Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 4 năm 2018 | 10:55

Thanh Hóa: Bi kịch cô giáo trẻ sống trong cảnh xiềng xích

Lúc phát bệnh, cô thường chạy vào rừng sâu hoặc lao nhanh qua đường, rất nguy hiểm đến tính mạng. Cực chẳng đã, người nhà đành xích cô lại để lo thuốc thang mong cô sớm được hồi phục.

Hạnh phúc chưa được gang tay

Đấy là câu chuyện đáng thương của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Huyên (SN 1974), trú tại thôn Tân Tiến, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh , tỉnh Thanh Hóa. Từ lúc phát bệnh, cuộc đời Huyên gắn bó với cái chòi nhỏ và những vòng xiềng xích.

Theo lời chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nơi mà cô giáo mầm non ngày trước đang sinh sống. Trong chiếc chòi lá nhỏ, bà Hiển (mẹ của Huyên) đang nới rộng dây xích để con đi lại thoải mái hơn.

jpg-2.jpg
Từ khi phát bệnh, Huyên bị xích trong căn chòi nhỏ này

Bà Hiển cho biết: “Tội nghiệp lắm các chú ạ, những ngày trái gió, trở trời nó thường gào thét và quậy phá. Cực chẳng đã nên chúng tôi phải xích cháu lại để chăm nom, mong con sớm ngày bình phục”.

Trên khóe mắt sâu hõm của người đàn bà gần đất xa trời bắt đầu đong dần những giọt lệ. Bà khóc thương cho số phận hẩm hiu của đứa con gái mình, bà sợ rằng một ngày nào đó bà mất đi sẽ không còn ai lo cơm nước cho đứa con tội nghiệp này.

Theo bà Hiển, sau khi học xong chương trình sư phạm, năm 1994, Huyên về làm giáo viên tại xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh. Đến năm 1997, Huyên lấy một thầy giáo. Hạnh phúc đã bắt đầu chớm nở khi Huyên hạ sinh đứa con đầu lòng.

Nhưng hạnh phúc của gia đình nhỏ chưa được bao lâu thì tai họa bỗng ập đến. Huyên bắt đầu mắc phải chứng bệnh lạ. Gia đình đã mang Huyên đi chữa trị tại Bệnh viện Tâm Thần Thanh Hóa.

Sau ba tháng chữa trị, bệnh tình Huyên đã thuyên chuyển nên gia đình xin cho cô về. Khoảng thời gian này, Huyên vẫn lên lớp nhưng không thường xuyên vì những cơn đau đầu kỳ lạ thường xảy ra.

Số buổi Huyên đứng lớp cũng thưa dần bởi những cơn đau đầu ngày càng gia tăng. Đến năm 2002, cô giáo mầm non đã phải bỏ bục giảng. Cũng từ đó, cuộc sống của cô giáo trẻ phải gắn bó với cái chòi nhỏ và những sợi dây xích sắt.

3-1.jpg
Căn chòi mà Huyên sinh sống xập xệ, mọi sinh hoạt đã gắn với chị đã lâu 

Từ ngày Huyên phát bệnh, người chồng của cô đã ôm con bỏ đi không một lời từ biệt. Thương con, bà Hiên mang về cưu mang để lo thuốc thang mong con sớm ngày bình phục.

Tuy nhiên, bệnh tình của Huyên không những không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu tăng thêm. Những lúc lên cơn, Huyên thường gào thét và chạy trốn. Lúc thì chạy vào rừng, hay lao xuống dòng sông chảy xiết nguy hiểm đến tính mạng.

Bà Hiển nhớ lại: “Có lần ở đây xảy ra lũ ống to lắm, con Huyên đang trong nhà thì ôm đầu hét lớn rồi chạy vụt ra suối khiến tôi không kịp giữ. Nó nhảy xuống dòng nước dữ trong sự bàng hoàng của mọi người. Nước lũ cuốn nó đi nhưng nó may mắn thoát chết khi dạt vào bờ và được dân bản tìm thấy”.

Thấy con phát bệnh thường làm những chuyện điên rồ nguy hiểm đến tính mạng, cực chẳng đã, bà Hiển nhờ hàng xóm dựng một cái chòi rồi xích con lại để trông nom.

Bao nhiêu gia tài trong nhà, bà Hiển đều bán sạch để có tiền chữa trị cho con. Giờ đây, cả gia tài chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và khoản tiền hỗ trợ 450 nghìn/ tháng.

Không dừng lại ở đấy, khi bệnh tình của Huyên chưa có chuyển biến thì bố của cô lại bị tai biến, nằm liệt nửa người hơn 10 năm nay. Bao nhiêu lo toan trong nhà giờ dồn hết lên đôi vai người đàn bà tuổi “thất thập cổ lai hi”.

Bà Lò Thị Nương, hàng xóm bà Hiển, cho biết: “Gia đình bà Hiển tội nghiệp lắm, con thì bị bệnh tâm thần, chồng lại bại liệt. Mọi lo toan trong nhà đều một mình bà gánh vác”.

2.jpg
Dù tuổi đã cao nhưng mọi lo lắng trong nhà đều do bà Hiển đảm nhận

Dù đã tuổi xế chiều, nhưng bà Hiển có lẽ chưa một ngày được nghỉ ngơi. Bà sợ rằng khi bà mất đi, rồi người chồng bị liệt và đứa con tội nghiệp sẽ ra sao. Nhiều lúc mệt mỏi nhưng thương chồng, thương con, bà vẫn gắng gượng đi làm để có tiền đong gạo.

Trước hoàn cảnh của cô giáo Lê Thị Huyên, rất mong bạn đọc quan tâm giúp đỡ. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Lê Văn Hoàng (em trai chị Huyên), thôn Tân Tiến, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, điện thoại: 0982403515.

 

Hà Khải - Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top