Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 12 tháng 5 năm 2018 | 16:21

Sự kiện 24/7: Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền

Sáng 12/5, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII họp phiên bế mạc sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc.

hntu7.jpg

Kiểm soát quyền lực; chống chạy chức, chạy quyền

Thay mặt Bộ Chính trị, phát biểu, làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả quan trọng đã đạt được, về xây dựng đội ngũ cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, trên cơ sở thảo luận kỹ lưỡng và sâu sắc Đề án và Tờ trình của Bộ Chính trị, Hội nghị đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết của Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Nghị quyết Trung ương lần này đã kế thừa, bổ sung và phát triển Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về Chiến lược cán bộ, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ đó đến nay với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, có tính đột phá, khả thi và sát với tình hình thực tế.

“Điểm nhấn của Nghị quyết lần này là Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ; coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hoá quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm.

Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền.

Kiên quyết huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ.

Cụ thể hoá để thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp.

Ban Chấp hành Trung ương chỉ rõ, để thực hiện có kết quả Nghị quyết, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt, nói đi đôi với làm, làm cho Nghị quyết lần này thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt, thu được kết quả cụ thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân nhìn thấy được, cảm nhận được.

Nhiều điểm mới quan trọng về cải cách tiền lương

Tổng Bí thư cho biết, Hội nghị đã nhất trí ban hành Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương nhằm sớm xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần phải kiên trì, kiên quyết triển khai thực hiện thắng lợi các nội dung cải cách đã được Hội nghị lần này đề ra với nhiều điểm mới quan trọng so với các lần cải cách trước đây.

Đối với khu vực công, thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới với tỉ lệ hợp lý hơn giữa lương cơ bản, các khoản phụ cấp và bổ sung chế độ tiền thưởng. Xây dựng hệ thống bảng lương mới, quy định mức lương bằng số tiền tuyệt đối theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường... Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tỉ trọng tối đa 30% trong tổng quỹ lương.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt; được sử dụng quỹ tiền thưởng để thưởng định kỳ cho cán bộ, công chức, viên chức gắn với kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc. Cùng với đó là mở rộng thí điểm cơ chế áp dụng mức chi thu nhập tăng thêm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là ở vùng động lực. Thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị. Bãi bỏ hệ số tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức thuộc các cơ quan đang thực hiện cơ chế tài chính đặc thù...

Theo Tổng Bí thư, cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm để làm cơ sở trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Quyết liệt thực hiện các giải pháp về tài chính, ngân sách, tinh giản tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập để bảo đảm đủ nguồn cho cải cách tiền lương; bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước....

Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Tổng Bí thư cho biết, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cho rằng, trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để Bảo hiểm xã hội thực sự trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc "đóng - hưởng", "công bằng", "bình đẳng", "chia sẻ" và "bền vững".

Nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước nhân dân

Tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã nghiên cứu, thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017. Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy những ưu điểm, kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn, đồng bộ hơn với quyết tâm cao hơn để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt, củng cố và tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thành công tốt đẹp. Kết quả của Hội nghị thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết thống nhất cao của Trung ương chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố, phát huy những kết quả, thành tích rất đáng trân trọng mà toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong nửa đầu của nhiệm kỳ khoá XII, góp phần tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới đồng bộ và toàn diện, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát triển đất nước nhanh và bền vững vì Tổ quốc Việt Nam yêu quý.

Tổng Bí thư đề nghị mỗi đồng chí Trung ương, trên từng cương vị công tác của mình, hãy nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết của Trung ương lần này, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Hà Nội bổ nhiệm 5 Phó Giám đốc Sở và Ban Quản lý dự án

Chiều 11/5, Sở Nội vụ Hà Nội công bố các quyết định điều động, bổ nhiệm 5 Phó Giám đốc các Sở, BQL dự án của thành phố.

hn.jpg

Theo đó, Chủ tịch UBND TP quyết định điều động và bổ nhiệm ông Hoàng Trọng Tùng, sinh ngày 15/1/1974, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông thành phố Hà Nội đến nhận công tác tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Ban.

Ông Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1977) là Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng được điều động đến nhận công tác tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở.

Còn ông Lê Văn Bính (sinh năm 1976), Phó Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội được điều động đến nhận công tác tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp thành phố Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Ban.

Chủ tịch Thành phố cũng điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Thanh (sinh năm 1973), Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông thành phố Hà Nội đến nhận công tác tại Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở.

Còn ông Phạm Văn Khương (sinh năm 1963), Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội đến nhận công tác tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

VKS đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho ông Đinh La Thăng

Chiều 11/5, đại diện VKSND Cấp cao cho biết trong 14 người kháng cáo chỉ duy nhất ông Đinh La Thăng kêu oan, ông Phùng Đình Thực xin được xem xét chuyển đổi tội danh. Những người còn lại xin giảm hình phạt.

dlt.jpg

Với ông Đinh La Thăng, VKS Cấp cao vẫn bảo vệ quan điểm: Đủ cơ sở kết luận ông Thăng có vai trò chính trong việc chỉ định PVC làm tổng thầu, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng trái luật, sau đó chỉ đạo cấp tạm ứng hơn 6 triệu USD cùng hơn 1.000 tỷ đồng tạo điều kiện cho Trịnh Xuân Thanh cùng cấp dưới sử dụng sai mục đích gây thiệt hại 119 tỷ đồng.

“Điểm mới là tại phiên phúc thẩm ông Thăng đã nhận sai”, công tố viên nói và cho rằng đây là vụ án “cứ cấp trên chỉ đạo là cấp dưới làm, biết sai vẫn làm vì tin rằng ở trên có trách nhiệm cao hơn”.

Với ông Đinh La Thăng, VKS đề nghị HĐXX áp dụng tất cả tình tiết giảm nhẹ vì cựu chủ tịch HĐQT PVN đã “thừa nhận hành vi phạm tội”, tuy nhiên không đề nghị giảm mức án. Cơ quan công tố cho rằng án sơ thẩm 13 năm tù có thể "nghiêm khắc" nhưng phù hợp với hành vi, mức độ mà ông Thăng vi phạm.

Đại diện VKS nhận định, gia đình bị cáo Nguyễn Ngọc Quý (Cựu phó chủ tịch HĐQT PVC) đang gặp khó khăn song vẫn quyết định bán nhà để bồi thường khắc phục hậu quả.

Luật sư của ông Quý nói, cũng giống như ông Thăng, ông Quý có một căn nhà nhưng đang khó bán vì “người có tiền chẳng ai muốn mua nhà của người đang ngồi tù”. Đại diện VKS sau đó cho hay ghi nhận động thái tích cực bồi thường này của ông Quý.

Tại toà, luật sư của ông Phùng Đình Thực cho biết, gia đình thân chủ đã đồng ý bán nhà và hiện đã nhận trước một tỷ đồng tiền đặt cọc để nộp cho cơ quan thi hành án.

VKS cho rằng, nếu đúng vậy thì đây là tình tiết giảm nhẹ khi người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại. Tuy không đủ căn cứ miễn trách nhiệm hình sự cho ông Thực nhưng công tố viên nhận thấy “có thể giảm nhẹ hình phạt ở mức tối đa”.

VKS đề nghị HĐXX giảm 2-3 năm tù cho các bị cáo bị tuyên mức phạt 9-10 năm tù trong bản án sơ thẩm. Bị cáo Vũ Đức Thuận (cựu tổng giám đốc PVC) được đề nghị giảm 2-3 năm cho tội Tham ô tài sản; giảm 18-24 tháng cho bị cáo Quý và Nguyễn Mạnh Tiến.

Là người đầu tiên nói lời sau cùng trong chiều 11/5, ông Đinh La Thăng xưng “tôi”, trầm giọng nói đã thành khẩn khai báo nhận tội. Ba lần nói “tha thiết”, ông Thăng đề nghị HĐXX xem xét được chuyển tội danh cho ông thành "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Ông mong được nhận bản án công tâm, khách quan.

Cựu chủ tịch HĐQT PVN nghẹn giọng trình bày “không tư lợi cá nhân”, luôn hành động vì tập đoàn, tập thể. Ông xin chấp hành tốt phán quyết cuối cùng của HĐXX.

Nói sau ông Thăng, bị cáo Phùng Đình Thực đề nghị HĐXX cân nhắc việc ông bị toà sơ thẩm tuyên phạm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Thực cho rằng đã nhận một phần trách nhiệm và khắc phục hậu quả; có những đóng góp lớn cho ngành dầu khí nên “tha thiết xin HĐXX không cách ly ra khỏi xã hội”.

Toà sẽ ra phán quyết vào 14h thứ hai (14/5).

 

Nóng ở Thủ Thiêm: “Thu hồi đất 18 triệu một m2, bán 350 triệu”

Dù 14h (8/5) buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri mới diễn ra, song từ hơn 12h hàng chục người dân đã có mặt tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị quận 2 (TP. HCM). Họ cầm theo rất nhiều tài liệu, hồ sơ, giăng bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong hội trường để chuẩn bị phát biểu.

thuthiem.jpg
Người dân căng bản đồ khiếu kiện.

Khán phòng rộng lớn càng lúc càng đông. Khi Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM gồm Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm, ông Phan Nguyễn Như Khuê (Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố) và bà Trịnh Ngọc Thúy (Phó Chánh án TAND TP HCM) đến, hội trường không còn chỗ ngồi. Nhiều cử tri vây quanh bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phản ánh tình trạng đất của mình bị thu hồi không đúng.

"Chúng tôi nghe nói cựu chủ tịch thành phố (Võ Viết Thanh) vừa đưa ra bộ bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm phê duyệt lần đầu. Bao năm nay thành phố luôn nói chưa tìm thấy bộ bản đồ ấy, giờ thấy rồi hy vọng sự việc của chúng tôi sẽ được giải quyết dứt điểm", cử tri Lê Thị Ngọc Nga chia sẻ.

Ông Lê Văn Lung (khu phố 1, phường Bình An) cùng một số người dân nhiều năm khiếu nại vì nhà đất ngoài ranh dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn bị thu hồi, cũng chuẩn bị toàn bộ hồ sơ liên quan để đề đạt nguyện vọng.

Ông cho biết rất mong đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến của người dân để đề xuất các cơ quan chức năng giải quyết hoán đổi cho những hộ đã bị thu hồi sang khu đất 43 ha ở góc đường Lương Định Của - Trần Não (nằm ngoài ranh quy hoạch) để người dân ổn định cuộc sống.

"Nếu không giải quyết được như đề xuất, người dân mong muốn Thủ tướng lập đoàn thanh tra toàn diện, làm việc chính thức để làm rõ vụ việc người dân khiếu kiện trong suốt thời gian dài, đưa ra hướng giải quyết cuối cùng cho người dân", ông Lung nói.

 

thu-thiem-1-4313-1525853405.jpg
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri tại TP.HCM

Bà Lê Thị Bạch Tuyết cho biết vừa liên hệ phòng kinh doanh của dự án Khu đô thị Sala, tại khu vực nhà cũ của mình, để hỏi giá. Họ nói 350 triệu đồng/m2 và đã hết hàng, đến năm sau mới có một số căn nữa bán giá 23 tỷ đồng.

"Nhà nước đền bù cho chúng tôi 18 triệu đồng/m2, mà giờ công ty này bán lại giá cao như vậy. Làm như thế là ép dân quá, trong khi người dân đa số rất nghèo. Chủ đầu tư bán 350 triệu thì ít cũng đền cho chúng tôi 50 triệu đồng/m2 mới tạm chấp nhận được. Đề nghị đoàn đại biểu Quốc hội xem lại vấn đề này", bà Tuyết nói.

Còn cử tri Lê Thị Hồng Vân (phường Bình Khánh) khẳng định đất của gia đình nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng chính quyền vẫn thu hồi. Về việc này bà phải đi khiếu nại 16 năm, gửi 36 lần đơn. Hiện căn nhà của gia đình đã xuống cấp xập xệ, mưa gió không còn sinh sống được, bà đề nghị nhà nước cấp lại nhà cho bà tái định cư tại chỗ.

Cũng ngụ tại phường Bình Khánh, cử tri Lê Thị Ngọc Nga cho hay, nhà bà đã bị UBND quận 2 cưỡng chế cách đây 10 năm, không ban hành quyết định thu hồi đất mà chỉ căn cứ vào quyết định nội bộ của UBND TP HCM. 

"Như thế là không đúng pháp luật, gia đình tôi đang sống yên lành thì bị chính quyền đẩy ra đường. Đề nghị thành phố và quận 2 phải trưng bày bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm để người dân được rõ", bà đề nghị.

Giọng nghèn nghẹn, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết nói: "Gặp được đại biểu Quốc hội chúng tôi rất mừng, muốn bày tỏ tất cả". Bà bảo, gia đình mình từng bám đất giữ làng, nuôi quân kháng chiến. Khi chính quyền giải toả 3.780 m2 đất nhà bà chỉ trả 568 triệu đồng, vườn cây ăn trái trả hơn 3 triệu. Là gia đình cách mạng nên bà vận động mọi người chấp hành chủ trương.

"Nhưng sau này thấy nhà đất của chúng tôi xây toàn nhà cao tầng, có lợi ích của một số cán bộ quận 2. Bà con hàng xóm của tôi toàn là bi đát, bị đẩy ra đường sống cảnh không nhà cửa. Có ông cụ đến lúc chết còn hỏi con rằng nhà của ông ấy đâu, sao như thế này. Dân với nhà nước như môi với răng, mà giờ răng như muốn cắn môi", bà Tuyết bật khóc.

Không khí buổi tiếp xúc mỗi lúc một căng thẳng khi cử tri liên tục đề cập đến hành trình khiếu nại kéo dài. Dù ban tổ chức quy định mỗi cử tri có 5 phút trình bày nhưng nhiều người vì quá bức xúc nên xin được nói thêm.

Đến 20h, các đại biểu Quốc hội vẫn lắng nghe ý kiến của cử tri. Người dân đưa ra tấm bản đồ rộng 4 m2, khẳng định là bản đồ ban hành kèm theo Quyết định 367 của Thủ tướng, cho thấy nhiều khu vực nhà đất của họ không thuộc diện thu hồi.

Tọa lạc bên bờ Đông sông Sài Gòn, đối diện quận 1, Khu đô thị Thủ Thiêm rộng 657 ha được kỳ vọng đẹp nhất Đông Nam Á. Đây là trung tâm hiện đại và mở rộng của TP HCM, có các chức năng về tài chính, văn hoá, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí...

Hiện, Khu đô thị Thủ Thiêm đã giải phóng hơn 99% mặt bằng. Còn hơn 100 hộ dân khiếu nại vì cho rằng đất của họ nằm ngoài ranh quy hoạch theo quyết định của thủ tướng năm 1996 nhưng vẫn bị giải tỏa.

 

Mới đầu hè, nhiều trẻ chết đuối thương tâm

Không biết bơi hoặc không được hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm nên nhiều học sinh đã đuối nước thương tâm.

duoi-nuoc.jpg

Trưa 9/5, khi được nghỉ học, 6 em học sinh Trường THCS Đắk Búk So là Phùng Việt Anh, Võ Thị Thanh The, Nguyễn Thị Thu Huyền, Thân Đức Thành, Nguyễn Thị Thanh Ngân và Phạm Văn Nguyên rủ nhau đến chơi ở hồ nước tại thôn 1, xã Đắk Búk So. Không may, một em trong nhóm trượt chân rơi xuống hồ. Những em còn lại chạy tới tìm cách kéo bạn lên nhưng tất cả đều rơi xuống nước.

Phát hiện vụ việc, người dân cùng lực lượng chức năng tìm cách vớt các em lên. Sau khi sơ cứu, đến khoảng 15 giờ cùng ngày, 6 học sinh được đưa lên Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức cấp cứu nhưng 4 em đã tử vong. Hai em Thành và Ngân được cấp cứu kịp thời nên may mắn thoát chết.

Trước đó, chiều 7/5, nhóm 8 học sinh Trường THCS Long Phước (quận 9, TP. HCM) ra khu vực bờ sông Đồng Nai để vui chơi. Trong đó, 2 em ra bờ sông để rửa tay đã không may trượt chân xuống sông. Do không biết bơi, 2 em bị nước chảy xiết cuốn ra xa. Chiều tối cùng ngày, thi thể 2 nữ sinh được tìm thấy gần khu vực gặp nạn.

Tại tỉnh Gia Lai, hằng năm cũng có rất nhiều trẻ em bị đuối nước. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, năm 2017, tỉnh xảy ra 54 vụ đuối nước làm 66 trẻ thiệt mạng, trong đó có 47 học sinh. Trong số trẻ bị nạn, có tới 61/66 em không biết bơi. Địa phương này có rất nhiều ao hồ, hố sâu, công trình thủy lợi nhưng không được trang bị đầy đủ các biển báo nguy hiểm, rào chắn.

Để hạn chế tình trạng đuối nước do không biết bơi, từ năm 2019, bơi lội sẽ trở thành một môn học tự chọn trong chương trình giáo dục thể chất của chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, từ lớp 1, học sinh sẽ được hướng dẫn chơi, luyện tập một trong các môn thể thao tự chọn như đá cầu, cầu lông, bơi lội.

Theo ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất - Bộ GD-ĐT, căn cứ vào điều kiện vật chất, đội ngũ giáo viên các trường sẽ chọn môn tự chọn phù hợp với nhà trường và học sinh, tạo cho các em sự hứng thú và yêu thích với thể thao.

Từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 664 hướng dẫn các sở GD-ĐT triển khai công tác phòng chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010-2015. Dù một số địa phương đã triển khai xây dựng bể bơi trong trường học nhưng việc tổ chức dạy bơi vẫn còn hạn chế. Thực tế, số trường học được đầu tư bể bơi không nhiều. Thêm vào đó, đội ngũ giáo viên môn giáo dục thể chất biết bơi và biết dạy bơi còn thiếu.

 

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top