Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 3 tháng 2 năm 2018 | 15:50

Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn và nhân rộng ý chí, khát vọng vươn lên

Những chỉ đạo mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ đối với các bộ ngành và địa phương cho thấy quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017 của ngành Nông nghiệp và PTNT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, năm 2017, ngành nông nghiệp đã hoàn thành và vượt những mục tiêu quan trọng, đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

ktvn1.jpg
Năm 2017, những chỉ đạo kịp thời của Chính phủ đã có tác động to lớn đến nền kinh tế.

Thủ tướng đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, điều chỉnh sản xuất, kinh doanh kịp thời của tư lệnh ngành nông nghiệp cũng như toàn hệ thống ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, mặc dù đạt được nhiều thành tựu, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế.

Thủ tướng định hướng, ngành cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về đất đai nhằm tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển. Thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế lâm nghiệp. Xây dựng thương hiệu lúa gạo và các sản phẩm nông sản. Nghiên cứu, dự báo thị trường để sản xuất hiệu quả. Chủ động phòng chống ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu bền vững nông nghiệp. Chương trình MTQG XDNTM chính là nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn. Càng về sau XDNTM càng khó khăn nhưng chúng ta phải kiên trì, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của ngành năm 2018 là rất nặng nề nhất là chỉ tiêu xuất khẩu phải đạt 40 tỷ USD.

Ưu tiên thu hút đầu tư dự án công nghệ cao

“Bộ Công Thương đã nỗ lực vượt qua thách thức và hoàn thành toàn diện, xuất sắc nhiệm vụ năm 2017. Uy tín của ngành Công Thương được nâng lên, đóng góp nhiều mặt vào sự phát triển của đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành Công Thương.

Trong năm qua, ngành Công Thương đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng. Công nghiệp là động lực quan trọng giúp nền kinh tế tăng tưởng 6,81%, trong đó, điểm sáng là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,4%, cao nhất 7 năm qua.

Biểu dương thành tích mà ngành Công Thương đạt được thời gian qua, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, yếu kém cần tập trung khắc phục như một số chiến lược, quy hoạch trong ngành Công Thương còn chậm bổ sung, sửa đổi để bảo đảm tính khoa học, phù hợp với bối cảnh đất nước. Tính chủ động trong nghiên cứu, triển khai thực hiện phát triển công nghiệp theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0 còn hạn chế. Vẫn còn một số chính sách kìm hãm sự phát triển, chưa thoát ra được...

Từ các phân tích trên, Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2018 cũng như các năm tới, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa phải có chiều sâu hơn nữa trong phát triển. Ngành Công Thương phải ưu tiên thu hút đầu tư dự án công nghệ cao, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện môi trường. Thúc đẩy sản xuất theo hướng xuất khẩu và đồng thời giữ vững thị trường trong nước, đặc biệt là các kênh phân phối hàng hóa. Yêu cầu tập trung phát triển thị trường trong nước, Thủ tướng lưu ý “đừng để thua trên sân nhà”, nâng cao uy tín hàng Việt Nam để chiếm thị trường. Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ Công Thương cắt giảm 50% điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp.

Phải biến Việt Nam trở thành “con hổ kinh tế mới”

Dự Hội nghị tổng kết ngành Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng đánh giá cao thành tích Bộ Kế hoạch và Đầu tư đạt được trong năm qua, kết quả của bộ gắn liền thành tích của Chính phủ.

Về kế hoạch của Bộ năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Phải cố gắng biến Việt Nam từ cô gái đẹp thành con hổ mới của nền kinh tế, có được không và tại sao lại không?”, Thủ tướng đặt câu hỏi và nói thêm: “Tôi đặt câu hỏi này cho các sở, ngành, phải có khát vọng chứ không phải cứ chậm mãi không thoát ra được”. 

Thủ tướng yêu cầu thực hiện tam giác phát triển kinh tế - xã hội - môi trường. Không được để ai ở lại phía sau, không để ai cùng cực. Làm sao đất nước hạnh phúc, dân tộc phồn vinh. 

Điều rất quan trọng hiện nay là làm sao giải phóng sức sản xuất từ nước ngoài, từ trong dân. Sức trong dân vô cùng lớn nhưng chúng ta chưa huy động được.

Thủ tướng cho rằng, các địa phương phải chú ý tới các giải pháp để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế tư nhân. Đây là động lực của nền kinh tế. Tất cả các địa phương phải tiếp tục sử dụng hiệu quả đầu tư FDI.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Nghị quyết Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2017 nêu:

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương cần tiếp tục tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh, chú trọng thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ các chỉ số còn dư địa, thấp điểm, thấp hạng; thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn thuộc phạm vi quản lý, quyết tâm phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN - 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. 

Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Trong đó tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành; bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định; thường xuyên tổ chức đối thoại chính sách với doanh nghiệp, kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 theo đúng tiến độ; trong đó tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và xây dựng Chính phủ điện tử theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành; phấn đấu đến cuối năm 2018, 100% các đơn vị thuộc bộ, ngành trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng.

Bạc Liêu phải trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm

Dự Hội nghị chuyên đề về xúc tiến đầu tư đầu tiên được tỉnh Bạc Liêu tổ chức, Thủ tướng bày tỏ vui mừng về kết quả phát triển Bạc Liêu thời gian qua khi tăng trưởng liên tục năm sau cao hơn năm trước trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn. Điểm nổi bật, điểm sáng là mô hình phát triển của tỉnh đã bắt đầu dựa trên lợi thế so sánh của địa phương, dựa trên ứng dụng công nghệ và có sự tương tác mạnh mẽ, chặt chẽ giữa nông nghiệp, năng lượng và môi trường theo hướng bền vững.

Thủ tướng cho rằng, dựa trên lợi thế so sánh, Bạc Liêu cần hướng tới phát triển xanh với 4 trụ cột là nông nghiệp với lúa chất lượng cao, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản, trọng tâm là con tôm; phát triển năng lượng tái tạo; công nghệ chế biến, du lịch dịch vụ.

Tầm nhìn và định hướng của Bạc Liêu cần kết hợp chặt chẽ với vùng ĐBSCL và TPHCM. Cần xóa bỏ tư duy cục bộ, địa giới hành chính. Cần liên kết 4 tỉnh trong vùng, giữa Bạc Liêu với Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau. Bạc Liêu cần trở thành trung tâm công nghiệp ngành tôm cả nước, cả giống, chế biến thức ăn, chế biến sâu, chế phẩm…

Muốn vậy, tỉnh phải bảo đảm giữ được nền tảng sản xuất sạch, ứng dụng khoa học công nghệ giữ được chất lượng nguồn nước thông qua quy trình kiểm soát chặt chẽ trong nuôi tôm. Phát triển cụm ngành chuỗi giá trị tôm khép kín, chủ động kiểm soát chất lượng và giảm giá thành, cùng với đó là xử lý nghiêm tình trạng phá hoại thương hiệu tôm Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng, Bạc Liêu cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đặc biệt là dịch vụ logistic, chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ nuôi trồng, thu gom, chế biến tôm. Và điều quan trọng nữa là phải xử lý tốt quy hoạch vùng nguyên liệu và cần có biện pháp chủ động hơn nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Dương Thanh


 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    Chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam - GS.TS. Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả trong công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC, xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới của HLV tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua.

  • Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Năm 2024 là nước năm nước rút để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII và kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Làm vườn Việt Nam vào đầu năm 2026. Phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, Hội Làm vườn Việt Nam sẽ tích cực triển khai kế hoạch, nội dung hoạt động năm 2024.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nằm trong khuôn khổ của Hội chợ Nông nghiệp, Xúc tiến thương mại khu vực ĐBSCL - Đồng Tháp năm 2024 (Mekong Agri Expo 2024), nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

Top