Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 14 tháng 9 năm 2015 | 9:17

TĐC Thủy điện Trung Sơn: Người dân chưa đến ở, vì sao?

Tính đến cuối tháng 8/2015, còn hơn 100 hộ dân có nền tại các điểm TĐC trên địa bàn xã Trung Sơn (Quan Hóa - Thanh Hóa) chưa đến nhận nền hoặc đã nhận nhưng chưa làm nhà với lý do không an toàn.

>> Điểm tái định cư Thủy điện Trung Sơn: Người dân phát hoảng vì nền nhà bị lún, nứt

Nền nhà xuất hiện hiện tượng lún nứt.

Liên quan tới việc di dời người dân trong dự án Thủy điện Trung Sơn đến nơi ở mới, ngoài việc một số hộ bị lún, nứt nền nhà tại điểm tái định cư (TĐC) mới, người dân còn có nhiều bức xúc liên quan tới chính sách, đời sống dân sinh, có thời điểm hơn 20 hộ dân làm đơn xin được ra ngoài điểm TĐC.

Chỗ mới không tốt bằng nơi ở cũ?

Trao đổi với phóng viên ngày 3/9, ông Đinh Xuân Diện, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, cho biết, hiện các điểm TĐC đã có đường, có điện nhưng đến nay nước chưa đến. Người dân tự dẫn nước về sinh hoạt, có gia đình cách mỏ nước tới 5km.

Ông Phạm Thạch Sanh, Bí thư Đảng ủy xã Trung Sơn, cho biết thêm, khi triển khai dự án, người dân trong xã đều đồng tình ủng hộ. Nhưng khi triển khai gặp một số vướng mắc như: chủ đầu tư chưa đáp ứng được đầy đủ về diện tích đất ở theo quy định. Đến nay, vẫn còn nhiều hộ chưa nhận vì không đủ điều kiện dựng nhà và do ta luy cao, nguy cơ sạt lở rất cao.

Làm nhà xong chưa lâu, nền nhà ông Ngân Văn Chiến bị nứt, lún.

Cũng theo ông Sanh, xã có 7 hộ thuộc diện bị di dời xen kẽ, trong đó nhiều hộ được hỗ trợ làm nhà theo Chương trình 167 nhưng không được hỗ trợ tái định cư. Tiền di dời, nền đất mới và tiền xây nhà họ không cho, với lý do hộ nào được làm nhà theo Chương trình 167 rồi thì không được nữa. "Người dân là đối tượng chịu thiệt thòi nhất, Nhà nước mới cho tiền xây nhà, bây giờ di dời lần hai phải được hỗ trợ. Tôi đã gửi đơn lên cho Trương Nho Tự, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban giải phóng mặt bằng huyện nhưng chưa thấy trả lời", ông Sanh nói.

Ông Phạm Văn Mười, Bí thư Chi bộ bản Tà Bán, cho biết: "Bản có 220 hộ (834 khẩu), lúc đầu công bố có 210 hộ phải di dời nhưng về sau chỉ di dời 188 hộ, còn hơn 20 hộ khác đang làm đơn xin nhưng chưa được. Hiện, đất sản xuất chủ đầu tư đang san một nơi khác, chúng tôi đi kiểm tra thấy không ưng vì họ làm quá hẹp, chỉ rộng khoảng 80cm. Không những thế, họ còn giữ lại số tiền gọi là đất đổi đất, hộ thì giữ nhiều, hộ giữ ít".

Ông Mười tâm sự, năm 2013, có tới 22 hộ dân xin ra khỏi điểm TĐC nhưng huyện không cho. Năm 2014, có 19 hộ tiếp tục làm đơn xin ra ngoài nhưng cũng không được. Vừa rồi còn 3 hộ tiếp tục làm đơn xin ra ngoài nhưng không được xem xét..

Sụt, lún nền tại gia đình anh Thận làm một số thanh gỗ bị bong ra bên ngoài.

Theo ông Ngân Văn Phận, Trưởng bản Tà Bán thì bản có 188 hộ vào điểm tái định cư, đến nay có 76 hộ đã nhận nền và dựng nhà, còn 122 hộ chưa nhận hoặc đã nhận nền nhưng không đến ở và không dựng nhà vì diện tích không đủ, nguy cơ sạt lở cao. Co Pùng là điểm TĐC có nguy cơ sạt lở cao nhất do đồi dốc cao. Trước khi vào điểm tái định cư, chủ đầu tư, Ban GPMB huyện đến phổ biến đến nơi chỗ mới tốt hơn chỗ ở cũ nhưng thực tế không phải.

Đơn cử như gia đình anh Ngân Văn Thận, một trong 2 hộ ở điểm TĐC Co Pùng có nhà bị lún, nứt cho biết: "Gia đình làm nhà xong được khoảng 20 ngày thì bị lún nền làm nghiêng cả nhà. Khi bị lún, nứt nền, gia đình đã báo với ông Nguyễn Ngọc Nam, đại diện giải phóng mặt bằng đến kiểm tra, ông này hứa sẽ báo về huyện nhưng đến nay chưa thấy động thái gì. Để đảm bảo tính mạng cho gia đình, tôi đã phải lạt nền, kích lại nhà nhưng vẫn nơm nớp lo bị sập".

Ông Ngân Văn Chiến, ở điểm Co Pùng có nhà bị lún, nứt cũng phản ánh: "Nhà tôi làm được 1 tháng thì bị lún, nứt từ nhà bếp sang gần hết nhà. Nứt nền kéo theo nứt cả tường nhà. Gia đình đã báo với chủ đầu tư, họ về kiểm tra và hứa sẽ đầm lại nền rồi làm bằng phẳng như nhà cũ. Chuyển đến nền mới là chuyển theo yêu cầu của chủ đầu tư chứ gia đình tôi không có nguyện vọng chuyển đến sớm. Để có nước ăn, gia đình phải mua hết 6 triệu đồng tiền ống để dẫn nước cách nhà 2 km về dùng".

Giải thích nguyên nhân khiến nhiều người dân làm đơn xin ra ngoài điểm TĐC, ông Vi Văn Phú, điểm Pom Chốn lý giải, do diện tích đến nơi ở mới chỉ có 400m2. Năm 2012, ông Chinh bên chủ đầu tư lên thông báo ai có nhu cầu ra ngoài tái định cư thì cho phép ra nhưng vẫn giữ nguyên các chế độ nên bà con làm đơn xin ra ngoài.

Để đảm bảo an toàn cho tính mạng mọi người trong gia đình, anh Thận  phải lát nền, kích lại nhà.

Trao đổi với phóng viên, ông Phận cho biết, đến nay (11/9 - PV), điểm Co Pùng vẫn chưa có nước (trong khi đó, chủ đầu tư khẳng định nước sạch đã về tất cả các điểm TĐC từ tháng 6/2015-PV). Liên quan tới nền nhà của gia đình anh Thận bị lún, nứt, ông Phận cho biết, gia đình anh này có mời ông Nguyễn Ngọc Nam, đại diện bên giải phóng mặt bằng đến kiểm tra. Để đảm bảo an toàn, gia đình anh Thận phải sửa chữa lại. Còn nền nhà ông Chiến ngày xưa là suối, bên chủ đầu tư bắt ông Chiến phải chuyển đến. Tại các điểm TĐC chưa hộ dân nào nhận được đất vườn và đất nông nghiệp từ chủ đầu tư. Tuy nhiên, làm việc với phóng viên ngày 7/9, ông Trần Tuấn Nam, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn, chủ đầu tư dự án cho biết đã có 30 hộ dân nhận đất vườn.

Tuy đang trong quá trình hoàn thiện nhưng đường dẫn vào điểm tái định cư, nhiều vị trí bị nứt, sạt lở nghiêm trọng.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn, tính đến ngày 25/8/2015, đã có 172/218 hộ dân nhận nền nhà, trong đó có 99 hộ đã làm nhà. Nếu đúng chưa có hộ nào được nhận đất vườn và đất nông nghiệp thì 99 hộ đã làm nhà/172 hộ đã nhận nền đã đủ điều kiện để chủ đầu tư đưa người dân tới nơi ở mới chưa?

Đường vào điểm TĐC Pom Chốn nhiều điểm bị hư hỏng.

Nỗi lo thất nghiệp

Theo ông Đinh Xuân Diện, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, trong số 218 hộ di dời, tỷ lệ người Thái chiếm 60%, người Mường chiếm 35%, các dân tộc khác 5%, trong đó có 60/218 hộ nghèo, 15 -  20 hộ cận nghèo. Hiện, chủ đầu tư đang thi công công trình ruộng bậc thang để giao cho các hộ dân. Về vấn đề nước sinh hoạt, trước đây ở bản Co Me đã có dự án đầu tư cả tỷ đồng nhưng không phát huy tác dụng nên có thể dự án  đang thi công cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Vết nứt chạy dài trên một số nền nhà của người dân. 

Ông Sanh không khỏi lo lắng vì chương trình sinh kế sau tái định cư đang là một vấn đề. Các hộ dân bị thu hồi gần như hết đất, tiền đền bù có hạn, sau này không biết bà con sẽ làm gì để sống. "Nhà nước cần có chương trình, dự án sinh kế cho người dân sau tái định cư", ông Sanh nói.

Bí thư Chi bộ bản Tà Bán  Phạm Văn Mười kiến nghị, chủ đầu tư khai hoang đất sản xuất phải ghép 2 thửa thành 1 thửa thì người dân mới nhận. Hơn 20 hộ chưa có nền kiến nghị với chủ đầu tư xem xét làm nền.

Còn theo ông Phận, nền nhà chủ đầu tư giao phải đảm bảo đúng diện tích, đảm bảo về kỹ thuật, phải có đầy đủ nước trước khi bà con vào; 4 nhà văn hóa, 2 nhà trường làm phải đảm bảo theo kỹ thuật. Đường nông thôn mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp, phải có phương án xử lý.

Ông Mười đề nghị chủ đầu tư cấp nền, tiền hỗ trợ làm nhà cho hơn 20 hộ dân.

"Đề nghị chủ đầu tư làm rãnh thoát nước bằng bê-tông cho bà con vì hiện nay đất nền đắp bồi nên khi mưa có nguy cơ sạt lở cao. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ về sinh kế cho bà con", ông Mười kiến nghị.

Mong rằng tất cả các nội dung của người dân phản ánh như trên sẽ được Tổng công ty Phát điện 2 và EVN xem xét, giải quyết một cách thỏa đáng.

Hoàng Văn

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top