Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 5 năm 2019 | 11:7

Thái Nguyên: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản

Thái Nguyên hiện có gần 800 điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 24 di chỉ khảo cổ học. Đây là cơ sở để tỉnh làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.

tr16.JPG
Du khách đến tham quan tại Khu di chỉ khảo cổ học Thần Sa.

 

Nhiều di tích nổi tiếng

Từ kết quả nghiên cứu nhiều năm của các nhà khảo cổ học, nhiều di chỉ, di tích khảo cổ đã được phát hiện trên đất Thái Nguyên, khẳng định Thái Nguyên từ xa xưa là nơi sinh sống cư trú của người nguyên thủy.

Một trong những di tích nổi tiếng của  Thái Nguyên là Khu di chỉ khảo cổ học Thần Sa ở xã Thần Sa (Võ Nhai), được xếp hạng bảo tồn quốc gia ngày 24/12/1982, với các di chỉ như: Mái đá Ngườm, Hang Phiêng Tung (hang Miệng Hổ) và một số hang khác thuộc xã Thần Sa như: Ranh 1, Ranh 2, Ranh 3, Nà Ngùn, Nà Khù, Hạ Sơn 1, Hạ Sơn 2, Thắm Choong.

Đây là nơi con người xuất hiện hậu kì thời đại đồ đá cũ, có niên đại khoảng 40.000 năm, trong đó, có Mái đá Ngườm, mái đá này không lo mưa nắng, là nơi che chở trú ngụ của người nguyên thủy xưa.

Năm 2011, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Nguyên) phối hợp cùng Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức một số đợt điều tra, khảo sát nhằm phát hiện một số di tích khảo cổ, đặt cơ sở khoa học cho công cuộc nghiên cứu thời tiền sử Thái Nguyên bước sang giai đoạn mới. Đoàn đã khảo sát 24 địa điểm, theo đánh giá bước đầu tại đây có nhiều di tích khảo cổ quan trọng, trong đó có di chỉ Hang Ốc ở xã Bình Long (Võ Nhai).

Năm 2014, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tiếp tục phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật Hang Ốc, kết quả đợt khai quật thu được 1.518 di vật. Việc khai quật Hang Ốc khẳng định đây là di chỉ khảo cổ học có giá trị về nhiều mặt, mang lại số lượng hiện vật rất lớn. Đây là tư liệu quý để nghiên cứu về văn hóa Bắc Sơn trong tỉnh Thái Nguyên và để so sánh với các di chỉ Bắc Sơn khác ở các tỉnh xung quanh.

 Đặc biệt, cuộc khai quật Mái đá Ngườm năm 2017, với sự tham gia các chuyên gia nghiên cứu khảo cổ học Viện Khảo cổ học và Trường Đại học Wollongong (Australia) đã thu được số lượng hiện vật đá rất phong phú về loại hình, thể hiện tính đa dạng và đặc sắc về kỹ thuật chế tác đá. Về niên đại, bước đầu qua phân tích từ mẫu tro và nhuyễn thể đã cho kết quả về hệ thống chuỗi niên đại dao động từ 41.000 năm tới 23.000 năm trước công nguyên.

Với những kết quả về khảo sát, nghiên cứu khai quật các điểm di tích hang động liên quan đến khảo cổ học, mới đây, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức triển lãm ảnh, tư liệu, hiện vật chủ đề: “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời tiền sử ở tỉnh Thái nguyên”. Triển lãm trưng bày trên 80 ảnh tư liệu, hơn 30 tài liệu, sách tạp chí và trên 200 hiện vật, di vật khảo cổ học, thu hút nhiều người đến tham quan tìm hiểu.

Tiềm năng du lịch lớn

Những năm qua, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước nghiên cứu, khai quật một số di chỉ tại Khu di chỉ Thần Sa để bổ sung tư liệu và hiện vật quý về Thần Sa.

 

tr16a.jpg
Bàn nghiền đá được phát hiện trong quá trình khai quật Hang Ốc.

 

Cùng với phát hiện mới về khảo cổ học, đã tạo cơ sở hình thành điểm du lịch mới, thu hút được sự quan tâm của khách tham quan, đó là du lịch sinh thái, du lịch hang động tự nhiên, du lịch khảo cổ...; đồng thời quảng bá hình ảnh của Thái Nguyên đối với du khách trong nước và quốc tế.

Bà Trịnh Thị Cúc, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, cho biết, ngày nay, với giá trị lịch sử của Khu di chỉ khảo cổ học Thần sa - cái nôi của tổ tiên người Việt - là nơi có cảnh quan đẹp, với các dãy núi đá vôi muôn hình vạn trạng, trùng trùng điệp điệp, nay được phủ xanh bởi các loại cây gỗ quý. Xen vào đó là sông, suối có nhiều thác nước tự nhiên, tương lai không xa, Thần Sa sẽ là trung tâm du lịch về lịch sử, sinh thái của Thái Nguyên.

Theo bà Cúc, tỉnh Thái Nguyên cần quan tâm phát triển du lịch, phát huy giá trị của di chỉ khảo cổ học Thần Sa. Chú trọng quy hoạch xây dựng các tour tuyến du lịch, kết hợp du lịch lịch sử với du lịch sinh thái. Tỉnh cần có kế hoạch đầu tư hạ tầng du lịch như đường giao thông từ trung tâm xã Thần Sa vào Mái đá Ngườm và khu vực thác Nà Thềnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, khuyến khích đầu tư để khu di chỉ Thần Sa trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Phó trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thái Nguyên) Nguyễn Đình Hưng cho rằng, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của Khu di chỉ Khảo cổ học Thần Sa (xã Thần Sa) và Hang Ốc (xã Bình Long) gắn với phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn năm 2030 theo Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ.

Được biết, thời gian qua, Thái Nguyên đã quan tâm đầu tư đường giao thông đến trung tâm xã và vào đền di tích; xây dựng lầu dừng nghỉ bên sông Thần Sa để mọi người có thể nghỉ ngơi, tu chỉnh trước khi đên thắp hương cho Cao tằng Tổ tiên tại Mái đá Ngườm; xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm để nâng cao đời sống nhân dân xã Thần Sa.

Hy vọng, với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di chỉ khảo cổ học Thần Sa nói riêng, các điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nói chung, kết hợp với đẩy mạnh quảng bá, phát triển du lịch, từ đó nâng cao giá trị của các di tích khảo cổ học, Thái Nguyên sẽ phát huy được tiềm năng du lịch của địa phương.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top