Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 10 năm 2018 | 12:40

Tái cơ cấu nông nghiệp: Những bước chuyển

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp (2013 - 2018), sức sản xuất trong nông nghiệp đã được tăng lên rõ rệt, thể hiện ở sản lượng các mặt hàng nông sản đều tăng.

Kéo theo đó, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng liên tục, năm 2017 đạt 36,3 tỷ USD, dự kiến năm 2018 đạt trên 40 tỷ USD. Ngành nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế.

 

tr6.jpg
Trao đổi kinh nghiệm trồng thanh long theo quy trình VietGAP ở xã Kiểng Phước (Gò Công Đông - Tiền Giang). Ảnh:  Minh Trí.

 

Nhờ điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như: Thủy sản, rau, hoa, quả nhiệt đới, các loại cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm đặc sản mà kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản những năm qua có sự tăng trưởng ấn tượng.

Tuy nhiên, bên cạnh những bước chuyển mới về phương thức sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản, thì câu chuyện giải cứu nông sản, câu chuyện thị trường, chất lượng nông sản vẫn là bài toán khó đang hiện hữu khi nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu tự phát, chưa theo kịp xu hướng nông nghiệp công nghệ số và hướng đến xuất khẩu chính ngạch.

Nhìn từ câu chuyện thị trường thanh long

Những ngày gần đây, báo chí đưa thông tin thanh long giá rẻ, nông dân thua lỗ, thậm chí chỉ còn nước… đổ bỏ. Nguyên nhân được các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết do thị trường Trung Quốc giảm nhập. Thế nhưng nguyên nhân sâu xa hơn là nhiều năm qua, Trung Quốc đã phát triển mạnh diện tích trồng thanh long nhằm cung cấp cho thị trường trong nước.

Trước thông tin này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, hoàn toàn không có chuyện Trung Quốc đột ngột ngưng nhập thanh long của Việt Nam. Thực tế, Bộ đã yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật lên xác minh tại các cửa khẩu phía Bắc. Ghi nhận tại các cửa khẩu trong ngày 8/10 thấy, mọi hoạt động giao thương, xuất khẩu thanh long giữa hai bên vẫn diễn ra bình thường.

“Lý do là sản lượng tăng nên thị trường, thương lái không theo được nhịp độ này. Bình thường, từ 1/10, Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ lễ  lớn, mọi hoạt động giao thương chậm lại nên sản lượng nhập khẩu giảm. Thông tin một số báo nêu chỉ là hiện tượng, không phải bản chất, sau một tuần nghỉ lễ, hoạt động giao thương, xuất khẩu thanh long trở lại nhịp độ bình thường”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.

Còn với thông tin Trung Quốc đang mở rộng diện tích trồng thanh long với mục tiêu đạt khoảng 30.000ha vào năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận: “Đúng là Trung Quốc đang có ý định mở rộng diện tích trồng thanh long, chủ yếu ở đảo Hải Nam và tỉnh Quảng Tây, hiện đã đạt 20.000ha. Nhưng chúng ta không quá lo ngại về điều này”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong giai đoạn hội nhập, thế giới không cấm được điều gì, nhưng chúng ta phải sản xuất theo những lợi thế thiên nhiên ban tặng. Rõ ràng, Trung Quốc không thể có cái nắng đặc trưng của Bình Thuận, không có cát giúp thanh long ngọt hơn. Trong khi chúng ta đang có những điều kiện “trời ban” đó.

“Nhưng có một điều phải thay đổi, đó là phải thay đổi phương thức quản trị, riêng tỉnh Bình Thuận có 27.000ha thanh long mà chưa có nhà máy chế biến là không được. Phải có nhà máy chế biến để nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, “không để trứng vào một giỏ”.

Ngoài ra, phải đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch đàng hoàng, hạn chế và dần dần xóa bỏ xuất tiểu ngạch”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Đa số thông tin thanh long giá rẻ rộ lên trong những ngày qua, là những sản phẩm kém chất lượng, mẫu mã xấu, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nên mới dẫn đến tình trạng “bán không ai mua”. Bởi hiện Trung Quốc kiểm soát việc nhập khẩu thanh long qua đường biên mậu thông qua việc chỉ cấp phép cho một số doanh nghiệp nhập khẩu thanh long với số lượng nhất định và theo kế hoạch cụ thể.

 

tr6a.jpg
Sơ chế thanh long tại Tập đoàn Vina T&T, đơn vị thành công khi đưa trái thanh long thâm nhập vào thị trường Mỹ.

 

Đối với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trái cây vào Trung Quốc qua các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), từ ngày 1/4/2018, phải tuân thủ quy định về nhãn mác nguồn gốc, xuất xứ…

Như vậy, Trung Quốc đang ngày càng siết chặt hơn việc nhập khẩu trái cây từ Việt Nam vào thị trường này, các yêu cầu về chất lượng cũng ngày càng nâng cao hơn.

Có thể nói, Trung Quốc đã không còn là thị trường “dễ tính” cho hàng nông sản kém chất lượng “tuồn” vào nữa. Bởi vậy, việc phát triển các mặt hàng nông sản nói chung, sản phẩm thanh long nói riêng cũng cần định hướng chiến lược phát triển, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, hướng xuất khẩu chính ngạch.

Đến thành công tái cơ cấu ngành

Quay trở lại câu chuyện, tái cơ cấu của ngành nông nghiệp, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sự bổ sung kịp thời về chính sách và nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn kể từ khi triển khai Đề án chính là đòn bẩy quan trọng tạo ra những chuyển biến cho toàn ngành trong gần 5 năm qua.

Theo đó, hàng loạt chính sách mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ra đời đã kịp thời bổ sung về nguồn lực cho phát triển các lĩnh vực then chốt của ngành Nông nghiệp như: Chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; tái canh cà phê; bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách tín dụng, thuế, nông nghiệp công nghệ cao với nhiều ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn; sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty nông lâm nghiệp…

Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được nâng cấp và ngày càng hiện đại, phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dân sinh; năng lực phòng chống với diễn biến khí hậu, thiên tai ngày càng được nâng cao, bảo vệ cuộc sống và cơ sở vật chất của nhân dân.

Nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ phát triển DN được triển khai đồng bộ. Bộ Nông nghiệp và PTNT luôn đồng hành, đối thoại cùng các DN để vừa tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa hỗ trợ DN, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, đầu tư từ khu vực tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn đã tăng đáng kể.

Chuyển từ lượng sang chất

Với định hướng căn bản là chuyển mạnh từ phát triển sản xuất (SX) nông nghiệp theo chiều rộng, lấy số lượng làm mục tiêu sang nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, cơ cấu SX của ngành giai đoạn 2013-2018 đã được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Một số mặt hàng lớn, chủ lực đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, bảo đảm đứng vững khi hội nhập quốc tế. Cơ cấu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu đã thể hiện khá rõ qua kết quả tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường tiêu thụ như thủy sản, rau, hoa, quả nhiệt đới, các loại cây công nghiệp giá trị cao (cà phê, hạt điều, cao su, hạt tiêu), đồ gỗ và lâm đặc sản. Đồng thời, giữ ổn định hoặc giảm dần các ngành hàng, sản phẩm thâm dụng tài nguyên trong quá trình SX hoặc chưa có thị trường xuất khẩu ổn định nhưng lại đang có xu hướng tăng cung (lúa gạo, thịt lợn...).

Đi đôi với việc chuyển dịch cơ cấu SX, quy hoạch của các ngành hàng chủ lực đã được rà soát, điều chỉnh, đồng thời nghiên cứu xây dựng mới các quy hoạch phục vụ cơ cấu lại SX. Các quy hoạch được xây dựng trên cơ sở phát huy lợi thế địa phương, nhu cầu thị trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với quy mô mang tính toàn quốc và liên vùng.

Để phù hợp và đáp ứng quá trình tái cơ cấu lại các ngành hàng, các loại hình tổ chức SX được đổi mới phù hợp và hiệu quả hơn. Theo đó, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp được thành lập và tổ chức lại theo Luật HTX, hoạt động ngày càng hiệu quả, dần thích nghi với cơ chế thị trường, hỗ trợ hiệu quả cho kinh tế hộ gia đình. Đến nay, cả nước cũng đã có hơn 30 Liên hiệp HTX; hơn 12.000 HTX và hơn 100.000 tổ hợp tác nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực của ngành. SX quy mô lớn, theo chuỗi giá trị có sự hợp tác, liên kết giữa nông dân, các tổ chức nông dân (tổ hợp tác, HTX) với DN đã hình thành ở tất cả các lĩnh vực SX và đang được nhân rộng ra nhiều địa phương, khẳng định tính hiệu quả và sự phù hợp của nền SX nông nghiệp hàng hóa, cạnh tranh quốc tế.

Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH-CN được thúc đẩy và hiệu quả hơn. Theo đó, đã ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, SX nông nghiệp sạch.

Theo đó, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc trong SX như: SX giống chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng các quy trình SX tốt, quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia… Nhiều tiến bộ kỹ thuật, quy trình SX tiên tiến đã được nghiên cứu và chuyển giao vào thực tiễn... Công tác quản lý nhà nước về ATTP được tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xử lý nghiêm các vi phạm, từng bước giải quyết các bức xúc của xã hội; lấy lại niềm tin của người tiêu dùng trong nước và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 5 năm qua, sản xuất sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm trở thành xu thế chính; hình thành được nhiều chuỗi liên kết với 744 chuỗi trên diện tích 600.000ha…

Quá trình tái cơ cấu cũng ghi nhận sự đột phá của nhiều lĩnh vực trong ngành. Tập trung phát triển các ngành mũi nhọn có nhiều thế mạnh như: rau quả, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, lúa gạo…, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng và thu nhập cao hơn cho người dân. Song, quá trình thực hiện Đề án vẫn còn bộc lộ những hạn chế yếu kém,  nhất là sự tham gia của các doanh nghiệp “đầu tàu” kết nối. Hiện, nông dân - DN cũng chưa thực sự liên kết với nhau để mở rộng cánh cửa thị trường. Bên cạnh đó, thay đổi cách thức quản lý của nhà nước mặc dù đã diễn ra nhưng vẫn còn chậm.

Đã đến lúc, ngành Nông nghiệp phải “từ bỏ” lối SX tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, tiến lên áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, công nghệ cao, với sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp mở ra thời kỳ nông nghiệp công nghệ số, hiện đại và theo định hướng thị trường.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: Nỗ lực thực hiện '6 hơn' trong triển khai các dự án trọng điểm GTVT

    Thủ tướng: Nỗ lực thực hiện '6 hơn' trong triển khai các dự án trọng điểm GTVT

    Ngày 29/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp phiên thứ 10 của Ban Chỉ đạo.

  • Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Chiều 28/3, Tỉnh ủy Điện Biên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức tổng kết thực hiện Đề án hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đây là Đề án do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 25/4/2023 (Đề án 09) nhằm vận động nguồn lực hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc".

  • Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc để "thổi giá đất" thì việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.

  • Hành trình đưa cam ruột đỏ về Điện Biên

    Hành trình đưa cam ruột đỏ về Điện Biên

    Về Điện Biên những ngày đầu tháng 3, chủ ý đi ngắm hoa ban trắng và tham quan vùng đất anh hùng, nhưng đi loanh quanh thế nào lại gặp nhân duyên, đó là bà chủ farm Nguyễn Thị Lan Hương, người sáng lập Cara Farm ở bản Bồ Hóng, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

Top