Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 10 năm 2018 | 13:56

“Thay áo” cho vườn cây giúp tăng sinh kế cho nông dân Vị Thủy

Năm 2018, ngoài tập trung cho cây lúa, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) còn khuyến khích cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng sinh kế cho người dân.

vt.jpg

Nhiều nông dân ở huyện Vị Thủy chọn các loại cây trồng có giá trị cao hơn, thay thế những cây trồng kém hiệu quả để phát triển kinh tế.

 

“Thay áo” cho vườn cây

Gia đình ông Nguyễn Văn Quang, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Tây,  một trong 12 hộ của xã tham gia cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng và được địa phương hỗ trợ cây giống. Ông Quang  cho biết: Trước đây, với  4.000m2 vườn, có lúc tôi trồng dừa, mía, khi thì trồng quýt, chuối…, mỗi loại trồng một thời gian ngắn nhưng hiệu quả mang lại không cao. Sau khi được cán bộ kỹ thuật định hướng, tôi cải tạo vườn, trồng 1-2 loại cây mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Hiện, tôi đã lên liếp  trồng cam sành, cam xoàn và bưởi da xanh. So với các loại cây đã trồng trước đó thì cam và bưởi phát triển tốt, hợp đất hơn.

Trong quá trình chuyển đổi cây trồng, ngoài tự học hỏi, ông Quang còn tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Sau gần 3 năm, ông đã thu được những quả ngọt đầu tiên từ quá trình “thay áo” cho vườn cây. Cam sành đã cho trái 2 vụ, còn cam xoàn đang cho thu trái bói.

Nếu cứ đà phát triển thuận lợi thì sắp tới,  cam xoàn và cam sành sẽ cho gia đình ông thu hoạch không dưới 2 tấn trái. Trên bờ liếp, ông mới trồng thêm 100 dây bầu để sau này hái trái bán “lấy ngắn nuôi dài”. Trước đó, ông trồng mấy vụ dưa leo, khổ qua (mướp đắng) để có thêm nguồn thu chi cho sinh hoạt hằng ngày.

Ông Phùng Thái Duy, cán bộ khuyến nông xã Vĩnh Thuận Tây, thông tin thêm: Phong trào cải tạo vườn tạp, thay thế cây trồng kém hiệu quả bằng những loại cây có giá trị kinh tế cao diễn ra khá sôi nổi, nhất là trong 2-3 năm gần đây. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, toàn xã cải tạo 25,93ha vườn tạp. Chủ yếu người dân chuyển sang trồng bưởi da xanh, cam sành, cam xoàn, xoài cát Hòa Lộc… Không chỉ vậy, phần diện tích liếp còn trống, bà con còn trồng xen các loại rau màu như bầu, mướp, khổ qua, dưa leo…,  góp phần cải thiện thu nhập hằng tháng. Song song đó, nhiều hộ trong xã chuyển đổi cơ cấu sản xuất 2 màu - 1 lúa hoặc 2 lúa - 1 cá…, mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn so với sản xuất lúa vụ 3.

Bên cạnh việc chọn loại cây trồng phù hợp mang lại giá trị kinh tế cao, một số nhà vườn còn mạnh dạn mở rộng nhân giống để cung cấp cho nhiều hộ trong và ngoài địa phương. 

Ông Nguyễn Minh Trắng, ở ấp 3, xã Vị Đông, có 16 công (1 công = 1.000m2)  trồng mít ruột đỏ, trong đó có 4 công đang cho trái, ước tính mỗi công cho thu hoạch khoảng 3 tấn trái/vụ. Ngoài bán cho thương lái với giá khoảng 60.000 đồng/kg, năm nay, ông còn ương giống, ghép gần 1.000 cây giống để bán, hiện đã được đặt hàng hết, thậm chí chưa đủ cung cấp vì nhu cầu giống mít này khá cao.

Thu nhập cao

Việc cải tạo vườn tạp, thay thế dần cây trồng kém hiệu quả, phát triển sản xuất đã và đang góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực cho nền kinh tế nông nghiệp của Vị Thủy. Theo thống kê của Trạm Khuyến nông huyện, tính đến tháng 9/2018, toàn huyện có 285,3ha  bưởi, 278,3ha cam, 728,8ha xoài và hơn 1.700ha các loại cây trồng khác.

Bà Trần Hồng Tim, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vị Thủy, nhận định: Những mô hình chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế như bưởi, xoài, cam, mít… đã mang lại hiệu quả cao hơn so với mô hình cũ, cùng với đó là thu nhập của người dân cũng được cải thiện. Bên cạnh đẩy mạnh công tác định hướng, tuyên truyền, ngành chức năng huyện còn phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức nhiều đợt hỗ trợ giống, mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật, đề ra giải pháp tiếp cận vốn để tạo điều kiện cho nhà vườn mạnh dạn tham gia chuyển đổi cây trồng.

 

 

Thiên Trang
Ý kiến bạn đọc
  • Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Mới đầu hè, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân đã đối mặt với “cơn khát”, khi nhiều ao hồ khô cạn, cây trồng thiếu nước...

  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 145 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

Top