Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 10 năm 2018 | 17:39

TAND TP. Hà Nội bị tố gây thiệt hại cho doanh nghiệp

Dự kiến Đại hội đồng cổ đông diễn ra ngày 14/4/2018, nhưng cuối giờ chiều 13/4/2018, Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ nhận được Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP. Hà Nội buộc Công ty ngừng ngay đại hội.

Quyết định này gây bức xúc cho cán bộ, CNV đang làm việc tại  Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ.
 
Cổ đông lớn bội tín?!
 
Theo ông Đào Văn Hưởng, Giám đốc kinh doanh Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ cho biết, công ty được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước, theo Quyết định số 5327/QĐ-BNN-TCCB ngày 01/12/2003 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
 
Sau khi cổ phần hóa, vốn điều lệ của Công ty là 25.001.800.000 đồng. Trong đó, cổ đông sáng lập - Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam –CTCP chiếm 51% vốn điều lệ (tương ứng 12.750.200.000 đồng), là cổ đông có quyền chi phối tại Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ; cổ đông khác chiếm 49% (tương ứng 12.250.600.000đồng).
 
Năm 2014, Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ lâm vào hoàn cảnh khó khăn trong kinh doanh, đứng trước bờ vực phá sản. Hội đồng quản trị Công ty đã ban hành Nghị quyết phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ, với số lượng cổ phiếu chào bán là 3.000.000 cổ phiếu, giá bán là 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam đăng ký mua thêm 704.908 cổ phiếu, còn lại 2.295.020 cổ phiếu để dành bán cho nhà đầu tư chiến lược. Số vốn điều lệ tại Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ lúc này là 55.001.800.000 đồng.
 
Ông Đào Văn Hưởng, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Lương Mỹ
 
Sau khi tăng vốn điều lệ lên 55.001.800.000 đồng và mua thêm 704.908 cổ phiếu, số vốn hiện có tại Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ là 19.800.000.000 đồng, chiếm 36% vốn điều lệ tại Công ty. Chủ trương này đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan chủ sở hữu của Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam) chấp thuận tại Văn bản số 5916/BNN-QLDN.
 
Tại Quyết định số 59/QĐ-CN-HĐQT ngày 01/10/2014 về việc ủy quyền người đại diện vốn của Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam –CTCP tại Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ, phần vốn của Tổng công ty nắm giữ là 1.980.000 cổ phần, chiếm 36% vốn điều lệ tại Công ty. Ông Trần Đình Nghi là Trưởng phòng TCCB của Tổng Công ty chịu trách nhiệm quản lý 60% vốn của Tổng Công ty, tương ứng với 1.188.000 cổ phần.
 
Tại Văn bản số 277/CN-TCCB ngày 01/10/2014, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam thông báo ủy quyền người đại diện vốn tại Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ, gồm các ông: Trần Đình Nghi (Trưởng phòng TCCB Tổng Công ty) chịu trách nhiệm quản lý 60% vốn của Tổng Công ty, tương ứng với 1.188.000 cổ phần; Uông Xuân Thủy, quản lý với tỷ lệ 30% vốn của Tổng Công ty, tương ứng 594.000 cổ phần; Lê Nhân Đức, quản lý với tỷ lệ 10% vốn của Tổng Công ty, tương ứng 198.000 cổ phần.
 
Theo ông Đào Văn Hưởng, từ năm 2016 đến nay, Hội đồng quản trị của Công ty bị tê liệt bởi có 02 thành viên Hội đồng quản trị là đại diện cho Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam không tham dự các phiên họp HĐQT. Dẫn đến HĐQT không thông qua được Kế hoạch sản xuất kinh doanh và các nội dung quan trọng khác trong hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của HĐQT. Hậu quả là, hoạt động kinh doanh của Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ bị đình chệ, thu nhập của người lao động không có, Công ty đứng trước bờ vực phá sản.
 
Tháng 1/2018, Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam – CTPC khởi kiện xác định vốn điều lệ của Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ là 25.001.800.000 đồng, trong đó Tổng Công ty sở hữu 12.751.200.000 đồng, chiếm 51% vốn điều lệ của Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ và yêu cầu Tòa án hủy điều lệ của Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 thông qua với lý do không phù hợp quy định của pháp luật và thực tế.
 
Ông Hưởng bức xúc cho biết thêm: Sau khi tăng vốn, Công ty hoạt động với vốn điều lệ là 55.001.800.000 đồng. Công ty đã trải qua hai phiên ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 và năm 2016. Tại hai phiên Đại hội này, cổ đông Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP đều tham dự và biểu quyết với tổng số cổ phần biểu quyết là 1.980.000 cổ phần, chiếm 36% vốn điều lệ Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ. Tại phiên ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 đã nhất trí thông qua Điều lệ mới. Vậy tại sao lại khởi kiện ra tòa? Tại sao là người đại diện cho một cổ đông lớn như thế lại có thể bội tín? Hành xử như thế trong điều kiện kinh doanh khó khăn như hiện nay có phải là vi phạm đạo đức kinh doanh hay không? 
 
Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án TP Hà Nội liệu có phù hợp?
 
Trong quá trình Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ đang tiến hành công tác chuẩn bị để tổ chức ĐHĐCĐ thường niên dự kiến diễn ra vào ngày 14/4/2018 thì vào cuối ngày 13/4/2018, nhận được Quyết định số 142/2018/QĐ-BPKCTT của TAND TP Hà Nội về việc buộc Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ ngừng ngay việc tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ 2018. Quyết định do Thẩm phán Nguyễn Đình Tiến ký.
 
Việc TAND TP Hà Nội ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ không được tổ chức ĐHĐCĐ năm 2018 đã gặp phải sự phản ứng gay gắt từ Ban lãnh đạo và cán bộ, CNV Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ.
 
Luật sư Đỗ Cao Thắng, nguyên Chánh tòa kinh tế, Tòa án Nhân dân Tối cao, Trưởng VP Luật sư Đỗ Cao Thắng trao đổi với PV.
 
Trao đổi với phóng viên về sự việc trên, luật sư Đỗ Cao Thắng, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Cao Thắng thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nguyên Chánh tòa Kinh tế, TAND tối cao, cho biết:
 
Về mặt trình tự thủ tục thì TAND TP Hà Nội đã làm đúng theo các quy định của pháp luật, nhưng về nội dung của Quyết định 142/2018/QĐ-BPKCTT lại chưa rõ ràng. Vì sao TAND TP Hà Nội lại phải ngay lập tức ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với việc Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ triệu tập ĐHĐCĐ?
 
Thấy điều bất hợp lý tại Quyết định 142/2018/QĐ-BPKCTT của TAND TP Hà Nội, Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ đã gửi đơn khiếu nại đến TAND TP Hà Nội. Trong Công văn 1176/2018/QĐ-GQKN của TAND TP Hà Nội trả lời khiếu nại của Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ thì có nói ĐHĐCĐ trong khi đang có tranh chấp cổ phần có thể gây bất lợi và thiệt hại nghiêm trọng về quyền lợi hợp pháp của Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam, có thể làm ảnh hưởng đến tính minh bạch hợp pháp về các nghị quyết đã ban hành.
 
Theo luật sư Đỗ Cao Thắng, đối với việc tổ chức ĐHĐCĐ tại Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ không hề có bất cứ thiệt hại gì nghiêm trọng để có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông, bởi cuộc họp này chỉ với  mục đích là Thông qua báo cáo của năm 2016 – 2017; Báo cáo Kế hoạch năm 2018 và Bầu bổ sung Thành viên HĐQT.
 
Nếu cuộc họp ĐHĐCĐ được diễn ra ngay sau khi Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ điều chỉnh lại cổ phần mà các cổ đông không tán thành thì Tòa án có thể ra quết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là được, nhưng cuộc họp này đã diễn ra đến năm thứ 3 và qua 2 kỳ ĐHĐCĐ, cổ đông của Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam cũng đã biểu quyết theo tỉ lệ cổ phiếu 36% của mình mà không có gì thắc mắc. Vậy Quyết định 142/2018/QĐ-BPKCTT liệu có phù hợp?
 
Theo luật sư Thắng, nguyên do chính trong việc này là do thay đổi chủ sở hữu,  Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam không còn là đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước nữa do thực hiện yêu cầu thoái vốn, phần vốn góp đã được chuyển cho cổ đông khác. 
 
Tại Quyết định 142/2018/QĐ-BPKCTT cho phép đương sự quyền khiếu nại trong thời hạn chỉ có 03 ngày theo lịch (16h00 ngày 13/4/2018 là cuối giờ thứ Sáu, tiếp đó là hai ngày nghỉ cuối tuần), vậy TAND TP Hà Nội có làm việc 2 ngày thứ bảy và chủ nhật để giải quyết khiếu nại của Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ? Trong đó theo quy định của luật là dành cho đương sự quyền khiếu nại trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định.
 
"Như vậy, Quyết định số 142/2018/QĐ-BPKCTT đã tự ý làm hạn chế quyền khiếu nại hợp pháp của đương sự, Tòa án áp dụng Điều 140 của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành là có sai sót nghiêm trọng. Việc TAND TP Hà Nội ban hành Quyết định kiểu như thế này là làm khó cho doanh nghiệp, đẩy doanh nghiệp vào con đường cùng, vì sẽ không triển khai được mọi kế hoạch kinh doanh nếu không thông quan ĐHĐCĐ", luật sư Thắng cho biết thêm.
 
Dư luận đặt câu hỏi: Việc TAND TP Hà Nội ban hành Quyết định 142/2018/QĐ-BPKCTT liệu có bảo đảm được sự công bằng cho quyền lợi của các cổ đông? Trong khi ĐHĐCĐ chỉ họp với mục đích Thông qua báo cáo của năm 2016 – 2017; Báo cáo Kế hoạch năm 2018 và Bầu bổ sung Thành viên HĐQT. Quyết định 142/2018/QĐ-BPKCTT cho phép doanh nghiệp khiếu nại, nhưng trong 2 ngày nghỉ đó TAND TP Hà Nội có làm việc và tiếp nhận đơn để giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp đối với quyết định mình đã ban hành hay không?
 
Bảo vệ quyền lợi của các bên, nhưng cũng phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật, không nên gây khó dễ cho đương sự này mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi chung của các cổ đông khác.
 
Để có thông tin trả lời về khiếu nại của Công ty CP Giống Gia cầm Lương Mỹ, Báo kinh tế nông thôn sẽ đặt lịch làm việc với TAND TP Hà Nội để làm rõ vấn đề này.
 
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top