Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 30 tháng 12 năm 2015 | 11:28

Tạo điều kiện thuận lợi để tiểu thương kinh doanh tại chợ mới Kỳ Anh

Chiều 30/12, UBND tỉnh Hà Tĩnh có buổi làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan để nghe báo cáo kết quả công tác di dời, đóng cửa chợ huyện Kỳ Anh cũ và triển khai một số nhiệm vụ trong thời gian tới.

>> Hà Tĩnh: Thị xã Kỳ Anh triển khai tháo dỡ chợ huyện cũ đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh kết luận buổi làm việc. Ảnh: báo Hà Tĩnh

Trong 3 ngày (26-28/12), UBND thị xã Kỳ Anh đã phối hợp với các lực lượng chức năng và đơn vị liên quan tổ chức tháo dỡ các hạng mục công trình tại chợ huyện Kỳ Anh cũ. Nhờ xây dựng phương án khoa học nên công tác đóng cửa, tháo dỡ các hạng mục diễn ra an toàn, đảm bảo kế hoạch.

Tại buổi làm việc, đa số các ý kiến đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng phương án, huy động lực lượng và tổ chức tháo dỡ của UBND thị xã Kỳ Anh và các sở, ngành liên quan. Đặc biệt, trong quá trình tháo dỡ, lực lượng công an đã thực hiện có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, qua đó, kịp thời răn đe, xử lý những đối tượng quá khích, có hành vi chống đối.

Các đại biểu đề nghị UBND thị xã Kỳ Anh tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự giao thông, ngăn cấm hình thành chợ cóc, chợ tạm tại các điểm dân cư và hành lang đường giao thông. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ tiếp tục đăng ký mua ki-ốt tại chợ mới và triển khai phương án quy hoạch sử dụng đất tại vị trí chợ cũ.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định tính đúng đắn của chủ trương xã hội hóa việc đầu tư, xây dựng chợ. Quá trình xây dựng chợ mới Kỳ Anh và đóng cửa chợ huyện Kỳ Anh cũ được thực hiện theo quy hoạch, đúng quy trình và các quy định của Nhà nước; tạo thuận lợi cho bà con tiểu thương có điều kiện phát triển kinh doanh ổn định.

“Thông qua việc đóng cửa chợ huyện Kỳ Anh cũ, chúng ta rút ra nhiều bài học trong quá trình chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, nhất là việc nắm bắt dư luận, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền; linh hoạt, chu đáo trong xây dựng kế hoạch, phương án triển khai, đảm bảo tình hình ANTT…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; rà soát lại tình hình kinh doanh của tiểu thương để thực hiện có hiệu quả chính sách chuyển đổi nghề, hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi để bà con vào kinh doanh ở chợ mới. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, an toàn giao thông; siết chặt công tác quản lý nhà nước tại chợ mới; thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, giải quyết đơn thư, khiếu nại; củng cố hồ sơ các đối tượng gây rối trật tự công cộng…

* Thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh xuất hiện nhiều nhà đầu tư có năng lực tài chính và kinh nghiệm quản lý tham gia xây dựng, kinh doanh, khai thác chợ, trong đó tiêu biểu là Công ty TNHH XNK Châu Tuấn, chủ đầu tư xây dựng chợ Nam thị trấn Kỳ Anh (chợ Kỳ Anh mới) với tổng số vốn trên 159 tỷ đồng.

Chợ Kỳ Anh cũ xuống cấp nghiêm trọng.

Chợ mới thị xã Kỳ Anh được thiết kế, xây dựng theo quy mô của chợ hạng I. Hiện chủ đầu tư đã hoàn thành việc xây dựng các hạng mục theo thiết kế. Chợ được xây dựng với 1 đình chính gồm 2 tầng, diện tích mỗi sàn 3.660m2, được bố trí 403 ki-ốt (4,64 - 10,6m2/ki-ốt); 4 đình phụ có diện tích hơn 3.600m2, được bố trí 672 ki-ốt (4m2/ki-ốt); 4 dãy ki-ốt có diện tích hơn 18.000m2, được bố trí 134 ki-ốt. Ngoài ra, chủ đầu tư còn bố trí 1 kho đông lạnh có diện tích 204,75 m2, khu vực chợ trời 1.000m2.

Tiểu thương tại chợ cũ chuyển hàng đến chợ mới.

Sau khi phá bỏ ki-ốt chợ huyện cũ, tiểu thương tham khảo khung giá niêm yết của chủ đầu tư cho các ki-ốt tại chợ mới.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2010-2015, Hà Tĩnh đã đầu tư xây dựng mới 19 chợ, cải tạo, nâng cấp 31 chợ với tổng kinh phí 770 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn xã hội hóa 628,5 tỷ đồng.

Chợ mới thị xã Kỳ Anh xây dựng theo quy mô chợ hạng I.

Thực tiễn quá trình xây dựng, vận hành và khai thác hệ thống chợ mới được đầu tư bằng nguồn ngoài ngân sách đã khẳng định được tính đúng đắn, cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được cái lợi của chủ trương xã hội hóa đầu tư, xây dựng chợ. Thực tế, quá trình triển khai xây dựng hệ thống chợ bằng phương thức xã hội hóa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc, cho dù nhiều chợ cơ sở hạ tầng đã xuống cấp trầm trọng.

Khách hàng mua sắm hàng hóa tại chợ mới.

Tiểu thương buôn bán tại chợ mới.

Khi đóng chợ cũ huyện Kỳ Anh và tiến hành tháo dỡ mới phát hiện tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao và chẳng khác ngôi nhà ổ chuột. 

Để đảm bảo quyền lợi cho bà con tiểu thương, bà Bạch Thị Hường, Giám đốc Công ty TNHH XNK Châu Tuấn (chủ đầu tư chợ Kỳ Anh), cho biết: “Chúng tôi đã thông báo tới các hộ tiểu thương có nhu cầu thuê ki-ốt kinh doanh tại chợ mới trực tiếp làm thủ tục đăng ký và nộp tiền cọc trong thời gian từ 20/8 đến 10/9/2015 để công ty sắp xếp, bố trí gian hàng hợp lý và có chính sách hỗ trợ thỏa đáng. Riêng đối với hộ tiểu thương đăng ký và nộp tiền cọc sẽ được hỗ trợ giảm 5% giá trị tiền thuê, miễn tiền thuê mặt bằng, ki-ốt 12 tháng đầu tính từ ngày 30/8/2015. Ba tháng đầu không thu tiền điện, tiền nước đối với các tiểu thương chuyển từ chợ huyện cũ và chợ xép, có hợp đồng thuê mặt bằng, ki ốt thời hạn 10 năm trở lên; ưu tiên các tiểu thương chợ huyện Kỳ Anh cũ và chợ xép. Bên cạnh đó, các gia đình chính sách muốn đăng ký ki-ốt tại chợ mới được bốc thăm chọn đợt đầu. Công ty cũng đã hợp tác và kêu gọi được 2 tổ chức tín dụng đồng ý cho các hộ tiểu thương có nhu cầu vay vốn với mức vay lên đến 70% giá trị hợp đồng, thế chấp bằng chính ki ốt đó mà không phải dùng tài sản ngoài để thế chấp.

“Hiện đã có gần 1.000 hộ đăng ký quầy ki-ốt, trong đó có 250 hộ tiểu thương tại chợ huyện cũ, 400 hộ tại chợ xép", bà Hường cho biết thêm, đồng thời khẳng định không có chuyện người ngoài đăng ký nhiều ki ốt rồi chuyển nhượng lại với giá cao.

"Chúng tôi sẽ niêm yết giá và có cuộc trao đổi trực tiếp với các tiểu thương của hai chợ. Ngoài ra, chủ đầu tư chợ Kỳ Anh mới sẽ có thông báo thu những loại phí nào sau khi các tiểu thương sinh hoạt buôn bán tại chợ như: tiền giử xe, tiền vệ sinh môi trường, tiền điện nước, phí bảo vệ...”, bà Hường nói.

Cùng với bước tăng trưởng đột phá của kinh tế - xã hội Hà Tĩnh, sự lớn mạnh không ngừng của Khu Kinh tế trọng điểm quốc gia Vũng Áng, tốc độ phát triển vượt bậc của đô thị mới Kỳ Anh, chợ Kỳ Anh được xây dựng và đưa vào hoạt động sẽ đồng hành, đón đầu sự phát triển nhảy vọt, sẵn sàng các điều kiện phục vụ nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hóa của hàng vạn lao động trên địa bàn.

Ngô Tuấn - Văn Huân

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top