Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2019 | 13:26

Sự kiện 24/7: Xăng, điện tăng giá, cước vận tải khó đứng yên

Giá xăng tăng 4.000 đồng/lít tính từ đầu năm đến nay đã tác động không nhỏ tới nhiều lĩnh vực. Cước vận tải sẽ tăng “phi mã” để đuổi kịp giá xăng?

van-tai.jpg

Các hãng taxi và đơn vị vận tải xe khách đang tính toán để có quyết sách nên điều chỉnh tăng giá cước hay không bởi sẽ tốn kém nhiều trong việc nâng cước niêm yết mức giá mới.

Đó là nhận định của ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội. Theo ông Hùng, các hãng taxi đang phải “gồng mình” gánh chịu rất nhiều áp lực trước việc tăng giá xăng nhằm bảo đảm sức cạnh tranh bởi nhiên liệu chiếm khoảng từ 30-35% các yếu tố cấu thành giá cước vận tải.

Khẳng định nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đã ổn định giá cước từ giai đoạn tháng 6/2016 đến nay, ông Hùng cho rằng, để điều chỉnh được giá cước, các hãng taxi truyền thống phải đối mặt với rất nhiều rào cản.

Cụ thể, doanh nghiệp taxi phải báo cáo với Sở Giao thông Vận tải sau 3 ngày mới có ý kiến chấp thuận. Khi đó, hãng sẽ phải dừng hoạt động hàng vạn xe và mỗi xe sẽ phải mất từ 40-60 phút để thực hiện việc tháo niêm phong, kẹp chì đồng hồ để điều chỉnh, phải mời cơ quan đăng kiểm đến kiểm định đồng hồ tính cước; bóc toàn bộ đề can bảng giá niêm yết trên thành xe để thay thế bảng giá khác. Chi phí mỗi bộ đề can khoảng 35.000 - 50.000 đồng tùy theo chất liệu.

“Thủ tục để thay đổi niêm yết giá mới rất phức tạp, chi phí tốn kém trong khi giá xăng dầu liên tục biến động, có thể tăng giảm sau mỗi chu kỳ 15 ngày nên các doanh nghiệp đang phải “gồng mình” tiết giảm các chi phí để bảo đảm giữ ổn định giá cước”, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho hay.

Bên cạnh đó, ông Hùng chỉ ra, taxi truyền thống đang phải chịu 16 điều kiện kinh doanh các loại, trong đó có quy định phải đăng ký và kê khai giá cước với cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng các hãng taxi công nghệ như Grab, Be, Aber... lại không bị kiểm soát về giá cũng khiến taxi truyền thống đã khó càng thêm khó khăn.

“Những ứng dụng gọi xe công nghệ có thể giảm giá sâu vào giờ thấp điểm để rồi tăng giá thậm chí gấp tới 4 lần vào giờ cao điểm để bù đắp và dùng nhiều cách thức lôi kéo đội ngũ lái xe của taxi truyền thống chuyển sang hoạt động theo mô hình ‘taxi công nghệ”, ông Hùng phân tích.

Do đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội vẫn đang khuyến khích các hãng taxi truyền thống tiết giảm chi phí hoạt động, giữ ổn định mặt bằng giá cước và nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm tăng khả năng cạnh tranh với loại hình taxi công nghệ.    

Trong khi đó, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng xác nhận, không phải cứ mỗi khi tăng giá xăng dầu thì doanh nghiệp vận tải sẽ tăng giá cước ngay, bởi họ phải tuân thủ giá ghi trên hợp đồng vận tải đã ký với đối tác trước đó. Có những hợp đồng đã ký trước cả năm nên không dễ dàng đàm phán để điều chỉnh giá vận tải.

Chia sẻ về những khó khăn mà Hiệp hội vận tải đang gặp phải, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, việc giá xăng tăng mạnh sẽ phần nào tác động đến các doanh nghiệp vận tải. Theo thông số chung, xăng dầu chiếm 35-40% chi phí vận tải.

Song ông Quyền khẳng định, giá cước vận tải cho đến thời điểm này vẫn được giữ nguyên. Việc điều chỉnh giá xăng tăng là điều không ai mong muốn nhưng giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Điều này buộc các doanh nghiệp vận tải phải có những phương án, kế hoạch để đối phó.

"Khi xây dựng phương án giá cước, các doanh nghiệp vận tải phải dự báo được giá cao nhất và thấp nhất để tính toán mức giá phù hợp trong chu kỳ 3-6 tháng hay 1 năm. Giá thực tế dao động lên xuống nhưng vẫn nằm trong phạm vi tối thiểu và tối đa. Khi giá cước vượt qua biên độ đó và ổn định trong thời gian dài thì các doanh nghiệp mới tính toán đến chuyện điều chỉnh", ông Quyền cho biết.

Công an TP.HCM triệt phá đường dây ma túy cực lớn

Tối 19/4, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết lực lượng bảo vệ pháp luật đã triệt phá một đường dây tàng trữ, vận chuyển ma túy và thu giữ hơn 1,1 tấn ma túy, bắt giữ 3 đối tượng.

 

ma-tuy.jpg

Đối tượng (áo đen) và số ma túy bị thu giữ. Ảnh: Cổng TTĐT Công an TP.HCM

 

Cổng TTĐT Công an TP.HCM cho biết trước đó, vào khoảng 11h 45 phút ngày 12/4, tại ngã ba Huỳnh Mẫn Đạt - Võ Văn Kiệt (Quận 5, TP.HCM), Đội CSGT Công an Quận 5 qua camera giám sát trật tự giao thông, phát hiện 3 xe ô tô, gồm 1 xe con 7 chỗ biển số 51A-432.83 do Yeh Ching Wei (sinh năm 1986, quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc) điều khiển chở Chiang Wei Chih (sinh năm 1988, quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc), 1 xe tải biển số 51C-570.67 và 1 xe biển số 60C-462.24 đang đỗ sai quy định (2 xe tải đấu đuôi vào nhau để sang hàng hóa).

Tổ công tác nhanh chóng tới kiểm tra, lập biên bản vi phạm đối với xe tải biển số 51C-570.67, đồng thời phối hợp với Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an Thành phố truy đuổi đến gần khu vực hầm Thủ Thiêm, chặn và yêu cầu xe ô tô 7 chỗ cùng xe ô tô tải biển số 60C-462.24 về trụ sở để làm việc.

Qua kiểm tra, công an phát hiện trên xe tải biển số 60C-462.24 có nhiều thùng giấy bên trong có loa di động màu đen và nặng bất thường. Do Chiang Wei Chih và Yeh Ching Wei không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp nên bị tạm giữ để kiểm tra.

Kết quả là Công an phát hiện trong thùng xe ô tô tải biển số 60C-462.24 có 60 thùng carton, trong mỗi thùng có 1 chiếc loa kéo tay màu đen, bên trong mỗi loa có chèn 10 túi màu vàng dạng túi trà có in chữ Daguanyin, bên trong đều chứa tinh thể là ma túy ở thể rắn, tổng khối lượng là 606,02 kg loại methamphetamine nên đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Chiang Wei Chih và Yeh Ching Wei.

Hiện, Công an TPHCM đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, làm rõ mối liên quan giữa các lô hàng  mới phát hiện và thu giữ tại Nghệ An vừa qua.

Bắt ông Mai Văn Tinh, cựu Chủ tịch Tổng công ty thép Việt Nam

Vi phạm uy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, ông Mai Văn Tinh, cựu Chủ tịch Tổng công ty thép Việt Nam, cùng 4 thuộc cấp đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ngày 20/4, Bộ Công an cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang khẩn trương tiến hành điều tra xác minh 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên (Công ty TISCO).

Theo đó, căn cứ tài liệu điều tra xác minh thu thập được, ngày 18-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty TISCO.

 

thep-thai-nguyen.jpg

Nhà máy Gang thép Thái Nguyên

 

Đồng thời ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét người, nơi ở, nơi làm việc đối với 5 đối tượng, gồm:

Bị can Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép VN về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị can Đậu Văn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam, về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị can Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TISCO, về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị can Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TISCO, về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị can Ngô Sỹ Hán, nguyên Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty TISCO, về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngày 19/4, VKSND Tối cao đã phê chuẩn các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với các bị can. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định, Lệnh nêu trên đối với các bị can đảm bảo an toàn, đúng quy định pháp luật. Quá trình khám xét đã tiến hành thu giữ một số hồ sơ tài liệu quan trọng có liên quan đến vụ án.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng, tiến hành điều tra mở rộng vụ án và xác minh thu hồi tài sản bị thiệt hại.

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top