Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 1 năm 2018 | 11:25

Thanh Hóa: Mỏi mòn chờ sổ đỏ của khu tái định cư

KTNT- Đã hơn 11 năm thực hiện tái định cư sang nơi ở mới để nhường đất cho Nhà máy xi măng Công Thanh nhưng 31 hộ dân thôn Tam Sơn, xã Tân Trường (Tĩnh Gia - Thanh Hóa) vẫn chưa được chính quyền cấp sổ đỏ. Điều đáng nói là, trong khi người dân mòn mỏi chờ “sổ”thì chính quyền lại không có động thái gì giải quyết.

Tái định cư và những lời hứa không văn tự

Theo phản ánh của người dân, tháng 6 năm 2006, Ban Giải phóng mặt bằng (lúc đó có tên gọi là Hội đồng giải phóng mặt bằng) huyện Tĩnh Gia xuống tiếp xúc với 31 hộ dân thôn Tam Sơn, xã Tân Trường để bàn phương án tái định cư nhường đất cho Nhà máy Xi măng Công Thanh.

Theo thỏa thuận, người dân sẽ chuyển đến nơi ở mới với diện tích đất bằng với diện tích ban đầu và chỉ được nhận tiền đền bù tài sản trên đất. Nếu không đồng ý chuyển sang khu tái định cư, người dân sẽ nhận cả tiền đền bù đất theo giá hiện hành để đi nơi khác.

Ông Hà Văn Nam bức xúc trao đổi về hệ lụy của khu đất tái định cư.

Ông Hà Văn Nam (53 tuổi), thôn Tam Sơn, cho biết: “Sau khi xây dựng nhà máy, Hội đồng giải phóng mặt bằng và chính quyền xã đã họp dân và thống nhất đền bù tài sản gắn liền trên đất và cấp đất ở mới cho chúng tôi”.

Cũng theo ông Nam: “Tất cả các hộ nằm trong khu tái định cư nếu chưa có sổ đỏ hoặc đã có sổ, sau khi ra nơi ở mới chính quyền sẽ cấp sổ mới bằng với diện tích đất ở cũ”.

Tuy nhiên, đã hơn 11 năm sinh sống tại nơi mới, 31 hộ dân ở Tam Sơn vẫn chưa một lần được nhìn thấy sổ đỏ. Nhiều hộ bức xúc tìm đến chính quyền hỏi thì nhận được câu trả lời: “Chưa đóng tiền làm sổ nên không thể cấp”.

Hơn 11 năm ở khu tái định cư, người dân mong mỏi được cấp sổ đỏ để được vay vốn làm ăn.

Ông Lô Văn Khuyến (60 tuổi) bức xúc nói: Nhiều lần chúng tôi nêu ý kiến lên chính quyền thì nhận được câu trả lời là “chưa đóng tiền nên không thể cấp sổ đỏ”. Vậy trước đây chính quyền đã hứa như thế nào với chúng tôi mà còn bắt chúng tôi đóng tiền. Chúng tôi chấp nhận tái định cư mà vẫn phải bỏ tiền ra làm sổ đỏ, liệu có đúng hay không?”.

Qua tìm hiểu được biết, tất cả các giấy tờ liên quan đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng đều không có. Giữa chính quyền và người dân chỉ thỏa thuận với nhau bằng miệng. Ngay cả giấy nhận tiền đền bù của dân cũng không có dấu xác nhận của các cơ quan chức năng.

Tiền làm sổ đỏ ai cầm?

Liên quan đến việc 31 hộ dân vẫn chưa nhận được sổ đỏ, chúng tôi có buổi làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa. Do thời gian đã quá lâu nên đa số họ đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác.

Ông Nguyễn Ngọc Bê, Chủ tịch UBND xã Tân Trường, cho biết: Đây là vấn đề cấp thiết và khó giải quyết đối với chính quyền, vì không biết tiền làm sổ ai cầm. Nếu nó ít thì chính quyền đã nói để dân đóng góp mà làm, vì sổ đỏ liên quan nhiều đến việc sản xuất kinh doanh. Nhưng số tiền này quá lớn đối với kinh tế của họ.

Biên bản thỏa thuận giao đất của các hộ dân thôn Tam Sơn.

“Chính quyền đã có buổi làm việc với Nhà máy xi măng Công Thanh, phía họ khẳng định đã chi trả tất cả rồi nên không có cơ sở để bắt họ trả tiền làm sổ được”, ông Bê cho biết thêm.

Ông Hoàng Ngọc Trung, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tĩnh Gia, cho biết: “Vì đây là dự án tái định cư lần đầu tiên của huyện, các hộ dân chỉ được nhận tiền đền bù tài sản trên đất để chuyển đến nơi ở mới, với diện tích đất bằng nhau. Không biết trong tiền đền bù đã bao hàm cả tiền làm sổ hay chưa, chúng tôi sẽ xem xét lại để sớm cấp sổ cho người dân”.

Trong khi người dân đang ngày đêm mong ngóng sổ đỏ thì chính quyền sở tại lại không có động thái tích cực để giải quyết.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc

Hà Khải - Xuân Sơn

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top