Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 4 năm 2018 | 14:3

Thái Nguyên với kế hoạch đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Những năm qua, Thái Nguyên đề ra hàng loạt chính sách, tiêu chí ưu tiên để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

2.jpg

 Múa Tắc Xình, nét văn hóa độc đáo của người Sán Chay luôn thu hút du khách tới xem.

Điểm nhấn là tập trung phát triển loại hình du lịch gắn với các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; du lịch về nguồn với tài nguyên du lịch là các giá trị văn hóa, di tích lịch sử của Thủ đô kháng chiến ATK (An toàn khu).

Kho tàng văn hóa đặc sắc

Thái Nguyên có truyền thống lịch sử với nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được Nhà nước xếp hạng. Chỉ riêng di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh có tới 550 di sản. Trong số đó, có 12 di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục củng cố hồ sơ khoa học đối với 4 di sản để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa thêm vào danh mục này.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nhảy Tắc xình của dân tộc Sán Dìu (xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, Phú Lương); Lễ cấp sắc của cộng đồng dân tộc Dao tỉnh Thái Nguyên; Bảo tồn nghề múa rối cạn Thẩm Rộc và Du Nghệ (hai xã Bình Yên, Đồng Thịnh - Định Hóa); Hát Soọng cô của người Sán Dìu (xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ); Nghi lễ Then của người Tày (xã Lam Vỹ - Định Hóa); Nghi lễ Hét khoăn của người Nùng (xã Hòa Bình, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ).

Bên cạnh đó, nhiều loại hình và sản phẩm di sản văn hóa phi vật thể được phục dựng, bảo tồn như: Rối Tày Thẩm Rộc, múa Tắc Xình, hát Nôm cổ truyền dân tộc Sán Chay, hát Ví vùng ven sông Cầu, lễ cấp sắc dân tộc Dao, lễ hội Lồng Tồng - Định Hóa, Oóc pò dân tộc Nùng, các làng nghề truyền thống…

Cùng với đó, Thái Nguyên có 8 dân tộc anh em chung sống, đây là kho tàng nghệ thuật biểu diễn rất đa dạng và phong phú như dân ca dân vũ, các điệu múa của các dân tộc.

Nằm ở trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng Trung du miền núi Đông Bắc nói chung, Thái Nguyên được đánh giá là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng Trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cùng với đó là hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều khu du lịch trở thành điểm nhấn của du lịch Thái Nguyên.

Hiện, Thái Nguyên có nhiều dự án đang được kêu gọi đầu tư xây dựng như: Du lịch danh thắng hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, thác Khuôn Tát, khu căn cứ ATK Định Hóa (đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt), Đại Từ, hồ Suối Lạnh, hồ Trại Gạo, hồ Bảo Linh… Tỉnh có hàng trăm di sản vật thể và phi vật thể, trong đó có 132 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng (39 di tích cấp quốc gia; 93 di tích cấp tỉnh, trên tổng số gần 800 di tích của tỉnh).

Thu “nghìn tỷ” từ du lịch

Bước đột phá của ngành du lịch Thái Nguyên là quy hoạch diện tích vùng lõi tập trung phát triển thành Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc với diện tích 1.200ha. Khu du lịch Hồ Núi Cốc đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch Quốc gia; phấn đấu đến năm 2030 trở thành Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn của quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao gắn liền với thương hiệu văn hóa trà Thái Nguyên và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực...

Thái Nguyên kỳ vọng đến năm 2025, Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc sẽ đón khoảng 2,5 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế có lưu trú là 10.000 lượt); năm 2030 sẽ đón 4 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế có lưu trú khoảng 20.000 lượt khách). Dự kiến, tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt khoảng 860 tỷ đồng và năm 2030 đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.

Với vai trò là khu du lịch trọng điểm quốc gia, Khu du lịch Hồ Núi Cốc sẽ gắn kết không gian với các tiềm năng du lịch khác trong tỉnh. Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa cũng chú trọng tăng cường liên kết với các khu, điểm du lịch quốc gia khác trong vùng Trung du Bắc Bộ để hình thành các tour, tuyến du lịch liên hoàn… như đến cây đa Tân Trào (Tuyên Quang); Hồ Ba Bể (Bắc Kạn); Pắc Bó (Cao Bằng); Động Tam Thanh, Nhị Thanh và núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn); Tam Đảo - Hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc); Đền Hùng (Phú Thọ); Côn Sơn, Đền Kiếp Bạc (Hải Dương); Yên Tử (Quảng Ninh)...

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Thái Hanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, cho biết: Việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử văn hóa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm giữ lại những kỷ vật quý giá trong quá khứ của văn hóa truyền thống cha ông, đồng thời tiếp nối những giá trị tinh hoa cho đời sau.

Ông Hanh cho biết thêm, không chỉ thế, hệ thống di sản văn hóa là cơ sở hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Hoạt động này cũng góp phần đưa Thái Nguyên sớm trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực kinh tế trọng điểm ở trung tâm Việt Bắc, thu hút lượng khách quốc tế đến tham quan, du lịch ngày một đông, góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top