẵng kỷ luật nhiều cán bộ

Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành các quyết định kỷ luật nhiều cán bộ theo thẩm quyền.

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Đình Hồng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy; ông Trần Thanh Vân - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy; ông Đào Tấn Bằng - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Các khu công nghiệp Đà Nẵng, nguyên Chánh Văn phòng Thành ủy.

Ông Trần Đình Hồng đã có khuyết điểm, vi phạm trong việc tham mưu công tác cán bộ dẫn đến khuyết điểm, vi phạm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Ông Trần Thanh Vân có khuyết điểm, vi phạm trong việc tham mưu Ban Thường vụ thành ủy dẫn đến vi phạm quy định về thẩm quyền ban hành quyết định xác minh tài sản, thu nhập đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.

Ông Đào Tấn Bằng có khuyết điểm, vi phạm trong việc tham mưu Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy chủ trương cho phép chỉ định thầu 3 dự án công trình trụ sở làm việc các cơ quan khối Đảng không đúng quy định của Luật Đấu thầu; khi đang giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Quản lý đầu tư, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị, Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố đã tham mưu lãnh đạo UBND thành phố ban hành các văn bản không đúng với quy định của pháp luật về đất đai.

Vi phạm của 3 cán bộ trên là nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân các đồng chí.

Ngoài ra, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng cũng đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với các ông Lê Quang Nam - Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường; ông Vũ Quang Hùng - Thành ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng.

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Mai Đăng Hiếu, đảng viên Chi bộ Văn phòng 2 thuộc Đảng bộ Sở Nội vụ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Ngoại vụ, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ kiêm Phó trưởng Văn phòng đại diện thành phố Đà Nẵng tại Tokyo - Nhật Bản do vi phạm thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định về nhiệm vụ của đảng viên khi ra nước ngoài; vi phạm pháp luật về đất đai.

Nhiều hội đồng ngành không phát hiện sai sót hồ sơ ứng viên giáo sư

GS Đinh Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Kinh tế cho biết, đã hoàn thành rà soát hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư và gửi báo cáo lên Hội đồng cấp nhà nước. “Kết quả không có vấn đề gì”, ông Sơn nói.

Sau khi có chỉ đạo rà soát của Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, thành viên Hội đồng ngành Kinh tế đã kiểm tra những ứng viên thẩm định lần trước và ký xác nhận lại nếu bảo lưu kết quả. Thường trực Hội đồng xem xét các trường hợp nhạy cảm, như: ứng viên là cán bộ thỉnh giảng, có đơn thư khiếu nại…

“Ngay từ lần thẩm định ban đầu chúng tôi đã làm rất cẩn thận, nghiêm túc nên đợt rà soát này không phát hiện sai sót nào”, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành kinh tế khẳng định.

Ở ngành Toán, GS Hà Huy Khoái, Chủ tịch Hội đồng cũng cho biết, kết quả rà soát hồ sơ ứng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư không thay đổi so với ban đầu. Hồ sơ ứng viên ngay từ đầu được đưa lên một hệ thống để các ủy viên đều có thể xem xét đánh giá, Thường trực thẩm định. Đợt kiểm tra vừa rồi Hội đồng ngành Toán hoàn thành rất nhanh, khoảng 10/2 đã có báo cáo gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Số lượng ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư của ngành Toán năm nay là 24, tăng 7 so với năm trước. Giáo sư Khoái cho rằng không có gì bất thường. “Tôi còn thấy nhiều người xứng đáng là giáo sư, phó giáo sư nữa, nhưng họ không gửi hồ sơ”, ông Khoái nói và khẳng định chất lượng ứng viên năm 2017 tốt hơn các năm trước, bằng chứng là các chỉ số về công bố quốc tế tăng.

Hội đồng chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học đã rà soát xong hồ sơ của 23 ứng viên đạt chuẩn chức danh phó giáo sư và một ứng viên giáo sư. Chủ tịch Trần Ngọc Thêm cho biết, không phát hiện sai sót gì. Danh sách ứng viên đạt chuẩn của Hội đồng này, trừ một trường hợp là thỉnh giảng, còn lại là giảng viên cơ hữu của các đại học với thâm niên cao.

Trước đó ngày 2/2, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Số người đạt tiêu chuẩn năm nay gấp 1,7 lần năm 2016 và 2,3 lần năm 2015. Tổng thư ký Trần Văn Nhung lý giải sự tăng mạnh là thời hạn nộp hồ sơ kéo dài hơn 6 tháng và các ứng viên cố gắng được xét theo quy định hiện hành, trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh theo hướng yêu cầu cao hơn.

Ông Nhung khẳng định, Hội đồng các cấp không vì số lượng mà hạ tiêu chí đánh giá; chất lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 không giảm, thậm chí tăng lên.

 

 

Danh Hùng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

  • Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng gò đồi

    Phát huy lợi thế diện tích đất đai vùng gò đồi màu mỡ, nhiều địa phương ở Thừa Thiên - Huế đã thực hiện những giải pháp “căn cơ” đẩy mạnh mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, nhằm giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Top