Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2019 | 17:43

Tam Đảo: Truyền bài thuốc quý cho thế hệ thứ 5

Để lưu giữ bài thuốc quý của dân tộc Sán Dìu, thế hệ đi trước đã chuyển giao lại cho thế hệ sau, tránh thất truyền.

Có một thực tế từ bao đời nay là, các bài thuốc Nam gia truyền của đồng bào dân tộc, bị thất truyền rất nhiều. Nguyên nhân do, ai cũng muốn dấu nghề, không ai muốn truyền bài thuốc quý của mình cho người khác, kể cả con cái trong nhà, vì sợ lộ bí mật. Khi họ mất đi, bài thuốc được đem theo xuống mồ, rất lãng phí.

 

img_5827.JPG

 Anh Cường (phải) cùng cán bộ phòng Nông nghiệp Tam Đảo thăm khu nấu cao thuốc nam của gia đình

 

Chính vì lý do trên, ông Lý Thuỷ, dân tộc Sán Dìu, thôn Đồng Quạ, xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, đời thứ 4 của dòng họ Lý, đã lưu giữ thành công nhiều bài thuốc quý gia truyền của dòng họ. Hiện, ông đã bước sang tuổi lục tuần, nên quyết định giao lại cho người con trai cả.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thuỷ cho biết, ông có 2 người con trai, ngay từ bé, các con đã theo ông ra vườn và nhận biết cây thuốc từ 5 – 7 tuổi. Lớn lên chút nữa, chúng đã theo ông lên rừng Tam Đảo hái thuốc. Gần đây, khi cây thuốc trên rừng ngày càng khan hiếm, ông đã hướng dẫn các con gây dựng trong vườn nhà.

Tuy nhiên, nguời con thứ 2 khi trưởng thành lại theo nghề xây dựng. Tốt nghiệp Đại học, anh ở lại thành phố và hiện đang lập nghiệp ở Thủ đô. Người con cả, phụ giúp cha làm thuốc từ bé đến nay, và đã được ông từng bước truyền nghề.

Hiện, anh Lý Xuân Cường, 30 tuổi, đã có thể bốc thuốc, chẩn đoán bệnh, và sơ cứu cho bệnh nhân khi ông vắng nhà. Do từ bé đến nay đã được ông truyền cơ bản các bài thuốc quý, lưu giữ từ 4 đời nay của dòng họ Lý, anh là đời thứ 5. 

Ngoài ra, anh Cường còn cho biết, anh đang theo học Trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh ở Hà Nội, thời gian 2 năm. Song, dự kiến, năm 2020, Trường sẽ liên thông lên hệ cao đẳng, anh sẽ tiếp tục theo học, để nâng cao kiến thức ngành y học cổ truyền. Mặt khác, nghề thầy thuốc việc tăng thêm nhiều kiến thức chuyên môn không bao giờ thừa.

 

img_57914.JPG

  Anh Cường (áo xanh) cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp Tam Đảo thăm vườn dược liệu của gia đình

 

“Còn nếu muốn có Giấy phép hành nghề như bố mình, thì sau khi học xong, phải hành nghề 5 năm trở lên, có chứng nhận của cơ sở y tế cấp huyện trở lên.

Đặc biệt, phải tham gia công tác trong Hội Đông y 20 – 30 năm mới đủ điều kiện. Hiện, mình đã gia nhập Hội Đông y Việt Nam từ năm 2006 đến nay, việc bốc thuốc vẫn do bố chỉ đạo”, anh Cường chia sẻ.   

 

  

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
Top